Hệ thống pháp luật

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 17/2008/TT-BXD

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2008

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG LẬP VÀ QUẢN LÝ CHI PHÍ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH THUỶ ĐIỆN THEO CƠ CHẾ 797 - 400

Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ
văn bản số 797/CP-CN ngày 17/6/2003 và số 400/CP-CN ngày 26/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế đối với các dự án thuỷ điện khởi công năm 2003 đến năm 2005 (sau đây viết tắt là cơ chế 797 - 400).
Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình thủy điện thực hiện theo cơ chế 797 - 400 như sau:

I- QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

Thông tư này hướng dẫn lập và quản lý chi phí trực tiếp khác trong dự toán xây dựng công trình; chi phí chung và thu nhập chịu thuế tính trước trong giá vật liệu khai thác tại các Dự án thuỷ điện; chi phí vận chuyển vật liệu đến hiện trường xây dựng; định mức gia công, lắp dựng, tháo dỡ ván khuôn tấm lớn công trình thuỷ công, chi phí xây dựng nhà ở tạm của công nhân xây dựng của các dự án thuỷ điện thực hiện theo cơ chế 797 - 400 của Thủ tướng Chính phủ.

Các khoản mục chi phí ngoài các khoản mục chi phí nêu trên trong Tổng mức đầu tư, tổng dự toán, dự toán của các dự án thực hiện theo cơ chế 797 - 400 được thực hiện theo các quy định của Nhà nước tương ứng với từng thời kỳ.

2. Nguyên tắc lập và quản lý chi phí

Việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình thuỷ điện thực hiện theo cơ chế 797 - 400 phải đảm bảo mục tiêu, hiệu quả đầu tư, đồng thời phải đảm bảo tính khả thi của dự án đầu tư xây dựng công trình, đảm bảo tính đúng, tính đủ, hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế và yêu cầu khách quan của từng công trình.

II- QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Chi phí trực tiếp khác.

1.1. Nội dung của chi phí trực tiếp khác.

Là chi phí cho những công tác cần thiết phục vụ trực tiếp việc thi công xây dựng công trình như di chuyển lực lượng lao động trong nội bộ công trường, an toàn lao động, bảo vệ môi trường cho người lao động và môi trường xung quanh, chi phí bơm nước, vét bùn, thí nghiệm vật liệu,... không xác định được khối lượng từ thiết kế. Mức chi phí trực tiếp khác được xác định như sau:

1.1.1. Công tác xây dựng trong hầm thì chi phí trực tiếp khác (kể cả chi phí vận hành, chi phí sửa chữa thường xuyên hệ thống cấp nước, thoát nước, cấp gió, cấp điện, giao thông phục vụ thi công trong hầm) được tính bằng 6,5% trên tổng chi phí vật liệu, chi phí nhân công, chi phí máy thi công trong dự toán xây dựng công trình.

1.1.2. Đối với công tác thi công ngoài hầm (ngoài hở) thì chi phí trực tiếp khác được tính bằng 2% đối với công trình chính và 1,5% cho công trình tạm phục vụ thi công trên tổng chi phí vật liệu, chi phí nhân công, chi phí máy thi công trong dự toán xây dựng công trình.

1.2. Các chi phí không thuộc chi phí trực tiếp khác (xác định bằng lập dự toán chi phí theo theo thiết kế, quy mô, đề cương thí nghiệm, phương án vận chuyển được duyệt).

- Chi phí đầu tư ban đầu hệ thống nước kỹ thuật để thi công công trình;

- Chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống thông gió, chiếu sáng, hệ thống điện, cấp thoát nước, giao thông phục vụ thi công trong hầm đối với các công tác thi công trong hầm;

- Chi phí đầu tư ban đầu cho công tác bơm nước, vét bùn, bơm thoát nước hố móng ngay sau khi ngăn sông, chống lũ, hệ thống điện 0,4kv phục vụ thi công;

- Chi phí bơm thoát nước hố móng ngay sau khi ngăn sông, chống lũ.

- Chi phí di chuyển lực lượng thi công đến công trình; chi phí tháo dỡ, vận chuyển và lắp đặt cần trục tháp trong nội bộ công trường; duy tu bảo dưỡng hệ thống giao thông phục vụ thi công trong công trường; chi phí vận hành hệ thống điện tính từ điểm đấu nối hệ thống điện công trình đến trạm hạ thế cuối cùng của công trình (điểm đặt công tơ đo đếm để mua điện);

- Chi phí xử lý rác thải, nước thải, cho khu nhà ở tạm tại công trường.

- Chi phí thí nghiệm tăng thêm của thí nghiệm thi công bê tông đầm lăn (RCC).

2. Chi phí chung và thu nhập chịu thuế tính trước trong giá vật liệu khai thác tại các dự án thuỷ điện.

Đối với những loại vật liệu như: Cát, đá, đất dính và vật liệu làm lớp lọc được các đơn vị thi công khai thác, sản xuất ra thành phẩm để phục vụ thi công công trình thì được phép áp dụng tỷ lệ chi phí chung và thu nhập chịu thuế tính trước hợp lý để tính vào giá bán sản phẩm. Tỷ lệ cụ thể chi phí chung và thu nhập chịu thuế tính trước được xác định như sau:

- Chi phí chung tính bằng 2,5% trên chi phí máy thi công;

- Thu nhập chịu thuế tính trước tính bằng 3% trên chi phí trực tiếp và chi phí chung;

Biểu tổng hợp dự toán chi phí sản xuất vật liệu như phụ lục kèm theo Thông tư này;

Đối với các dự án, công trình đã được Chủ đầu tư và Nhà thầu thoả thuận giá trước khi thực hiện khai thác thì không áp dụng hướng dẫn của Khoản 2 này.

3. Xác định chi phí vận chuyển vật liệu đến hiện trường xây dựng.

Để xác định chi phí vận chuyển phù hợp với sự biến động giá nhiên liệu theo cơ chế thị trường thì chi phí vận chuyển phải căn cứ vào chủng loại vật liệu, phương án vận chuyển, địa điểm cung cấp, cấp loại đường vận chuyển, cước vận chuyển hàng hoá ban hành tại địa phương, Chủ đầu tư và Nhà thầu thương thảo, thoả thuận chi phí vận chuyển hợp lý để áp dụng.

4. Về định mức gia công, lắp dựng, tháo dỡ ván khuôn tấm lớn công trình thuỷ công để sử dụng.

Ván khuôn tấm lớn công trình thuỷ công là các ván khuôn có kích thước của một tấm ván khuôn từ 1,5 x 2m trở lên.

5. Chi phí nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công bao gồm cả chi phí đưa đón công nhân xây dựng đến hiện trường xây lắp đ­ược tính toán căn cứ vào nhu cầu cần thiết của công trình, theo tổng mặt bằng và tổng tiến độ công trình được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nh­ưng không vư­ợt quá 2% giá trị dự toán chi phí xây dựng của công trình.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Việc chuyển tiếp thực hiện Thông tư này do Người quyết định đầu tư xem xét, quyết định phù hợp với từng giai đoạn thực hiện của dự án đảm bảo nguyên tắc không làm gián đoạn các công việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình; đối với những dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư thì Chủ tịch Tập đoàn kinh tế, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Nhà nước xem xét, quyết định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và áp dụng cho các dự án thực hiện theo cơ chế 797 - 400 được thực hiện từ trước đến nay. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Xây dựng để nghiên cứu giải quyết./.

Nơi nhận :
- Văn phòng TW Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- HĐND, UBND, SXD các tỉnh và thành phố trực thuộc TW;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- Viện Kiểm sát ND tối cao;
- Toà án Nhân dân tối cao;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL(Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Website Chính phủ, Website Bộ Xây dựng;
- Các Cục, Vụ thuộc Bộ Xây dựng;
- Lưu VP, Vụ KTXD, Vụ PC, Viện KTXD.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Cao Lại Quang

PHỤ LỤC

(Ban hành kèm theo Thông tư số 17/2008/TT-BXD ngày 02 tháng 10 năm 2008 của Bộ Xây dựng)

BIỂU TỔNG HỢP DỰ TOÁN CHI PHÍ SẢN XUẤT VẬT LIỆU KHAI THÁC TẠI CÁC DỰ ÁN THUỶ ĐIỆN

STT

KHOẢN MỤC CHI PHÍ

CÁCH TÍNH

KÝ HIỆU

I

CHI PHÍ TRỰC TIẾP

1

Chi phí vật liệu

n

S Qj x Djvl

j=1

VL

2

Chi phí nhân công

n

S Qj x Djnc x (1 + Knc)

j=1

NC

3

Chi phí máy thi công

n

S Qj x Djm x (1 + Kmtc)

j=1

M

Chi phí trực tiếp

VL+NC+M

T

II

CHI PHÍ CHUNG

M x 2,5%

C

III

THU NHẬP CHỊU THUẾ TÍNH TRƯỚC

(T+C) x 3%

TL

Chi phí vật liệu xây dựng trước thuế

(T+C+TL)

G

Trong đó:

- Qj là khối lượng vật liệu j (j=1¸n) dùng để khai thác và sản xuất ra vật liệu xây dựng cho công trình.

- Djvl, Djnc, Djm là chi phí vật liệu, nhân công, máy thi công trong đơn giá xây dựng chi tiết của vật liệu j (j=1¸n) dùng để khai thác và sản xuất ra vật liệu xây dựng cho công trình.

+ Knc, Kmtc : Hệ số điều chỉnh nhân công, máy thi công (nếu có).

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 17/2008/TT-BXD hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình thuỷ điện theo cơ chế 797 - 400 do Bộ Xây dựng ban hành

  • Số hiệu: 17/2008/TT-BXD
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 02/10/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
  • Người ký: Cao Lại Quang
  • Ngày công báo: 21/10/2008
  • Số công báo: Từ số 579 đến số 580
  • Ngày hiệu lực: 05/11/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 15/08/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản