Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17-TC/TNVT

Hà Nội, ngày 07 tháng 03 năm 1987

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 17-TC/TNVT NGÀY 7-3-1987 HƯỚNG DẪN BỔ SUNG CHẾ ĐỘ PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN VÀ TRÍCH LẬP QUỸ XÍ NGHIỆP TRONG CÁC XÍ NGHIỆP THƯƠNG NGHIỆP QUỐC DOANH QUY ĐỊNH TẠI THÔNG TƯ SỐ 47-TC/TNVT NGÀY 10-12-1986

Căn cứ ý kiến phản ảnh những vướng mắc của các ngành và các địa phương về việc thực hiện chế độ phân phối lợi nhuận và trích lập quỹ xí nghiệp trong các xí nghiệp quốc doanh đã được quy định tại Thông tư số 47-TC/TNVT ngày 10-12-1986, Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung thêm một số điểm sau đây:

1. Tại tiết a, điểm 2 "xác định lợi nhuận kế hoạch" của mục II sửa lại như sau:

Lợi nhuận của kế hoạch kinh doanh nghiệp vụ cơ bản của xí nghiệp thương nghiệp được xác định trên cơ sở tỷ lệ lợi nhuận định mức được hình thành trong định mức chiết khấu thương nghiệp. Tuy nhiên tỷ lệ lợi nhuận định mức này đã được xây dựng từ lâu nên không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Vì vậy, trong khi chờ đợi việc xác định chính thức lại tỷ lệ lợi nhuận định mức, đề nghị các đơn vị thương nghiệp quốc doanh Trung ương và địa phương bàn bạc với cơ quan tài chính và các cơ quan liên quan cùng cấp để thống nhất tạm thời quy định một tỷ lệ lợi nhuận định mức hợp lý, phù hợp với từng đơn vị theo tính chất hoạt động kinh doanh khác nhau, bảo đảm đủ nguồn để trích lập 3 quỹ xí nghiệp theo kế hoạch, với nguyên tắc:

- Hai tháng lương cơ bản (lương cấp bậc hay chức vụ) và có cộng thêm 70% chênh lệch giá sinh hoạt cho 2 quỹ khen thưởng và phúc lợi (theo hướng dẫn tại Thông tư số 109-TC/NSNN ngày 21-2-1987 của Bộ Tài chính).

- Một phần trăm tính trên nguyên giá tài sản cố định và tài sản lưu động định mức cho quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh (cách tính theo hướng dẫn tại Thông tư số 109-TC/NSNN ngày 21-2-1987 của Bộ Tài chính).

Tổng số trích 3 quỹ theo kế hoạch với nguyên tắc trên được nhân lên gấp đôi là lợi nhuận kế hoạch của đơn vị (vì có 50% nộp ngân sách theo kế hoạch). Tổng số lợi nhuận kế hoạch này so sánh với tổng doanh số bán ra theo kế hoạch (sau khi đã loại trừ chênh lệch giá nếu có) tính theo các loại giá (giá bán lẻ chỉ đạo ổn định của Nhà nước, giá bán kinh doanh thương nghiệp, hoặc giá bán lẻ bình thường do cấp có thẩm quyền quyết định) để xác định tỷ lệ lợi nhuận định mức kế hoạch của đơn vị.

Tỷ lệ lợi nhuận định mức nhân (X) với doanh số bán kế hoạch bằng (=) mức lợi nhuận kế hoạch.

2. Để thực hiện đúng đắn chế độ phân phối lợi nhuận theo cơ chế mới, phần chênh lệch giá trong kinh doanh, kể cả hàng kinh doanh theo giá thoả thuận, phải được bóc tách rõ ràng, chính xác ra khỏi lợi nhuận như đã nói ở tiết a, điểm 2, mục II tại Thông tư số 47-TC/TNVT, nay bổ sung cụ thể thêm như sau:

Đối với hàng có giá chỉ đạo của Nhà nước, khi có quyết định tăng (hay giảm) giá, nếu không thay đổi giá hạch toán hàng tồn kho thì phần tăng (hay giảm) hàng tồn kho đó là chênh lệch gía phải nộp ngân sách hoặc được cấp bù. Việc bóc tách chênh lệch giá này cũng bao gồm cả một số mặt hàng do Trung ương quy định giá lẻ thống nhất nhưng về địa phương có quyết định giá bán cao hơn.

Đối với hàng kinh doanh theo giá thoả thuận, liên doanh liên kết thì việc bóc tách chênh lệch giá được xác định như sau:

Chênh lệch giá hàng thoả thuận

=

Giá bán ra thực thu

-

Giá bảo đảm kinh doanh

Giá bảo đảm kinh doanh cần thiết

=

Giá mua

+

Lợi nhuận định mức

+

Chi phí hợp lý

Nhằm bảo đảm việc bóc tách chênh lệch gía thoả thuận, liên doanh liên kết được thuận tiện, phù hợp với các cấp kinh doanh thì giá bảo đảm kinh doanh được xác định:

- Đối với các xí nghiệp thương nghiệp địa phương:

Giá bảo đảm kinh doanh

=

Giá mua

+

Chiết khấu thương nghiệp định mức

+

Chiết khấu thương nghiệp định mức nghiệp tăng thêm hợp lý hoặc chi phí cùng nhóm hàng ngoại tỉnh (nếu có)

- Đối với các xí nghiệp thương nghiệp Trung ương:

Giá bảo đảm kinh doanh

=

Giá mua

+

Chiết khấu thương nghiệp định mức toàn ngành

+

Chiết khấu thương nghiệp cùng nhóm hàng tăng thêm hợp lý

Chiết khấu thương nghiệp

=

Hệ số chiết khấu thương nghiệp tăng thêm hợp lý

x

Chiết khấu thương nghiệp tăng thêm hợp lý của cùng nhóm hàng

Hệ số chiết khấu thương nghiệp tăng thêm hợp lý chi phí ngoại tỉnh (nếu có) do Bộ chủ quản (đối với các xí nghiệp Trung ương quản lý), Sở chủ quản (đối với xí nghiệp địa phương quản lý) quy định sau khi đã có sự thoả thuận thống nhất với cơ quan Tài chính cùng cấp.

3. Tại thời điểm 3 mục II: Lợi nhuận vượt kế hoạch của phần kinh doanh nghiệp vụ chính (nghiệp vụ cơ bản và nghiệp vụ ngoài cơ bản bao gồm các nghiệp vụ khác như cung cấp lao vụ cho bên ngoài, thu nhặt phế liệu bao bì ngoài vốn...) và sản xuất phụ là khoản chênh lệch giữa lợi nhuận thực hiện (sau khi đã loại trừ chênh lệch giá nếu có) với lợi nhuận kế hoạch. Nay bổ sung thêm như sau:

Lợi nhuận vượt kế hoạch của phần kinh doanh nghiệp vụ cơ bản được xác định từ 2 yếu tố là doanh số bán ra vượt kế hoạch và phí lưu thông giảm so với kế hoạch. Phần lợi nhuận vượt kế hoạch do yếu tố vượt doanh số bán ra được xác định:

Phần doanh số vượt so với kế hoạch (sau khi đã loại trừ chênh lệch nếu có)

x

Tỷ lệ % lợi nhuận định mức đã được xây dựng trong kế hoạch lợi nhuận

Do tính chất phức tạp của hoạt động kinh doanh thương nghiệp, đề nghị các ngành, các địa phương tiếp tục phản ánh những vướng mắc về Bộ Tài chính để kịp thời nghiên cứu, bổ sung hướng dẫn cho phù hợp.

Lý Tài Luận

(Đã Ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 17-TC/TNVT-1987 bổ sung chế độ phân phối lợi nhuận và trích lập quỹ xí nghiệp trong các xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh theo Thông tư 47-TC/TNVT do Bộ tài chính ban hành

  • Số hiệu: 17-TC/TNVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 07/03/1987
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Lý Tài Luận
  • Ngày công báo: 30/04/1987
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: 07/03/1987
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản