Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ LAO ĐỘNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 1541-LĐ/BH | Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 1960 |
VỀ VIỆC LẬP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH BẢO HỘ LAO ĐỘNG
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
Kính gửi: | -Các Bộ |
Công tác bảo hộ lao động phục vụ trực tiếp cho sản xuất và gắn liền với sản xuất. Làm tốt công tác bảo hộ lao động là tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất phát triển. Vì vậy từ ngày hòa bình lập lại, trong những năm đầu khôi phục kinh tế và 3 năm phát triển kinh tế, Đảng và Chính phủ rất quan tâm đến công tác bảo hộ lao động, đã đề ra phương châm, biện pháp tăng cường công tác bảo hộ lao động và chỉ thị cho các cấp các ngành đưa dần công tác bảo hộ lao động đi vào kế hoạch.
Trong thông tư số 3871-CN ngày 9-10-158, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị: “Các Bộ phải hướng dẫn cho các đơn vị lập kế hoạch bảo hộ lao động song song với kế hoạch sản xuất, khi các Bộ duyệt kế hoạch sản xuất thì không được bỏ qua kế hoạch bảo hộ lao động .” Chỉ thị số 132-CT-TƯ ngày 13-3-1959 của Ban Bí thư trung ương Đảng cũng nhấn mạnh đến vấn đề này. Để thi hành chủ trương đó, Bộ Lao động đã ra những văn bản số 1053 ngày 9-9-1958 và 1459 ngày 10-11-1959 hướng dẫn về nội dung và phương châm, phương pháp lập kế hoạch bảo hộ lao động.
Chủ trương nói trên biểu hiện quan điểm sản xuất đúng đắn của Đảng, Chính phủ ta xuất phát từ chỗ coi con người là vốn quý nhất, cần được tôn trọng và bảo vệ.
I. TÌNH HÌNH LẬP VÀ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH BẢO HỘ LAO ĐỘNG
Thi hành thông tư số 3871 của Thủ tướng Chính phủ, có ngành đã thực hiện được việc lập và xét duyệt kế hoạch bảo hộ lao động có hệ thống từ trên xuống dưới, đã chú ý theo dõi, kiểm tra, đôn đốc nên việc thực hiện kế hoạch ở một số đơn vị có kết quả tốt; nhiều biện pháp đề phòng tai nạn lao động, bảo đảm vệ sinh, giảm nhẹ sức lao động được tiến hành thuận lợi. Tác dụng của việc lập và thực hiện kế hoạch bảo hộ lao động ở những nơi đó đã chứng minh rằng chủ trương của Đảng là sát đúng và phù hợp với yêu cầu quản lý xí nghiệp theo chế độ hoạch toán kinh tế.
Tuy nhiên, còn có nhiều ngành, nhiều đơn vị không lập kế hoạch bảo hộ lao động hoặc có lập nhưng nội dung quá sơ sài, hoặc có đơn vị chỉ lập bản dự trù mua sắm dụng cụ phòng hộ cá nhân và coi như là đã lập kế hoạch bảo hộ lao động. Việc xét duyệt kế hoạch thường bị chậm trễ; việc tổ chức thực hiện còn lỏng lẻo, có đơn vị chỉ thực hiện được 1/5 kế hoạch trong 6 tháng đầu năm, hoặc tự ý gác lại những việc về thiết bị an toàn, đã ghi trong kế hoạch và đã công bố trước công nhân.
Những thiếu sót trên đây còn khá phổ biến và nghiêm trọng. Sỡ dĩ còn tồn tại những thiếu sót đó, chủ yếu là vì một số Bộ và ngành quản lý sản xuất chưa kiểm tra, đôn đốc chặt chẽ, chưa đề cao kỷ luật chấp hành với các quy định của Nhà nước cho cấp dưới; đối với những đơn vị không lập kế hoạch bảo hộ lao động, cũng bỏ qua không khiển trách. Ở địa phương còn có Uỷ ban chưa chú ý đúng mức đến việc lãnh đạo các đơn vị lập và thực hiện kế hoạch bảo hộ lao động. Ở nhiều cơ sở cán bộ phụ trách còn nặng tư tưởng sản xuất, kinh doanh đơn thuần, nhẹ về mặt bảo đảm an toàn lao động; nhiều công đoàn cơ sở chưa thực sự phát huy tác dụng giám sát việc xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo hộ lao động.
II. BIỆN PHÁP CẦN TIẾN HÀNH ĐỂ BẢO ĐẢM VIỆC LẬP VÀ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH BẢO HỘ LAO ĐỘNG CHO TỐT.
Đại hội Đảng lần thứ 3 đã quyết định đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Kế hoạch 3 năm phát triển kinh tế đã được hoàn thành trước thời hạn ở nhiều đơn vị. Không khí chuẩn bị để bước vào năm đầu của kế hoạch 5 năm đang sôi nổi. Các ngành sản xuất, xây dựng, kinh doanh ngày càng phát triển; số lượng công nhân tăng nhanh chóng, mà phần lớn thì trình độ nghiệp vụ, kỹ thuật còn non, nhưng rất hăng hái, phấn khởi trước nhiệm vụ xây dựng đất nước. Để công nhân được yên tâm sản xuất, phát huy đầy đủ nhiệt tình lao động của mình, công tác bảo hộ lao động phải thực sự gắn liền với công tác sản xuất. Do đó, các ngành, các đơn vị sử dụng công nhân phải thực hiện cho được việc lập kế hoạch bảo hộ lao động cùng với kế hoạch sản xuất.
Để cho việc lập kế hoạch bảo hộ lao động được thực hiện rộng rãi, trước hết cần đề cao nhận thức cho cán bộ phụ trách sản xuất làm cho họ thấy rõ trách nhiệm của mình trước Đảng và Chính phủ, trước quần chúng, coi việc lập kế hoạch bảo hộ lao động là một việc không thể thiếu được trong công tác quản lý xí nghiệp. Cần phải uốn nắn những tư tưởng sai lầm như nặng về sản xuất kinh doanh đơn thuần, sợ tốn kém rồi bỏ qua, không dự trù mua sắm những thiết bị an toàn vệ sinh cần thiết. Việc lập và thực hiện kế hoạch bảo hộ lao động cùng với kế hoạch sản xuất phải được đặt thành một chế độ trách nhiệm của các bộ môn có liên quan như: kỷ luật, kế hoạch, tài vụ, bảo hộ lao động; kỷ luật chấp hành phải chặt chẽ. Mặt khác, cần động viên quần chúng tham gia phát hiện các thiếu xót về an toàn, vệ sinh và góp ý kiến giải quyết để giúp cho việc lập kế hoạch bảo hộ lao động được sát với hoàn cảnh, khả năng của ta. Vai trò của Công đoàn cơ sở trong việc giám sát thực hiện kế hoạch phải được đề cao.
Việc trước mắt là lập kế hoạch bảo hộ lao động cho năm 1961, nhưng cũng cần nhìn xa hơn cho những năm sắp tới. Các ngành,các đơn vị sẽ căn cứ vào yêu cầu phát triển sản xuất hiện nay và trong 5 năm tới, để lập kế hoạch bảo hộ lao động. Cần chú ý đến những đơn vị cũ mà điều kiện làm việc không đảm bảo an toàn hoặc nơi làm việc quá chật chội, nóng, nhiều bụi. Đối với những đơn vị mới xây dựng, tuy thiết bị an toàn và vệ sinh tương đối đã khá, nhưng cũng cần chú ý cải tiến, bổ sung cho thích hợp với hoàn cảnh tổ chức sản xuất của ta, thích hợp với tầm vóc của công nhân, thích hợp với khí hậu của nước ta.
Cụ thể, Bộ Lao động đề nghị tiến hành những biện pháp dưới đây:
1. Đối với các Bộ sử dụng công nhân
1. Giao trách nhiệm cho thủ trưởng các ngành, các đơn vị (Chủ nhiệm Cục, Tổng cục, Ban giám đốc xí nghiệp, Ban chỉ huy công trường…), khi lập kế hoạch sản xuất, thì nhất thiết phải lập kế hoạch bảo hộ lao động; khi xét duyệt kế hoạch sản xuất, phải xét duyệt cảc kế hoạch bảo hộ lao động.
2. Thành lập tiểu ban thẩm tra, xét duyệt kế hoạch bảo hộ lao động ở các Cục, Tổng cục… và Hội đông phê chuẩn kế hoạch ở Bộ và định rõ thành phần, quyền hạn của các tổ chức đó. Về thành phần của tiểu ban và hội đồng, cần có đại biểu của các bộ môn kế hoạch, tài vụ, bảo hộ lao động, kỹ thuật, cung tiêu, công đoàn ngành dọc.
3. Quy định thời gian lập kế hoạch bảo hộ lao động ở các đơn vị hàng năm vào cuối quý 3 đầu quý 4, riêng năm nay chậm nhất đầu tháng 12 phải làm xong; thời gian thẩm tra, xét duyệt ở các Cục, Tổng cục và thời gian phê chuẩn ở Bộ; chậm nhất vào đầu tháng 2 mỗi năm, để cuối tháng 2, các đơn vị cơ sở đã nhận được bản kế hoạch đã duyệt.
4. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch bảo hộ lao động sau khi đã phê chuẩn.
Cuối 6 tháng đầu năm, các ngành (Cục, Tổng cục …) phải sơ kết tình hình thực hiện kế hoạch bảo hộ lao động và tình hình sử dụng 20% quỹ tiền thưởng xí nghiệp vào việc cải tiến và bổ sung thiết bị sản xuất và an toàn ở các đơn vị thuộc quyền quản lý, và cuối mỗi năm, tổ chức tổng kết. Các báo cáo sơ kết và tổng kết phải gửi cho Bộ chủ quản và Bộ lao động.
2. Đối với các Uỷ ban Hành chính địa chính.
Việc lãnh đạo các đơn vị trong địa phương thi hành các chế độ bảo hộ lao động nói chung và lập, thực hiện kế hoạch bảo hộ lao động nói riêng thuộc trách nhiệm của các Uỷ ban. Để bảo đảm hoàn thành trách nhiệm đó, các Uỷ ban cần:
1. Thành phần lập một Ban hướng dẫn đôn đốc lập kế hoạch bảo hộ lao động, thành phần gồm có đại diện của Uỷ ban, các cơ quan Lao động, Y tế, Công đoàn, Uỷ ban kế hoạch của tỉnh. Ban này có trách nhiệm giúp đỡ Uỷ ban trong việc hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị cơ sở trong địa phương lập kế hoạch bảo hộ lao động cho sát và đầy đủ.
2. Tổ chức hội nghị cán bộ lãnh đạo ở các xí nghiệp, công trường, các đơn vị kinh doanh (thuộc trung ương và địa phương quản lý) để đả thông về ý nghĩa, mục đích, sự cần thiết của việc lập kế hoạch bảo hộ lao động và hướng dẫn cách thức lập kế hoạch.
3. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch bảo hộ lao động ở các đơn vị kể cả đơn vị thuộc trung ương và địa phương quản lý.
4. Giao trách nhiệm cho các ngành ở địa phương (Sở, Ty, Công ty…) tổ chức sơ kết tình hình thực hiện kế hoạch bảo hộ lao động trong 6 tháng đầu năm và tổng kết vào cuối năm. Báo cáo sơ kết và tổng kết sẽ gửi cho Uỷ ban và cơ quan Lao động.
Cuối 6 tháng và mỗi năm Uỷ ban sẽ báo cáo cho Bộ Lao động tình hình lập và thực hiện kế hoạch bảo hộ lao động ở các đơn vị thuộc địa phương quản lý.
3. Đối với các đơn vị cơ sở:
Các Ban giám đốc xí nghiệp, ban chỉ huy công trường chịu trách nhiệm trước ngành dọc (Cục, Tổng cục ở trung ương, hoặc Sở, Ty, Công ty ở địa phương) về việc lập và thực hiện kế hoạch bảo hộ lao động hàng năm (hoặc hàng quý đối với các công trường hoạt động dưới 1 năm). Cụ thể cần:
1. Quy định trách nhiệm cho từng bộ môn, như bảo hộ lao động, Y tế, kế hoạch, tài vụ, kỹ thuật, cung tiêu, tuyên truyền trong việc lập và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo hộ lao động và định rõ lề lối làm việc, nguyên tắc phối hợp giữa các bộ môn đó. Kinh nghiệm là chỉ giao trách nhiệm cho bộ môn bảo hộ lao động thì bộ môn này không thể nào lập và tổ chức thực hiện được kế hoạch bảo hộ lao động.
2. Thực sự dựa vào công nhân, chú trọng thu thập ý kiến của quần chúng bằng cách tổ chức phát hiện những thiếu sót về an toàn vệ sinh trong cuộc kiểm tra toàn đơn vị, hoặc trong đại hội công nhân viên chức….
Khi lập xong kế hoạch bảo hộ lao động và gửi cho ngành dọc, thì cơ sở phải gửi cho cơ quan Lao động địa phương một bản để theo dõi.
3. Tổ chức công bố cho toàn thể công nhân viên chức bản kế hoạch sau khi được cấp trên phê chuẩn và phân công, ấn định thời gian cho các bộ môn có trách nhiệm thực hiện kế hoạch, đồng thời chú trọng đề cao vai trò giám sát của công đoàn.
Tổ chức kiểm điểm thường kỳ tình hình thực hiện kế hoạch bảo hộ lao động, tình hình sử dụng 20% quỹ tiền thưởng xí nghiệp (hàng tháng, hàng quý) và cuối 6 tháng, tiến hành sơ kết, cuối mỗi năm tổng kết để báo cáo trước Đại hội công nhân viên chức. Các báo cáo sơ kết và tổng kết phải gửi cho ngành dọc, Uỷ ban địa phương và Sở, Ty hoặc Phòng Lao động.
4. Tổ chức sử dụng cho hợp lý 20% quỹ tiền thưởng xí nghiệp, tránh tình trạng để ứ đọng năm này qua năm khác. Đặc biệt đối với các đơn vị không lập kế hoạch bảo hộ lao động cho năm 1960 hoặc có lập nhưng hiện nay có những việc đột xuất về thiết bị an toàn, thì chú trọng sử dụng 20% quỹ tiền thưởng để bổ sung.
Đối với các xí nghiệp địa phương, vì tình hình tổ chức sản xuất khác với các xí nghiệp thuộc trung ương không áp dụng được tất cả những quy định về lập kế hoạch bảo hộ lao động, thì sẽ tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể mà vận dụng thi hành cho linh hoạt. Và nội dung bản kế hoạch bảo hộ lao động thì tuy không đầy đủ như các xí nghiệp quốc doanh, nhưng vẫn bảo đảm những yêu cầu cấp thiết về thiết bị an toàn để đề phòng tai nạn (như che chắn giây cua-roa, làm hộp che cầu dao điện, v.v…)
Trên đây là những biện pháp cần tiến hành để thực hiện cho được việc lập kế hoạch bảo hộ lao động cùng với kế hoạch sản xuất, làm được như vậy các ngành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân phát huy nhiệt tình lao động bảo đảm hoàn thành vượt mức kế hoạch 3 năm và hăng hái phấn khởi bắt tay vào việc thực hiện kế hoạch 5 năm đầu tiên.
Bộ Lao động đề nghị các Bộ sử dụng công nhân, các Uỷ ban hướng dẫn cho các ngành, các đơn vị thuộc quyền quản lý và giao trách nhiệm cho các ông thủ trưởng các ngành, các đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo công tác này để đảm bảo thực hiện chính sách bảo hộ lao động của Đảng và Chính phủ đạt kết quả tốt.
K.T BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG |
- 1Chỉ thị 162-BCNNh-CBLĐ năm 1964 về việc lập kế hoạch bảo hộ lao động năm 1965 do Bộ Công nghiệp nhẹ ban hành
- 2Thông tư 18-LĐTT năm 1958 về việc trang bị bảo hộ lao động do Bộ Lao Động ban hành.
- 3Chỉ thị 70-CT về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo hộ lao động do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 1Chỉ thị 162-BCNNh-CBLĐ năm 1964 về việc lập kế hoạch bảo hộ lao động năm 1965 do Bộ Công nghiệp nhẹ ban hành
- 2Thông tư 18-LĐTT năm 1958 về việc trang bị bảo hộ lao động do Bộ Lao Động ban hành.
- 3Thông tư 3871-CN năm 1958 về việc tăng cường công tác bảo hộ lao động do Phủ Thủ tướng ban hành
- 4Thông tư 1459-LĐ/BH năm 1959 về việc lập kế hoạch bảo hộ lao động 1960 do Bộ Lao Động ban hành.
- 5Chỉ thị 70-CT về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo hộ lao động do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
Thông tư 1541-LĐ/BH năm 1960 Về việc lập và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo hộ lao động do Bộ Lao động ban hành
- Số hiệu: 1541-LĐ/BH
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 24/10/1960
- Nơi ban hành: Bộ Lao động
- Người ký: Nguyễn Đăng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 48
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra