Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG NGHIỆP NHẸ
TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1687

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 1961

THÔNG TƯ

VỀ ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT VÀ CẢI TIẾN CHẾ ĐỘ CUNG TIÊU ĐỐI VỚI NGÀNH SẢN XUẤT ĐỒ GỖ Ở HÀ NỘI

Ngành sản xuất đồ gỗ Hà Nội giữ một vị trí quan trọng và có nhiều khả năng trong việc thoả mãn nhu cầu đồ dùng của nhân thành phố và phần nào đối với nhân các tỉnh. từ khi căn bản hoàn thành hợp tác hoá và công tư hợp doanh, ngành sản xuất đồ gỗ càng có thêm nhiều khả năng mới để đẩy mạnh phát triển sản xuất hiện nay, 4 xí nghiệp công tư hợp doanh đã cùng với xí nghiệp C42 họp thành xí nghiệp địa phương, quy mô được mở rộng và thiết bị được tăng cường hơn trước khá nhiều; 56 hợp tác xã với 1984 xã viên trong đó trình độ nhiều hợp tác xã còn thấp nhưng cũng có một số hợp tác xã thành lập đã lâu, trình độ tương đối khá, sản xuất đã bắt đầu dùng những máy cưa đĩa, máy bào, máy soi…

Nhu cầu nhân dân ngày càng tăng về số lượng phẩm chất và mặt hàng; khả năng cơ sở sản xuất còn nhiều chưa được tận dụng trong lúc đó đồ gỗ dân dụng rất thiếu, từ bàn ghế đồ dùng trong nhà đồ dùng hàng ngày đến đồ chơi trẻ em đều thiếu. Phần lớn đồ gỗ làm ra phẩm chất xấu, hở mộng chóng hỏng không chú ý chất lượng và không hợp với túi tiền của nhân dân lao động.

Nguyên nhân tình hình đó là do trong việc lãnh đạo sản xuất ta mới chú trọng thỏa mãn nhu cầu cơ quan Nhà nước, chưa chú trọng đến việc phục vụ nhu cầu nhân dân. Kế hoạch đồ gỗ dân dụng của Công ty Lâm sản Hà Nội chỉ bằng chưa tới 1/3 kế hoạch cung cấp cho cơ quan Nhà nước; đi theo đó việc cung cấp nguyên liệu cho sản xuất đồ gỗ dân dụng và việc bán gỗ cho dân rất hạn chế. Một nguyên nhân quan trọng nữa là do sau khi căn bản hoàn thành cải tạo, quan hệ sản xuất đã thay đổi nhưng ta vẫn giữ hình thức biện pháp gia công, cung cấp nguyên liệu qua nhiều khâu trung gian tốn kém với nhiều chính sách chế độ quản lý như trước đây đối với sản xuất tư nhân và thủ công nghiệp cá thể, do đó không phát huy tích cực của cơ sở sản xuất nhất là của hợp tác xã thủ công nghiệp. Sự phân công phối hợp giữa các ngành nhất là giữa công nghiệp, liên hiệp hợp tác xã thủ công nghiệp với ngành lâm nghiệp kinh doanh đồ mộc chưa được chặt chẽ cũng là nguyên nhân ảnh hưởng không tốt tới việc chỉ đạo sản xuất và kỹ thuật.

Để đẩy mạnh phát triển sản xuất và củng cố quan hệ sản xuất mới, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của ngành sản xuất đồ gỗ dân dụng ở Hà Nội, chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị 12 và nghị quyết 21 của ban bí thư Trung ương Đảng, Liên bộ công nghiệp nhẹ và Tổng cục Lâm nghiệp đề ra một số chủ trương và biện pháp sau đây:

I. VỀ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT

1. Cần đẩy mạnh phát triển sản xuất đồ gỗ nhằm thoả mãn nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân thành phố (chú trọng cả ngoại thành) một phần nào nhu cầu nhân dân các tỉnh và vẫn tiếp tục đảm bảo nhu cầu của các cơ quan Nhà nước.

2. Mặt hàng sản xuất cần chú trọng cả bàn ghế, tủ, giường, tủ đựng thức ăn, mâm, khay, thùng đựng nước mắm, guốc, mắc áo, hộp khung, đồ dùng trong nhà, đồ dùng hàng ngày, đồ chơi trẻ em đến cả các mặt hàng linh tinh khác. Trong chỉ đạo sản xuất, cần tiến hành tiêu chuẩn hóa những mặt hàng có thể sản xuất hàng loạt để tiện cho việc tổ chức sản xuất, điều hoà nguyên liệu nhưng không nên có khuynh hướng giản đơn, ngại khó gò bó cơ sở sản xuất làm cho mặt hàng giảm sút; trái lại phải hết sức chú trọng khuyến khích, cải tiến mặt hàng, chẳng những làm cho mặt hàng ngày càng phong phú thỏa mãn mọi nhu cầu phức tạp của nhân dân mà còn làm cho các loại đồ gỗ đảm bảo phẩm chất bền, chắc, tiết kiệm gỗ; giá cả ngày càng rẻ để phục vụ tốt cho nhân dân lao động.

3. Để đẩy mạnh phát triển sản xuất đồ gỗ, các xí nghiệp quốc doanh cần chú trọng sản xuất những mặt hàng lớn cho nhu cầu cơ quan, nhu cầu xuất khẩu và những mặt hàng dân dụng có thể tiêu chuẩn hóa để có thể sản xuất hàng loạt; còn hợp tác xã thủ công nghiệp thì ngoài việc sản xuất một số mặt hàng tương tự như xí nghiệp quốc doanh, cần phải đặc biệt chú trọng sản xuất mặt hàng dân dụng nhiều kiểu, nhiều loại, chú trọng cả việc sửa chữa đồ gỗ cho nhân dân khu phố, xã, thôn bằng cách tổ chức việc sửa chữa tại địa điểm sản xuất hoặc cử người đi lưu động sửa chữa phục vụ tận nhà nhân dân và cơ quan - Cần sắp xếp màng lưới sản xuất, sửa chữa đồ gỗ rộng rãi trong đó có phân công hợp tác giữa xí nghiệp quốc doanh, xí nghiệp địa phương và các hợp tác xã để tận dụng được khả năng thiết bị và kỹ thuật của cơ sở sản xuất và thuận tiện cho việc mua sắm, sửa chữa của nhân dân.

II. VỀ CUNG CẤP VÀ TIÊU THỤ

1. Để phát huy và tận dụng khả năng tích cực của cơ sở sản xuất đẩy mạnh phát trển sản xuất, cần bỏ chế độ gia công chuyển sang ký hợp đồng kinh tế giữa các Công ty mậu dịch với xí nghiệp địa phương. Đối với những hợp tác xã đủ điều kiện như Minh Hòa, Hợp Tiến,v.v... cũng chuyển sang ký hợp đồng kinh tế; còn đối với các hợp tác xã khác chưa đủ điều kiện chuyển thì phải cải tiến việc gia công, lập lại hợp đồng gia công cụ thể trong đó định rõ nhiệm vụ của 2 bên nhằm đẩy mạnh sản xuất và kinh doanh và giải quyết tốt mối quan hệ giữa kinh tế quốc doanh và hợp tác xã, tích cực chuẩn bị điều kiện để chuyển sang ký hợp đồng kinh tế. Đối với những hợp tác xã đã thực hiện mua nguyên liệu, bán thành phẩm thì mậu dịch và hợp tác xã phải cùng nhau bàn bạc cụ thể, để thi hành đúng chế độ hợp đồng kinh tế. Đối với các cơ sở tự sản tự tiêu thì vẫn tiếp tục làm ăn như cũ và có thể được sự giúp đỡ thêm về cung tiêu để đẩy mạnh sản xuất.

2. Đi đôi với việc tích cực chuyển dần từ chế độ gia công sang hợp đồng kinh tế, cần cải tiến việc cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm để phục vụ tốt cho sản xuất và cho người tiêu dùng. Về cung cấp các loại nguyên liệu, phụ liệu, thiết bị cần được tổ chức cung cấp thẳng cho cơ sở sản xuất theo kế hoạch, giảm các khâu trung gian không cần thiết.

Các cơ sở đã thực hiện mua nguyên liệu bán thành phẩm sẽ trực tiếp mua gỗ của Công ty lâm sản và phụ liệu ở các Mậu dịch chuyên doanh theo kế hoạch của sở công nghiệp đã tổng hợp và dựa theo hợp đồng bán thành phẩm đã ký kết với Công ty Lâm sản, đồng thời được mua thêm một số nguyên, phụ liệu để làm hàng tự sản tự tiêu hoặc để sửa chữa cho nhân dân.

Các cơ sở còn làm gia công vẫn nhận nguyên phụ liệu, của Công ty Lâm sản theo hợp đồng gia công, có thể mua số gỗ nhỏ còn lại sau khi đã làm đủ số hàng gia công, đồng thời cũng được mua thêm nguyên phụ liệu để làm hàng tự sản tự tiêu hoặc sửa chữa nếu còn khả năng sản xuất.

Để đảm bảo sản xuất có kế hoạch, bảo đảm kỹ thuật, phẩm chất hàng hoá, cung cấp một tỷ lệ thoả đáng gỗ tốt và khuyến kích tận dụng gỗ vụn, gỗ nhỏ; việc cung cấp phải có kế hoạch điều hoà, cố gắng có kế hoạch gỗ khô dự trù cho sản xuất đồ gỗ và cho nhu cầu sửa chữa, hạn chế dần tình trạng dùng gỗ tươi, gỗ ướt. Để có thêm nguồn cung cấp nguyên liệu, các cơ sở sản xuất cơ sở sản xuất có thể trực tiếp với công trường xí nghiệp mua những gỗ thừa, gỗ bìa bắp, theo sự hướng dẫn của công ty Lâm sản về giá cả và phân phối việc cung cấp gỗ nhỏ có thể tính theo m3 hay theo tạ. Sau khi đã tận dụng gỗ, số gỗ còn lại để làm củi thì cơ sở sản xuất sẽ hoàn trả lại cho Công ty Lâm sản hoặc giao cho các tổ hợp các tiểu thương gần đó để bán cho nhân dân theo kế hoạch phân phối của Công ty Lâm sản phân phối của Công ty Lâm sản .

Về tiêu thụ, để thuận tiện cho việc mua sắm của nhân dân và nhu cầu lẻ của cơ quan, mậu dịch cần mở thêm cửa hàng bán đồ gỗ ở các khu phố và các huyện ngoại thành. Mặt khác, Công ty Lâm sản có thể điều đình với các cửa hàng nông thổ sản, hợp tác xã mua bán và một số hợp tác xã sản xuất làm đại lý bán để vừa phục vụ tốt cho khách hàng vừa bớt được tiền vận chuyển; trường hợp này, cơ sở đại lý sẽ hưởng 1 tỷ lệ thích đáng về chi phí bán hàng, trừ số hàng mà cơ quan đã đặt với Công ty thì cơ sở sản xuất sau khi đã làm song vẫn giao hàng theo giấy xuất của Công ty.

Ngoài khả năng thực hiện hợp đồng đã ký kết với Mậu dịch, cơ sở sản xuất có thể tận dụng gỗ nhỏ, gỗ vụn đóng các mặt hàng để tự bán nhưng theo chính sách và chế độ quản lý thị trường của Nhà nước. Nếu Công ty Lâm sản hoặc cơ quan Nhà nước cần mua số hàng nào đó, thì cơ sở sản xuất sẽ dành ưu tiên bán trước.

Ngoài việc bán thành phẩm, cần chuẩn bị những bộ phận thay thế thang giường, nan giát giường, cọc màn, chân bàn, chân ghế, v.v… bán lại cho nhân dân để sửa chữa vặt.

Để khuyến khích phát triển mặt hàng mới, ngoài biện pháp giúp đỡ nguyên liệu, sản xuất chiếu cố về mặt thuế và giá cả, Công ty Lâm sản cần giúp đỡ cơ sở sản xuất bằng cách giới thiệu thị trường và quảng cáo hàng hoá. Cơ sở công nghiệp, Liên hiệp Hợp tác xã thành và Công ty lâm sản sẽ giúp đỡ các cơ sở sản xuất ngành đồ gỗ tổ chức các chợ đỗ gỗ để trưng bày vừa giới thiệu các mặt hàng, thu thập ý kiến phê bình của người tiêu dùng, vừa bán lẻ giúp đỡ việc sản xuất ngày một đáp ứng thị hiếu của nhân dân, làm cho cơ sở liên hệ chặt chẽ với người tiêu dùng.

III. VỀ CHẤP HÀNH CHÍNH SÁCH

Để đảm bảo thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế và cải tiến gia công, điều quan trọng nhất là phải chấp hành đúng chính sách của Nhà nước đối với xí nghiệp công tư hợp doanh và hợp tác xã thủ công nghiệp nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, cải tiến kỹ thuật tăng thêm mặt hàng nâng cao phẩm chất hạ giá thành lợi cho nhân dân, lợi cho Nhà nước, lợi cho hợp tác xã và lợi cho xã viên.

Cần tính toán lại giá thành sản phẩm chú trọng xác định tỷ lệ thành khí, tỷ lệ hao hụt chặt chẽ, thực hiện triệt để tiết kiệm gỗ trong khâu xẻ gỗ. Trong khâu sản xuất đồ gỗ, cần tính khấu hao theo nguyên tắc công nghiệp đối với các cơ sở cơ giới hoá, còn đối với cơ sở sản xuất thủ công thì đảm bảo tỷ lệ thích đáng để cơ sở sản xuất có thể sửa chữa, bù đắp hao mòn dụng cụ. Về tiền lương của hợp tác, trên cơ sở đảm bảo thu nhập của xã viên như hiện nay, khắc phục dần tình trạng bình quân để cải tiến chế độ tiền lương thêm một bước khuyến khích cải tiến kỹ thuật và tăng năng xuất lao động. Đặc biệt chú trọng để cho hợp tác xã nộp tỷ lệ lãi để đảm bao tăng tích luỹ vốn mua sắm thiết bị, xây dựng nhanh chóng cơ sở sản xuất và kỹ thuật của hợp tác xã.

Cần tính toán lại những khâu trung gian không hợp lý để giảm giá thành cho thương nghiệp; trên cơ đó, xác định giá bán nguyên liệu cho cơ sở sản xuất và dần dần điều chỉnh hợp lý giá bán buôn lẻ gỗ cho hợp lý hơn. Cần có chính sách giá cả đối với từng loại gỗ thường dùng nhất là loại làm bằng gỗ nhỏ, gỗ nan hợp lý với túi tiền của nhân dân lao động, tránh tình trạng định giá có tính chất bình quân như hiện nay.

IV. VỀ TỔ CHỨC VÀ CHỈ ĐẠO

Sở Công nghiệp, Công ty Lâm sản cần phối hợp với Liên hiệp hợp tác xã Hà Nội để giúp cho các hợp tác xã đồ gỗ thành lập Liên xã ngành đồ gỗ để tăng cường quản lý hợp tác xã về mọi mặt, tổ chức tốt việc phân công hợp tác sản xuất trong toàn ngành, tổ chức các chợ đồ gỗ…

Cần chú trọng công tác chính trị và tư tưởng nhằm nâng cao tinh thần làm chủ và quan điểm sản xuất phục vụ nhân dân của quần chúng công nhân và xã viên đẩy mạnh việc cải tến quản lý, cần kiệm xây dựng xí nghiệp, xây dựng hợp tác xã, đẩy mạnh sản xuất nhiều, nhanh, tốt rẻ.

Trên đây, liên bộ chỉ nêu một số vấn đề chính có tính chất nguyên tắc. Sở công nghiệp Hà Nội, Công ty lâm sản Hà nội đặt kế hoạch thực hiện tốt thông tư này có phối hợp chặt chẽ với Liên hiệp hợp tác xã thành và các ngành thuế, Ngân hàng, Lao động dưới sự lãnh đạo thống nhất của Ủy ban hành chính thành phố.

K.T CHỦ NHIỆM TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
TỔNG CỤC PHÓ




Nguyễn Văn Phương

K.T BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NHẸ
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Thao

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 1687 năm 1961 về đẩy mạnh sản xuất và cải tiến chế độ cung tiêu đối với ngành sản xuất đồ gỗ ở Hà Nội do Bộ Công nghiệp nhẹ - Tổng cục Lâm nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 1687
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 11/11/1961
  • Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp nhẹ, Tổng cục Lâm nghiệp
  • Người ký: Nguyễn Văn Thao, Nguyễn Văn Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 47
  • Ngày hiệu lực: 26/11/1961
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản