Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HOÁ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1762-VH/TV

Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 1976

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CỤ THỂ VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ NGÂN SÁCH XÃ ĐỐI VỚI CÔNG TÁC Ở XÃ

Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị định số 64-CP ngày 8-4-1972 ban hành Điều lệ ngân sách xã, Bộ Tài chính cũng đã ra văn bản số 14-TC/TDT ngày 6-10-1972 giải thích thêm một số điểm giúp cho việc tổ chức chỉ đạo thực hiện điều lệ được thống nhất. Ngành văn hoá và ngành tài chính cùng với các ngành có liên quan có trách nhiệm thi hành tốt các văn bản đó. Căn cứ điều 3 của nghị định nói trên, sau khi bàn bạc và thoã thuận với Bộ Tài chính về những vấn đề có liên quan đến hai ngành, Bộ văn hóa quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành một số điểm như sau.

I. VỀ CÔNG TÁC VĂN HOÁ Ở XÃ

Công tác văn hoá là công tác giáo dục bằng các phương thức văn hoá ngoài nhà trường nhằm góp phần giáo dục và rèn luyện con người mới và nâng cao đời sống vui tươi lành mạnh của quần chúng. Công tác văn hoá là một bộ phận quan trọng của cách mạng tư tưởng và văn hoá. Nội dung công tác, phạm vi hoạt động và mục tiêu của nó đã ghi rõ trong chương I của bản quy chế tổ chức và quản lý công tác văn hoá văn nghệ được Bộ văn hóa ban hành ngày 5-8-1968 tại công văn số 1189-VH/VN.

Quá trình thực hiện công tác văn hoá ở xã là quá trình đạt được những thành tựu tốt đẹp, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và chiến đấu thắng lợi, đáp ứng yêu cầu không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, những điều kiện vật chất cần thiết để đảm bảo cho hoạt động văn hoá ở xã còn quá thiếu thốn. Trước đây, trong điều kiện cả nước có chiến tranh, từng nơi, từng lúc có cố gắng giải quyết vấn đề đó nhưng cũng chỉ mới được một số xã. Ngày nay, trong điều kiện cả nước đã được thống nhất, vấn đề tạo ra những điều kiện vật chất cần thiết cho hoạt động văn hoá ở xã và trước hết là việc xây dựng cơ sở vật chất cho những hoạt động đó trở thành một vấn đề hết sức cần thiết. Nó tạo điều kiện cho văn hoá xã có nơi, có chỗ để hoạt động, có chất lượng tốt, đồng thời chuẩn bị điều kiện để sự nghiệp văn hoá phát triển, nổ lực vươn lên nhanh chóng, đáp ứng những nhu cầu to lớn về thưởng thức văn học, nghệ thuật vui chơi giải trí lành mạnh của nhân dân, như báo cáo của đồng chí Lê Duẩn đọc trước Quốc Hội khoá VI.

II.NHỮNG CƠ SỞ VẬT CHẤT CỦA HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ Ở XÃ

Những cơ sở chủ yếu gồm có:

Nhà văn hoá xã là nơi làm công tác tuyên truyền, phổ biến và triển lãm về khoa học kỹ thuật nông nghiệp, lâm nghiệp; giới thiệu sách, xây dựng nếp đọc sách trong nhân dân, biểu diễn văn nghệ nhỏ nhẹ, chiếu phim đèn chiếu... nhà này, ở những nơi có điều kiện, cần xây dựng đủ chỗ cho khoản từ 300 đến 600 người ngồi, có chỗ biểu diễn văn nghệ nhỏ nhẹ, có chổ chiếu phim đèn chiếu... cùng với những phương tiện, công cụ cần thiết cho hoạt động văn hoá ở đó.

Thư viện xã là nơi đọc sách, báo của nhân dân trong xã. Thư viện cần có kho để sách báo, giá để sách,tủ để mục lục sách, phòng đọc và các bàn ghế để ngồi đọc sách. Ngoài việc bảo đảm xây dựng hai cơ sở đó ra, tuỳ theo khả năng và điều kiện cụ thể của từng xã mà lần lượt xây dựng tiếp theo những cơ sở sau đây:

- Phòng truyền thống (hoặc phòng lưu niệm) là nơi trưng bày hiện vật bảo tàng về lịch sử của xã, cũng là một trong những nơi trưng bày hay triển lãm thành tích về các mặt hoạt động của xã. Phòng cần có các tủ bục, các khung tranh ảnh để dùng vào việc trưng bày, giới thiệu hiện vật, có chỗ làm kho hiện vật.

- Bãi chiếu bóng (vừa là sân khấu ngoài trời). Cần có chỗ che màn ảnh, có chỗ che máy chiếu phim, có chỗ biểu diễn văn nghệ. Xã nào có điều kiện thì xây dựng bệ ngồi xem, xây tường bao quang bãi.

-Vườn văn hoá là một trong những nơi nghĩ ngơi, vui chơi giải trí của nhân dân. Vườn cần có chỗ ngồi chơi, nơi nào có điều kiện thì làm vườn hoa, trồng cây cảnh, xây tượng đài...

Trên đây là những cơ sở vật chất chủ yếu của hoạt động văn hoá ở xã. Ngoài ra, cần chú ý đúng mức đến những cơ sở văn hoá của thiếu nhi.

Xã nào đã xây nhà văn hoá rồi thì xây tiếp đến thư viện xã. Xã nào đã xây được thư viện rồi thì tuỳ theo yêu cầu và điều kiện của xã mà xây tiếp đến các cơ sở khác. Đối với những xã mà hiện nay chưa có cơ sở nào thì nhất thiết là phải xây nhà văn hoá xã trước và tiếp theo là xây thư viện xã... Đối với những xã có những di tích kiến trúc thuộc xã quản lý như : chùa, đình và đền đang còn tốt thì có thể mượn để sử dụng, trong trường hợp xã chưa có khả năng xây dựng được (căn cứ điểm 5 của Chỉ thị số 88-TTg ngày 26-4-1973 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp hành chính sách đối với việc bảo vệ các chùa thờ Phật):

III. QUY ĐỊNH VỀ XÂY DỰNG VÀ BẢO QUẢN CƠ SỞ VẬT CHẤT

Việc xây dựng cơ sở vật chất của ngành văn hoá ở xã phải căn cứ vào hướng dẫn của Bộ văn hóa về quy mô, về thiết kế của công trình, cũng như quy định tiêu chuẩn sử dụng đất đai và vật liệu xây dựng (Bộ sẽ gửi sau). Việc xây dựng các cơ sở vật chất của ngành văn hoá và việc trang bị bên trong các cơ sở ở xã thì do Uỷ ban nhân dân xã đảm nhiệm; ở thị trấn, thị xã, thành phố thì do Uỷ ban nhân dân thị trấn, thị xã, thành phố đảm nhiệm.

Nguồn vốn xây dựng và trang bị đã được ghi rõ trong điều lệ ngân sách xã, kết hợp với sự đóng góp của nhân dân về công lao động, tiền và vật liệu; trong đó phần lao động thì căn cứ điều 6 của Nghị định số 135-CP ngày 5-8-1969 của Hội đồng Chính phủ về việc huy động, tổ chức và sử dụng lao động nghĩa vụ. Ngoài ra, còn kết hợp với quỹ công ích của hợp tác xã, nếu thiếu thì ngân sách tỉnh, thành phố trợ cấp đặc biệt (điều 19).

Nguồn vốn trong ngân sách xã thì căn cứ điều 13 của điều lệ ngân sách xã, điều này ghi những khoản chi không thường xuyên để chi cho việc xây dựng và trang bị bên trong các công trình lợi ích công cộng của xã.

Riêng đối với các xã miền núi, nếu ngân sách xã và sự đóng góp của nhân dân không đủ để xây dựng và trang bị thì ngân sách Nhà nước trợ cấp.

Nguồn vốn xây dựng và trang bị cơ sở vật chất của ngành văn hoá ở thị trấn, thị xã do ngân sách tỉnh, thành phố cấp kết hợp với sự đóng góp của nhân dân, vốn xây dựng và trang bị cơ sở vật chất của ngành văn hoá ở xã (nông thôn), thì do Uỷ ban nhân dân xã quản lý và giám đốc việc xây dựng. Việc quản lý và giám đốc vốn phải theo đúng các quy định trong Điều lệ ngân sách xã và Thông tư số 14-TC/TDT ngày 6-10-1972 của Bộ Tài chính. Vốn xây dựng và trang bị cơ sở vật chất ngành văn hoá ở thị trấn, thị xã, thành phố thì do Chi hàng kiến thiết tỉnh, thành phố quản lý theo đúng chế độ quản lý vốn kiến thiết cơ bản đã được Nhà nước quy định.

Việc bảo quản nhà cửa, trang bị của các cơ quan văn hoá ở xã, thị trấn, thị xã phải được phân công trách nhiệm cho những người hoạt động cho cac cơ quan đó, nhất là những người phụ trách với sự giúp đỡ tích cực của chính quyền và nhân dân địa phương. Người được phân công bảo quản nếu để mất hay hư hỏng vì thiếu trách nhiệm thì phải bồi thường theo chế độ trách nhiệm vật chất Nhà nước quy định. Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn, thị xã cần có nội quy bảo quản và sử dụng những tài sản đó và cần cho định kỳ kiểm kê theo đúng chế độ hiện hành.

IV. QUY ĐỊNH NHỮNG KHOẢN CHI VÀ THU VỀ HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ Ở XÃ

Về chi.

Điều 9 của Điều lệ ngân sách xã ghi các khoản chi thường xuyên và những khoản chi để bảo đảm những hoạt động bình thường của các sự nghiệp thuộc phạm vi trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân xã, không kể những khoản phụ cấp cho cán bộ chuyên trách hoặc bán chuyên trách (vì đã nói ở điều 8), cũng không chi những khoản thuộc phần của hợp tác xã chỉ cho hoạt động văn hoá văn nghệ. Đối với ngành văn hoá ở xã, để bảo đảm các hoạt động được bình thường thì cần chi những khoản dưới đây.

Mua sách, báo cho thư viện, chi cho hoạt động trong nhà văn hoá, chỉ cho hoạt động về bảo tồn, bảo tàng, mua son phấn cho hoạt động văn nghệ, bồi dưỡng cho cá nhân, tập thể hoạt động văn hoá văn nghệ tích cực; cho cho những hoạt động văn hoá phục vụ các ngày lễ lớn trong năm...

Điều 10 của Điều lệ ngân sách xã ghi những khoản chi khác là những khoản chi về quản lý tài sản công, và tu bổ thường xuyên, chi về sửa chữa nhà cửa và các công trình lợi ích công trình đang sử dụng. Đối với ngành văn hoá thì cần chi cho các việc quản lý, tu bổ, sửa chữa nhỏ, các cơ sở vật chất của hoạt động văn hoá trong xã. Ngân sách của các xã cần dành cho những khoản chi nói ở các điều 9 và 10 một tỷ lệ thỏa đáng do Uỷ ban nhân dân tỉnh và thành phố hướng dẫn, căn cứ yêu cầu khối lượng công tác và tình hình ngân sách của từng loại xã. Đối với những xã còn có khó khăn, số thu cố định và điều tiết của ngân sách xã chưa bảo đảm được các khoản chi thường xuyên nói trên, thì ngân sách tỉnh và thành phố trợ cấp (điều 17).

Về thu.

Căn cứ điều 15 của Điều lệ ngân sách xã, ngành văn hoá ở xã được thu các khoản sau đây: thu về hoạt động văn nghệ, thu lệ phí tham quan (có hướng dẫn) các loại di tích hoặc thắng cảnh (nếu có), thu về khấu hao và cho mượn nhà văn hoá xã. Mức thu của các khoản này do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố xét và quy định.

V. TRÁCH NHIỆM CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN VÀ CƠ QUAN VĂN HOÁ TÀI CHÍNH CÁC CẤP

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố lãnh đạo việc lập quy hoạch xây dựng cơ sở vật chất của ngành văn hoá ở địa phương, lãnh đạo việc lập kế hoạch và chỉ đạo việc huy động, cân đối nguồn vốn, huy động lực lượng thi công và vật tư xây dựng cần thiết như gỗ, sắt, thép, xi-măng, than,v.v... bảo đảm xây dựng và trang bị đúng quy cách và đúng yêu cầu.

2. Các Sở, Ty văn hoá cùng với Sở, Ty tài chính giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố hướng dẫn các huyện, khu phố, thị trấn, thị xã lập kế hoạch xây dựng và kế hoạch tài vụ. Sau khi có kế hoạch được duyệt thì các Sở, ty, phòng cần cấp phát kinh phí được kịp thời. Các cơ quan kế hoạch, vật tư cần cung cấp đủ vật liệu xây dựng và có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cho các cơ quan văn hoá xã để thực hiện được đúng chính sách, chế độ của Nhà nước và kiểm tra, giám đốc việc thực hiện đó.

3. Phòng văn hoá cùng với phòng tài chính huyện có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân huyện chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện nói trên.

Bộ văn hóa đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình địa phương, hướng dẫn cụ thể việc thi hành thông tư này.

Đối với các xã mới giải phóng, chưa có hoặc mới có ngân sách xã thì đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố cần hướng dẫn việc chi thu cho được thoã đáng vừa bảo đảm được khối lượng công tác, vừa từng bước xây dựng và trang bị các cơ sở vật chất cho các hoạt động văn hoá ở xã được tốt.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ

THỨ TRƯỞNG

Cù Huy Cận

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 1762-VH/TV-1976 hướng dẫn thi hành Điều lệ ngân sách xã đối với công tác ở xã do Bộ Văn hóa ban hành

  • Số hiệu: 1762-VH/TV
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 19/10/1976
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá
  • Người ký: Cù Huy Cận
  • Ngày công báo: 30/10/1976
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: 03/11/1976
  • Ngày hết hiệu lực: 20/12/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản