Hệ thống pháp luật

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 18/2012/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2012

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN TIÊU CHÍ VÀ QUY TRÌNH XÁC ĐỊNH CÔNG NGHỆ THUỘC DANH MỤC CÔNG NGHỆ KHUYẾN KHÍCH CHUYỂN GIAO, DANH MỤC CÔNG NGHỆ HẠN CHẾ CHUYỂN GIAO, DANH MỤC CÔNG NGHỆ CẤM CHUYỂN GIAO

Căn cứ Luật Chuyển giao công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Khoản 3 Điều 5 của Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ;

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư hướng dẫn tiêu chí và quy trình xác định công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao và Danh mục công nghệ cấm chuyển giao như sau:

Chương 1.

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn tiêu chí, quy trình xác định công nghệ và thẩm định đề xuất của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao và Danh mục công nghệ cấm chuyển giao quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc xác định công nghệ, đề xuất và thẩm định đề xuất sửa đổi, bổ sung Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao và Danh mục công nghệ cấm chuyển giao.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Các từ ngữ trong Thông tư này được hiểu như sau:

1. Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm.

2. Xác định công nghệ là hoạt động căn cứ vào các tiêu chí quy định tại Thông tư này, xem xét các công nghệ cụ thể để lập hồ sơ đề xuất sửa đổi, bổ sung vào Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao và Danh mục công nghệ cấm chuyển giao.

3. Thẩm định Danh mục công nghệ là hoạt động xem xét, lựa chọn các công nghệ trong các hồ sơ đề xuất sửa đổi, bổ sung vào Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao và Danh mục công nghệ cấm chuyển giao phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước.

Chương 2.

TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH CÔNG NGHỆ

Điều 4. Tiêu chí xác định công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao

1. Đối với công nghệ chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao trong lãnh thổ Việt Nam:

a) Công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của Luật Công nghệ cao;

b) Công nghệ tiên tiến đáp ứng được một trong các yêu cầu sau:

- Tạo ra sản phẩm có chất lượng vượt trội, có tính cạnh tranh cao so với công nghệ cùng loại hiện có;

- Tạo ra ngành, nghề sản xuất, chế tạo, chế biến, nuôi trồng sản phẩm mới chưa có ở Việt Nam;

- Tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu so với công nghệ cùng loại hiện có;

- Sản xuất hoặc sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng hiệu suất cao;

- Sản xuất sạch, thân thiện môi trường, có hiệu quả kinh tế cao;

- Tạo ra máy móc, trang thiết bị y tế phục vụ khám, điều trị, bảo vệ sức khỏe con người, phục vụ công tác dân số hoặc phòng chống dịch bệnh;

- Phát hiện, xử lý, dự báo để phòng chống thiên tai, trợ giúp an toàn lao động, cứu nạn, cứu hộ và bảo vệ môi trường;

- Ứng dụng phát triển và hiện đại hóa ngành, nghề nông, lâm, ngư nghiệp và thủ công truyền thống.

2. Đối với công nghệ chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài:

Công nghệ sản xuất có sử dụng nguyên liệu là các sản phẩm, bán sản phẩm, vật tư được sản xuất trong nước và đang được nhà nước khuyến khích sản xuất và xuất khẩu.

Điều 5. Tiêu chí xác định công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao

1. Đối với công nghệ chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao trong lãnh thổ Việt Nam:

a) Công nghệ sử dụng máy móc, thiết bị cũ hoặc công nghệ tạo ra sản phẩm thế hệ cũ, không tiết kiệm năng lượng;

b) Công nghệ tạo ra sản phẩm có sử dụng hóa chất độc hại hoặc phát sinh chất thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường cần hệ thống xử lý đi kèm;

c) Công nghệ tạo sản phẩm bằng phương pháp biến đổi gen;

d) Công nghệ sử dụng chất phóng xạ, tạo ra các chất phóng xạ;

đ) Công nghệ tạo các sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người: mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, đồ uống;

e) Công nghệ sử dụng tài nguyên trong nước đang cần hạn chế khai thác hoặc chưa được quy hoạch sử dụng;

g) Công nghệ tạo ra sản phẩm có ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, phong tục tập quán, đạo đức, văn hóa dân tộc;

h) Công nghệ tạo ra sản phẩm phục vụ cho quốc phòng hoặc đồng thời sử dụng cho mục tiêu quốc phòng và dân dụng;

i) Các công nghệ sản xuất, dịch vụ đặc thù khác cần sự quản lý đặc biệt của nhà nước và công nghệ cần hạn chế theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2. Đối với công nghệ chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài:

a) Công nghệ tạo ra các sản phẩm truyền thống có tính bản sắc dân tộc cao; công nghệ sản xuất theo kinh nghiệm, bí quyết truyền thống hoặc có sử dụng các chủng loại giống, khoáng chất, vật liệu quý hiếm đặc trưng của Việt Nam;

b) Công nghệ nuôi trồng, chế biến trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp có sản phẩm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đặc trưng của Việt Nam.

Điều 6. Tiêu chí xác định công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cấm chuyển giao

1. Công nghệ không bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật;

2. Công nghệ tạo ra chất thải nguy hại đối với con người, hệ sinh thái động thực vật và môi trường;

3. Công nghệ gây lãng phí tài nguyên; khai thác khoáng sản có các chỉ tiêu thu hồi thấp so với chỉ tiêu của các nước trên thế giới;

4. Công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp, tiêu tốn nhiều nguyên, nhiên liệu; công nghệ có các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của quá trình sản xuất kém hơn hẳn các công nghệ đã có trong nước;

5. Công nghệ sản xuất, sử dụng chất phóng xạ mà chưa có đầy đủ bằng chứng chứng minh đã kiểm soát được mức độ nguy hiểm của chất phóng xạ theo quy định;

6. Công nghệ tạo ra sản phẩm gây ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, văn hóa và thuần phong mỹ tục của Việt Nam;

7. Công nghệ thuộc Danh mục bí mật nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

8. Công nghệ cấm chuyển giao theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Chương 3.

QUY TRÌNH XÁC ĐỊNH CÔNG NGHỆ VÀ THẨM ĐỊNH ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CÁC DANH MỤC CÔNG NGHỆ

Điều 7. Quy trình xác định công nghệ

1. Định kỳ hằng năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi tắt là Cơ quan) trên cơ sở các tiêu chí quy định tại Điều 4, Điều 5 và Điều 6 của Thông tư này, trong phạm vi lĩnh vực quản lý của mình, thực hiện rà soát, xác định công nghệ cần sửa đổi, bổ sung vào Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, Danh mục công nghệ cấm chuyển giao (sau đây gọi là các Danh mục công nghệ).

2. Kết quả xác định công nghệ được lập thành danh sách các công nghệ đề nghị sửa đổi, bổ sung vào các Danh mục công nghệ.

3. Hồ sơ đề xuất sửa đổi, bổ sung được lập thành một bộ và gửi về Bộ Khoa học và Công nghệ trước ngày 31 tháng 3 hằng năm. Hồ sơ đề xuất sửa đổi, bổ sung gồm:

a) Văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung;

b) Danh sách các công nghệ đề nghị sửa đổi, bổ sung vào các Danh mục công nghệ;

c) Thuyết minh, các thông tin và tài liệu liên quan chứng minh sự cần thiết sửa đổi, bổ sung của từng công nghệ cụ thể.

4. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ đề xuất, Bộ Khoa học và Công nghệ tiến hành kiểm tra, tổng hợp và phân loại hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đề xuất chưa hợp lệ, Bộ Khoa học và Công nghệ có văn bản yêu cầu các Cơ quan bổ sung các thông tin cần thiết để hoàn chỉnh hồ sơ và nêu rõ thời hạn bổ sung.

Điều 8. Quy trình thẩm định Danh mục công nghệ

1. Định kỳ, trước ngày 30 tháng 4 hằng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập Hội đồng Khoa học cấp nhà nước (sau đây gọi là Hội đồng thẩm định) thẩm định các hồ sơ đề xuất sửa đổi, bổ sung.

2. Hội đồng thẩm định tổ chức các phiên họp để thẩm định các đề xuất sửa đổi, bổ sung của các Cơ quan và có ý kiến kết luận về việc sửa đổi bổ sung các Danh mục công nghệ.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi kết thúc phiên họp cuối cùng, Hội đồng thẩm định tổng hợp kết quả thẩm định và hoàn thành Dự thảo các Danh mục công nghệ sửa đổi, bổ sung báo cáo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

4. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận được báo cáo kết quả thẩm định, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ quyết định ban hành Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao và Danh mục công nghệ cấm chuyển giao mới sửa đổi, bổ sung.

Điều 9. Hội đồng thẩm định sửa đổi, bổ sung Danh mục công nghệ

1. Hội đồng thẩm định sửa đổi, bổ sung Danh mục công nghệ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ra Quyết định thành lập.

2. Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ xem xét các đề xuất, đánh giá và lựa chọn các công nghệ cần thiết sửa đổi, bổ sung vào các Danh mục công nghệ.

3. Hội đồng thẩm định làm việc theo nguyên tắc tập thể, thảo luận công khai, trực tiếp giữa các thành viên của Hội đồng và kết luận theo đa số.

4. Số thành viên của Hội đồng thẩm định là số lẻ, thành phần của Hội đồng thẩm định gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng;

b) Phó chủ tịch Hội đồng;

c) Các Ủy viên Hội đồng là các đại diện quản lý khoa học và công nghệ của các Bộ, ngành và các chuyên gia chuyên ngành;

d) Mỗi chuyên ngành phải có ít nhất 01 chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn sâu làm Ủy viên phản biện;

đ) Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ làm Ủy viên thư ký.

5. Ủy viên thư ký Hội đồng có trách nhiệm giúp việc Chủ tịch Hội đồng và thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Tiếp nhận, lập hồ sơ tổng hợp các công nghệ được đề xuất sửa đổi, bổ sung vào các Danh mục công nghệ và các tài liệu liên quan kèm theo;

b) Chuẩn bị, cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan cho các thành viên Hội đồng nghiên cứu; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để Hội đồng tiến hành phiên họp;

c) Tổng hợp ý kiến nhận xét của các Ủy viên Hội đồng và kết luận phiên họp của Hội đồng, lập biên bản họp Hội đồng;

d) Tiếp nhận, bảo quản hồ sơ, kết quả thẩm định của Hội đồng và tiến hành các thủ tục cần thiết theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng.

Điều 10. Hoạt động của Hội đồng thẩm định

1. Điều kiện để tiến hành phiên họp của Hội đồng thẩm định:

a) Có mặt của Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng;

b) Có mặt ít nhất hai phần ba số lượng thành viên Hội đồng, trong đó có ít nhất 01 Ủy viên phản biện có chuyên môn về lĩnh vực công nghệ được đề xuất sửa đổi, bổ sung;

c) Có đầy đủ hồ sơ và tài liệu liên quan về các công nghệ thuộc Danh mục công nghệ được đề xuất sửa đổi, bổ sung.

2. Phiên họp của Hội đồng thẩm định theo trình tự sau đây:

a) Các Ủy viên phản biện trình bày bản nhận xét;

b) Các thành viên trình bày ý kiến nhận xét, đánh giá của mình;

c) Hội đồng tiến hành thảo luận, viết phiếu đánh giá và thống nhất về những kết luận. Những kết luận này phải được ít nhất hai phần ba tổng số thành viên dự họp chính thức của Hội đồng nhất trí;

d) Chủ tịch Hội đồng công bố kết luận của Hội đồng;

đ) Thư ký Hội đồng lập Biên bản nội dung cuộc họp, có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng và kèm theo đầy đủ phiếu đánh giá của các thành viên Hội đồng.

Điều 11. Kinh phí phục vụ công tác thẩm định

1. Kinh phí thẩm định Danh mục công nghệ được lấy từ nguồn kinh phí hoạt động sự nghiệp khoa học và công nghệ, do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp hàng năm cho đơn vị đầu mối triển khai thực hiện.

2. Nội dung chi, mức chi được áp dụng theo quy định tại Phần II Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 07 tháng 5 năm 2007 của liên Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ và trên cơ sở phù hợp với mức dự toán chi ngân sách nhà nước hằng năm được giao. Trong trường hợp Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN được sửa đổi hoặc thay thế bởi Thông tư mới thì áp dụng theo quy định tại Thông tư đó.

Chương 4.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Tổ chức thực hiện

Bộ Khoa học và Công nghệ giao Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ làm đầu mối triển khai thực hiện Thông tư này.

Điều 13. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan trực thuộc Chính phủ phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng (để b/c);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Tòa án Nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Công báo VPCP;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Lưu: VT, Vụ ĐTG.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Chu Ngọc Anh

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 18/2012/TT-BKHCN hướng dẫn tiêu chí và quy trình xác định công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, Danh mục công nghệ cấm chuyển giao do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 18/2012/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 02/10/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Người ký: Chu Ngọc Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 627 đến số 628
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản