Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 158-CP | Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 1968 |
THÔNG TƯ
BỔ SUNG CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH QUÂN NHÂN
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hiện nay, để tạo thêm điều kiện thuận lợi cho thanh niên ta hăng hái tham gia quân đội, trực tiếp làm nhiệm vụ vẻ vang giết giặc cứu nước, để giúp đỡ các gia đình quân nhân khắc phục những khó khăn về vật chất và tinh thần do thiếu người lao động chủ chốt hoặc người thân trong gia đình, để tỏ lòng biết ơn và biểu hiện sự chăm sóc của Đảng và Chính phủ đối với những người có công nhất với Tổ quốc, ngoài các chính sách, chế độ đối với quân nhân và người tòng quân, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm đến việc ban hành và bảo đảm thực hiện các chế độ đãi ngộ đối với gia đình quân nhân.
Thông tư số 227-CP ngày 15/11/1965 của Hội đồng Chính phủ đã đề ra những phương châm, chính sách chung và các chính sách cụ thể đối với gia đình quân nhân tại ngũ. Thi hành thông tư này, trong mấy năm qua, nhiều địa phương, cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã đã làm tốt việc giúp đỡ các gia đình quân nhân về vật chất và tinh thần, như thu xếp công việc làm, điều hòa lương thực, trợ cấp khó khăn, bồi dưỡng, học tập về chính trị, văn hóa, kỹ thuật và biểu dương, khen thưởng thích đáng những gia đình có thành tích trong sản xuất, công tác, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Kết quả là số đông gia đình quân nhân đã ổn định đời sống, tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống cách mạng, tích cực tham gia công tác ở địa phương, nêu nhiều gương tốt về các mặt. Hàng vạn phụ nữ là mẹ, là vợ hoặc người yêu của quân nhân đã đạt danh hiệu “phụ nữ ba đảm đang”, hàng ngàn người đã trở thành cán bộ cốt cán ở cơ sở. Tất cả những điều đó đã ảnh hưởng tốt đến phong trào tòng quân và tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ ngoài mặt trận.
Tuy nhiên ở một số nơi còn có gia đình quân nhân gặp nhiều khó khăn mà chưa được chính quyền, đoàn thể, cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã chú ý giúp đỡ, hoặc chú ý chưa đúng mức. Sự khó khăn của gia đình đã có phần ảnh hưởng không tốt đến tình cảm và tinh thần chiến đấu của quân nhân và đến phong trào tòng quân ở địa phương. Tình trạng này một phần do cán bộ phụ trách chính quyền, đoàn thể hoặc đơn vị có liên quan chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của chính sách của Đảng và Chính phủ đối với gia đình quân nhân, chưa quán triệt và tích cực thi hành những quy định của Nhà nước về vấn đề này. Nhưng một phần cũng do trong chính sách hiện hành, còn có một số vấn đề chưa quy định cụ thể, đặc biệt là đối với gia đình của những công nhân, viên chức Nhà nước tham gia quân đội.
Nhằm bổ khuyết những thiếu sót trên, để thể hiện đầy đủ sự chăm sóc của Đảng, Chính phủ và nhân dân đối với các gia đình quân nhân, Hội đồng Chính phủ trong phiên họp của Hội nghị thường vụ ngày 04-9-1968 quyết định
1. Phải làm cho các cấp, các ngành, các đơn vị cơ sở quán triệt đầy đủ và chấp hành nghiêm chỉnh chính sách của Đảng và Chính phủ đối với các gia đình quân nhân.
a) Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố, thủ trưởng các ngành và chấp hành các đoàn thể ở trung ương phải có kế hoạch chỉ đạo cán bộ phụ trách các cơ quan và đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình nghiên cứu quán triệt Thông tư số 227-CP ngày 15-11-1965 và thông tư lần này của Hội đồng Chính phủ nhằm làm cho mọi người thấy rõ quân nhân là những người trực tiếp chiến đấu với quân thù, là những người có công nhất với Tổ quốc; Đảng, Chính phủ và nhân dân ta phải tận tình chăm sóc gia đình của anh em để anh em yên tâm làm tròn nhiệm vụ. Các đơn vị cơ sở cần kiểm điểm những thiếu sót, đề ra những biện pháp cụ thể để nghiêm chỉnh chấp hành mọi chính sách, chế độ đối với những gia đình quân nhân ở trong địa phương hoặc trong đơn vị mình, nhất thiết không để một gia đình quân nhân nào không được chăm sóc, không một gia đình quân nhân nào có khó khăn mà không được giúp đỡ thích đáng
b) Trong khi giải quyết việc làm cho gia đình quân nhân, phải đặc biệt chú ý đến vợ quân nhân, theo hướng tốt nhất là ưu tiên bố trí cho làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước nếu có đủ điều kiện quy định, hoặc làm việc ở các hợp tác xã; nhất thiết không để một vợ quân nhân nào có khả năng lao động mà không có việc làm.
Ủy ban hành chính phải đôn đốc cơ quan lao động địa phương và các ngành có liên quan nghiên cứu, giải quyết tốt việc này.
c) Đi đôi với việc giải quyết đời sống, Ủy ban hành chính các cấp, thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp, các ban quản trị hợp tác xã, các ban chấp hành các đoàn thể thanh niên, phụ nữ phải thường xuyên phối hợp nhau tổ chức giáo dục giúp chị em thấy rõ vinh dự của gia đình quân nhân, cổ vũ chị em trong công tác của họ, làm cho chị em nâng cao lòng tin tưởng, phấn khởi, phát huy truyền thống cách mạng, trau dồi đạo đức, giữ trọn lòng chung thủy đối với chồng hoặc người yêu đang ở tiền tuyến, đồng thời giúp đỡ chị em chăm lo dạy dỗ các cháu thành học trò giỏi, trẻ con ngoan.
2. Bổ sung một số chế độ ưu đãi đối với gia đình của những công nhân, viên chức Nhà nước tham gia quân đội hưởng theo chế độ cung cấp.
a) Những công nhân, viên chức trước đây được hưởng chế độ trợ cấp con thì nay người vợ, mặc dù không ở trong biên chế Nhà nước, vẫn được nhận tiền trợ cấp con cho đến khi người chồng ra khỏi quân đội, hoặc chuyển sang hưởng chế độ tiền lương, hoặc khi những người con thuộc diện trợ cấp ấy được hưởng các khoản trợ cấp khác cao hơn như học bổng, trợ cấp gia đình những người đi công tác đặc biệt, v.v…
b) Những con quân nhân dưới 16 tuổi (hoặc dưới 18 tuổi nếu đang đi học) nếu mẹ ở nhà chết, hoặc cha ở nhà chết (mẹ ở trong quân đội) thì mỗi cháu được trợ cấp mỗi tháng 12 đồng; nếu ở nội thành Hà Nội hoặc Hải Phòng thì được trợ cấp mỗi tháng 15 đồng cho đến khi cha (hoặc mẹ) chuyển sang hưởng chế độ tiền lương hoặc ra khỏi quân đội, hoặc khi những người con ấy được hưởng một khoản trợ cấp khác cao hơn, như học bổng, trợ cấp gia đình những người đi công tác đặc biệt, v.v…
Các khoản trợ cấp nói ở điểm a, b trên đây được cấp phát từ ngày 01-12-1968, Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện.
c) Những công nhân, viên chức tham gia quân đội (bất cứ là sĩ quan, hạ sĩ quan hoặc binh sĩ) trước đây đã được hưởng các chế độ phúc lợi ở cơ quan hoặc xí nghiệp họ làm việc như ăn và ở tập thể, khám bệnh tại cơ quan y tế nơi làm việc, gửi con tại trại trẻ hoặc trại sơ tán của cơ quan xí nghiệp… thì nay thủ trưởng và ban chấp hành công đoàn các đơn vị ấy vẫn phải bảo đảm cho gia đình những quân nhân đó được tiếp tục hưởng theo chế độ chung.
3. Bộ Nội vụ có nhiệm vụ theo dõi tình hình đời sống của các gia đình quân nhân, đôn đốc và kiểm tra việc thi hành các chính sách đối với gia đình quân nhân và định kỳ báo cáo tình hình và đề nghị chủ trương, chính sách cần bổ sung lên Hội đồng Chính phủ.
Tổng công đoàn cần phối hợp với Bộ Nội vụ, chỉ đạo công đoàn các cấp tích cực phối hợp với thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp, thực hiện các chính sách đối với gia đình quân nhân, đồng thời tích cực phối hợp với các tổ chức thanh niên, phụ nữ tăng cường công tác giáo dục vợ quân nhân hiện công tác trong các cơ quan, xí nghiệp.
TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
- 1Thông tư 227-CP-1965 về chính sách đối với gia đình quân nhân do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 53-NV/TT năm 1960 hướng dẫn Nghị định 35-CP về chính sách ưu đãi gia đình quân nhân mất tích do Bộ Nội Vụ ban hành
- 3Thông tư 17-TT3b năm 1973 sửa đổi một số điểm về chế độ trợ cấp đông con do Tổng Công đoàn Việt Nam ban hành
- 1Thông tư 227-CP-1965 về chính sách đối với gia đình quân nhân do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 53-NV/TT năm 1960 hướng dẫn Nghị định 35-CP về chính sách ưu đãi gia đình quân nhân mất tích do Bộ Nội Vụ ban hành
- 3Thông tư 17-TT3b năm 1973 sửa đổi một số điểm về chế độ trợ cấp đông con do Tổng Công đoàn Việt Nam ban hành
Thông tư 158-CP-1968 bổ sung chính sách đối với gia đình quân nhân do Hội đồng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 158-CP
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 14/10/1968
- Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Duy Trinh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 14
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra