Hệ thống pháp luật

BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16-TBXH

Hà Nội, ngày 11 tháng 10 năm 1977

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 208-CP NGÀY 20-07-1977 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI VÀ GIA ĐÌNH CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG.

Ngày 20 tháng 07 năm 1977, Hội đồng Chính phủ có quyết định số 208-CP về chế độ đãi ngộ đối với những người và gia đình có công với cách mạng.

Để thi hành quyết định nói trên. Bộ Thương binh và xã hội giải thích và hướng dẫn cụ thể một số điểm sau đây.

I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA VIỆC BAN HÀNH CHẾ ĐỘ

Trong sự nghiệp cách mạng lâu dài và gian khổ của nhân dân ta, ngay trước ngày tổng khởi nghĩa (8-1945) khi chưa có chính quyền hoặc trong kháng chiến ở những vùng bị địch kìm kẹp, nhiều người và gia đình đã có công giúp đỡ cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đánh giá cao những công lao, thành tích đó. Ngay sau khi Cách mạng tháng tám thành công, Tổng bộ Việt Minh đã tặng bằng Có công với nước và Đồng tiền vàng cho những người và gia đình có công giúp đỡ cách mạng trong thời gian trước ngày Tổng khởi nghĩa (19-08-1945). Sau khi cuộc kháng chiến thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, Chính phủ đã có những quy định khen thưởng những người và gia đình có công giúp đỡ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp. Việc khen thưởng này đã được tiến hành một cách liên tục và rộng khắp ở các tỉnh phía Bắc.

Về đãi ngộ vật chất, tuy Nhà nước chưa có quy định thành chế độ toàn diện và thống nhất, nhưng các địa phương tùy theo hoàn cảnh cụ thể của từng nơi, đều đã có sự quan tâm chăm sóc, giúp đỡ những người và gia đình có công với cách mạng.

Ngày nay, sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta đã giành được thắng lợi hoàn toàn và vĩnh viễn. Tổ quốc ta đã thật sự độc lập, tự do và thống nhất. Việc quy định chính sách một cách toàn diện đối với những người và gia đình có công với cách mạng để thi hành thống nhất trong cả nước là một yêu cầu cấp thiết.

Nghị quyết đại hội lần thứ IV của Đảng đã chỉ rõ: “Những người và gia đình có công với cách mạng cần được nêu gương và khen thưởng thích đáng và được giúp đỡ chu đáo những khi gặp khó khăn”.

Trong thông tri số 16-TT/TW ngày 25-06-1977 về việc tăng cường lãnh đạo công tác thương binh và xã hội, Ban Bí thư trung ương Đảng cũng đã nhắc các ngành, các cấp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy đầy đủ vai trò và khả năng to lớn của quần chúng để giúp đỡ các gia đình có công với cách mạng.

Như vậy, cùng với việc nêu gương, khen thưởng, việc Hội đồng Chính phủ ban hành các chế độ đãi ngộ về vật chất để thi hành thống nhất trong cả nước trong tình hình hiện nay làm cho chính sách đối với những người và gia đình có công với cách mạng ngày càng toàn diện hơn. Nó thể hiện sự quan tâm chăm sóc, sự ăn ở trọn nghĩa vẹn tình của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người và gia đình có công với cách mạng, tạo điều kiện để việc chăm sóc được thiết thực, cụ thể và thống nhất hơn, đồng thời góp phần động viên nhân dân ta phát huy truyền thống cách mạng, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC HƯỞNG CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ

1. Những người và gia đình có công với cách mạng là những người và gia đình có công trực tiếp giúp đỡ cách mạng khi chưa giành được chính quyền, hoặc trong vùng bị địch kìm kẹp, khủng bố gắt gao…; sự giúp đỡ này nếu bị lộ sẽ dẫn đến nguy hiểm cho người giúp đỡ cách mạng về tính mạng, tài sản như bị địch bắt bớ, tù đày, sát hại, triệt phá nhà cửa v.v…

a) Người có công với cách mạng được hưởng chế độ đãi ngộ là người đã trực tiếp giúp đỡ cách mạng, được đứng tên trong quyết định khen thưởng.

b) Gia đình có công với cách mạng là gia đình có chủ gia đình và ít nhất là một người thân nữa trở lên (bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con…) cùng sống chung trong gia đình lúc đó đã trực tiếp giúp đỡ cách mạng.

Trong gia đình có công với cách mạng chỉ người có công chủ yếu được đứng tên trong quyết định khen thưởng và những người đã trực tiếp có công giúp đỡ cách mạng được xác nhận trong hồ sơ khen thưởng, mới được hưởng chế độ đãi ngộ.

2. Do tính chất, quy mô của cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta rất rộng lớn, lâu dài và gian khổ, nên số người và gia đình có công với cách mạng trong cả nước rất đông mà công lao thành tích của từng người, từng gia đình trong từng giai đoạn cách mạng cũng khác nhau và chế độ đãi ngộ đối với những người và gia đình có công với cách mạng lại phải căn cứ vào khả năng thực tế của đất nước.

Vì vậy, Hội đồng Chính phủ đã quy định đối tượng được hưởng chế độ đãi ngộ trong quyết định số 208-CP gồm những người và gia đình là nhân dân có công giúp đỡ cách mạng và kháng chiến sau đây:

a) Những người và gia đình có công giúp đỡ cách mạng trước ngày Tổng khởi nghĩa (19-08-1945), đã được khen thưởng theo thông tư số 83-TTg ngày 22-08-1962 của Phủ thủ tướng, với các hình thức:

- Kỷ nhiệm chương Tổ quốc ghi công, kèm theo bằng Có công với nước;

- Bằng Có công với nước;

b) Những người và gia đình có công trong kháng chiến chống Pháp đã được tặng thưởng huân chương kháng chiến chống Pháp đã được tặng thưởng huân chương kháng chiến theo thông tư số 84-TTg ngày 22-8-1962 của Phủ thủ tướng.

Đối với hình thức khen thưởng khác tương đương, thì sau này nếu có quy định hình thức khen thưởng mới, Bộ Thương binh và xã hội sẽ có hướng dẫn sau;

c) Riêng về những người và gia đình có công với cách mạng trong cả nước chưa được khen thưởng (gồm những người và gia đình có công với cách mạng ở các tỉnh phía Nam và có công trong kháng chiến chống Mỹ ở các tỉnh phía Bắc), thì giải quyết theo như hướng dẫn ở điểm 1 phần IV của thông tư này.

Những người và gia đình có công giúp đỡ cách mạng ở mức được tặng thưởng huy chương kháng chiến hoặc bằng khen và những người, những gia đình được khen thưởng vì công lao, thành tích khác, không thuộc đối tượng được hưởng chế độ đãi ngộ nói ở quyết định số 208-CP.

3. Những người và gia đình có công với cách mạng được hưởng chế độ đãi ngộ phải là những người và gia đình luôn luôn có biểu hiện tốt đối với cách mạng, chấp hành các chính sách của Đảng và Chính phủ, và tuân theo pháp luật của Nhà nước. Những người và gia đình có công với cách mạng, nhưng sau khi giúp đỡ cách mạng, đã phạm vào một trong những trường hợp dưới đây trong chế độ ta mà không được công nhận là người hoặc gia đình có công với cách mạng, thì không được hưởng chế độ đãi ngộ:

- Có hành động phản bội, đầu hàng, làm tay sai cho địch;

- Bị tước quyền công dân;

- Bị tòa án cách mạng xử phạt tù hoặc bị quản chế;

III. CÁC CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ

Tinh thần chung của chính sách đối với những người và gia đình có công với cách mạng là nêu gương, khen thưởng thích đáng và giúp đỡ những khi gặp khó khăn.

Phương hướng giải quyết đối với những người và gia đình có công với cách mạng là tạo điều kiện cho những người và gia đình này có công việc làm để ổn định đời sống; trường hợp gặp khó khăn mà không thể tự giải quyết được, thì chính quyền và các đoàn thể ở địa phương phải vận động nhân dân giúp đỡ; nếu còn có khó khăn thì Nhà nước trợ cấp thêm.

Trong tình hình hiện nay, tuy công lao, thành tích của từng người, từng gia đình đối với cách mạng có khác nhau, nhưng sự giúp đỡ vật chất của Nhà nước chưa giải quyết được đầy đủ, đều khắp cho tất cả mọi người, mọi gia đình, mà chỉ giải quyết đối với những người, những gia đình gặp khó khăn,

Từ nay, các chế độ đãi ngộ đối với những người và gia đình có công với cách mạng được thi hành thống nhất trong cả nước như sau:

1. Chế độ đối với người có công với cách mạng khi ốm đau

Người có công với cách mạng khi ốm đau được khám bệnh tại cơ sở y tế nơi cư trú, được cấp thuốc tùy theo bệnh lý và tùy theo khả năng về thuốc của phòng khám.

Nếu được vào điều trị ở bệnh viện, thì được miễn trả tiền thuốc và tiền ăn, và được hưởng thuốc men và bồn dưỡng (nếu có) như đối với công nhân viên chức Nhà nước (loại cán bộ sơ cấp).

Khi đến khám bệnh từ bệnh viện huyện trở lên (trừ trường hợp cấp cứu) ngoài giấy giới thiệu của cơ quan y tế cấp dưới, người có công với cách mạng phải mang theo giấy chứng nhận là người có công với cách mạng do Ủy ban nhân dân từ cấp huyện trở lên cấp (theo mẫu giấy chứng nhận đính kèm).

2. Chế độ lương thực

Theo quyết định Hội đồng Chính phủ những người có công với cách mạng đã già yếu và không còn sức lao động được cơ quan lương thực ở địa phương bán theo giá cung cấp mỗi tháng 12kg lương thực quy ra gạo, hoặc nơi nào đó điều kiện thì do hợp tác xã nông nghiệp phân phối theo giá thu mua của Nhà nước.

3. Chế độ trợ cấp

a) Đối với những người già yếu, không còn sức lao động và không có nơi nương tựa:

- Những người có công với cách mạng đã già yếu và không còn sức lao động (nam từ 60 tuổi, nữ từ 55 tuổi trở lên, hoặc tuy chưa đến tuổi đó, nhưng do ốm đau, bệnh tật mà bị mất hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn sức lao động, như bị mù 2 mắt, bại liệt…) không có nơi nương tựa (không có người thân thuộc có trách nhiệm trực tiếp săn sóc) thì được thu nhận vào nhà nuôi dưỡng của Nhà nước. Tiêu chuẩn chế độ đối với người có công với cách mạng ở nhà nuôi dưỡng và thủ tục thu nhận vào nhà nuôi dưỡng theo đúng như tiêu chuẩn, chế độ và thủ tục đối với bố mẹ liệt sĩ ở nhà nuôi dưỡng quy định tại thông tư số 05-TBXH ngày 10-05-1976 của Bộ Thương binh và xã hội. Khi vào nhà nuôi dưỡng của Nhà nước, người có công với cách mạng được trợ cấp thêm để cộng với chế độ trợ cấp hàng tháng đang hưởng (nếu có) có sinh hoạt phí hàng tháng là 25 đồng.

Các Ty, Sở thương binh và xã hội cần nắm và báo cáo sớm về Bộ số lượng người có công với cách mạng cần nhận vào nhà nuôi dưỡng để Bộ kế hoạch tổ chức nhà nuôi dưỡng.

- Trường hợp vào nhà nuôi dưỡng của Nhà nước, thì được trợ cấp mỗi người mỗi tháng 15 đồng nếu sống ở nông thôn (bao gồm cả thị trấn, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và ngọai thành các thành phố trực thuộc trung ương), hoặc 18 đồng nếu sống ở nội thành các thành phố trực thuộc trung ương. Người được hưởng chế độ trợ cấp này, đồng thời lại là đối tượng được hưởng một chế độ trợ cấp hàng khác của Nhà nước (như trợ cấp tiền tuất, trợ cấp mất sức lao động…), thì chỉ được hưởng một chế độ trợ cấp nào cao hơn.

Các Ty, Sở thương binh và xã hội xét và ra quyết định trợ cấp, cấp sổ trợ cấp để người có công với cách mạng được lĩnh trợ cấp hàng quý kể từ ngày ký quyết định trợ cấp.

Ngoài trợ cấp của Nhà nước chính quyền và các đoàn thể địa phương cần chăm sóc, giúp đỡ thêm để những người này có được mức sống bình thường như nhân dân ở địa phương.

b) Đối với những người và gia đình gặp khó khăn về đời sống

Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ việc trợ cấp khó khăn cho những người và gia đình có công với cách mạng như sau :

Những trường hợp mà đời sống có khó khăn được xét trợ cấp là :

- Vì già yếu (nam từ 60 tuổi, nữ từ 55 tuổi trở lên);

- Vì bệnh tật, mất sức lao động (chưa đến tuổi già sức yếu nói trên nhưng do ốm đau, bệnh tật mà bị mất hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn sức lao động).

- Vị tai nạn bất thường (bị cháy nhà, bão lụt, bị ốm đau đột xuất phải thuốc men tốn kém…)

Việc xét trợ cấp phải căn cứ vào tình hình khó khăn thực tế và vào công lao, thành tích đối với cách mạng trước đây của từng người, từng gia đình. Nếu cùng khó khăn như nhau, thì người có công lao nhiều hơn được trợ cấp cao hơn.

Số tiền trợ cấp mỗi lần cho mỗi người hoặc mỗi gia đình như sau :

- Người có công với cách mạng được trợ cấp mỗi lần không quá 60 đồng;

- Gia đình có công với cách mạng được trợ cấp mỗi lần không quá 150 đồng;

- Mỗi người hoặc mỗi gia đình được trợ cấp trong một năm không quá 2 lần.

Việc xét trợ cấp phải được tiến hành một cách chính xác kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, không bỏ sót và không tràn lan, và giữ được sự đoàn kết trong những người, những gia đình có công với cách mạng và trong nhân dân địa phương.

Các phòng thương binh và xã hội huyện, thị xã phải nắm chắc hoàn cảnh cụ thể của từng người, từng gia đình, có nhận xét và đề nghị để Ty, Sở Thương binh và xã hội tỉnh, thành phố xét và quyết định trợ cấp.

4. Chế độ đối với người có công với cách mạng khi chết.

Khi người có công với cách mạng chết, chính quyền cơ sở và các đoàn thể địa phương cần đến viếng (có vòng hoa, hương nến), đưa tang và giúp đỡ gia đình tổ chức chu đáo việc mai táng.

Nếu gia đình có khó khăn thì tùy theo tình hình khó khăn ít hay nhiều, được trợ cấp từ 50 đồng đến 150 đồng.

5. Đi đôi với việc đãi ngộ về vật chất như trên, các địa phương cần quan tâm về mặt động viên tinh thần đối với những người, những gia đình có công với cách mạng và chú ý săn sóc việc học hành của các con những người có công với cách mạng.

Tùy tình hình cụ thể, các địa phương nên có những hình thức động viên thích hợp (như họp mặt những người có công, mời tham dự các buổi lễ, thăm hỏi vào các ngày lễ, ngày Tết…) nhằm nhắc nhở công lao, thành tích và động viên những người và gia đình có công với cách mạng tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của bản thân và gia đình.

Hàng năm, vào dịp lễ Quốc khánh (2/9), các tổ chức Đảng và chính quyền địa phương tổ chức thăm hỏi và tặng quà (kẹo, bánh, chè, thuốc lá…) những người và gia đình có công với cách mạng.

Việc thăm hỏi những người và gia đình có công với cách mạng do Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã phụ trách. Cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ trực tiếp thăm hỏi một số trường hợp tiêu biểu.

6. Số tiền được ấn định cho chế độ đãi ngộ đối với những người và gia đình có công với cách mạng nói trên là tính theo đơn vị tiền Ngân hàng Nhà nước Việt nam (tiền miền Bắc). Kinh phí này do ngân sách địa phương đài thọ.

Các Ty, Sở thương binh và xã hội phải nắm chắc số lượng và tình hình những người và gia đình có công với cách mạng, lập dự trù và báo cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xét duyệt để có đủ kinh phí cho việc thực hiện các chế độ đãi ngộ nói trên.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đối với những người và gia đình có công với cách mạng chưa được khen thưởng.

Theo quyết định của Hội đồng Chính phủ những người và gia đình, có công với cách mạng trong cả nước chưa được khen thưởng, nhưng đã có nhiều thành tích và công lao rõ rệt được nhân dân và chính quyền địa phương xác nhận thì cũng được xét để hưởng các chế độ đãi ngộ.

Đây là một việc khó, vì phải xét thực hiện chế độ đãi ngộ trước khi tiến hành việc khen thưởng. Do đó, cần phải tiến hành hết sức chu đáo, chính xác, tránh giải quyết tràn lan, không đúng đối tượng, không đúng tiêu chuẩn, gây nhiều khó khăn về sau. Vì vậy, trong khi chưa tiến hành việc khen thưởng, các địa phương tạm thời chỉ xét giải quyết chế độ đãi ngộ đối với những trường hợp thật tiêu biểu, đã có nhiều thành tích và công lao rõ rệt, mà rồi đây, khi tiến hành việc khen thưởng, chắc chắn sẽ là đối tượng được hưởng chế độ đãi ngộ nói ở phần II của thông tư này.

Để được xét hưởng chế độ đãi ngộ, người và gia đình có công với cách mạng chưa được khen thưởng phải có hồ sơ đầy đủ về công lao, thành tích giúp đỡ cách mạng (có xác nhận của cán bộ cũ được giúp đỡ, hoặc nếu cán bộ đó đã chết đã chuyển đi xa tìm không gặp…thì do Đảng ủy và chính quyền cơ sở dựa vào ý kiến của nhân dân để xác nhận) về thái độ chính trị, về hoàn cảnh cụ thể của bản thân và gia đình, được chính quyền cơ sở xác nhận.

Các Ty, Sở thương binh và xã hội phải cùng các cơ quan phụ trách khen thưởng ở địa phương xem xét kỹ từng trường hợp và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xét duyện, rồi mới được thực hiện chế độ đãi ngộ.

2. Hội đồng Chính phủ đã quyết định giao cho Bộ thương binh và Xã hội có nhiệm vụ thống nhất quản lý việc thực hiện các chế độ đãi ngộ đối với những người và gia đình có công với cách mạng, và giao cho Viện huân chương có trách nhiệm nghiên cứu trình Chính phủ ban hành những quy định về tiêu chuẩn về việc khen thưởng đối với những người và gia đình có công với cách mạng trong phạm vi cả nước.

Để thực hiện tốt các chế độ đãi ngộ đối với những người và gia đình có công với cách mạng đề nghị các địa phương chú ý mấy điểm sau đây:

- Có sự phối hợp thật chặt chẽ giữa 2 cơ quan thương binh và xã hội và cơ quan phụ trách khen thưởng ở địa phương để thực hiệt tốt toàn bộ chính sách đối với những người và gia đình có công với cách mạng (từ việc khen thưởng đến việc thực hiện chế độ đãi ngộ).

- Từ nay, hệ thống tổ chức ngành thương binh và xã hội ở địa phương (từ tỉnh, thành phố đến huyện, thị xã và xã) có trách nhiệm quản lý việc thực hiện các chế độ đãi ngộ đối với những người và gia đình có công với cách mạng. Do đó, các Ty, Sở thương binh và xã hội phải nhanh chóng bàn với cơ quan phụ trách khen thưởng hoặc cơ quan đang được phân công quản lý những người và gia đình có công với cách mạng ở địa phương, để nhận bàn giao sớm công việc này (bàn giao về tình hình số lượng và về hồ sơ, tài liệu cụ thể); bố trí đủ cán bộ ở Ty, Sở, ở phòng huyện, thị xã chuyên trách công tác này và giao nhiệm vụ cho các ban thương binh và xã hội ở xã về công tác này.

Đề nghị cấp ủy và Ủy ban nhân dân các cấp quan tâm chỉ đạo công tác này, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, nhân dân và những người có công với cách mạng, làm cho mọi người nắm được mục đích, ý nghĩa, nội dung của chính sách và thấy rõ trách nhiệm của mình để tích cực góp phần thực hiện chính sách.

Các Ty, Sở thương binh và xã hội cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan có liên quan ở địa phương (ban tổ chức của cấp ủy Đảng, cơ quan phụ trách khen thưởng, các cơ quan tài chính, lương thực, y tế, thương nghiệp…) để có kế hoạch và biện pháp nhanh chóng triển khai việc tổ chức thực hiện các chế độ đãi ngộ trên đây.

Trong quá trình thực hiện, nếu có gì khó khăn vướng mắc, đề nghị các Ủy ban nhân dân, các Ty, Sở thương binh và Xã hội kịp thời phản ánh cho Bộ Thương binh và Xã hội nghiên cứu giải quyết.

K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG




Huỳnh Đắc Hương

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 16-TBXH-1977 hướng dẫn thi hành Quyết định 208-CP-1977 về chế độ đãi ngộ đối với những người và gia đình có công với cách mạng do Bộ Thương binh và xã hội ban hành

  • Số hiệu: 16-TBXH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 11/10/1977
  • Nơi ban hành: Bộ Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Huỳnh Đắc Hương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 20
  • Ngày hiệu lực: 26/10/1977
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản