BỘ TÀI CHÍNH | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 159-TC-NN | Hà Nội, ngày 01 tháng 07 năm 1964 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH MỘT SỐ ĐIỂM CỤ THỂ VỀ CHÍNH SÁCH THUẾ NÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI NHÂN DÂN ĐI KHAI HOANG
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Kính gửi: Ủy ban hành chính các khu, tỉnh và thành phố.
Trong mấy năm qua, hưởng ứng cuộc vận động đồng bào miền xuôi lên xây dựng kinh tế miền núi, hàng vạn gia đình đã lên các tỉnh trung du và miền núi xây dựng quê hương mới. Tại đây nguồn sống chính của đồng bào là sản xuất nông nghiệp mà chủ yếu là khai phá đất hoang để trồng trọt. Chính phủ đã có những quy định về chính sách nhân dân khai hoang để giúp đỡ nhân dân giải quyết một phần khó khăn về sản xuất và đời sống (Thông tư số 31-TTg ngày 24 tháng 4 năm 1963).
Được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, dưới đây Bộ Tài chính quy định một số điểm cụ thể về chính sách thuế nông nghiệp đối với những ruộng đất do các hợp tác xã hoặc từng gia đình riêng lẻ ở miền xuôi lên khai hoang ở miền núi:
1. Đối với ruộng đất mới khai phá hoặc mới phục hồi:
Các hợp tác xã khai hoang tập trung, cũng như các nông hộ ở miền xuôi lên nhập vào các hợp tác xã ở miền núi cùng sản xuất (khai hoang xen kẽ) hoặc làm ăn riêng lẻ, nên có khai phá đất hoang hoặc phục hồi những ruộng đất đã bỏ hoang đều được miễn thuế trong một thời hạn nhất định theo như quy định ở điều 1, Nghị định số 410-TTg ngày 06-9-1957 của Thủ tướng Chính phủ ban hành mười chính sách khuyến khích sản xuất ở miền núi:
- "Ai khai phá đất hoang, biến bãi bằng, thung lũng, sườn đồi, nương ớt thành ruộng sẽ được miễn thuế nông nghiệp bảy năm".
- “Ai muốn cày cấy ruộng bỏ hoang thì báo cáo với Ủy ban hành chính và Nông hội xã. Ủy ban và Nông hội xã có trách nhiệm thương lượng với chủ ruộng cho ổn thỏa, bảo đảm đoàn kết dân tộc. Người cày cấy được thu toàn bộ hoa lợi, được miễn thuế nông nghiệp từ ba đến năm năm…"
2. Đối với các hợp tác xã, các nông hộ ở miền xuôi lên khai hoang ở miền núi nếu sản xuất trên những ruộng đất "thuộc" đang chịu thuế nông nghiệp thì phải tiếp tục nộp thuế nông nghiệp theo mức độ cụ thể như sau:
- Đối với các hợp tác xã khai hoang tập trung phải chịu thuế theo tỉ lệ nhất loạt là 10% trên số sản lượng thường niên của những ruộng đất “thuộc” do đồng bào địa phương nhường lại.
- Đối với các gia đình ở miền xuôi lên miền núi sản xuất riêng lẻ nếu có cày cấy ruộng đất “thuộc” thì phải chịu thuế theo như quy định ở điểm c mục 2, phần II Thông tư số 03-TC-NN ngày 23-01-1964 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Thông tư số 120-TTg ngày 30-12-1963 của Thủ tướng Chính phủ nghĩa là “căn cứ vào tỉ lệ số thuế ghi thu so với tổng sản lượng thường niên (chưa trừ miễn trưng)”của hợp tác xã gần nhất” để tính thuế vào phần sản lượng thường niên của ruộng đất “thuộc” có trồng trọt, chứ không tính toán thuế suất theo biểu thuế lũy tiến.
- Đối với các xã viên khai hoang nếu có xin ruộng “thuộc”để sản xuất riêng thì không tính thuế lại mà căn cứ vào số sản lượng của xã viên khai hoang mà phân chia phần thuế giữa người nhận ruộng và chủ ruộng phải chịu. Ví dụ: số sản lượng thường niên của phần diện tích của ông A là xã viên khai hoang xin của ông B để sản xuất bằng 10% tổng sản lượng thường niên của toàn bộ ruộng đất phải chịu thuế của ông B trước khi cho ông A một phần thì số thuế mà ông A phải nộp cho Nhà nước là 10% và ông B phải nộp là 90%.
3. Đối với các hợp tác xã ở miền núi có thu nhận đồng bào miền xuôi lên cùng sản xuất (khai hoang xen kẽ) nếu trong thời gian đầu do sản xuất chưa phát triển nên làm cho thu nhập bình quân của xã viên ở địa phương bị kém hơn trước; ảnh hưởng đến đời sống thì Nhà nước sẽ chiếu cố giảm nhẹ một phần thuế nông nghiệp cho hợp tác xã trong một năm đầu bằng cách miễnhẳn phần thuế của các xã viên ở miền xuôi mới gia nhập hợp tác xã. Nếu hết năm đầu do điều kiện khách quan mà thu nhập của hợp tác xã vẫn còn bị kém sút thì Ủy ban hành chính tỉnh có thể xét và quyết định cho kéo dài thêm thời gian giảm thuế là một năm nữa.
Cách tính số thuế được giảm là: Chia tổng số thuế ghi thu của hợp tác xã cho tổng số nhân khẩu có mặt trong hợp tác xã (gồm cả nhân khẩu của gia đình xã viên cũ và xã viên mới cộng lại) tìm số thuế bình quân một nhân khẩu. Lấy riêng số nhân khẩu của các gia đình xã viên ở miền xuôi mới gia nhập hợp tác xã nhân với số thuế bình quân một nhân khẩu để tìm số thuế do các xã viên mới gia nhập phải chịu và đó là số thuế mà hợp tác xã được Nhà nước giảm trong năm đầu.
Nếu có những hợp tác xã ở miền núi, tuy có nhận thêm đồng bào miền xuôi lên cùng sản xuất nhưng do điều kiện sản xuất tương đối thuận lợi hơn lại thêm lực lượng lao động mới làm cho thu nhập của hợp tác xã nói chung cũng như bình quân đầu người vẫn giữ mức bình thường, hoặc có nơi cao hơn trước thì không đặt vấn đề giảm thuế như trên.
4. Nếu các hợp tác xã khai hoang hoặc từng gia đình khai hoang có phát rẫy thì phải chịu thuế rẫy theo chế độ nương rẫy đang thi hành ở miền núi (Nghị định 1119-TTg ngày 06-11-1956 của Thủ tướng Chính phủ )tức là:
- Thuế suất là 80%.
- Năm đầu đánh thuế trên toàn bộ số thu hoạch của đám nương rẫy.
- Năm thứ hai, thu hoạch mười phần, chỉ đánh thuế vào tám phần, miễn thuế hai phần.
- Từ năm thứ ba trở đi, miễn thuế tất cả.
Trong quá trình thực hiện nếu có những trường hợp cụ thể khác với những trường hợp trên đây, đề nghị Ủy ban báo cáo cho Bộ Tài chính biết để xin Thủ tướng Chính phủ phương hướng giải quyết.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
- 1Thông tư 31-TTg năm 1963 bổ sung về chính sách nhân dân khai hoang do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 120-TTg năm 1963 về chủ trương ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp trong ba năm 1963, 1964, 1965 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư 03-TC-NN-1964 hướng dẫn thi hành Thông tư 120-TTg-1963 về chủ trương ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp trong ba năm 1963, 1964, 1965 do Bộ Tài chính ban hành
- 1Thông tư 31-TTg năm 1963 bổ sung về chính sách nhân dân khai hoang do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 120-TTg năm 1963 về chủ trương ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp trong ba năm 1963, 1964, 1965 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư 03-TC-NN-1964 hướng dẫn thi hành Thông tư 120-TTg-1963 về chủ trương ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp trong ba năm 1963, 1964, 1965 do Bộ Tài chính ban hành
Thông tư 159-TC-NN-1964 quy định về chính sách thuế nông nghiệp đối với nhân dân đi khai hoang do Bộ Tài Chính ban hành
- Số hiệu: 159-TC-NN
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 01/07/1964
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Nguyễn Thanh Sơn
- Ngày công báo: 05/08/1964
- Số công báo: Số 24
- Ngày hiệu lực: 16/07/1964
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định