Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19-TT

Hà Nội, ngày 17 tháng 05 năm 1965

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN VÀ THỂ THỨC XÉT DUYỆT, CÔNG NHẬN, KHEN THƯỞNG CÁC CƠ QUAN VÀ XÍ NGHIỆP HOÀN THÀNH CHỈ TIÊUKẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC 5 NĂM LẦN THỨ NHẤT VỀ BỔ TÚC VĂN HÓA

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Kính gửi:
Đồng kính gửi

-Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố
-Các Sở, Ty Giáo dục

Tiếp theo Thông tư số 10-TT/TH ngày 3-3-1965 quy định tiêu chuẩn, việc xét duyệt, công nhận và khen thưởng các đơn vị hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch bổ túc văn hóa thuộc địa bàn nông thôn và khu phố trong kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất, theo tinh thần của chỉ thị số 61 của ban Bí thư Trung ương, dựa vào văn bản về kế hoạch giáo dục của một số ngành quản lý nhiều công nhân và ý kiến của một số ngành, một số địa phương, Bộ Giáo dục quy định tiêu chuẩn và thể thức xét duyệt, công nhận, khen thưởng các đơn vị hoàn thành kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất về bổ túc văn hóa thuộc địa bàn cơ quan và xí nghiệp như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA VIỆC XÉT DUYỆT, CÔNG NHẬN, CÔNG BỐ CÁC ĐƠN VỊ HOÀN THÀNH KẾ HOẠCH 5 NĂM LẦN THỨ NHẤT VỀ BỔ TÚC VĂN HÓA

1. Kịp thời phát huy thành tích của các đơn vị làm tốt, phổ biến những kinh nghiệm tốt của các đơn vị đó, đồng thời cổ vũ hướng dẫn phong trào thi đua hoàn thành và hoàn thành có chất lượng kế hoạch bổ túc văn hóa, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua “hai tốt” của toàn ngành giáo dục.

2. Biểu dương khen thưởng thích đáng những đơn vị đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành có chất lượng kế hoạch bổ túc văn hóa 5 năm lần thứ nhất, trên cơ sở đó động viên cán bộ và công nhân ra sức phấn đấu hoàn thành thắng lợi toàn bộ kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất.

II. NỘI DUNG TIÊU CHUẨN CỦA ĐƠN VỊ HOÀN THÀNH KẾ HOẠCH 5 NĂM LẦN THỨ NHẤT VỀ BỔ TÚC VĂN HÓA

Có ba tiêu chuẩn:

Tiêu chuẩn thứ nhất:

1. Tối thiểu có 75% số cán bộ lãnh đạo và cán bộ nghiên cứu tương đương (kể từ 45 tuổi trở xuống) có trình độ hết cấp II bổ túc văn hóa và cao hơn. Số còn lại phải hết cấp I.

Riêng đối với một số đơn vị mà Ủy ban hành chính địa phương nhận thấy có nhiều khó khăn đặc biệt như một số công, nông, lâm trường, một số huyện…có thể đạt thấp hơn mức trên: tối thiểu có 75% số đối tượng trên có trình độ hết lớp 6 A trở lên (năm thứ hai trong hệ thống bốn lớp của cấp II bổ túc văn hóa) trong đó có một phần ba có trình độ hết cấp II. Số còn lại phải hết cấp I.

2. Đối với số cán bộ lãnh đạo từ 46 tuổi trở lên tuy không tính vào chỉ tiêu kế hoạch bổ túc văn hóa nhưng vẫn nên cố gắng đạt mức tương đương (lớp 6, 7) và tối thiểu cũng cần đạt trình độ hết cấp I.

3. Các đối tượng nêu trong tiêu chuẩn này bao gồm:

Ở xí nghiệp, công, nông, lâm nghiệp: Chánh; phó quản đốc các phân xưởng (hoặc đội trưởng; đội phó các đội sản xuất ngang cấp phân xưởng); trưởng, phó phòng; trưởng, phó ban; chánh, phó giám đốc; bí thư chi bộ (hay liên chi) các phân xưởng (hoặc đội sản xuất ngang cấp phân xưởng); thường vụ đảng ủy xí nghiệp; bí thư thanh niên và thư ký công đoàn xí nghiệp; cán sự 3 trở lên.

Ở cơ quan:

- Ủy viên ban hành chính; ủy viên ban chấp hành đảng bộ; trưởng các ngành, các đoàn thể cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, khu phố trực thuộc hai thành phố Hà Nội, Hải Phòng.

- Ủy viên Ủy ban hành chính; ủy viên ban chấp hành đảng bộ; trưởng, phó các ngành; thường vụ các đoàn thể; trưởng, phó các phòng, các ban cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Cán sự 3 trở lên

Tiêu chuẩn thứ hai:

1. Tổi thiểu có 80% số công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ, tổ trưởng sản xuất, đảng viên, đoàn viên (từ 40 tuổi trở xuống) có trình độ hết cấp I bổ túc văn hóa và cao hơn. Số còn lại phải có trình độ hết lớp 3 trừ trường hợp đặc biệt đối với một số rất ít người vì đau yếu nên chưa có điều kiện phấn đấu đạt trình độ quy định.

Riêng đối với một số đơn vị mà Ủy ban hành chính địa phương nhận thấy có nhiều khó khăn như một số nhà máy thuộc liên hợp dệt Nam Định, một số mỏ thuộc công ty than Hòn Gai, một số công, nông, lâm trường…có thể đạt chỉ tiêu thấp hơn: 70% số đối tượng trên có trình độ hết cấp I bổ túc văn hóa và cao hơn. Số còn lại ít nhất phải hết lớp 2 trừ trường hợp đặc biệt đối với một số rất ít người vì đau yếu chưa có điều kiện phấn đấu đạt trình độ quy định.

2. Đối với công nhân lành nghề và đảng viên tuổi từ 41 đến 50 tuy không tính vào chỉ tiêu kế hoạch bổ túc văn hóa nhưng vẫn nên cố gắng đạt mức tương đương (lớp 3, 4) và tối thiểu cũng cần đạt trình độ học hết lớp 2.

3. Các đối tượng nêu trong tiêu chuẩn này bao gồm:

- Tất cả các công nhân được xếp vào các bậc lương kỹ thuật thuộc các ngành có yêu cầu kỹ thuật cao như các ngành cơ khí, điện lực, hóa chất, luyện kim…Còn đối với các ngành mà yêu cầu kỹ thuật chưa đòi hỏi cao lắm thì chỉ tính các công nhân được xếp vào các bậc lương trên trung bình, nếu có 5, 6 bậc thì tính từ bậc 3 trở lên, nếu có 7 bậc thì tính từ bậc 4 trở lên, v.v…;

- Các nhân viên kỹ thuật, nghiệp vụ; các cán sự bậc 1, 2;

- Các tổ trưởng các tổ sản xuất, đảng viên, đoàn viên thanh niên.

Tiêu chuẩn thứ ba:

Tối thiểu có 80% số công nhân, nhân viên làm các loại lao động đơn giản (từ 40 tuổi trở xuống) có trình độ hết lớp hai. Số còn lại phải học hết lớp 1 trừ trường hợp đặc biệt đối với một số ít người vì đau yếu chưa có điều kiện đạt trình độ quy định.

Chú ý:

Đối với cán bộ, công nhân là người dân tộc, Việt kiều mới về nước thì khi tính được hạ xuống một lớp học.

Trong khi xét duyệt thành tích của đơn vị cơ sở, ngoài tiêu chuẩn đã quy định trên cần chú ý đến tác dụng của việc học tập bổ túc văn hóa đối với việc nâng cao trình độ tư tưởng, quản lý kinh tế, cải tiến kỹ thuật và phục vụ nhu cầu đào tạo cán bộ, đồng thời chú ý đến những biện pháp thực hiện nhằm đảm bảo cho phong trào phát triển vững chắc, có chất lượng và không ngừng tiến lên.

III. THỂ THỨC VÀ QUYỀN HẠN XÉT DUYỆT CÔNG NHẬN

Tùy theo đơn vị xí nghiệp lớn hay nhỏ, Ủy ban hành chính tỉnh, thành có thể trực tiếp hoặc ủy nhiệm cho Sở, Ty Giáo dục kiểm tra xác nhận.

Để giúp cho việc kiểm tra của trên được thuận tiện, sát đúng, những đơn vị được kiểm tra phải chuẩn bị đầy đủ các báo cáo thống kê cần thiết và phải tự thẩm tra trước cho kỹ lưỡng.

Cần tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, công nhân tinh thần nghiêm chỉnh thực hiện kế hoạch, kiên quyết chống xu hướng hình thức, chạy theo thành tích, đi đến công nhận non ẩu. Đồng thời cũng tránh cách làm máy móc, không chiếu cố điều kiện cụ thể của mỗi cơ sở khi đánh giá thành quả đã đạt được.

Hiện nay hầu hết các địa phương đều tổ chức năm học bổ túc văn hóa theo năm học phổ thông, cho nên thời gian kết thúc kế hoạch bổ túc văn hóa 5 năm lần thứ nhất sẽ là ngày 30-6-1966.

Vì trình độ văn hóa xuất phát khi bước vào kế hoạch 5 năm cũng như điều kiện học tập của các xí nghiệp rất khác nhau, cho nên khi xét đề nghị khen thưởng một đơn vị nào đó; Ủy ban hành chính và các Sở, Ty Giáo dục cần phải chú ý một cách toàn diện không nên chỉ chú ý đến mặt chỉ tiêu số lượng.

Việc hoàn thành tốt kế hoạch bổ túc văn hóa 5 năm lần thứ nhất là một đóng góp quan trọng cho việc hoàn thành toàn diện kế hoạch Nhà nước 5 năm thứ nhất và cho phong trào thi đua “hai tốt” của ngành giáo dục.

Yêu cầu Ủy ban hành chính các khu, tỉnh; thành phố nghiên cứu kỹ thông tư này và đặt kế hoạch chỉ đạo các cấp ra sức phấn đấu hoàn thành có chất lượng vững chắc kế hoạch bổ túc văn hóa. Trong quá trình thực hiện, nếu có ý kiến hay kinh nghiệm gì, mong các địa phương phản ánh kịp thời để Bộ Giáo dục nghiên cứu bổ sung và phổ biến

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC




Nguyễn Văn Huyên

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 19-TT-1965 quy định tiêu chuẩn và thể thức xét duyệt, công nhận, khen thưởng các cơ quan và xí nghiệp hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất về Bổ túc văn hóa do Bộ Giáo dục ban hành

  • Số hiệu: 19-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 17/05/1965
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục
  • Người ký: Nguyễn Văn Huyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản