Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC VẬT TƯ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 177-TVT

Hà Nội, ngày 19 tháng 05 năm 1962

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH THÔNG TƯ SỐ 47-TTG NGÀY 23-4-1962 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT VẬT TƯ KỸ THUẬT TỒN KHO

Kính gửi: Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ

Các Tổng cục trực thuộc Hội đồng Chính phủ

Các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh

Trong lúc chúng ta còn gặp nhiều khó khăn về thiếu vật tư kỹ thuật mà từng loại vật tư kỹ thuật vẫn bị tồn kho phân tán ở các Bộ, các ngành trong khi đó có nơi thiếu vật tư kỹ thuật rất căng thẳng.

Để có thể tận dụng hết các loại vật tư kỹ thuật sẵn có tồn kho; điều hòa phân phối vật tư kỹ thuật được nhanh chóng và hợp lý, đồng thời góp phần vào việc chuẩn bị nhập vật tư được chính xác nhằm bảo đảm cung cấp vật tư kỹ thuật cho nhu cầu sản xuất và xây dựng được tốt hơn, Thủ tướng Chính phủ đã ban thành Thông tư số 47-TTg ngày 23-4-1962 hướng dẫn giải quyết vật tư kỹ thuật tồn kho. Ngày 10-5-1962 Tổng cục vật tư đã mời các Bộ, các ngành có nhiều vật tư tồn kho và các Bộ có liên quan bàn kế hoạch thực hiện Thông tư số 47-TTg.

Căn cứ vào những ý kiến đã thống nhất trong hội nghị nói trên và căn cứ vào chức năng của Tổng cục Vật tư, Tổng cục Vật tư giải thích và hướng dẫn một số điểm cụ thể về kế hoạch thi hành Thông tư số 47-TTg như sau:

I. THẾ NÀO LÀ VẬT TƯ KỸ THUẬT TỒN KHO, THỪA, Ứ ĐỌNG

(Kim khí, thiết bị)

Vật tư kỹ thuật tồn kho, thừa ứ đọng là các loại vật tư (Kim khí, thiết bị) được duyệt dùng trong kế hoạch 1961 nhưng đến 01-01-1962 vẫn chưa dùng đến, các loại kim khí thiết bị để quá mức dự trù, hoặc không có kế hoạch sử dụng trong năm còn thừa lại hoặc vì sai quy cách không dùng đến, hoặc vì phẩm chất xấu, hoặc thừa vì công trường hoàn thành, công ty, đơn vị giải thể.

II. CÁCH TIẾN HÀNH BÀN GIAO

1. Tổng cục Vật tư thu hồi, nhận bàn giao và thanh toán toàn bộ vật tư kỹ thuật chủ yếu do Nhà nước thống nhất quản lý và phân phối mà bị thừa ứ đọng tồn kho ở:

- Các kho của Bộ, Tổng cục

- Công trường sau khi xây dựng còn thừa lại (kể cả thiết bị toàn bộ)

- Các Công ty, đơn vị giải thể

- Các thiết bị được sản xuất hoàn chỉnh nhưng bị ứ đọng không phân phối được

- Các phụ tùng đi theo thiết bị.

2. Đối với các xí nghiệp công trường:

Dựa vào mức vốn lưu động Nhà nước quy định cho xí nghiệp, dựa vào nhu cầu vật tư và khả năng cung cấp vật tư kỹ thuật của Nhà nước, xí nghiệp công trường được quy định tạm thời định mức dự trù để tính ra mức vật tư kỹ thuật thừa tồn kho cần bàn giao cho Tổng cục Vật tư.

- Kim khí thiết bị: Nói chung, trữ đến hết kế hoạch 1962 số còn lại bàn giao cho Tổng cục Vật tư. Nhưng trong trường hợp thật khẩn cấp mà cơ quan có vật tư kỹ thuật dự trữ chưa dùng đến thì Tổng cục Vật tư sẽ tạm điều đến nơi cần thiết để bảo đảm sản xuất và xây dựng và Tổng cục Vật tư sẽ hoàn lại sau, theo như đã nói trong điểm I vấn đề quản lý phân phối của Thông tư số 47-TTg.

- Đối với các loại phụ tùng thì chưa làm toàn bộ, bên nhận và bên giao sẽ tùy từng trường hợp cụ thể mà thống nhất giải quyết.

- Đối với máy móc cũ, hỏng, sản xuất chưa hoàn chỉnh thì do xí nghiệp, đơn vị tìm mọi biện pháp sửa chữa cho tốt, làm cho thiết bị được hoàn chỉnh để bàn giao sang Tổng cục Vật tư. Gặp trường hợp đặc biệt khác quy định này thì cần bàn giữa đơn vị có thiết bị tồn kho và bộ phận nhận bàn giao vật tư tồn kho của Tổng cục Vật tư.

3. Việc tính toán số liệu vật tư tồn kho để tiến hành bàn giao cần căn cứ vào tài liệu điều tra tồn kho 01-01-1962, trừ theo định mức dự trù nói trên số vật tư còn lại bàn giao sang Tổng cục Vật tư. Số Vật tư kỹ thuật tồn kho đã trữ trước đây, trong khi ký hợp đồng nguyên tắc thì không tính vào lúc thanh toán tồn kho lần này.

4. Việc kiểm kê vật tư tồn kho để bàn giao, nói chung sẽ căn cứ theo số đăng ký kho về số lượng quy cách, ký hiệu, theo thống kê chính thức và tiến hành cân đo, đếm, điển hình để xác nhận tình hình vật tư tồn kho là đúng với giấy tờ thống kê mà làm biên bản ghi nhận. Khi xuất hết vật tư tồn kho, hai bên sẽ xác nhận chính thức số lượng và chính thức thanh toán thừa hoặc thiếu với nhau.

Trường hợp thiết bị còn nguyên đai nguyên kiện như khi bên giao đã nhận trước đây thì Tổng cục Vật tư sẽ theo nguyên đai, nguyên kiện. Chỉ gặp trường hợp đặc biệt nếu bên nhận thấy cần mở kiện hàng để xem thiết bị thì hai bên sẽ bàn cụ thể với nhau.

5. Các ngành các Bộ (bên giao) cần nắm lại tình hình sử dụng vật tư kỹ thuật tồn kho từ ngày 01-01-1962 và từ nay khi sử dụng vật tư kỹ thuật tồn kho, các đơn vị cần ghi sổ sách rành mạch để khi tiến hành bàn giao được nhanh chóng và tốt.

III. THANH TOÁN VÀ BẢO QUẢN

Tổng cục Vật tư nhận bàn giao và thanh toán cho bên giao theo giá của Nhà nước như đã quy định trong Thông tư số 47-TTg.

Để bảo đảm giá thành sản phẩm khỏi bị cao một cách không hợp lý, cơ quan giao hàng không được tính bất cứ một một khoản phụ phí nào.

Đối với hàng nhập khẩu thì tính theo nguyên giá của Ngoại thương. Đối với các loại hàng khác, nếu giá cả mỗi đợt khác nhau, cố gắng tính theo giá nguyên thủy của từng đợt mỗi loại, gặp trường hợp cụ thể không thể tính được giá thì hai bên bàn với nhau và xin ý kiến của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

Sau khi bàn giao xong, Tổng cục Vật tư sẽ ký hợp đồng với bên giao gửi lại bên giao tiếp tục bảo quản vật tư. Thời gian gửi vật tư kỹ thuật tồn kho đã được bàn giao ở lại kho của bên giao dài hay ngắn là do hai bên thương lượng và ghi vào hợp đồng. Tổng cục Vật tư sẽ chịu tiền phí tổn bảo quản kể từ ngày bàn giao xong.

Trước kia bên giao đảm bảo phương tiện bảo quản thế nào thì sau bàn giao vẫn giữ nguyên. Trong trường hợp xét thấy cần tăng cường hơn nữa phương tiện bảo quản vật tư tồn kho hoặc nhường lại kho, hai bên sẽ bàn cụ thể với nhau.

IV. ĐIỀU HÒA

Việc bàn giao vật tư kỹ thuật tồn kho cần được các ngành, các địa phương phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Vật tư để cùng mau chóng thi hành Thông tư số 47-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng vì khối lượng vật tư kỹ thuật tồn kho thì nhiều và ở rải rác nhiều nơi, việc bàn giao này bị kéo dài đến tháng 7, tháng 8 năm 1962, nên trong khi chờ đợi bàn giao, do tình hình nhập khẩu vật tư kỹ thuật gặp khó khăn, Tổng cục Vật tư tạm thời điều một số vật tư kỹ thuật tồn kho chưa bàn giao đến nơi cần thiết để bảo đảm cho sản xuất và xây dựng hoạt động, khi chính thức bàn giao vật tư kỹ thuật tồn kho, Tổng cục Vật tư sẽ tính toán lại với các đơn vị hoặc Tổng cục Vật tư sẽ hoàn lại khi đơn vị cần đến vật tư đó (trong trường hợp Tổng cục Vật tư điều hòa vật tư dự trữ của đơn vị không thuộc khối lượng vật tư sẽ bàn giao cho Tổng cục Vật tư).

Từ nay trở đi yêu cầu các ngành, các Bộ các đơn vị thực hiện đúng tinh thần Thông tư số 47-TTg của Thủ tướng Chính phủ là “không được tự ý sử dụng vật tư kỹ thuật tồn kho ứ đọng, không tự ý vay mượn (không kể vật tư trong định mức dự trữ của xí nghiệp, công trường) không nhường đi bán lại mà phải báo cáo với Tổng cục Vật tư.

Trong khi thi hành Thông tư số 47-TTg của Thủ tướng Chính phủ có thể có những mắc mứu cụ thể, Tổng cục Vật tư yêu cầu bên giao cùng Tổng cục Vật tư bàn bạc để giải quyết với tinh thần hợp tác thi hành tốt thông tư này.

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC VẬT TƯ

TỔNG CỤC PHÓ

Phan Phúc Tường

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 177-TVT năm 1962 hướng dẫn Thông tư 47-TTg về việc giải quyết vật tư kỹ thuật tồn kho do Tổng cục Vật tư ban hành

  • Số hiệu: 177-TVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 19/05/1962
  • Nơi ban hành: Tổng cục Vật tư
  • Người ký: Phan Phúc Tường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 20
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản