Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18/2003/TT-BTC

Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 2003

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 18/2003/TT-BTC NGÀY 19 THÁNG 3 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG LỆ PHÍ ĐỘC QUYỀN THĂM DÒ KHOÁNG SẢN

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH ngày 28/8/2001;
Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 3/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;
Căn cứ Nghị định số 76/2000/NĐ-CP ngày 15/12/2000 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Luật Khoáng sản (sửa đổi);
Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản như sau:

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài được phép độc quyền thăm dò khoáng sản trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Trong thông tư này các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

a. Khoáng sản: là tài nguyên trong lòng đất, trên mặt đất dưới dạng những tích tụ tự nhiên khoáng vật, khoáng chất có ích ở thể rắn, thể lỏng, thể khí, hiện tại hoặc sau này có thể được khai thác.

Khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ mà sau này có thể khai thác lại cũng là khoáng sản.

b. Độc quyền thăm dò khoáng sản: Các tổ chức, cá nhân Việt Nam và người nước ngoài được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép là đơn vị duy nhất được toàn quyền tiến hành các hoạt động nhằm tìm kiếm, phát hiện, xác định trữ lượng, chất lượng khoáng sản, kỹ thuật khai thác kể cả việc lấy thử nghiệm mẫu công nghệ và nghiên cứu khả thi về khai thác khoáng sản trong một thời gian nhất định, trên một khu vực nhất định.

II- ĐỐI TƯỢNG THU VÀ MỨC THU

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài được phép độc quyền thăm dò khoáng sản phải nộp lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản theo quy định tại Thông tư này trừ những trường hợp không phải nộp sau đây:

- Các đơn vị sự nghiệp kinh tế của Nhà nước được Nhà nước giao nhiệm vụ thăm dò, tìm kiếm khoáng sản bằng nguồn vốn Ngân sách cấp.

- Yêu cầu sửa chữa, sai sót trong giấy phép độc quyền thăm dò khoáng sản do lỗi của người cấp phép.

- Xin gia hạn, trả lại giấy phép thăm dò hoặc trả lại từng phần diện tích thăm dò theo quyết định của Chính phủ.

2. Mức thu lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản:

TT

Năm

Mức thu (đồng/ km2/năm)

1

Năm thứ 1

300.000

2

Năm thứ 2

400.000

3

Năm thứ 3

550.000

4

Năm thứ 4 trở đi

700.000

Số tiền lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản phải nộp đối với mỗi giấy phép tính theo diện tích và thời gian ghi trên giấy phép (kể cả thời gian gia hạn của giấy phép). Để đơn giản khi tính thu lệ phí đối với giấy phép được tính như sau:

- Giấy phép có thời hạn 12 tháng thì tính theo mức thu của năm thứ nhất.

- Giấy phép có thời hạn trên 12 tháng nhưng dưới 24 tháng thì:

+ 12 tháng đầu tính theo mức thu năm thứ nhất.

+ Các tháng còn lại tính theo mức thu năm thứ 2, nhưng nếu giấy phép có thời hạn dưới 18 tháng (còn lại 6 tháng trở xuống) tính bằng 1/2 mức thu cả năm, giấy phép có thời hạn trên 18 tháng thì tính bằng mức thu cả năm.

3. Lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản được thu bằng đồng Việt Nam, nếu tổ chức cá nhân có yêu cầu nộp bằng ngoại tệ thì phải quy đổi theo tỷ giá mua bán thực tế bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thu lệ phí.

4. Lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản không phải chịu thuế.

III- TỔ CHỨC THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG

1. Cơ quan cấp phép độc quyền thăm dò khoáng sản có trách nhiệm tổ chức thu lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản.

2. Cơ quan cấp phép độc quyền thăm dò khoáng sản có trách nhiệm:

a. Niêm yết công khai tại trụ sở mức thu lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản.

b. Khi thu tiền lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản phải cấp cho người nộp tiền biên lai thu tiền do Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) phát hành; biên lai thu tiền nhận tại Cục Thuế địa phương nơi có cơ quan cấp giấy phép độc quyền thăm dò khoáng sản đóng trụ sở và được quản lý, sử dụng theo quy định của Bộ Tài chính.

Cơ quan cấp phép độc quyền thăm dò khoáng sản phải mở tài khoản tiền thu lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản tại Kho bạc nhà nước nơi giao dịch, riêng đối với số thu bằng tiền mặt thì hàng ngày hoặc chậm nhất 15 ngày một lần phải lập bảng kê, gửi tiền vào Kho bạc Nhà nước.

c. Đăng ký, kê khai, nộp lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản với cơ quan Thuế địa phương nơi đóng trụ sở.

d. Thực hiện thanh toán, quyết toán biên lai thu lệ phí và quyết toán thu nộp tiền lệ phí với cơ quan Thuế trực tiếp quản lý theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo mọi khoản thu, chi tiền lệ phí phải được phản ánh đầy đủ trong dự toán và quyết toán tài chính hàng năm của cơ quan cấp phép độc quyền thăm dò khoáng sản.

3. Cơ quan cấp phép độc quyền thăm dò khoáng sản được trích 30% trên tổng số tiền lệ phí thực thu trước khi nộp vào ngân sách nhà nước để chi cho hoạt động thu lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản theo nội dung cụ thể sau:

- Chi tiền lương hoặc tiền công, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo tiền lương, tiền công theo chế độ hiện hành trả cho người lao động thuê ngoài trực tiếp thu lệ phí (kể cả thời gian cán bộ, công chức cơ quan cấp phép độc quyền thăm dò khoáng sản làm thêm ngoài giờ theo chế độ quy định).

- Chi trực tiếp phục vụ cho việc thu lệ phí như: văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, điện thoại, điện, nước, công tác phí, công vụ phí theo tiêu chuẩn định mức hiện hành.

- Chi sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản, máy móc thiết bị phục vụ trực tiếp cho công tác thu lệ phí.

- Mua sắm vật tư, nhiên liệu và các khoản chi khác liên quan đến việc thu lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản.

- Trích quỹ khen thưởng cho cán bộ, công chức, nhân viên trực tiếp thực hiện thu lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản. Mức trích quỹ khen thưởng bình quân một năm, một người tối đa không quá 1 tháng lương thực hiện.

Toàn bộ số tiền lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản được trích theo quy định trên đây được gửi vào Kho bạc Nhà nước nơi cơ quan cấp phép đóng trụ sở chính, cơ quan cấp phép độc quyền thăm dò khoáng sản phải sử dụng đúng mục đích. Các khoản chi phải có chứng từ hợp pháp theo chế độ quy định hiện hành, cuối năm phải quyết toán thu chi theo số thực tế, hợp lý, đúng chế độ. Chênh lệch còn lại giữa số trích và số được quyết toán, cơ quan cấp phép độc quyền thăm dò khoáng sản được phép chuyển (hoặc trừ) sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định.

4. Tổng số tiền lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản thu được (bao gồm tiền mặt hoặc chuyển khoản) sau khi trừ số trích để lại 30% quy định tại điểm 3 mục này, số còn lại 70% phải nộp vào ngân sách (chương, loại, khoản trong mục lục ngân sách nhà nước) theo thời hạn và thủ tục quy định tại Pháp lệnh phí và lệ phí và các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.

5. Lập và chấp hành dự toán thu - chi tiền lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản.

Hàng năm, căn cứ mức thu lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản, các nội dung chi hướng dẫn tại Thông tư này và chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, cơ quan cấp phép độc quyền thăm dò khoáng sản lập dự toán thu - chi tiền lệ phí chi tiết theo mục lục ngân sách nhà nước hiện hành, gửi cơ quan chủ quản cấp trên, cơ quan Tài chính đồng cấp để xem xét, phê duyệt.

Căn cứ dự toán thu - chi hàng năm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan cấp phép độc quyền thăm dò khoáng sản lập kế hoạch thu - chi quý, chi tiết theo mục lục ngân sách nhà nước gửi cơ quan chủ quản, Kho bạc nhà nước nơi giao dịch để làm căn cứ kiểm soát thu chi.

6. Quyết toán thu - chi lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản.

Cơ quan cấp phép độc quyền thăm dò khoáng sản có trách nhiệm mở sổ sách kế toán để ghi chép, hạch toán, quyết toán số thu - chi tiền lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản theo chế độ kế toán hành chính sự nghiệp hiện hành. Thực hiện quyết toán chứng từ thu, số tiền lệ phí đã nộp NSNN với cơ quan Thuế trực tiếp quản lý và nộp báo cáo quyết toán thu - chi lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản cho cơ quan Thuế, cơ quan chủ quản cấp trên, cơ quan Tài chính đồng cấp trước ngày 31 tháng 3 của năm tiếp sau năm báo cáo và phải nộp đủ số tiền lệ phí còn thiếu vào NSNN trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nộp báo cáo.

Cơ quan chủ quản cấp trên của cơ quan cấp phép độc quyền thăm dò khoáng sản có trách nhiệm kiểm tra, tổng hợp báo cáo quyết toán gửi cơ quan Tài chính cùng cấp; Cơ quan Tài chính thẩm định ra thông báo duyệt quyết toán cùng với quyết toán năm của cơ quan chủ quản theo quy định của Luật NSNN hiện hành.

IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài chính - Vật giá, Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan có thẩm quyền cấp phép và đối tượng nộp lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản có trách nhiệm thực hiện đúng quy định tại Thông tư này.

2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.

Các quy định trước đây về lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản đều hết hiệu lực thi hành. Riêng các giấy phép độc quyền thăm dò khoáng sản ký trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành mà vẫn còn thời hạn thực hiện thì không phải cấp lại giấy phép và không phải nộp lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết.

Trần Văn Tá

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 18/2003/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 18/2003/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 19/03/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trần Văn Tá
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 28 đến số 29
  • Ngày hiệu lực: 13/05/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản