BỘ NỘI THƯƠNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 18-NT | Hà Nội, ngày 11 tháng 6 năm 1970 |
HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC ĐỐI VỚI TÀI SẢN CỦA NHÀ NƯỚC
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG
Hội đồng Chính phủ đã ban hành nghị định số 49-CP ngày 09-04-1968 về chế độ trách nhiệm vật chất của công nhân, viên chức đối với tài sản của Nhà nước; Liên bộ Tài chính – Lao động - Tổng công đoàn đã có thông tư số 128-TT/LB ngày 24-07-1968 hướng dẫn thi hành. Các cấp trong ngành cần nghiên cứu kỹ nghị định và thông tư nói trên để nắm vững tinh thần và nội dung, thi hành cho đúng.
Căn cứ vào điều 15 và 19 của chế độ trách nhiệm vật chất, để việc thi hành chế độ này phù hợp với tình hình, đặc điểm của ngành, sau khi Bộ Tài chính, Bộ Lao động và Tổng công đoàn đã thỏa thuận, Bộ quy định và hướng dẫn những điểm cụ thể sau đây để áp dụng thống nhất trong toàn ngành.
Ngành nội thương là một ngành kinh tế, làm công tác lưu thông phân phối, được Đảng và Nhà nước giao cho quản lý một khối lượng tài sản rất lớn và không ngừng được tăng thêm, ngành ta có trách nhiệm phải gìn giữ, bảo vệ tài sản đó, không để hư hao quá mức và thiệt hại, đồng thời phải biết sử dụng nó để phục vụ tốt nhất cho sản xuất và đời sống.
Kiểm điểm lại trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ tài sản của ngành ta đã có chuyển biến thể hiện rõ sau cuộc vận động ba xây, ba chống và sau những đợt học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Chính phủ về bảo vệ tài sản, thực hành tiết kiệm, và cuộc vận động tăng cường quản lý thị trường. Nhưng nói chung thì sự chuyển biến còn chậm, chưa đều, chưa tốt, tình trạng buông lỏng quản lý chưa được khắc phục về cơ bản; trong những năm cả nước có chiến tranh, công tác quản lý, bảo vệ tài sản lại có khó khăn mới và có nhiều khâu bị buông lỏng, do đó tài sản bị thiệt hại tăng nhanh và nhiều.
Những thiếu sót trong việc quản lý, bảo vệ tài sản ở ngành ta do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng phải nghiêm khắc kiểm điểm về phía chủ quan của chúng ta. Khuyết điểm chủ quan là:
- Việc giáo dục chính trị và tư tưởng cho cán bộ, nhân viên làm chưa được đầy đủ và thường xuyên, nên tinh thần trách nhiệm và ý thức làm chủ tập thể còn yếu;
- Các chế độ, thể lệ về quản lý, bảo vệ tài sản không được chấp hành nghiêm chỉnh, công tác quản lý không chặt chẽ, việc kiểm tra đôn đốc thiếu thường xuyên;
- Việc thưởng phạt không nghiêm minh, không kịp thời và còn phiến diện.
Thực tế đã chứng minh rằng phần lớn những thiệt hại tài sản xẩy ra trong ngành ta chủ yếu là do thiếu trách nhiệm, không chấp hành đúng chế độ, không tôn trọng kỷ luật, nội quy công tác và buông lỏng quản lý gây nên.
Thi hành chế độ trách nhiệm vật chất của công nhân, viên chức đối với tài sản của Nhà nước không những là một nhiệm vụ chấp hành nguyên tắc, chế độ của Nhà nước, mà còn là một trong những biện pháp quan trọng để sửa chữa, khắc phục những thiếu sót trong công tác quản lý tài sảncủa ngành. Để phát huy được tác dụng của chế độ trách nhiệm vật chất và để việc thi hành chế độ ấy đưa lại hiệu quả thiết thực, phải nắm thật vững những điểm chính sau đây:
1.Trước hết và là điều quan trọng nhất là phải làm cho mọi người nhận thức được tinh thần cơ bản của chế độ trách nhiệm vật chất là nhằm đề cao trách nhiệm quản lý, bảo vệ tài sản Nhà nước. Mỗi người cần có nhận thức sâu sắc và đầy đủ về trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, bảo vệ tài sản của Nhà nước, coi đó là yêu cầu cơ bản của việc quản lý nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, là một vấn đề thuộc về đạo đức cách mạng. Đồng thời cũng phải làm cho mọi người thấy rõ chế độ trách nhiệm vật chất còn thể hiện đúng đắn chính sách cán bộ của Đảng và Nhà nước để tin tưởng, an tâm, phấn khởi công tác.
2.Việc xác định lỗi là vấn đề quan trọng, vì lỗi là căn cứ để quy trách nhiệm bồi thường, người nào có lỗi gây ra thiệt hại thì người đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Vì vậy, cần xác định lỗi và mức độ lỗi một cách đúng đắn để xử lý được thỏa đáng. Khi điều tra, phân tích lỗi và mức độ lỗi cũng cần chú ý đến hoàn cảnh xẩy ra thiệt hại, trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ của đương sự, trách nhiệm được giao, tinh thần thái độ công tác và ý thức bảo vệ của công thường ngày của đương sự. Công việc điều tra, xác định trách nhiệm phải được tiến hành chu đáo theo đường lối quần chúng, với sự tham gia của công đoàn cơ sở.
3.Đi đôi với việc xử lý nghiêm minh đối với những người gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, phải chú ý biểu dương, khen thưởng kịp thời và thích đáng đối với những cá nhân, đơn vị có nhiều thành tích trong việc quản lý, bảo vệ tài sản. Phải coi đó là tiêu chuẩn thi đua trong các dịp sơ kết, tổng kết công tác; là một trong những tiêu chuẩn để nhận xét, đánh giá về chất lượng của cán bộ, công nhân viên.
4.Đối với công nhân viên chức phạm lỗi, sau khi đã xử lý quyết định bồi thường thì thủ trưởng đơn vị và công đoàn cơ sở có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ, động viên để anh chị em có thêm nghị lực, an tâm, tích cực công tác. Nếu sau khi xử lý, người phạm lỗi có nhiệt tình lao động, hăng say công tác, lập được thành tích xuất sắc, hoặc trong đời sống có khó khăn đột xuất không khắc phục được (như gặp thiên tai, địch họa, ốm đau…) thì thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp phải bàn bạc với công đoàn cơ sở để báo cáo, kiến nghị cấp trênxét cho tạm hoãn, giảm hoặc miễn bồi thường (như đã quy định tại điều 14 chế độ trách nhiệm vật chất và hướng dẫn tại Thông tư liên bộ Tài chính – Lao động – Tổng công đoàn).
II. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG THI HÀNH CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT
1. Phạm vi thi hành.
Điều 5 của chế độ trách nhiệm vật chất quy định: “công nhân, viên chức thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc vi phạm kỷ luật lao động trong khi làm nhiệm vụ sản xuất, công tác mà gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước thì phải bồi thường thiệt hại cho công quỹ, theo chế độ này; ngoài ra, còn có thể bị thi hành kỷ luật theo điều lệ về kỷ luật lao động”.
Theo tinh thần nói trên, chế độ trách nhiệm vật chất chỉ áp dụng cho công nhân, viên chức Nhà nước về những vụ thiệt hại xẩy ra do thiếu tinh thần trách nhiệm như làm bừa, làm ẩu, tắc trách qua loa, đại khái, không làm tròn trách nhiệm được giao,…hoặc vi phạm kỷ luật lao động trong quá trình sản xuất, công tác, nghĩa là vi phạm chế độ, nội quy công tác, quy trình, quy phạm sản xuất; vi phạm một trong năm điều kỷ luật lao động đã quy định trong điềulệ về kỷ luật lao động ban hành kèm theo nghị định số 195-CP ngày 31-12-1964 của Hội đồng Chính phủ.
Như vậy là có những vụ thiệt hại tài sản không thuộc phạm vi xử lý của chế độ này, như:
- Những vụ tham ô, biển thủ của công, phá hoại tài sản của Nhà nước, nói chung là các hành vi cố ý gây thiệt hại bằng cách này hay cách khác tài sản của Nhà nước đều thuộc thẩm quyền xét xử của các cơ quan tư pháp. Những vụ “tham ô lặt vặt” mà cơ quan kiểm sát xét chưa đến mức truy tố, giao về cơ quan, xí nghiệp xử lý cũng không áp dụng chế độ này;
- Những vụ gây ra thiệt hại không phải trong trường hợp thi hành nhiệm vụ được giao, không phải trong trường hợp được quyền sử dụng tài sản, cũng không thuộc phạm vi xử lý theo chế độ này vì đó là những việc thuộc về trách nhiệm dân sự, nghĩa là phải đền bù theo sự xét xử của tòa án dân sự;
- Những vụ gây ra thiệt hại nghiêm trọng tài sản của Nhà nước do thiếu tinh thần trách nhiệm nếu phải truy tố theo sắc lệnh số 267-SL ngày 15-06-1956 thì việc bồi thường sẽ do cơ quan tư pháp quyết định, không thi hành theo chế độ này (mức độ như thế nào coi là nghiêm trọng thì trong thực tế khi có sự việc xẩy ra, cần hỏi ý kiến Viện kiểm sát nhân dân đồng cấp và xin ý kiến Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố nếu là xí nghiệp, cơ quan của địa phương hoặc xin ý kiến Bộ nếu là xí nghiệp, cơ quan trực thuộc Bộ quản lý);
- Đối với những trường hợp làm ra hàng hỏng, hàng xấu, những công trình xây dựng sai phạm kỹ thuật cũng không thi hành theo chế độ này, mà phải bồi thường theo thông tư số 97-TTg ngày 29-09-1962 của Thủ tướng Chính phủ;
- Những vụ gây ra thiệt hại tài sản do những đối tượng không phải là công nhân, viên chức Nhà nước như những người làm khoán tư nhân hay hợp tác xã nhận làm gia công, chế biến cũng đền bù theo trách nhiệm dân sự.
2. Đối tượng thi hành.
Theo điều 1 của chế độ trách nhiệm vật chất thì đối tượng thi hành chế độ này là những công nhân, viên chức làm việc lâu dài hay tạm thời (trong biên chế hay ngoài biên chế Nhà nước, thuộc lực lượng lao động thường xuyên hay không thường xuyên), dù ở cương vị nào (là cán bộ lãnh đạo hay công nhân, nhân viên), trong cơ quan, xí nghiệp từ cấp huyện trở lên.
Như vậy đối với ngành nội thương thì đối tượng thi hành chế độ này là tất cả cán bộ, công nhân, viên chức trong ngành không phân biệt ở trong hay ngoài biên chế; không phân biệt là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý hay cán bộ, công nhân, nhân viên không phân biệt ở cơ quan quản lý hay cơ quan sự nghiệp; không phân biệt ở xí nghiệp sản xuất hay kinh doanh; thuộc xí nghiệp quốc doanh hay công tư hợp doanh và kể cả hợp tác xã mua bán ở huyện.
Riêng đối với tổ chức hợp tác xã mua bán xã, thuộc kinh tế của tập thể thì không thi hành chế độ này mà thi hành theo các chế độ, thể lệ quản lý của Nhà nước quy định đối với kinh tế tập thể và các thể lệ, nội quy do đại hội xã viên quy định. Cục hợp tác xã mua bán có trách nhiệm giúp Bộ nghiên cứu những chế độ, thể lệ nội quy về quản lý, bảo vệ tài sản của tập thể, chế độ đền bù thiệt hại tài sản đối với hợp tác xã mua bán xã, căn cứ vào chế độ này để quy định những điều cần bổ sung hay sửa đổi cho đúng với yêu cầu và nguyên tắc quản lý nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, đồng thời sát với trình độ quản lý của hợp tác xã mua bán xã, theo chức năng và quyền hạn đã được Bộ quy định.
Dưới đây Bộ nêu một số thí dụ về các trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc vi phạm kỷ luật lao động phải bồi thường theo chế độ trách nhiệm vật chất.
a)đối với cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý:
nếu do thiếu tinh thần trách nhiệm như quan liêu, tắc trách vi phạm những nguyên tắc, chế độ, thể lệ quản lý, bảo vệ tài sản Nhà nước, không chấp hành chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, không kiểm tra, đôn đốc và giải quyết kịp thời những đề nghị của cấp dưới để thiệt hại tài sản của nhà nước, như:
- ra lệnh điều động hàng hóa, ra lệnh
xuất nhập hàng hóa tùy tiện, để thất lạc, mất mát không truy cứu được; cho lệnh tiếp nhận hàng hóa không đúng quy cách, phẩm chất xấu… gây ra thiệt hại tài sản;
- Ra lệnh chi tiêu không đúng chế độ, cho vay tạm ứng tùy tiện gây ra thiệt hại cho công quỹ;
- Nhận được chỉ thị của cấp trên nhưng không chấp hành đầy đủ để xẩy ra thiệt hại, như đã có lệnh cấp trên phải đi chuyển hàng hóa đến nơi an toàn đề phòng lụt, bão…nhưng không chấp hành để tài sản bị thiệt hại;
- Nhận được báo cáo, đề nghị của cấp dưới nhưng không giải quyết kịp thời để xẩy ra thiệt hại, thí dụ cửa hàng hay kho phát hiện hàng đã có hiện tượng kém phẩm chất hay gần hết thời hạn an toàn cần phải giải quyết nhanh nhưng chủ nhiệm công ty hay giám đốc xí nghiệp không chỉ đạo giải quyết kịp thời.
b) Đối với cán bộ, nhân viên nghiệp vụ, kỹ thuật:
Nếu do thiếu tinh thần trách nhiệm, không làm tròn trách nhiệm được giao hoặc vi phạm nguyên tắc, chế độ, nội quy quản lý, vi phạm kỷ luật lao động gây ra thiệt hại tài sản Nhà nước, như:
- Nhân viên nghiệp vụ, kho vận điều động hàng hóa, sử dụng phương tiện thiếu kế hoạch gây ra lãng phí như vận chuyển loanh quanh, phải phạt lưu toa, lưu bãi, phải trả cước vận chuyển khống;
- Nhân viên kiểm nghiệm, thu hóa, thu nhận hàng hóa không đúng tiêu chuẩn, không đúng quy cách, phẩm chất gây ra thiệt hại;
- Nhân viên kỹ thuật không chấp hành nội quy, quy trình, quy phạm về sử dụng và bảo quản để máy móc, thiết bị, dụng cụ, nguyên liệu bị hư hỏng;
- Nhân viên kế hoạch không chấp hành các nguyên tắc, chế độ, thủ tục đã quy định trong việc tính toán, ghi chép, theo dõi thanh toán để thiệt hại tài sản như làm thất lạc chứng từ không đòi được nợ, thanh toán nhầm lẫn, ghi chép sai sót để mất tài sản không truy cứu được;
- Nhân viên vật giá cho giá sai giá chỉ đạo gây ra thiệt hại…
c) Đối với cán bộ, nhân viên làm công tác trực tiếp quản lý tài sản:
Nếu do thiếu tinh thần trách nhiệm hay vi phạm kỷ luật lao động gây ra thiệt hại tài sản, như:
- Nhân viên làm công tác thu mua, bán hàng không tôn trọng các quy định về bảo quản, bảo vệ hàng hóa dụng cụ, để hàng hóa hư hỏng, biến chất, làm hư hỏng hàng hóa, dụng cụ; làm mất tiền, mất hàng, mất dụng cụ…;
- Nhân viên bảo quản hàng hóa (thủ kho) không tôn trọng quy định về bảo quản, bảo vệ hàng hóa, kho tàng, dụng cụ, làm hư hỏng hàng hóa, làm mất hàng hóa, làm hư hỏng dụng cụ, làm mất dụng cụ…;
- Nhân viên giao nhận, vận chuyển hàng hóa, để hàng hóa bị hư hỏng, bị mất trong quá trình giao nhận vận chuyển;
- Công nhân lái xe không chấp hành luật lệ giao thông để xe bịđâmđổ; không chấp hành nội quy bảo vệ làm cháy xe…
Cần chú ý:
- Những thí dụ trên đây, khi nghiên cứu để xử lý bồi thường cần phân biệt các trường hợp làm hư hỏng tài sản và các trường hợp làm mất tài sản;
- Nếu chỉ làm hư hỏng tài sản của Nhà nước thì có thể phải bồi thường cả hay một phần sự thiệt hại, nhưng mức bồi thường tối đa không quá 3 tháng lương và phụ cấp lương (phụ cấp khu vực) của người phạm lỗi;
- Nếu làm mất tài sản của Nhà nước thì nguyên tắc phải bồi thường toàn bộ như vẫn thi hành từ trước đến nay. Trong trường hợp cụ thể, nếu xét có đầy đủ lý do để xác minh là tài sản bị mất không phải do tham ô, biển thủ, tức là không có nghi vấn tham ô, biển thủ, thì thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp phải cùng công đoàn cơ sở bàn bạc thống nhất sau khi đã lấy ý kiến của đông đảo quần chúng trong đơn vị được đề nghị lên cấp trên xét quyết định mức bồi thường thấp hơn trị giá tài sản bị mất. Đây là “cái mới” được quy định cụ thể trong chế độ trách nhiệm vật chất, một mặt tránh được sơ hở, ngăn chặn mọi tính toán, lợi dụng chế độ, nhưng mặt khác lại cần tránh việc bắt bồi thường toàn bộ một cách máy móc, không hợp tình, không hợp lý. Cụ thể như thủ quỹ, thủ kho, nhân viên mua bán hàng…để mất tiền, mất hàng nếu không có lý do thì phải bồi thường toàn bộ tài sản bị mất, nếu có nghi vấn tham ô, lợi dụng thì phải yêu cầu cơ quan có trách nhiệm, điều tra xét xử, nếu có đầy đủ lý do để xác minh là tài sản bị mất không phải do tham ô, biển thủ thì có thể đề nghị cấp trên xét quyết định cho bồi thường thấp hơn giá trị tài sản bị mất.
Đối với hàng hóa, vật tư thiếu hụt thì cần phân biệt phần nào là mất, phần nào là hao hụt (nếu là loại hàng có hao hụt tự nhiên trong quá trình vận chuyển, bảo quản…) Nếu là loại hàng không có hao hụt tự nhiên thì thiếu tức là mất, và nếu đã để mất tài sản thì phải bồi thường toàn bộ; nếu xét có nghi vấn tham ô, lợi dụng thì phải giao cho cơ quan có trách nhiệm điều tra, xét xử, nếu không có vần đề nghi vấn tham ô, biển thủ thì có thể đề nghị cấp trên xét quyết định mức bồi thường thấp hơn giá trị tài sản bị mất. Nếu là hàng hóa thiếu do hao hụt tự nhiên thì cần nghiên cứu để xác minh, loại trừ phần hao hụt hợp lý, còn phần hao hụt vượt định mức do người phụ trách hàng hóa đó thiếu trách nhiệm hoặc vi phạm kỷ luật lao động gây ra thì phải bồi thường.
Đối với các trường hợp hàng hóa bị hư hỏng, kém phẩm chất khi xử lý cần phân biệt trách nhiệm của từng khâu (sản xuất, vận chuyển, bảo quản, mua vào, bán ra) và phân biệt trách nhiệm từng người (cán bộ quản lý, cán bộ nghiệp vụ, người bảo quản hàng hóa…). Thí dụ: nhân viên bảo quản, nhân viên mua bán hàng để hàng hóa hư hỏng, kém phẩm chất thì trách nhiệm là thuộc các người đó, kể cả trường hợp hàng hóa đã bị hư hỏng từ trước nhưng khi nhận không phát hiện ra. Nếu đã phát hiện nhưng cán bộ quản lý, cán bộ phụ trách cho lệnh phải nhận thì trách nhiệm là của người quản lý, người phụ trách.
Hàng hóa sử dụng có thời hạn thì khi nhận về, cán bộ quản lý, cán bộ nghiệp vụ phải giao trách nhiệm cụ thể cho thủ kho, người bán hàng, nếu để quá thời hạn sử dụng người bảo quản hàng không báo cáo hàng bị hư hỏng thì trách nhiệm thuộc người bảo quản, nếu đã báo cáo thì trách nhiệm thuộc người quản lý chịu.
III. THẨM QUYỀN XỬ LÝ, ĐỊNH MỨC BỒI THƯỜNG
Về thẩm quyền xử lý và định mức bồi thường thiệt hại, thì chỉ trừ những trường hợp thuộc quyền xét xử của Tòa án, còn đều do đơn vị xí nghiệp, cơ quan là tổ chức chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp tài sản xử lý và giải quyết việc bồi thường.
Tuy nhiên, vì các đơn vị xí nghiệp, cơ quan thuộc ngành ta có nhiều loại, tài sản được quản lý có khối lượng và giá trị lớn nhỏ khác nhau, do đó cần có sự quy định thẩm quyền và mức độ xử lý cụ thể cho từng loại.
Dưới đây là những quy định cụ thể của Bộ cho tất cả các đơn vị xí nghiệp, cơ quan trong toàn ngành nội thương.
1. Thẩm quyền xử
Các đơn vị kinh doanh, sản xuất, hạch toán kinh tế cấp I và các đơn vị sự nghiệp dự toán cấp II trực thuộc Bộ quản lý, các đơn vị kinh doanh, sản xuất hạch toán kinh tế cấp II và các đơn vị sự nghiệp thương nghiệp thuộc địa phương quản lý đều có thầm quyền xử lý các vụ thiệt hại tài sản thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của đơn vị.
Các cơ sở phụ thuộc các đơn vị xí nghiệp, cơ quan nói trên không được quyền xử lý, nhưng có trách nhiệm lập hồ sơ, báo cáo các vụ thiệt hại tài sản của cơ sở để đề nghị thủ trưởng đơn vị hạch toán kinh tế quyết định. Riêng đối với những cơ sở phụ thuộc, có cử người phụ trách chung, giữ chức vụ như cửa hàng trưởng, trạm trưởng…hoặc chức vụ tương đương và có cán bộ kế toán chuyên trách, được thủ trưởng đơn vị hạch toán kinh tế bổ nhiệm chính thức thì những cơ sở này có thể được giao trách nhiệm giải quyết những vụ thiệt hại lặt vặt xẩy ra hàng ngày trong quá trình kinh doanh, sản xuất. Nhưng thủ trưởng đơn vị hạch toán kinh tế phải quy định trách nhiệm cụ thể bằng văn bản cho các cơ sở phụ thuộc, đồng thời phải chịu trách nhiệm về những việc cơ sở đã giải quyết.
2. Mức xử lý.
Mức xử lý là căn cứ vào mức độ tài sản bị thiệt hại, đồng thời phải căn cứ vào khối lượng và trị giá tài sản đơn vị được quản lý, (như cũng là đơn vị hạch toán kinh tế, nhưng các công ty cấp I quản lý một khối lượng hàng hóa lớn gấp nhiều lần so với các công ty cấp II, các đơn vị hạch toán kinh tế ở huyện…)
Căn cứ vào tình hình tổ chức và trình độ quản lý của ngành hiện tại, Bộ tạm thời quy định mức xử lý cho từng loại đơn vị kinh doanh, sản xuất, sự nghiệp và cơ quan quản lý của ngành như sau:
a) Đối với cơ quan, xí nghiệp trực thuộc Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố quản lý:
- Được thẩm quyền xử lý các vụ thiệt hại tải sản xẩy ra trong đơn vị, từng vụ không quá năm trăm đồng (500đ), gồm có các đơn vị kinh doanh, sản xuất hạch toán kinh tế ở huyện, thị xã, khu phố (kể cả hợp tác xã mua bán ở huyện);
- Được thẩm quyền xử lý các vụ thiệt hại tài sản xẩy ra trong đơn vị, từng vụ không quá năm nghìn đồng (5.000đ), gồm có các công ty cấp II và các đơn vị kinh doanh, sản xuất tương đương trực thuộc các ty, sở thương nghiệp tỉnh, thành phố;
- Được thẩm quyền xử lý các vụ thiệt hại tài sản xẩy ra trong đơn vị từng vụ không quá năm trăm đồng (500đ) và ở các đơn vị trực thuộc từng vụ không quá mười nghìn đồng (10.000đ), gồm có: Các ty thương nghiệp thuộc các tỉnh miền núi (trừ tỉnh Bắc-thái), Ty thương nghiệp khu vực Vĩnh linh, Sở ăn uống và phục vụ thành phố Hà-nội;
- Được thẩm quyền xử lý các vụ thiệt hại tài sản xẩy ra trong đơn vị từng vụ không quá một nghìn đồng (1.000đ) và ở các đơn vị trực thuộc từng vụ không quá hai mươi nghìn đồng (20.000đ) gồm có: Các ty thương nghiệp thuộc các tỉnh trung du và đồng bằng, Ty thương nghiệp tỉnh Bắc-thái, các sở thương nghiệp thành phố Hà-nội và Hải-phòng.
b) Đối với các cơ quan xí nghiệp trực thuộc Bộ quản lý:
- Được thẩm quyền xử lý các vụ thiệt hại tài sản xẩy ra trong đơn vị từng vụ không quá năm trăm đồng (500đ) gồm có các đơn vị dự toán cấp II như Cục quản lý phẩm chất hàng hóa và đo lường, các trường trung học và đại học thương nghiệp, bệnh viện…;
- Được thẩm quyền xử lý các vụ thiệt hại tài sản xẩy ra trong đơn vị từng vụ không quá mười nghìn đồng (10.000đ) gồm có các công ty cấp I và các đơn vị kinh doanh sản xuất tương đương trực thuộc các cục kinh doanh;
- Được thẩm quyền xử lý các vụ thiệt hại tài sản xẩy ra trong đơn vị từng vụ không quá một nghìn đồng (1.000đ) và các đơn vị trực thuộc từng vụ không quá mười nghìn đồng (10.000đ) gồm có Cục ăn uống và phục vụ. Cục kho vận;
- Được thẩm quyền xử lý các vụ thiệt hại tài sản xẩy ra trong đơn vị từng vụ không quá hai nghìn đồng (2.000đ) và ở các đơn vị trực thuộc từng vụ không quá năm mươi nghìn đồng (50.000đ) gồm có các cục kinh doanh; trực thuộc Bộ (trừ Cục ăn uống và phục vụ, Cục kho vận);
- Đối với các cục nghiệp vụ và các vụ, ban, phòng thuộc cơ quan Bộ, tài sản do văn phòng Bộ quản lý, thì các vụ thiệt hại tài sản xẩy ra ở đâu đều do thủ trưởng của đơn vị đó phối hợp với chánh văn phòng Bộ nghiên cứu xử lý, có sự tham gia của công đoàn cơ sở đơn vị đó báo cáo thủ trưởng Bộ quyết định.
Đối với các vụ thiệt hại tài sản trên mức quy định nói ở các điểm (a và b) trên đây, xẩy ra ở cơ quan, xí nghiệp thuộc cấp nào quản lý sẽ do cơ quan quản lý cấp trên của cơ quan, xí nghiệp đó xử lý và quyết định.
3. Định mức bồi thường.
Mức bồi thường là căn cứ vào mức độ lỗi và trị giá của tài sản bị thiệt hại, ngoài ra cần xem xét đến hoàn cảnh xẩy ra thiệt hại, tinh thần thái độ công tác, ý thức bảo vệ tài sản của người phạm lỗi.
Khi định mức bồi thường phải phân biệt trường hợp làm hư hỏng tài sản và trường hợp làm mất tài sản. Nếu làm hư hỏng tài sản của Nhà nước thì tùy theo tình hình cụ thể, có thể bắt bồi thường cả hay một phần sự thiệt hại nhưng mức bồi thường tối đa không quá 3 tháng lương và phụ cấp lương (phụ cấp khu vực) của người phạm lỗi. Nếu làm mất tài sản của Nhà nước thì nguyên tắc phải bồi thường toàn bộ tài sản bị mất như vẫn thi hành từ trước đến nay.
Về thẩm quyền định mức bồi thường tài sản bị thiệt hại là tùy thuộc vào thẩm quyền xử lý và mức xử lý cho từng loại cơ quan, xí nghiệp đã nói ở phần trên. Nghĩa là đơn vị nào, cấp nào có thẩm quyền xử lý và mức xử lý đến đâu thì đơn vị ấy, cấp ấy được quyết định mức bồi thường, chỉ trừ những trường hợp miễn hoặc giảm mức bồi thường thì phải đề nghị cấp trên xét và quyết định, sau khi cơ quan cấp trên đã trao đổi với cơ quan tài chính cùng cấp (sở, ty tài chính hoặc Bộ Tài chính).
Để việc xử lý và quyết định mức bồi thường được chặt chẽ và đúng mức, tất cả các vụ thiệt hại tài sản được xử lý và quyết định bồi thường đều phải báo cáo cho cơ quan quản lý cấp trên để thẩm tra lại. Trường hợp định mức bồi thường tối đa 3 tháng lương thì phải được cấp trên duyệt trước khi thi hành.
4. Thẩm tra việc xử lý.
Việc thẩm tra, sửa đổi hay bãi bỏ quyết định bồi thường , xét các đề nghị miễn, giảm, hoãn bồi thường của các cơ quan, xí nghiệp cấp dưới là thẩm quyền của các cơ quan cấp trên trực tiếp của các cơ quan, xí nghiệp đó. Cụ thể là ở địa phương thì các ty, sở thương nghiệp là cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của các công ty cấp II và các đơn vị kinh doanh sản xuất trực thuộc; Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố là cấp quản lý trực tiếp các ty, sở thương nghiệp; ở trung ương thì các cục kinh doanh, các cục nghiệp vụ là cơ quan quản lý trực tiếp của các công ty cấp I và các đơn vị kinh doanh sản xuất trực thuộc. Bộ là cấp quản lý trực tiếp các cục kinh doanh, các cục nghiệp vụ và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
5. Hội đồng kỷ luật.
Nói chung đối với các vụ thiệt hại tài sản đã xác định được trách nhiệm rõ ràng, sự thiệt hại không lớn, người phạm lỗi đã nhận trách nhiệm bồi thường thì không cần đưa ra hội đồng kỷ luật mà thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp có thể quyết định mức bồi thường, sau khi đã bàn bạc với ban chấp hành công đoàn cơ sở và kế toán trưởng của đơn vị. Nhưng nếu sự việc xẩy ra phức tạp, thiệt hại tương đối lớn thì thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp phải đưa ra hội đồng kỷ luật xét xử và quyết định việc bồi thường, sau khi đã bàn bạc với kế toán trưởng đơn vị (việc quy định những thiệt hại tài sản phải đưa ra hội đồng kỷ luật cơ quan xét, sẽ do Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố thông qua các ty, sở thương nghiệp căn cứ vào tình hình, đặc điểm của địa phương để quy định cụ thể cho các đơn vị cơ quan, xí nghiệp trực thuộc, và các cục kinh doanh, các cục nghiệp vụ sẽ căn cứ vào đặc điểm của từng ngành hàng mà có quy định cụ thể cho các đơn vị trực thuộc.
Về thành phần Hội đồng kỷ luật thì như đã quy định tại điều 9 bản điều lệ về kỷ luật lao động ban hành kèm theo nghị định số 195-CP ngày 31-12-1964 của Hội đồng Chính phủ. Cụ thể trong ngành nội thương là:
- Chủ nhiệm công ty, xí nghiệp hay thủ trưởng cơ quan chủ trì,
- Một đại diện của ban chấp hành công đoàn cơ sở,
- Một đại biểu công nhân, viên chức tại bộ phận làm việc của đương sự đề cử.
Nếu việc đưa ra hội đồng kỷ luật xét có liên quan đến kỹ thuật thì có thể mời người có thẩm quyền về kỹ thuật đến tham gia ý kiến.
Ý kiến của hội đồng kỷ luật là ý kiến đề nghị, không phải là ý kiến quyết định, nhưng cần được tôn trọng. Người phạm lỗi được mời đến trình bày ý kiến của mình đối với nhận xét và kết luận của hội đồng kỷ luật.
Trước khi thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp quyết định việc bồi thường, cần lấy ý kiến của kế toán trưởng đơn vị (theo điều 10 điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước).
Đối với những vụ thiệt hại tài sản do thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp gây ra, hoặc cán bộ lãnh đạo cấp tương đương, thì cơ quan, xí nghiệp phải lập hồ sơ gửi lên cơ quan cấp trên trực tiếp của đơn vị để xét quyết định việc bồi thường. Trước khi quyết định, thủ trưởng cơ quan cấp trên phải đưa ra hội đồng kỷ luật của cơ quan, xí nghiệp có tài sản bị thiệt hại để xét, và bàn bạc với cơ quan tài chính cùng cấp, (trường hợp thủ trưởng phạm lỗi thì hội đồng kỷ luật do phó thủ trưởng chủ trì, nếu không có phó thủ trưởng thì cơ quan quản lý cấp trên cử một đại diện của cơ quan mình hoặc chỉ định một cán bộ có chức vụ cao nhất trong đơn vị đó chủ trì).
6. Thời hạn xử lý.
Trong phạm vi thẩm quyền quyết định, các đơn vị, các cấp phải xử lý xong các vụ thiệt hại xẩy ra thời hạn tối đa là ba tháng kể từ ngày xẩy ra sự việc.
Đối với những vụ thiệt hại vượt thẩm quyền quyết định của đơn vị cấp nào thì trong một tuần lễ đơn vị cấp ấy phải báo cáo lên cấp trên trực tiếp để cấp trên nắm được tình hình và sau đó chậm nhất một tháng kể từ ngày xẩy ra sự việc phải có đầy đủ hồ sơ gửi cấp trên để cấp trên xét và quyết định.
Đối với những vụ thiệt hại cấp dưới đã xử lý, gửi cấp trên để thẩm tra hoặc xin xét duyệt (như đã nói tại điểm 4 mục III về thẩm tra việc xử lý) thì chậm nhất là sau một tháng kể từ ngày nhận được báo cáo, cấp trên phải trả lời cấp dưới bằng văn bản, nếu quá thời hạn ấy cấp trên không có ý kiến gì thì coi như đã chấp thuận việc xử lý của cấp dưới.
7. Một số điểm cần chú ý về thẩm quyền xử lý và định mức bồi thường.
a) Về trị giá tài sản bị thiệt hại, xử lý bồi thường cho công quỹ được quy định trong thông tư này là trị giá tài sản thực tế bị thiệt hại, cụ thể:
- Nếu tài sản bị thiệt hại là hàng hóa, vật tư thì trị giá là theo giá mua.
- Nếu tài sản bị thiệt hại là tài sản cố định hay vật rẻ tiền mau hỏng thì trị giá là theo nguyên giá đã trừ phần khấu hao (trường hợp tài sản bị mất), hoặc là theo số tiền chi phí để sửa chữa, khôi phục tài sản (trường hợp tài sản bị hư hỏng).
b) Đối với những vụ thiệt hại tài sản vượt thẩm quyền xử lý của từng đơn vị, từng cấp, khi báo cáo lên cấp trên xét thì các đơn vị, các cấp phải gửi đầy đủ hồ sơ và những ý kiến đề nghị cụ thể của đơn vị về mức bắt bồi thường, hoặc xin miễn, giảm bồi thường và hình thức kỷ luật (nếu cần)…để cấp trên trực tiếp có cơ sở nghiên cứu và quyết định.
c) Đối với các cơ quan, xí nghiệp thuộc hệ thống nội thương ở địa phương (bao gồm các ty, sở thương nghiệp và các đơn vị kinh doanh, sản xuất) đã phân cấp quản lý hay chưa phân cấp quản lý thì việc quy định thẩm quyền xử lý nói trong thông tư này chỉ có tính chất hướng dẫn, còn cụ thể là do Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố quyết định.
1. Tổ chức chuyên trách theo dõi và kiểm tra thi hành chế độ trách nhiệm vật chất.
a) Ở Bộ, vụ trưởng Vụ kế toán tài vụ có trách nhiệm giúp Bộ:
- Nghiên cứu các hồ sơ về thiệt hại tài sản thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ, do văn phòng Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ chuyển đến;
- Thẩm tra việc xử lý của các đơn vị nói trên, bãi bỏ hay sửa đổi các quyết định bồi thường; xét các đề nghị miễn, giảm hoặc hoãn bồi thường thuộc thẩm quyền của Bộ. Riêng việc xét các đơn khiếu nại của người phạm lỗi thì do Ban thanh tra của Bộ phụ trách;
- Định kỳ tổ chức kiểm tra việc thi hành trong ngành, phối hợp với Ban thanh tra và công đoàn thương nghiệp Việt nam.
b) Tại các cục, các ty, sở thương nghiệp thì trưởng phòng kế toán tài vụ có trách nhiệm giúp các cục, ty, sở, làm các việc như:
- Nghiên cứu các hồ sơ thiệt hại tài sản thuộc thẩm quyền xử lý của cục, ty, sở thương nghiệp, do các đơn vị trực thuộc chuyển đến;
- Thẩm tra việc xử lý của các đơn vị trực thuộc, bãi bỏ hay sửa đổi các quyết định bồi thường; xét các đề nghị miễn giảm, hoãn việc bồi thường của các đơn vị trực thuộc. Việc xét các đơn khiếu nại của người phạm lỗi ở các đơn vị cơ sở trực thuộc gửi lên, do Ban thanh tra phụ trách;
- Định kỳ tổ chức kiểm tra việc thi hành trong nội bộ cục hoặc ở địa phương, phối hợp với Ban thanh tra và công đoàn thương nghiệp ở địa phương.
c) Tại các đơn vị kinh doanh sản xuất, thì kế toán trưởng của đơn vị có trách nhiệm <
Giúp thủ trưởng đơn vị tổ chức thực hiện chế độ trách nhiệm vật chất; cụ thể là tổ chức sổ sách kế toán, theo dõi tài sản bị thiệt hại xẩy ra trong đơn vị (kể cả các cơ sở phụ thuộc), tổ chức hồ sơ tài liệu về các vụ thiệt hại tài sản, nghiên cứu phân loại sự việc có kế hoạch khẩn trương xử lý, đôn đốc việc thu hồi và thanh lý, tổng hợp tình hình và báo cáo cấp trên.
2. Tổ chức phổ biến, học tập chế độ trách nhiệm vật chất.
Tại tất cả các đơn vị cơ quan, xí nghiệp thuộc hệ thống nội thương ở trung ương cũng như ởđịa phương có trách nhiệm tổ chức phổ biến và học tập chế độ trách nhiệm vật chất (bao gồm nghị định số 49-CP của Hội đồng Chính phủ, thông tư liên bộ Tài chính – Lao động – Tổng công đoàn số 128-TT/LB và thông tư hướng dẫn thi hành của Bộ) đến toàn thể công nhân, viên chức để nắm vững ý nghĩa, mục đích và nội dung của chế độ, để trên cơ sở đó có nhận thức sâu sắc và đầy đủ về trách nhiệm và vai trò làm chủ tập thể đối với tài sản của Nhà nước.
3. Thi hành các nguyên tắc, các chế độ, điều lệ, xây dựng nội quy công tác cho từng cấp, từng đơn vị, từng bộ phận công tác và từng cá nhân.
Để có căn cứ xét khen thưởng hoặc quy trách nhiệm bồi thường, nâng cao trách nhiệm của công nhân, viên chức đối với tài sản của Nhà nước, trên cương vị và trách nhiệm công tác của mỗi người, từng đơn vị cơ quan, xí nghiệp, ở trung ương cũng như ở địa phương thuộc hệ thống nội thương, có trách nhiệm soát lại và thi hành các nguyên tắc, các chế độ, điều lệ hiện hành, có thể kiến nghị bổ sung thêm những điều cần thiết còn thiếu hoặc kiến nghịsửa đổi những chỗ không phù hợp nhằm củng cố và hoàn chỉnh, từng bước đưa công tác quản lý tài sản đi vào nền nếp. Cần xây dựng cho được nội quy công tác để quản lý sử dụng từng loại tài sản : hàng hóa vật tư và tiền vốn; kho tàng, cửa hàng, chuồng trại, máy móc, thiết bị, dụng cụ, xe cộ…; về các quy trình, quy phạm kỹ thuật công nghệ, về sản xuất, chế biến, gia công…; về giao nhận, vận chuyển, áp tải hàng hóa; kiểm nhận kiểm dịch hàng hóa, gia súc, gia cầm; về thanh quyết toán các khoản chi tiêu, tạm ứng, thu tiền, nộp tiền bán hàng, nhập xuất quỹ, nhập xuất kho.
Chú ý:
Khi xây dựng các nội quy công tác phải căn cứ vào nguyên tắc, chế độ, thể lệ hiện hành của Nhà nước và của Bộ, tuyệt đối không được tùy tiện sửa đổi hoặc quy định trái với các chế độ, thể lệ đã có.
4. Tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và kết hợp chặt chẽ với công đoàn để tổ chức thực hiện chế độ.
Để làm tốt công tác bảo vệ tài sản thì một mặt phải làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đồng thời mặt khác phải tổ chức thực hiện tốt chế độ trách nhiệm vật chất. Muốn đạt được cả hai mặt của yêu cầu này thì thủ trưởng từng đơn vị phải coi trọng sự lãnh đạo của Đảng ủy cơ sở, kết hợp chặt chẽ với công đoàn cơ sở, dựa vào công đoàn để giáo dục và phát động tư tưởng của công nhân, viên chức, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần làm chủ tập thể đối với tài sản của Nhà nước, đồng thời tích cực tham gia xây dựng các nội quy công tác và tự giác chấp hành nghiêm chỉnh.
Nghị định của Hội đồng Chính phủ số 49-CP ngày 09-04-1968, thông tư liên bộ số 128-TT/LB ngày 24-07-1968 và thông tư hướng dẫn thi hành của Bộ được áp dụng thống nhất trong toàn ngành nội thương.
Những vụ thiệt hại tài sản do công nhân, viên chức gây ra vì thiếu tinh thần trách nhiệm hay vi phạm kỷ luật lao động đều được xử lý theo chế độ trách nhiệm vật chất ban hành kèm theo nghị định số 49-CP ngày 09-04-1968 của Hội đồng Chính phủ, không xử lý theo các thông tư số 27-TT/LB ngày 10-12-1964 và số 199-TT/LB ngày 04-05-1967 của Liên bộ Nội thương – Tài chính – Ngân hàng.
Trong quá trình tổ chức, thực hiện chế độ này, nếu có điều gì chưa rõ hoặc gặp khó khăn trở ngại gì, các đơn vị, các cấp báo cáo cho Bộ biết để nghiên cứu giải quyết.
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG |
- 1Thông tư liên bộ 128-TT/LB năm 1968 hướng dẫn thi hành chế độ trách nhiệm vật chất của công nhân, viên chức đối với tài sản của Nhà nước do Bộ Tài chính - Tổng công đòan - Bộ Lao động ban hành
- 2Sắc lệnh số 267/SL về việc trừng trị những âm mưu và hành động phá hoại tài sản của Nhà nước và nhân dân cản trở việc thực hiện chính sách, kế hoạch Nhà nước do Chủ tịch nước ban hành
- 3Nghị định 49-CP năm 1968 về chế độ trách nhiệm vật chất của công nhân viên chức đối với tài sản của Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 1Thông tư liên bộ 128-TT/LB năm 1968 hướng dẫn thi hành chế độ trách nhiệm vật chất của công nhân, viên chức đối với tài sản của Nhà nước do Bộ Tài chính - Tổng công đòan - Bộ Lao động ban hành
- 2Sắc lệnh số 267/SL về việc trừng trị những âm mưu và hành động phá hoại tài sản của Nhà nước và nhân dân cản trở việc thực hiện chính sách, kế hoạch Nhà nước do Chủ tịch nước ban hành
- 3Nghị định 49-CP năm 1968 về chế độ trách nhiệm vật chất của công nhân viên chức đối với tài sản của Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành
Thông tư 18-NT-1970 hướng dẫn thi hành chế độ trách nhiệm vật chất của công nhân, viên chức đối với tài sản của Nhà nước do Bộ Nội thương ban hành
- Số hiệu: 18-NT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 11/06/1970
- Nơi ban hành: Bộ Nội thương
- Người ký: Hoàng Quốc Thịnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 12
- Ngày hiệu lực: 26/06/1970
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định