Hệ thống pháp luật

BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16-TBXH

Hà Nội, ngày 18 tháng 7 năm 1980

THÔNG TƯ

SỐ 16 - TBXH BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI NGÀY 18 THÁNG 7 NĂM 1980 HƯỚNG DẪN VIỆC THI HÀNH CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC CHẾ ĐỘ CŨ LÀM VIỆC TRONG CÁC CƠ QUAN, XÍ NGHIỆP NHÀ NƯỚC,NAY HẾT TUỔI LAO ĐỘNG PHẢI NGHỈ VIỆC

Ngày 4 tháng 6 năm 1980, Hội đồng Chính phủ đã ban hành quyết định số 174 - CP về chế độ đối với công nhân, viên chức dưới chế độ cũ ở miền Nam làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, nay hết tuổi lao động phải thôi việc nhằm bảo đảm đời sống cho anh chị em lúc tuổi già, đáp ứng được yêu cầu cụ thể hiện nay.

Sau khi đã trao đổi ý kiến với các ngành có liên quan. Bộ Thương binh và xã hội hướng dẫn cụ thể việc thi hành như sau:

1. Đối tượng và điều kiện hưởng chính sách.

a. Những người được hưởng chính sách trong quyết định số 174 - CP của Hội đồng Chính phủ bao gồm công nhân viên chức đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 còn đang làm công ăn lương trong cơ quan, xí nghiệp (kể cả xí nghiệp tư nhân) dưới chế độ cũ ở các tỉnh, thành phố miền Nam và từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến nay vẫn còn tiếp tục làm việc trong cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, hoặc trong xí nghiệp công tư hợp doanh đã thực hiện chế độ tiền lương như xí nghiệp quốc doanh (dưới đây gọi tắt là cơ quan, xí nghiệp).

Những người sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 phải tạm nghỉ việc vì xí nghiệp ngừng sản xuất, đến khi xí nghiệp hoạt động đã trở lại làm việc thì vẫn thuộc đối tượng thi hành quyết định số 174 - CP.

Còn những người trước hoặc sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã thôi việc rồi sau đó mới tuyển lại làm việc, thì dù làm việc trong cơ quan, xí nghiệp cũ, cũng không thuộc đối tượng thi hành quyết định trên đây.

b. Những công nhân, viên chức nói trên được hưởng trợ cấp hành tháng phải có đủ điều kiện trong điều 1 của quyết định số 174 - CP, cụ thể là:

- Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; hoặc nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi, nếu là người làm nghề đặc biệt nặng nhọc; cụ thể là những nghề được xếp loại V trong bảng phân loại lao động theo nghề của Bộ Lao động ban hành theo quyết định số 278 - LĐ/QĐ ngày 13 tháng 1 năm 1976: nghề xiếc nhào lộn, múa Ba lê (kể cả giáo viên giảng dạy), hoặc những môn xiếc và môn múa khác phải dùng cường độ lao động tương tự; nghề tài xế, phó tài xế, đốt lửa tàu hoả; nghề đổ thùng phân;

- Đã có thời gian công tác nói chung 15 năm trở lên, trong đó có đủ 5 năm làm việc dưới chế độ mới.

Thời gian công tác nói chung ở đây là bao gồm thời gian làm việc dưới chế độ mới cộng với tất cả những quãng thời gian đã làm công ăn lương ở các công sở, hoặc ở cơ sở sản xuất, kinh doanh, ở bệnh viện, trường học của chủ tư nhân từ trước ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Thời gian làm việc dưới chế độ mới là tính thời gian thực sự làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước kể từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Nếu làm việc cho xí nghiệp tư nhân mà nay xí nghiệp đã chuyển thành quốc doanh hoặc công tư hợp doanh thì cũng được tính từ ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Còn quãng thời gian nghỉ việc do xí nghiệp ngừng sản xuất (khi miền Nam mới vừa được giải phóng) thì không tính.

Đối với công nhân, viên chức có trình độ chuyên môn giỏi nhất là cán bộ khoa học, kỹ thuật, tuy đã có đủ các điều kiện trên đây, nhưng còn khoẻ và yêu cầu sản xuất, công tác đang cần thì có thể lưu anh chị em ở lại tiếp tục làm việc.

2. Mức trợ cấp hàng tháng và các quyền lợi khác.

a. Những công nhân, viên chức có đủ các điều kiện nói trên, khi thôi việc được hưởng trợ cấp hàng tháng như sau:

- 35 đồng nếu là người làm công tác khoa học, kỹ thuật hoặc là những người làm nghề nặng nhọc, nghề có hại sức khoẻ và công nhân trực tiếp sản xuất.

Người làm công tác khoa học, kỹ thuật nói ở đây là người đang làm nghiên cứu, giảng dạy và thực hành trên các lĩnh vực khoa học (bao gồm cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội), kể từ trình độ trung cấp trở lên.

Những người làm nghề nặng nhọc, nghề có hại sức khoẻ là những người đang làm các nghề được xếp loại III, loại IV, loại V trong bảng phần loại lao động theo nghề và các nghề đã nói ở mục b, điểm 1 trên đây, nếu do yêu cầu công tác mà những người này lại được chuyển làm việc khác từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì cũng thuộc diện hưởng mức trợ cấp 35 đồng.

- 25 đồng nếu là những người lao động khác. Người lao động khác là người làm các công việc ngoài những nghề đã hướng dẫn cụ thể ở trên.

b. Sau khi đã thôi việc, ngoài tiền trợ cấp hàng tháng, những công công nhân, viên chức nói trên còn được mua lương thực, thực phẩm, được khám bệnh, chữa bệnh và khi chết được trở cấp chi phí chôn cất như chế độ đối với công nhân, viên chức về hưu.

3. Thủ tục hồ sơ và tổ chức thực hiện.

a. Hồ sơ của những người hưởng chế độ trên đây cũng giống như hồ sơ của người về hưu (gồm quyết định, phiếu cá nhân, giấy thôi trả lương và ảnh) do cơ quan, xí nghiệp chủ quản lập. Về quá trình công tác ghi ở phiếu cá nhân phải dựa vào lý lịch của đương sự đã khai sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 (lý lịch trước đây làm do Ban tổ chức hoặc Ty, Sở lao động hướng dẫn).

Thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp chịu trách nhiệm và xác nhận hồ sơ của đương sự; nếu có trường hợp chưa rõ, thì cơ quan, xí nghiệp cử người đi xác minh không để đương sự tự đi xin giấy xác nhận.

b. Các Ty, Sở thương binh và xã hội phải xét duyệt hồ sơ. Nếu thấy hồ sơ hợp lệ, đúng đối tượng, đúng chính sách thì cấp giấy chứng nhận trợ cấp hàng tháng; đồng thời gửi hồ sơ của đương sự về Bộ Thương binh và xã hội để kiểm tra và lưu trữ.

c. Kinh phí về khoản trợ cấp hàng tháng và các khoản chi khác cho những công nhân viên chức hưởng chính sách này (tiền tàu xe khi đi khám và chữa bệnh, tiền mai táng phí) đều lấy ở quỹ (1%) do ngành thương binh và xã hội quản lý.

Ty, Sở thương binh và xã hội làm phiếu, lập sổ và trợ cấp, làm các giấy tờ thủ tục chuyển tiền uỷ nhiệm ngân hàng (quỹ tiết kiệm) trả trợ cấp cho đương sự. Trong khi chưa có loại phiếu lĩnh tiến trợ cấp 10/TRC dùng riêng cho những người nói trên, tạm thời áp dụng hình thức uỷ nhiệm trả trợ cấp một lần (2/TRC) và báo cho người hưởng đi lĩnh tiền (3/TRC). Loại trợ cấp này ghi vào các báo biểu quyết toán quý là trợ cấp 174 - CP ở phần trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với công nhân viên chức.

Quyết định số 174 - CP ngày 4 tháng 6 năm 1980 của Hội đồng Chính phủ và thông tư này cần được phổ biến cho cán bộ, công nhân, viên chức thông suốt và bảo đảm việc thi hành chặt chẽ.

Nguyễn Kiện

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 16-TBXH-1980 thi hành chế độ đối với công nhân, viên chức chế độ cũ làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp, Nhà nước, nay hết tuổi lao động phải nghỉ việc do Bộ Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 16-TBXH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 18/07/1980
  • Nơi ban hành: Bộ Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Kiện
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 13
  • Ngày hiệu lực: 02/08/1980
  • Ngày hết hiệu lực: 09/10/1991
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản