Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 154-HĐBT

Hà Nội, ngày 25 tháng 9 năm 1989

THÔNG TƯ

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 154-HĐBT NGÀY 25-9-1989 HƯỚNG DẪN VỀ TỔ CHỨC UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP

Ngày 30 tháng 6 năm 1989, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ V, đã thông qua Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân. Căn cứ vào điều 48 của Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân, Hội đồng Bộ trưởng hướng dẫn một số điểm thi hành Luật nói trên như sau :

1. Về số lượng và cơ cấu Uỷ ban Nhân dân các cấp.

a) Số lượng thành viên Uỷ ban Nhân dân. Điều 48 luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân đã ghi mức tối thiểu và tối đa số lượng thành viên Uỷ ban Nhân dân từng cấp. Căn cứ vào tình hình cụ thể ở địa phương, và trong phạm vi quy định của Luật, mỗi cấp ấn định số lượng thành viên Uỷ ban Nhân dân đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, càng gọn càng tốt, không nhất thiết lấy mức tối đa.

b) Số Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân mỗi cấp :

- Cấp tỉnh và tương đương có từ 3 đến 4 Phó Chủ tịch; riêng Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có từ 4 đến 5 Phó Chủ tịch.

- Cấp huyện và tương đương có 2 Phó Chủ tịch. Cấp quận ở nội thành Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có thể có 3 Phó Chủ tịch.

- Cấp xã và tương đương có 1 Phó Chủ tịch.

c) Phân công trong Uỷ ban Nhân dân các cấp :

- Cấp tỉnh và tương đương :

Chủ tịch phụ trách chung.

Các Phó Chủ tịch thì phân công 1 hoặc 2 đồng chí phụ trách kinh tế, một đồng chí phụ trách văn hoá xã hội. Nếu có 2 Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế thì 1 đồng chí phụ trách kinh tế tổng hợp, 1 đồng chí phụ trách sản xuất kinh doanh. Tuỳ điều kiện cụ thể ở từng nơi, có thể phân công 1 Phó Chủ tịch phụ trách nội chính, hoặc đồng chí Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo công tác này.

Đồng chí Phó Chủ tịch thường trực nên trực tiếp phụ trách lĩnh vực kinh tế tổng hợp.

Riêng Thủ đô Hà nội và thành phố Hồ Chí Minh cần phân công 1 Phó Chủ tịch phụ trách công tác quản lý đô thị.

Các Uỷ viên Uỷ ban Nhân dân thì tuỳ tình hình cụ thể mà phân công phụ trách các lĩnh vực Kế hoạch, Tài chính, Thanh tra, Văn hoá thông tin, Công an, Quân sự và một số lĩnh vực khác. Uỷ viên Uỷ ban Nhân dân trực tiếp làm Giám đốc Sở hoặc Uỷ ban trực thuộc Uỷ ban Nhân dân.

- Cấp huyện và tương đương :

Chủ tịch phụ trách chung.

ở các huyện, thị xã thì 1 Phó Chủ tịch thường trực phụ trách kinh tế, 1 Phó Chủ tịch phụ trách văn hoá xã hội. ở các quận nội thành Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nếu có 3 Phó Chủ tịch thì phân công 2 đồng chí phụ trách kinh tế và quản lý đô thị, 1 đồng chí phụ trách văn hoá xã hội. Công tác nội chính do đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách văn hoá xã hội kiêm hoặc đồng chí Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo

Các Uỷ viên khác thì phân công phụ trách các lĩnh vực Kế hoạch, Tài chính, Công an, Quân sự, Văn hoá thông tin,... trực tiếp làm Trưởng phòng, Trưởng ban thuộc Uỷ ban Nhân dân.

- Cấp xã và tương đương :

Chủ tịch phụ trách chung và trực tiếp chỉ đạo các vấn đề kinh tế. Một Phó Chủ tịch phụ trách các mặt công tác văn hoá, xã hội, nội chính

Các Uỷ viên khác của Uỷ ban Nhân dân xã, phường thì tuỳ tình hình cụ thể ở địa phương mà Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương hướng dẫn cụ thể sự phân công cho thích hợp.

Về tiêu chuẩn thành viên Uỷ ban Nhân dân các cấp. Uỷ viên Uỷ ban Nhân dân phải là người có phẩm chất chính trị, có uy tín trong Nhân dân, có năng lực tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của Uỷ ban Nhân dân, có kiến thức quản lý Nhà nước, nắm vững pháp luật, chính sách, đã được đào tạo chính quy hoặc bồi dưỡng tại chức ở các trường quản lý hành chính ở trung ương và địa phương. Theo Luật định, Uỷ viên Uỷ ban Nhân dân không nhất thiết phải là đại biểu Hội đồng Nhân dân.

2. Chế độ làm việc của Uỷ ban Nhân dân.

- Uỷ ban Nhân dân các cấp làm việc theo nguyên tắc tập thể, bàn bạc và quyết định tập thể các chủ trương quan trọng, bảo đảm và phát huy trách nhiệm, quyền hạn của tập thể Uỷ ban, đồng thời đề cao trách nhiệm và quyền hạn của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân. Chủ tịch là người đứng đầu Uỷ ban Nhân dân, chịu trách nhiệm trực tiếp trước Hội đồng Nhân dân địa phương và Hội đồng Bộ trưởng hoặc Uỷ ban Nhân dân cấp trên.

- Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân và các Phó Chủ tịch là bộ phận thường trực của Uỷ ban Nhân dân để chỉ đạo công việc hàng ngày của Uỷ ban và chuẩn bị các vấn đề quan trọng để tập thể Uỷ ban bàn và quyết định. Thường trực là cách làm việc, không phải là một tổ chức, không phải là một cấp, cho nên không có các quyết định lấy danh nghĩa thường trực Uỷ ban Nhân dân, Phó Chủ tịch cũng không phải là một cấp. Phó Chủ tịch giải quyết công việc theo sự uỷ nhiệm của Chủ tịch, với danh nghĩa và quyền hạn của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân.

- Về quan hệ công tác giữa Uỷ ban Nhân dân và Thường trực Hội đồng Nhân dân, giữa Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân và Chủ tịch Hội đồng Nhân dân , Hội đồng Nhà nước sẽ có hướng dẫn riêng.

- Mỗi Uỷ ban Nhân dân, với tinh thần đổi mới phong cách làm việc theo cơ chế quản lý mới, cần xây dựng quy chế làm việc cụ thể của Uỷ ban, định rõ các mối quan hệ về phân công trách nhiệm và cách làm việc trong nội bộ Uỷ ban; quan hệ giữa Uỷ ban và các Sở, Phòng, Ban trực thuộc Uỷ ban, quan hệ giữa Uỷ ban và Hội đồng Nhân dân, nhằm thực hiện đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn cơ quan chấp hành của Hội đồng Nhân dân, cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương.

Nguyễn Khánh

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 154-HĐBT-1989 hướng dẫn về tổ chức Uỷ ban nhân dân các cấp do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 154-HĐBT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 25/09/1989
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Nguyễn Khánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 19
  • Ngày hiệu lực: 10/10/1989
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản