Hệ thống pháp luật

BỘ XÂY DỰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:18 BXD/ĐT

Hà Nội, ngày 25 tháng 8 năm 1993

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 91-BXD/ĐT NGÀY 16/4/1993 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG VỀ QUY CHẾ HÀNH NGHỀ KIẾN TRÚC SƯ - PHẦN VỀ ĐIỀU KIỆN VÀ THỦ TỤC XÉT CẤP CHỨNG CHỈ KIẾN TRÚC SƯ CHỦ NHIỆM ĐỒ ÁN, ÁP DỤNG Ở HỘI ĐỒNG CƠ SỞ TỈNH, THÀNH PHỐ, BỘ NGÀNH.

Quyết định số 91-BXD/ĐT ngày 16/4/1993, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã quy định điều kiện công nhận chức danh kiến trúc sư Chủ nhiệm đồ án và Quyết định số 150 - BXD/ĐT ngày 9/6/1993 quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng xét cấp chứng chỉ Bộ Xây dựng. Trong văn bản hướng dẫn này nói rõ thêm về những quy định trên đây khi áp dụng tại các Hội đồng xét chọn cơ sở tỉnh, thành phố, Bộ, ngành. Cụ thể.

I. Về điều kiện xét cấp chứng chỉ kiến trúc sư Chủ nhiệm đồ án Điều kiện chức danh kiến trúc sư Chủ nhiệm đồ án quy định ở Điều 6, Điều 7, mục II, trong Quyết định 91-BXD/ĐT, cần hiểu như sau:

1. Phải có quyền công dân, chỉ cần điều kiện:

- Có địa chỉ cư trú rõ ràng, được uỷ ban nhân dân Phường, xã xác nhận hộ khẩu thường trú và số chứng minh thư nhân dân.

- Không có liên quan đến những vụ, việc phạm pháp, cơ quan pháp luật dang thụ lý điều tra hoặc bản thân không đang bị phạt án tù (từ án treo trở lên) do Toà án quyết định.

2. Phải tốt nghiệp đại học với bằng kiến trúc sư; nhưng nếu là kỹ sư ngành xây dựng phải là hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đang hành nghề kiến trúc, được Hội kiến trúc sư Việt Nam công nhận năng lực thiết kế kiến trúc (do Hội kiến trúc sư cơ sở nhận xét đề nghị lên Trung ương Hội kiến trúc sư Việt Nam xem xét công nhận). Việc cấp chứng chỉ lần này mới thực hiện loại chức danh kiến trúc sư Chủ nhiệm đồ án, đối với loại chức danh kiến trúc sư thiết kế sẽ làm tiếp đợt tới, Bộ Xây dựng sẽ có hướng dẫn cụ thể sau.

3. Phải có năng lực sáng tạo kiến trúc, đã làm chủ nhiệm đồ án hoặc chủ trì thiết kế kiến trúc tối thiểu 3 đồ án công trình cấp I, cấp II; mang tính sáng tạo cao, nội dung phong phú. Ví dụ như:

- Các công trình có tính tiêu biểu của đô thị cấp tỉnh hoặc quốc gia: bảo tàng, công trình thể thao, sân vận động, trụ sở làm việc...

- Trường học: trường học phổ thông hoàn chỉnh, có từ 12 lớp trở lên.

- Bệnh viện: bệnh viện đa khoa huyện trên 200 giường bệnh.

- Nhà ở:

+ Nhà ở dạng biệt thự: có trên 4 buồng và các phòng phụ trong nhà.

+ Nhà ở căn hộ khép kín: có trên 20 căn hộ, tối thiểu 3 tầng.

- Câu lạc bộ, nhà hát, rạp chiếu bóng: có số chỗ ngồi trên 300 chỗ, có cấu trúc công trình đầy đủ, trang thiết bị tiện nghi phù hợp; không chỉ có đơn thuần chỗ ngồi và sân khấu đơn sơ.

- Nhà khách; khách sạn: có trên 50 phòng, trang thiết bị tiện nghị sử dụng phù hợp.

4. Phải có năng lực tổ chức quản lý và điều hành công việc thiết kế, nắm vững tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật, quy trình thiết kế, luật lệ quản lý xây dựng cơ bản; có năng lực tổ chức phối hợp các bộ môn kỹ thuật trong thiết kế đồ án để hoàn thiện ý đồ kiến trúc; chưa từng vi phạm Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản Nhà nước ban hành.

Phải được một cơ quan quản lý xây dựng nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

II. Về thủ tục xét cấp chứng chỉ kiến trúc sư Chủ nhiệm đồ án Việc xét cấp chứng chỉ kiến trúc sư Chủ nhiệm đồ án tại các tỉnh, thành phố, Bộ, ngành có công tác xây dựng cơ bản, phải chấp hành đúng quy định trong Quyết định số 91-BXD/ĐT về Quy chế hành nghề kiến trúc sư và Quyết định số 150 - BXD về tổ chức và hoạt động của Hội đồng xét cấp chứng chỉ kiến trúc sư Chủ nhiệm đồ án của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Cụ thể: 1. Thủ tục đăng ký cấp chứng chỉ kiến trúc sư Chủ nhiệm đồ án. Người đang hành nghề thiết kế kiến trúc, muốn được cấp chứng chỉ kiến trúc sư Chủ nhiệm đồ án, phải tiến hành thủ tục đăng ký như sau:

1. Làm đơn gửi Hội đồng xét cấp chứng chỉ Bộ Xây dựng, theo mẫu phụ lục 1 kèm trong Quyết định số 91-BXD, chuyển đến Hội đồng xét cấp chứng chỉ cơ sở, nơi kiến trúc sư hành nghề.

Trong đơn cần nêu rõ đề nghị xin cấp chứng chỉ kiến trúc sư Chủ nhiệm đồ án hạng I hay hạng I và có sự xác nhận của cơ quan quản lý kiến trúc sư. Ngoài đơn, kiến trúc sư cần gửi một bộ hồ sơ lý lịch nghề nghiệp bản thân gồm có: bản sơ yếu lý lịch nghề nghiệp, 3 hồ sơ đồ án thiết kế tiêu chuẩn (xem ở dưới).

2. Hồ sơ lý lịch kiến trúc sư:

a. Sơ yếu lí lịch nghề nghiệp.

Trong sơ yếu lý lịch nghề nghiệp, kiến trúc sư cần nói rõ:

+ Thời gian, địa điểm đào tạo học, cấp bằng tốt nghiệp, hành nghề thiết kế kiến trúc.

+ Số lượng công trình nghiên cứu thiết kế, làm chủ trì, làm chủ nhiệm đồ án.

+ Số lượng, thời gian, địa điểm công trình thiết kế được xây dựng.

+ Các chức vụ chuyên môn đã đảm nhận.

+ Tự nhận xét, đánh giá về năng lực, trình độ nghiệp vụ chuyên môn hành nghề thiết kế.

+ Nhận xét đánh giá về năng lực, trình độ nghiệp vụ chuyên môn, thành tích thiết kế, lao động sáng tạo của kiến trúc sư do một cơ quản quản lý xây dựng xác nhận như: Hội kiến trúc sư Việt Nam, Sở Xây dựng, kiến trúc sư trưởng thành phố, Viện thiết kế Nhà nước.

b. Hồ sơ đồ án thiết kế:

- Kiến trúc sư photocoppy trên khổ giấy A3 bản vẽ mặt bằng , mặt đứng, mặt cắt, phối cảnh của 3 đồ án thiết kế tiêu biểu do kiến trúc sư làm chủ trì thiết kế kiến trúc hoặc làm chủ nhiệm đồ án, đã được xây dựng hoặc đã qua giai đoạn thiết kế kỹ thuật, được cơ quan quản lý có thẩm quyền xét duyệt.

- Ảnh chụp các công trình đã được xây dựng, với khổ ảnh 9 x 12 cm dưới mỗi ảnh chụp rõ địa điểm, thời gian xây dựng.

- Nộp 3 ảnh chân dung làm hồ sơ chứng chỉ (loại 4 x 6cm).

2. Thủ tục xét cấp chứng chỉ kiến trúc sư Chủ nhiệm đồ án tại Hội đồng cơ sở tỉnh, thành phố, Bộ, ngành có công tác xây dựng cơ bản. Hội đồng xét cấp chứng chỉ kiến trúc sư Chủ nhiệm đồ án tỉnh, thành phố, Bộ, ngành gọi là Hội đồng xét chọn cơ sở, do Uỷ ban nhân dan tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ, ngành có công tác xây dựng cơ bản thành lập, trên cơ sở đề xuất của kiến trúc sư trưởng thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng (địa phương không có kiến trúc sư trưởng) và Vụ trưởng Vụ Quản lý xây dựng cơ bản Bộ, ngành.

Hội đồng xét chọn cơ sở là tổ chức tư vấn cho uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố lãnh đạo bộ, ngành trong việc xét chọn cấp chứng chỉ kiến trúc sư Chủ nhiệm đồ án, địa bàn cơ sở và có các nhiệm vụ dưới đây:

1. Tổ chức phổ biến Quyết định số 91-BXD/ĐT ngày 16/4/1993 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng đến các kiến trúc sư hành nghề.

2. Hướng dẫn các kiến trúc sư thủ tục đăng ký xin cấp chứng chỉ kiến trúc sư Chủ nhiệm đồ án, theo đúng quy định của Bộ Xây dựng.

3. Phối hợp với các cơ quan ngành Xây dựng như: Hội kiến trúc sư cơ sở, văn phòng kiến trúc sư trưởng, Sở Xây dựng v.v... tiến hành điều tra xác minh, chứng nhận hồ sơ lý lịch nghề nghiệp cho các kiến trúc sư, tổ chức các kỳ họp Hội đồng xét cấp chứng chỉ, tuyển chọn kiến trúc sư Chủ nhiệm đồ án, gửi lên Hội đồng của Bộ Xây dựng.

4. Thủ tục tổ chức xét chọn cấp chứng chỉ kiến trúc sư Chủ nhiệm đồ án. a. Tổ thư ký giúp việc cơ quan thường trực Hội đồng xét chọn cơ sở làm nhiệm vụ.

- Tiếp nhận đơn xin đăng ký và hồ sơ lý lịch nghề nghiệp kiến trúc sư. - Xem xét đơn, hồ sơ lý lịch để phân loại kiến trúc sư (đủ điều kiện và không đủ điều kiện xét chọn) để lập kế hoạch xét duyệt của Hội đồng. - Tiến hành thẩm tra, xác minh hồ sơ lý lịch các kiến trúc sư đủ điều kiện xét chọn, để lập danh sách đưa ra Hội đồng xét duyệt.

- Thu lệ phí cấp chứng chỉ đợt 1.

b. Thủ tục xét chọn của Hội đồng cơ sở:

Tại kỳ họp Hội đồng xét chọn cơ sở:

- Thư ký cơ quan thường trực Hội đồng xét chọn báo cáo:

+ Lý lịch nghề nghiệp kiến trúc sư trong danh sách xét chọn.

+ Ý kiến nhận xét của cơ quan quản lý xây dựng Nhà nước về năng lực hành nghề thiết kế của kiến trúc sư.

+ Ý kiến của tổ thư ký về kết quả thẩm tra xác minh hồ sơ lý lịch kiến trúc sư và danh sách kiến nghị xếp hạng cấp chứng chỉ kiến trúc sư Chủ nhiệm đồ án để cuộc họp Hội đồng xem xét quyết định.

- Các uỷ viên Hội đồng xét chọn trình bày ý kiến về KTS.

- Hội đồng tiến hành bỏ phiếu xét chọn KTS theo nguyên tắc:

+ Số lượng uỷ viên dự bỏ phiếu phải đạt tỷ lệ tối thiểu 2/3 tổng số uỷ viên của Hội đồng.

+ Kiến trúc sư đạt tỷ lệ phiếu bầu trên 50% tổng số phiếu bầu hợp lệ là trúng chọn.

- Lập biên bản kết quả bỏ phiếu của Hội đồng cơ sở, gửi về Hội đồng xét cấp chứng chỉ bộ Xây dựng.

3. Chuyển danh sách và hồ sơ tài liệu của những kiến trúc sư được xét chọn về Hội đồng xét cấp chứng chỉ Bộ Xây dựng.

Sau khi hoàn tất thủ tục xét chọn, Hội đồng cơ sở gửi ngay danh sách và toàn bộ hồ sơ tài liệu của các kiến trúc sư trúng chọn về Hội đồng Bộ Xây dựng để xét cấp chứng chỉ kiến trúc sư Chủ nhiệm đồ án. Thành phần hồ sơ tài liệu gửi về Bộ Xây dựng gồm có:

- Danh sách kiến trúc sư được Hội đồng xét chọn cơ sở đề nghị Hội đồng Bộ Xây dựng xét cấp chứng chỉ kiến trúc sư Chủ nhiệm đồ án (kèm theo biên bản kết quả bỏ phiếu).

Toàn bộ hồ sơ tài liệu về kiến trúc sư như đã quy định trong tiết 1, 2 mục 1 của mục II.

- Phiếu nhận xét đánh giá, đề nghị xếp hạng cấp chứng chỉ từng kiến trúc sư của Hội đồng xét chọn cơ sở (có ký tên đóng dấu).

4. Thu lệ phí cấp chứng chỉ kiến trúc sư Chủ nhiệm đồ án.

Người được xét cấp chứng chỉ kiến trúc sư Chủ nhiệm đồ án phải đóng tiền lệ phí xin cấp chứng chỉ, như quy định trong Điều 9, chương III Quyết định số 150 BXD/ĐT ngày 9/6/1993 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Kinh phí hoạt động của Hội đồng xét cấp chứng chỉ được trích từ tiền lệ phí, chi tiêu vào các mục đích:

+ Phụ cấp kiêm nhiệm của các uỷ viên Hội đồng.

+ Thù lao cho các chuyên gia thẩm vấn, chi phí cho việc thẩm tra, xác minh.

+ Văn phòng phẩm, chi phí hội họp, công tác phí.

Việc thu tiền lệ phí chia làm hai bước:

Bước 1. Thu để chi cho nhu cầu hoạt động xét duyệt ở cơ sở. Mức tiền lệ phí do cơ sở quyết định, nhưng phải thoả thuận với Sở Tài chính hoặc các cơ quan tài chính ngang cấp và báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố hoặc Bộ, ngành xem xét quyết định.

Bước 2. Thu để chi cho hoạt động xét duyệt của Hội đồng xét cấp chứng chỉ Bộ Xây dựng, mức lệ phí tạm thu trong năm 1993 là 300.000 đ/KTS. Tiền lệ phí nộp bộ Xây dựng giao cùng lúc với hồ sơ tài liệu của kiến trúc sư được Hội đồng cơ sở xét chọn chuyển về Bộ xây dựng.

5. Cơ quan thường trực của Hội đồng xét cấp chứng chỉ Bộ Xây dựng tiếp nhận hồ sơ tài liệu của các Hội đồng cơ sở là Vụ Quản lý nhà -đô thị - nông thôn, 37 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng - Hà Nội.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 18/BXD/ĐT hướng dẫn thực hiện Quyết định 91/BXD-ĐT về Quy chế hành nghề kiến trúc sư- phần về điều kiện và thủ tục xét cấp giấy chứng chỉ kiến trúc sư chủ nhiệm đồ án áp dụng ở Hội đồng cơ sở tỉnh, thành phố, Bộ, ngành do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

  • Số hiệu: 18/BXD/ĐT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 25/08/1993
  • Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
  • Người ký:
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/08/1993
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản