Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2015/TT-BTTTT

Hà Nội, ngày 17 tháng 06 năm 2015

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 187/2013/NĐ-CP NGÀY 20 THÁNG 11 NĂM 2013 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU HÀNG HÓA TRONG LĨNH VỰC IN, PHÁT HÀNH XUẤT BẢN PHẨM

Căn cứ Luật Xuất bản ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Căn cứ Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;

Căn cứ Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản;

Căn cứ Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in;

Căn cứ Quyết định số 41/2005/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế cấp phép nhập khẩu hàng hóa;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành,

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

a) Thông tư này quy định về đối tượng, loại hàng hóa, yêu cầu tiêu chuẩn cần đáp ứng và thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm thuộc chuyên ngành quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông;

b) Hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu hàng hóa trong lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-BCT ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu hàng hóa.

2. Đối tượng áp dụng:

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm.

Điều 2. Hàng hóa trong lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm theo mã số HS

1. Hàng hóa trong lĩnh vực in:

Hàng hóa trong lĩnh vực in bao gồm: thiết bị, linh kiện, phụ tùng theo mô tả và mã số HS thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông thuộc các nhóm:

a) 84.40;

b) 84.42;

c) 84.43.

2. Hàng hóa trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm:

Hàng hóa trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm là xuất bản phẩm theo mô tả và mã số HS thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông thuộc các nhóm:

a) 49.01;

b) 4903.00.00 và 4904.00.00;

c) 49.05;

d) 4910.00.00;

đ) 49.11.

Điều 3. Xuất khẩu hàng hóa trong lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm

1. Hàng hóa trong lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm quy định tại Thông tư này khi xuất khẩu không phải có giấy phép xuất khẩu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

2. Hàng hóa là xuất bản phẩm có nội dung vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 10 Luật Xuất bản bị cấm xuất khẩu dưới mọi hình thức.

Chương II

NHẬP KHẨU HÀNG HÓA TRONG LĨNH VỰC IN

Điều 4. Đối tượng được nhập khẩu hàng hóa trong lĩnh vực in

1. Cơ sở in (doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đơn vị sự nghiệp công lập có giấy phép hoạt động in hoặc có đăng ký hoạt động cơ sở in).

2. Doanh nghiệp có chức năng kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu thiết bị ngành in theo quy định của pháp luật.

3. Cơ quan, tổ chức khác có tư cách pháp nhân được phép sử dụng thiết bị in để phục vụ công việc nội bộ.

Điều 5. Hàng hóa nhập khẩu trong lĩnh vực in

1. Hàng hóa quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư này là thiết bị sử dụng điện năng có trong Danh mục và phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Hàng hóa quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư này là thiết bị không sử dụng điện năng và linh kiện, phụ tùng của hàng hóa khi nhập khẩu không phải có giấy phép nhập khẩu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Điều 6. Cấp giấy phép nhập khẩu hàng hóa trong lĩnh vực in

1. Tổ chức nhập khẩu thiết bị in quy định tại Điều 4 Thông tư này lập 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu, gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Cục Xuất bản, In và Phát hành. Hồ sơ gồm có:

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu theo Mẫu số 06 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BTTTT ngày 06 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều, khoản của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in (sau đây gọi chung là Thông tư số 03/2015/TT-BTTTT);

b) Ca-ta-lô (catalogue) của từng loại thiết bị;

c) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao (xuất trình kèm bản chính để đối chiếu) giấy tờ sau đây:

Giấy phép hoạt động in hoặc tờ khai đăng ký hoạt động cơ sở in đã được xác nhận theo quy định tại Khoản 5 Điều 14 Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in đối với cơ sở in quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư này;

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư này;

Quyết định thành lập đối với cơ quan, tổ chức quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư này.

2. Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Xuất bản, In và Phát hành phải cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị in theo Mẫu số 10 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BTTTT; trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

3. Giấy phép nhập khẩu thiết bị in có giá trị đến khi thực hiện xong thủ tục thông quan.

Chương III

NHẬP KHẨU HÀNG HÓA TRONG LĨNH VỰC PHÁT HÀNH XUẤT BẢN PHẨM

Điều 7. Đối tượng được nhập khẩu hàng hóa trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm

1. Tổ chức có giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm quy định tại Điều 38 Luật Xuất bản (sau đây gọi là cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm) được nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài quy định tại Điều 41 Luật Xuất bản được nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh.

Điều 8. Hàng hóa nhập khẩu trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm

1. Hàng hóa là xuất bản phẩm quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư này khi nhập khẩu phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Hàng hóa là xuất bản phẩm có nội dung vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 10 Luật Xuất bản bị cấm nhập khẩu dưới mọi hình thức.

Điều 9. Đăng ký và xác nhận đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh

1. Cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm lập 01 bộ hồ sơ đăng ký, gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Cục Xuất bản, In và Phát hành. Trường hợp nộp hồ sơ qua mạng Internet, cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm phải có chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp và thực hiện theo hướng dẫn trên Cổng thông tin điện tử của Cục Xuất bản, In và Phát hành. Hồ sơ gồm có:

a) Đơn đăng ký theo Mẫu số 04 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 23/2014/TT-BTTTT ngày 29 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản và Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản (sau đây gọi chung là Thông tư số 23/2014/TT-BTTTT);

b) 03 bản danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu theo Mẫu số 05 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 23/2014/TT-BTTTT.

2. Cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm phải nộp lệ phí đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật.

3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Xuất bản, In và Phát hành phải xác nhận đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm bằng văn bản theo Mẫu số 06 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 23/2014/TT-BTTTT; trường hợp không xác nhận đăng ký phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

Trường hợp phát hiện nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam, Cục Xuất bản, In và Phát hành có quyền từ chối xác nhận đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm hoặc yêu cầu thẩm định nội dung xuất bản phẩm đó trước khi xác nhận đăng ký nhập khẩu.

Điều 10. Cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh

1. Trước khi nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu và gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp đến cơ quan cấp giấy phép theo quy định sau đây:

a) Cơ quan, tổ chức ở Trung ương, tổ chức nước ngoài có trụ sở tại thành phố Hà Nội gửi hồ sơ đến Cục Xuất bản, In và Phát hành hoặc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội;

b) Cơ quan, tổ chức khác và cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài gửi hồ sơ đến Sở Thông tin và Truyền thông nơi đặt trụ sở hoặc nơi có cửa khẩu mà xuất bản phẩm được nhập khẩu.

2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép được lập thành 01 bộ, gồm có:

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu theo Mẫu số 07 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 23/2014/TT-BTTTT;

b) 02 bản danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu theo Mẫu số 08 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 23/2014/TT-BTTTT.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nộp lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật.

4. Trong quá trình xem xét để cấp giấy phép, Cục Xuất bản, In và Phát hành hoặc Sở Thông tin và Truyền thông phát hiện xuất bản phẩm được đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam thì có quyền từ chối cấp giấy phép nhập khẩu hoặc thực hiện việc thẩm định theo quy định tại Điều 21 Thông tư số 23/2014/TT-BTTTT để có cơ sở cho việc quyết định cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nộp chi phí thẩm định theo quy định của pháp luật.

5. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Xuất bản, In và Phát hành hoặc Sở Thông tin và Truyền thông phải cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh theo Mẫu số 09 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 23/2014/TT-BTTTT, trừ trường hợp phải thẩm định quy định tại Khoản 4 Điều này; trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

6. Giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh có giá trị cho đến khi thực hiện xong thủ tục thông quan.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2015.

2. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm quy định tại Thông tư số 48/2006/TT-BVHTT ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài hết hiệu lực thi hành.

Điều 12. Tổ chức thực hiện

Trong quá trình thực hiện Thông tư này:

1. Trường hợp có sự phát triển hoặc thay đổi về tính năng, công nghệ, chủng loại hàng hóa hoặc pháp luật có quy định khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm, Cục Xuất bản, In và Phát hành có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét sửa đổi, bổ sung quy định của Thông tư này cho phù hợp;

2. Nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ảnh về Bộ Thông tin và Truyền thông (qua Cục Xuất bản, In và Phát hành) để xem xét, giải quyết.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 16/2015/TT-BTTTT hướng dẫn Nghị định 187/2013/NĐ-CP về xuất, nhập khẩu hàng hóa trong lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 16/2015/TT-BTTTT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 17/06/2015
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Nguyễn Bắc Son
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 643 đến số 644
  • Ngày hiệu lực: 15/08/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 01/03/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản