Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 163/1998/TT-BTC

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 1998

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 163/1998/TT-BTC NGÀY 17 THÁNG 12 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN LUẬT THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG (GTGT) ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI HÀNG KHÔNG VÀ BAY DỊCH VỤ

Căn cứ Luật thuế giá trị gia tăng số 02/1997/QH ngày 10/5/1997;
Căn cứ Nghị định số 28/1998/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng;
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 89/1998/TT-BTC ngày 27/6/1998 hướng dẫn thi hành Nghị định số 28/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng;
Để việc thực hiện Luật thuế giá trị gia tăng phù hợp với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh vận tải Hàng không. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc tính thuế, kê khai, nộp thuế GTGT đối với hoạt động này như sau:

I/ ĐỐI TƯỢNG CHỊU THUẾ GTGT, ĐỐI TƯỢNG KHÔNG CHỊU THUẾ VÀ ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ GTGT

1- Đối tượng chịu thuế GTGT

Đối tượng chịu thuế GTGT là hoạt động vận tải hàng không và bay dịch vụ như sau:

- Hoạt động vận tải hàng không bao gồm:

+ Vận tải hành khách, hành lý

+ Vận tải hàng hóa

+ Hoạt động vận tải hàng không khác

- Bay dịch vụ bao gồm:

+ Bay phục vụ dầu khí

+ Bay thăm dò địa chất

+ Bay chụp bản đồ

+ Bay dịch vụ khác

2- Đối tượng không chịu thuế GTGT:

2.1/ Hoạt động vận tải quốc tế: Vận tải quốc tế là hoạt động vận tải ở nước ngoài và vận tải đối với các hành trình từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại bao gồm vận tải quốc tế liên chặng nội địa. Liên chặng nội địa là hành trình đi ra nước ngoài và từ nước ngoài về có chặng bay trong nội địa và được xuất một vé cho cả hành trình.

Ví dụ 1: ông A lộ trình đi Hà Nội - Singapore, nếu Hãng hàng không xuất 1 vé từ TP. Hà nội - TP. Hồ Chí Minh - Singapore thì chặng TP. Hà nội - TP. Hồ Chí Minh được gọi là vận tải quốc tế liên chặng nội địa, nếu xuất 2 vé: 1 vé TP. Hà nội - TP. Hồ Chí Minh, và 1 vé TP. Hồ Chí Minh - Singapore thì chặng TP. Hà nội - TP. Hồ Chí Minh là chặng bay nội địa.

Ông B có vé máy bay đi từ Pari đến Hà nội: nếu xuất 1 vé từ Pari - TP. Hồ Chí Minh - TP. Hà nội thì chặng TP. Hồ Chí Minh - TP. Hà nội là vận tải quốc tế liên chặng nội địa, nếu xuất 2 vé: 1vé Pari - TP Hồ Chí Minh và 1vé TP Hồ Chí Minh - TP Hà nội thì chặng TP Hồ Chí Minh - TP Hà nội là chặng vận tải nội địa.

2.2/ Hoạt động nhập khẩu động cơ máy bay, vật tư, phụ tùng khí tài máy bay, trang thiết bị đặc chủng phục vụ cho vận tải hàng không loại trong nước chưa sản xuất được.

2.3/ Hoạt động thuê máy bay, thuê động cơ máy bay, thuê phụ tùng khí tài máy bay của nước ngoài.

2.4/ Nhiên liệu bay và đồ uống nhập khẩu để phục vụ cho các chuyến bay quốc tế được hưởng theo chế độ hàng tạm nhập tái xuất.

3- Đối tượng nộp thuế GTGT

Đối tượng nộp thuế GTGT là các Công ty có hoạt động kinh doanh vận tải hàng không và bay dịch vụ, bao gồm:

- Công ty hạch toán kinh tế độc lập

- Tổng công ty hàng không Việt nam

II/ PHƯƠNG PHÁP TÍNH THUẾ GTGT

Các đối tượng nộp thuế được quy định tại điểm 3, Mục I Thông tư này tính thuế GTGT phải nộp theo phương pháp khấu trừ thuế:

Thuế GTGT phải nộp

=

Thuế GTGT đầu ra (1)

-

Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ (2)

(1) Thuế GTGT đầu ra được xác định trên cơ sở giá tính thuế GTGT nhân (x) thuế suất thuế GTGT. Giá tính thuế GTGT đối với hoạt động vận tải hành khách trong nước là giá chưa có thuế GTGT.

Ví dụ 2: Vé vận tải hành khách từ Hà nội vào thành phố Hồ Chí Minh:

- Giá chưa có thuế GTGT 910.000đ

- Thuế GTGT (10%) 91.000đ

- Giá thanh toán 1.001.000đ

Trường hợp các đại lý bán vé bán đúng giá chỉ định thì khi xuất vé cho khách hàng các đại lý ghi cụ thể các yếu tố như ví dụ trên. Hoa hồng đại lý được hưởng không phải chịu thuế GTGT và hạch toán vào chi phí của đơn vị kinh doanh vận tải hàng không.

Giá tính thuế đối với hoạt động vận tải hành lý, hàng hóa, bay dịch vụ là giá chưa có thuế GTGT. Các đơn vị kinh doanh vận tải hàng không và bay dịch vụ khi thu cước vận tải hoặc phí dịch vụ phải xuất hóa đơn GTGT để làm căn cứ xác định thuế GTGT đầu ra

(2) Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ là số thuế GTGT đầu vào ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ, tài sản dùng trực tiếp cho hoạt động vận tải nội địa chịu thuế GTGT, được xác định và hạch toán riêng. Trường hợp không hạch toán riêng được thuế đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng hoạt động chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT thì thuế GTGT đầu vào được phần bổ theo tỷ lệ giữa doanh thu chịu thuế với tổng doanh thu chịu thuế và không chịu thuế.

Ví dụ 3: Công ty cổ phần hàng không Pacific Airlines trong kỳ tính thuế có các số liệu sau:

- Doanh thu vận tải hàng không quốc tế

(doanh thu không chịu thuế) 400 tỷ đ

- Doanh thu vận tải hàng không nội địa và

các dịch vụ chịu thuế khác là 600 tỷ đ

- Thuế GTGT đầu ra đối với hoạt động

chịu thuế (10%) 60 tỷ đ

- Thuế GTGT đầu vào dùng chung cho hoạt

động chịu thuế và không chịu thuế 20 tỷ đ

Giả định Công ty cổ phần không hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào của hoạt động chịu thuế và không chịu thuế. Theo quy định trên thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của các hoạt động chịu thuế được tính như sau:

- Xác định tỷ lệ doanh số hoạt động chịu thuế trên tổng doanh số

600 tỷ đ

x 100 = 60%

600 tỷ đ + 400 tỷ đ

- Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ:

20 tỷ đ x 60% = 12 tỷ đ

- Thuế GTGT phải nộp của hoạt động chịu thuế

60 tỷ đ - 12 tỷ đ = 48 tỷ đ

Trường hợp thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định mua vào trong kỳ hạch toán riêng được một phần dùng cho hoạt động chịu thuế và một phần dùng cho hoạt động không chịu thuế, phần thuế GTGT đầu vào còn lại được sử dụng chung cho hoạt động chịu thuế và hoạt động không chịu thuế thì số thuế GTGT đầu vào đối với hoạt động chịu thuế được xác định bằng số thuế đầu vào dùng trực tiếp cho hoạt động chịu thuế cộng (+) số thuế đầu vào sử dụng chung được phân bổ như trường hợp nêu trên.

Ví dụ 4: Tiếp theo ví dụ 3, giả định trong tổng số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào là 20 tỷ đồng, Công ty cổ phần hàng không hạch toán riêng được như sau:

- Dùng cho hoạt động chịu thuế 4 tỷ đ

- Dùng cho hoạt động không chịu thuế 1 tỷ đ

- Dùng chung cho cả 2 hoạt động 15 tỷ đ

Theo quy định trên thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và thuế phải nộp của hoạt động chịu thuế được xác định:

+ Thuế GTGT hạch toán riêng cho hoạt động chịu thuế 4 tỷ đ

+ Thuế GTGT phần hạch toán chung phân bổ cho hoạt động chịu thuế

15 tỷ đ x 60% = 9 tỷ đ

+ Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của hoạt động chịu thuế

4 tỷ đ + 9 tỷ đ = 13 tỷ đ

+ Thuế GTGT phải nộp của hoạt động chịu thuế là

60 tỷ đ - 13 tỷ đ = 47 tỷ đ

III/ KÊ KHAI, NỘP THUẾ GTGT

Các Công ty thực hiện đăng ký và nộp thuế GTGT tại nơi đơn vị đóng trụ sở chính. Trường hợp Công ty có các chi nhánh phụ thuộc, văn phòng khu vực ở tỉnh khác thì hàng tháng các văn phòng khu vực và các đơn vị hạch toán phụ thuộc công ty căn cứ vào các hoá đơn chứng từ mua vào thực hiện lập bảng kê hoá đơn chứng từ hàng hoá, dịch vụ mua vào dùng cho hoạt động vận tải hàng không theo mẫu (đính kèm). Bảng kê lập thành hai bản: 1 bản gửi trụ sở chính của Công ty, 1 bản lưu tại đơn vị.

Công ty có trách nhiệm tổng hợp bảng kê thuế GTGT đầu vào của các văn phòng khu vực và các đơn vị hạch toán phụ thuộc công ty, thuế đầu vào phát sinh tại Công ty để lập bảng kê chung số thuế GTGT đầu vào của hoạt động vận tải hàng không toàn Công ty. Căn cứ doanh thu chịu thuế và doanh thu không chịu thuế GTGT để tính và phân bổ thuế GTGT đầu vào được khấu trừ cho hoạt động chịu thuế.

Các Công ty kê khai thuế GTGT hàng tháng phải kê khai chi tiết hoá đơn, chứng từ hàng hoá, dịch vụ mua vào, bán ra, thuế GTGT đầu ra, thuế GTGT đầu vào và được khấu trừ theo các mẫu bảng kê khác như quy định tại Thông tư số 89/1998/TT/BTC ngày 27/6/1998 của Bộ Tài chính. Thực hiện kê khai, gửi tờ khai thuế cho Cục thuế nơi đơn vị đóng trụ sở chính và nộp thuế GTGT theo chế độ quy định.

IV/ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1) Tổng công ty Hàng không Việt nam, các Công ty vận tải hàng không và bay dịch vụ có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Công ty thực hiện kê khai, tính thuế, nộp thuế GTGT theo hướng dẫn tại Thông tư này.

2) Về hoá đơn, chứng từ: các đơn vị phải thực hiện đúng chế độ hoá đơn, chứng từ. Trường hợp cần thực hiện hoá đơn tự in phải đăng ký với cơ quan thuế theo quy định.

3) Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/1999. Các nội dung khác không hướng dẫn tại Thông tư này vẫn được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 89/1998/TT/BTC ngày 27/6/1998 của Bộ Tài chính.

Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết.

Phạm Văn Trọng

(Đã ký)

BẢNG KÊ HOÁ ĐƠN CHỨNG TỪ HÀNG HOÁ, DỊCH VỤ MUA VÀO

Tháng .......... năm ............

- Tên đơn vị:................

- Địa chỉ:..........

Đơn vị tính:

Chứng từ mua hàng hoá, dịch vụ

Mã số thuế đơn vị bán

Doanh số mua vào

Thuế GTGT đầu vào

Ghi chú

Số

Ngày, tháng

Ngày......... tháng...... năm....

Người lập bảng kê Kế toán trưởng
(ký, ghi rõ họ tên) (Ký, ghi rõ họ tên)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 163/1998/TT-BTC thực hiện Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các hoạt động vận tải hàng không và bay dịch vụ do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 163/1998/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 17/12/1998
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Phạm Văn Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1999
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản