Hệ thống pháp luật

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18/2001/TT-BTM

Hà Nội, ngày 12 tháng 7 năm 2001

THÔNG TƯ

CỦA BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 18/2001/TT-BTM NGÀY 12 THÁNG 7 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG HỘI CHỢ, TRIỂN LÃM THƯƠNG MẠI QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 32/1999/NĐ-CP NGÀY 05 THÁNG 5 NĂM 1999 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ KHUYẾN MẠI, QUẢNG CÁO THƯƠNG MẠI VÀ HỘI CHỢ, TRIỂN LÃM THƯƠNG MẠI

Căn cứ Nghị định số 32/1999/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 tháng 1999 của Chính phủ về khuyến mại, quảng cáo thương mại và hội chợ, triển lãm thương mại, dưới đây gọi tắt là Nghị định số 32/1999/NĐ-CP;
Sau khi trao đổi ý kiến với một số cơ quan có liên quan và được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ (văn bản số 501/CP-KTTH ngày 08 tháng 6 tháng 2001 của Chính phủ về việc hướng dẫn Nghị định số 32/1999/NĐ-CP), Bộ Thương mại hướng dẫn cụ thể về hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại để thực hiện thống nhất như sau:

I. QUYỀN TỔ CHỨC, THAM GIA HỘI CHỢ, TRIỂN LÃM THƯƠNG MẠI

1. Thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại (thương nhân Việt Nam, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, chi nhánh của thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam) được quyền tổ chức hoặc tổ chức tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam, tại nước ngoài khi có đủ các điều kiện sau:

a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân hoặc Giấy phép đầu tư đối với Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Giấy phép thành lập đối với Chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, có ngành nghề kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại.

2. Thương nhân không kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại (thương nhân Việt Nam, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam) theo phạm vi kinh doanh của mình, được quyền tự tổ chức hoặc tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam, tại nước ngoài hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại thực hiện.

3. Thương nhân nước ngoài được quyền tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam.

4. Văn phòng đại diện của thương nhân Việt Nam, của Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, được trực tiếp tổ chức hoặc tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam về hàng hóa, dịch vụ mà thương nhân kinh doanh khi được uỷ quyền của thương nhân.

II. HÀNG HÓA THAM GIA HỘI CHỢ, TRIỂN LĂM THƯƠNG MẠI

1. Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, hàng hóa đã được nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam

a) Các loại hàng hóa, trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm lưu thông và Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật, đều được tham gia hội chợ, triển lãm thương mại.

b) Hàng hóa được tham gia hội chợ, triển lãm thương mại theo khoản a Mục này khi tham gia hội chợ, triển lãm thương mại phải tuân thủ các quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa.

2. Hàng hóa tạm nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại lại Việt Nam

a) Các loại hàng hóa, trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu và Danh mục hàng hóa cấm lưu thông theo quy định của pháp luật, đều được tạm nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam.

b) Hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành tạm nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành.

c) Về số lượng hàng hóa tạm nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại, thương nhân chỉ cần khai báo khi làm thủ tục tạm nhập khẩu tại cơ quan Hải quan cửa khẩu mà không cần có sự chấp thuận của Bộ Thương mại.

d) Hàng hóa tạm nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại phải được tái xuất khẩu trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày kết thúc hội chợ, triển lãm. Nếu không tái xuất khẩu trong thời hạn nói trên thì trước khi hết thời hạn, thương nhân phải có văn bản đề nghị gia hạn gửi Sở Thương mại nơi tổ chức hội chợ, triển lãm. Thời gian gia hạn cho mỗi lần không được quá 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày hết hạn và không được gia hạn quá 03 (ba) lần.

Trường hợp đã hết 03 (ba) lần gia hạn mà thương nhân vẫn chưa tái xuất khẩu, thương nhân phải có văn bản đề nghị gia hạn gửi Bộ Thương mại. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị gia hạn của thương nhân, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời cho thương nhân bằng văn bản việc chấp thuận hoặc không chấp thuận (có nêu rõ lý do), đồng thời gửi cho cơ quan Hải quan cửa khẩu nơi thương nhân làm thủ tục tạm nhập khẩu.

3. Hàng hóa tạm xuất khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại nước ngoài.

Các loại hàng hóa, trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu theo quy định của pháp luật, đều được tạm xuất khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại nước ngoài và được tái nhập khẩu sau khi kết thúc hội chợ, triển lãm thương mại.

Hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu chỉ được tạm xuất khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại nước ngoài khi được sự chấp thuận bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ.

Thời hạn tạm xuất khẩu hàng hóa để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại nước ngoài là 01 (một) năm kể từ ngày hàng hóa được tạm xuất khẩu. Nếu quá thời hạn trên mà chưa được tái nhập khẩu thì hàng hóa đó phải chịu thuế và các nghĩa vụ tài chính khác (nếu có) theo quy định của pháp luật Việt Nam.

III. VIỆC BÁN HÀNG HÓA THAM GIA HỘI CHỢ, TRIỂN LĂM THƯƠNG MẠI

1. Việc bán hàng hóa tạm nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam

a) Hàng hóa tạm nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam được phép bán trong và sau thời gian tổ chức hội chợ, triển lãm.

Đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa nhập khẩu theo Giấy phép của Bộ Thương mại thì chỉ được bán sau khi có sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Thương mại. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của thương nhân, Bộ Thương mại có trách nhiệm trả lời cho thương nhân việc chấp thuận hoặc không chấp thuận (có nêu rõ lý do), đồng thời gửi văn bản trả lời cho cơ quan Hải quan cửa khẩu nơi thương nhân làm thủ tục tạm nhập khẩu để có căn cứ làm thủ tục theo dõi, thanh khoản.

Đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành, trừ hàng hóa chưa được lưu thông hợp pháp tại Việt Nam phải tái xuất khẩu, các hàng hoá khác được bán mà không cần có sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Thương mại.

b) Hàng hóa tạm nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại được bán, biếu, tặng trong và sau thời gian tổ chức hội chợ, triển lãm phải chịu thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Việc bán hàng hóa tạm xuất khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại nước ngoài.

Hàng hóa tạm xuất khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại nước ngoài nếu bán ở nước ngoài, thì phải chịu thuế và các nghĩa vụ tài chích khác (nếu có) theo quy định của pháp luật Việt Nam.

IV. THỦ TỤC TỔ CHỨC, THAM GIA HỘI CHỢ, TRIỂN LÃM THƯƠNG MẠI

1. Tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm thương mại tại Việt Nam

a) Thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại chỉ cần gửi văn bản Đăng ký kế hoạch tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại hàng năm theo nội dung hướng dẫn tại mục 3 Phần này đến Sở Thương mại nơi tổ chức hội chợ, triển lãm trước ngày 01 tháng 10 của năm trước năm kế hoạch.

Sở Thương mại gửi văn bản xác nhận hoặc không xác nhận (có nêu rõ lý do) việc đăng ký kế hoạch tổ chức hội chợ, triển lãm cho thương nhân chậm nhất trước ngày 01 tháng 11 của năm trước năm kế hoạch.

Trường hợp thay đổi chủ đề, thời gian tổ chức, bổ sung số lượng hội chợ, triển lãm thương mại so với kế hoạch đã được xác nhận, thương nhân phải gửi văn bản Đăng ký bổ sung đến Sở Thương mại tỉnh, thành phố nơi tổ chức hội chợ, triển lãm chậm nhất 30 (ba mươi) ngày trước ngày khai mạc hội chợ, triển lãm.

Sở Thương mại gửi văn bản xác nhận hoặc không xác nhận (có nêu rõ lý do) việc thay đổi, bổ sung nói trên cho thương nhân trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản Đăng ký.

Trường hợp không tổ chức hội chợ, triển lãm hoặc thay đổi quy mô, hàng hóa tham dự hội chợ, triển lãm so với kế hoạch đã được xác nhận, thương nhân chỉ cần thông báo cho Sở Thương mại nơi đã đăng ký kế hoạch tổ chức hội chợ, triển lãm chậm nhất 10 (mười) ngày trước ngày khai mạc hội chợ, triển lãm.

b) Thương nhân không kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại tự tổ chức hội chợ, triển lãm hàng hóa mà thương nhân kinh doanh chỉ cần gửi văn bản Đăng ký theo nội dung hướng dẫn tại mục 3 phần này đến Sở Thương mại tỉnh, thành phố nơi tổ chức hội chợ, triển lãm chậm nhất 30 (ba mươi) ngày trước ngày khai mạc hội chợ, triển lãm.

Sở Thương mại gửi văn bản xác nhận hoặc không xác nhận (có nêu rõ lý do) việc đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại cho thương nhân trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản Đăng ký.

Trường hợp thay đổi nội dung hội chợ, triển lãm đã được xác nhận, thương nhân phải thông báo cho Sở Thương mại tỉnh, thành phố nơi tổ chức hội chợ, triển lãm chậm nhất 05 (năm) ngày trước ngày khai mạc hội chợ, triển lãm.

c) Thương nhân nước ngoài khi tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam phải thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam thực hiện.

Thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại được thương nhân nước ngoài thuê tổ chức hội chợ, triển lãm phải gửi văn bản Đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm theo nội dung hướng dẫn tại mục 3 phần này đến Sở Thương mại tỉnh, thành phố nơi tổ chức hội chợ, triển lãm chậm nhất 30 (ba mươi) ngày trước ngày khai mạc hội chợ, triển lãm.

Sở Thương mại gửi văn bản xác nhận hoặc không xác nhận (có nêu rõ lý do) việc đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại cho thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đăng ký.

Trường hợp không tổ chức hoặc thay đổi nội dung hội chợ, triển lãm đã được xác nhận, thương nhân phải thông báo cho Sở Thương mại tỉnh, thành phố nơi tổ chức hội chợ, triển lãm chậm nhất 05 (năm) ngày trước ngày khai mạc hội chợ, triển lãm.

2. Tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại nước ngoài

a) Thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ triển lãm thương mại tổ chức hoặc tổ chức tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại nước ngoài phải gửi văn bản Đăng ký kế hoạch hàng năm theo nội dung hướng dẫn tại mục 3 Phần này đến Bộ Thương mại chậm nhất trước ngày 01 tháng 10 của năm trước năm kế hoạch.

Bộ Thương mại gửi văn bản xác nhận hoặc không xác nhận (có nêu rõ lý do) việc đăng ký kế hoạch tổ chức hoặc tổ chức tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại nước ngoài cho thương nhân chậm nhất trước ngày 01 tháng 11 của năm trước năm kế hoạch.

Trường hợp bổ sung số lượng hội chợ, triển lãm thương mại so với kế hoạch đã được xác nhận, thương nhân phải đăng ký bổ sung tại Bộ Thương mại chậm nhất 30 (ba mươi) ngày trước ngày khai mạc hội chợ, triển lãm. Bộ Thương mại gửi văn bản xác nhận hoặc không xác nhận (có nêu rõ lý do) việc bổ sung kế hoạch đã đăng ký cho thương nhân trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản Đăng ký.

Trường hợp không tổ chức hội chợ, triển lãm hoặc thay đổi nội dung hội chợ, triển lãm so với kế hoạch đã được xác nhận, thương nhân chỉ cần thông báo cho Bộ Thương mại chậm nhất 15 (mười lăm) ngày trước ngày khai mạc hội chợ, triển lãm.

b) Thương nhân không kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại tự tổ chức hoặc trực tiếp tham gia hội chợ, triển lãm hàng hóa mà thương nhân kinh doanh tại nước ngoài chỉ cần gửi văn bản Đăng ký theo nội dung hướng dẫn tại mục 3 Phần này đến Bộ Thương mại chậm nhất 30 (ba mươi) ngày trước ngày khai mạc hội chợ, triển lãm.

Bộ Thương mại gửi văn bản xác nhận hoặc không xác nhận (có nêu rõ lý do) việc đăng ký tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại nước ngoài cho thương nhân trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản Đăng ký.

Trường hợp thay đổi nội dung hội chợ, triển lãm đã được xác nhận, thương nhân phải thông báo cho Bộ Thương mại chậm nhất 15 (mười lăm) ngày trước ngày khai mạc hội chợ, triển lãm.

3. Nội dung Đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại

a) Tên, địa chỉ của thương nhân;

b) Chủ đề hội chợ, triển lãm; quy mô tổ chức hoặc tham gia hội chợ, triển lãm;

c) Hàng hóa dự kiến tham gia hội chợ, triển lãm;

d) Thời gian, địa điểm tổ chức hội chợ, triển lãm.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

1. Trong thời hạn không quá 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày kết thúc hội chợ, triển lãm, thương nhân đăng ký tổ chức hoặc tham gia hội chợ, triển lãm thương mại phải gửi báo cáo cho cơ quan xác nhận đăng ký.

Nội dung chủ yếu của báo cáo gồm:

- Việc thực hiện những nội dung đã đăng ký;

- Kết quả của việc tổ chức hoặc tham gia hội chợ, triển lãm thương mại, trong đó có doanh số bán, số lượng hợp đồng ký kết.

- Các kiến nghị cụ thể (nếu có).

2. Thương nhân có hành vi vi phạm các quy định tại Nghị định số 32/1999/NĐ-CP và Thông tư này, tuỳ theo mức độ vi phạm, bị xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 05-TM/XNK ngày 25 tháng 2 năm 1995 của Bộ Thương mại hướng dẫn thực hiện Quy chế hội chợ và triển lãm thương mại.

Mai Văn Dâu

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 18/2001/TT-BTM hướng dẫn thực hiện hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại theo Nghị định 32/1999/NĐ-CP về khuyến mại, quảng cáo thương mại và hội chợ, triển lãm thương mại do Bộ Thương mại ban hành

  • Số hiệu: 18/2001/TT-BTM
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 12/07/2001
  • Nơi ban hành: Bộ Thương mại
  • Người ký: Mai Văn Dâu
  • Ngày công báo: 08/10/2001
  • Số công báo: Số 37
  • Ngày hiệu lực: 27/07/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 04/02/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản