Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17-LĐ/TT

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 1974

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH PHỤ CẤP LƯƠNG CHO CÔNG NHÂN LÀM VIỆC Ở NHỮNG NƠI NÓNG, ĐỘC HẠI

Nghị quyết số 137-CP ngày 06-06-1974 của Hội đồng Chính phủ đã ghi:“Trong kế họach khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa hai năm 1974-1975, do khả năng kinh tế, tài chính của ta chưa cho phép cải tiến tiền lương một cách tòan diện và cơ bản, mà chỉ có thể cải tiến một bước chế độ tiền lương đối với những bộ phận lao động nặng nhọc nhất, kỹ thuật phức tạp nhất như nghị quyết hội nghị lần thứ 22 của Trung ương Đảng đã đề ra”.

Yêu cầu của việc thực hiện nghị quyết số 137-CP là: trước hết phải chú trọng tăng cường quản lý để sử dụng tốt lao động trên cơ sở xây dựng hoặc điều chỉnh lại định mức lao động hợp lý; chấn chỉnh và mở rộng chế độ tiền lương trả theo sản phẩm, nghiên cứu áp dụng các chế độ tiền thưởng; thực hiện đầy đủ các chế độ hiện hành, chăm lo tổ chức tốt hơn đời sống và cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân, viên chức; động viên mọi người hăng hái thi đua lao động sản xuất, phấn đấu tăng năng suất lao động, góp phần hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch. Đồng thời, để điều chỉnh một bước quan hệ tiền lương cho một số ngành nghề trọng điểm nhằm khuyến khích những mặt tích cực như ngày công cao, kỷ luật lao động tốt, yên tâm với ngành nghề góp phần tăng cường quản lý lao động, chấn chỉnh công tác quản lý kinh tế và không gây khó khăn cho việc cải tiến tiền lương sau này.

Theo tinh thần trên, Bộ Lao động đề nghị các ngành quản lý sản xuất kiểm tra việc thực hiện đúng các yêu cầu của nghị quyết số 137-CP. Trong Thông tư này, Bộ Lao động hướng dẫn việc thực hiện phụ cấp từ 5 đến 10% trên mức lương nóng, độc hại cho công nhân làm việc ở những nơi nóng, độc hại thuộc các ngành luyện kim hoá chất, cơ khí, điện và một số bộ phận lao động đặc biết nóng, độc hai, thuộc các ngành khác (phần II, mục A, điểm 2 của nghị quyết số 137-CP) như sau:

1. Mức phụ cấp cho những công việc ở những nơi nóng, độc hại trong các ngành nghề.

Căn cứ vào mức độ nóng, độc hại của các ngành, nghề và các mức lương nóng, độc hại của các thang lương hiện hành, khoản phụ cấp này định thành ba mức: 5%, 8% và 10% để áp dụng cho các công việc làm ở những nơi nóng, độc hại và đặc biệt nóng, độc hại:

a) Mức phụ cấp 10%:

- Áp dụng cho những công việc thuộc ngành luyện kim xếp theo mức lương đặc biệt nóng, độc hại của thang lương luyện kim (bậc 1 = 48đ; bậc 7 = 120đ).

- Áp dụng cho những công việc thuộc ngành hoá chất xếp theo mức lương đặc biệt nóng, độc hại của thang lương hoá chất (bậc 1 = 46đ; bậc 7 = 115đ).

b) Mức phụ cấp 8%:

- Áp dụng cho những công việc thuộc ngành luyện kim xếp theo mức lương nóng, độc hại của thang lương luyện kim (bậc 1 = 44đ; bậc 7 = 110đ).

- Áp dụng cho những công việc thuộc ngành hoá chất xếp theo mức lương nóng, độc hại của thang lương hoá chất (bậc 1 = 42đ; bậc 7 = 105đ).

c) Mức phụ cấp 5%:

Áp dụng cho những công việc đã xếp theo mức lương nóng, độc hại của các thang lương còn lại (trừ hai thang lương luyện kim và hoá chất nói trên) thuộc các ngành khác như cơ khí, điện, vật liệu xây dựng,v.v...

2. Cách tính phụ cấp:

a) Khoản phụ cấp này chỉ được tính theo ngày làm việc trực tiếp những công việc nóng, độc hại theo cách tính của Thông tư số 20-LĐ/TT ngày 01-08-1960 (phần II) và được tính vào đơn giá nếu trả lương theo sản phẩm. Tất cả những trường hợp ngừng việc, nghỉ việc vì bất cứ lý do nào đều không được hưởng phụ cấp.

b) Những ngành, nghề mà thang lương hoặc bảng lương không quy định mức lương nóng, độc hại và những công việc chưa được xét duyệt chính thức hưởng mức lương nóng, độc hại theo quy định tại Thông tư 20-LĐ/TT ngày 01-08-1960 và các văn bản xét duyệt, bổ sung đối tượng hưởng mức lương nóng, độc hại kế tiếp của Bộ Lao động thì không được hưởng phụ cấp này.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 1974.

Căn cứ quy định trong Thông tư này, các Bộ, các ngành, các địa phương hướng dẫn các đơn vị cơ sở thuộc quyền thực hiện.

Những cán bộ thi hành sai Thông tư này, gây tổn thất cho công quỹ của Nhà nước đề bị xử lý theo tinh thần nghị quyết 228 của Trung ương Đảng và điều 12 của Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa công bố ngày 21-10-1970.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn mắc mứu yêu cầu trao đổi thống nhất với Bộ Lao động để giải quyết.

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG




Nguyễn Thọ Chân

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 17-LĐ/TT-1974 hướng dẫn thi hành phụ cấp lương cho công nhân làm việc ở những nơi nóng, độc hại do Bộ Lao động ban hành

  • Số hiệu: 17-LĐ/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/11/1974
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động
  • Người ký: Nguyễn Thọ Chân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 21
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản