NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC-BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15-TT/LB/TC/NH | Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 1977 |
Thi hành quyết định số 32-CP ngày 11-02-1977 của Hội đồng Chính phủ về chủ trương cải tiến và mở rộng tín dụng ngân hàng và thông tư liên Bộ Ngân hàng Nhà nước – Tài chính số 14-LB/TT ngày 24-02-1977, một số Bộ, Tổng cục, tỉnh, thành đã cùng Ngân hàng Nhà nước điều hòa vốn lưu động ở các xí nghiệp quốc doanh. Nhưng việc làm này còn chậm vì chưa thông suốt, nay Liên Bộ Tài chính – Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn dưới đây việc tập trung, điều hòa số vốn lưu động thừa nói trên để các Bộ, Tổng cục, các tỉnh, thành thống nhất thực hiện.
1. Định mức vốn lưu động và kế hoạch nguồn vốn đảm bảo thực hiện định mức vốn lưu động được Bộ, Tổng cục, Ty, Sở chủ quản xét duyệt sau khi đã thỏa thuận với cơ quan tài chính và Ngân hàng Nhà nước là căn cứ để xác định phần vốn lưu thông thừa do thực hiện chủ trương cải tiến và mở rộng tín dụng ngân hàng để tập trung và điều hòa sử dụng.
2. Mỗi Bộ, Tổng cục, Ty, Sở chủ quản được mở một tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước chuyên dùng cho việc này và được quyền dùng số vốn lưu động thừa đã tập trung được để điều hòa tăng vốn ngân sách cấp cho xí nghiệp thiếu vốn lưu động được duyệt ở trong ngành và trong địa phương, và không được dùng số vốn lưu động thừa này vào bất cứ mục đích nào khác. Đối với xí nghiệp quốc doanh địa phương được cấp vốn lưu động bằng nguồn vốn của Bộ, Tổng cục, nếu có vốn lưu động thừa thì phải tập trung về tài khoản chuyên dùng của Bộ, Tổng cục.
3. Sau khi đã điều hòa đủ vốn, lưu động cho các xí nghiệp thiếu, các Bộ, Tổng cục, Ty, sở chủ quản phải trích chuyển phần vốn lưu động thừa còn lại này vào tài khoản do liên bộ quy định:
- Đối với số vốn lưu động thừa thuộc các Bộ, Tổng cục, sau khi đã điều hòa xong, Bộ tài chính sử dụng cấp vốn lưu động cho các Bộ, Tổng cục khác còn thiếu và số còn lại để sử dụng trong quan hệ thanh toán giữa ngân sách trung ương với ngân hàng Nhà nước.
- Đối với số vốn lưu động thừa của các tỉnh, thành thì nộp trả ngân sách địa phương của tỉnh, thành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành quyết định cách sử dụng, trên nguyên tắc là chỉ sử dụng cho các mục đích mở rộng và phát triển kinh tế địa phương: không dùng cho các yêu cầu tiêu dùng.
1. Mỗi Bộ, Tổng cục chủ quản xí nghiệp được mở tại Ngân hàng Nhà nước trung ương (Vụ kế toán và quản lý quỹ ngân sách Nhà nước) tài khoản 04-012 “Vốn lưu động thừa do cải tiến và mở rộng tín dụng ngân hàng” để tập trung, điều hòa vốn lưu động giữa các xí nghiệp quốc doanh thuộc Bộ, Tổng cục quản lý.
Mỗi Sở, Ty chủ quản xí nghiệp được mở tại ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố một tài khoản như trên.
2. Căn cứ vào thông báo của cơ quan chủ quản về mức vốn lưu động thừa ở xí nghiệp do cải tiến và mở rộng tín dụng, xí nghiệp làm giấy nhận Nợ với ngân hàng Nhà nước cơ sở phục vụ mình. Ngân hàng Nhà nước cơ sở ghi Nợ tài khoản cho vay vốn lưu động (trong kế hoạch, trong định mức, luân chuyển và dự trữ vật tư), ghi Có tài khoản liên hàng đi để tập trung vốn về tài khoản 04-012 của từng ty, sở chủ quản, xí nghiệp ở tỉnh, thành phố (đối với xí nghiệp quốc doanh địa phương) hoặc tài khoản 04-012 của từng Bộ, Tổng cục chủ quản, xí nghiệp ở Ngân hàng trung ương (đối với xí nghiệp quốc doanh trung ương).
Nhận được giấy báo Nợ của ngân hàng, các xí nghiệp tiến hành ghi Nợ tài khoản 85-2, Có tài khoản 93-1 số vốn lưu động thừa nói trên.
3. Trên cơ sở số vốn đã tập trung được, Bộ, Tổng cục chủ quản làm thủ tục trích tài khoản 04-012 để cấp vốn lưu động do ngân sách cấp thiếu cho các xí nghiệp khác thuộc quyền quản lý của mình. Đối với các tỉnh, thành phố, theo đề nghị của Sở, Ty tài chính, được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành duyệt có thể trích để điều hòa vốn lưu động cho các xí nghiệp thiếu vốn ở các Ty, Sở khác trong cùng một địa phương (trừ các cấp xí nghiệp quốc doanh địa phương được cấp vốn bằng nguồn vốn của Bộ, Tổng cục như đã nói ở điểm 2 phần 1).
Xí nghiệp được cấp thêm vốn lưu động phải làm thủ tục tăng vốn lưu động ngân sách Nhà nước cấp.
4. Sau khi điều hòa đủ vốn lưu động cho tất cả các xí nghiệp trong cùng một Bộ, Tổng cục, hoặc trong cùng một địa phương, số vốn còn lại ở tài khoản 04-012 của các Bộ, Tổng cục được trích chuyển hết vào tài khoản 04-012 của Bộ Tài chính để Bộ Tài chính sử dụng cấp vốn lưu động cho các Bộ, Tổng cục khác còn thiếu và số còn lại để sử dụng trong quan hệ thanh toán giữa ngân sách trung ương với ngân hàng Nhà nước. Số vốn còn lại ở tài khoản 04-012 của các sở, ty được chuyển vào ngân sách địa phương của tỉnh, thành để Ủy ban nhân dân tỉnh, thành quyết định cách sử dụng.
1. Các Bộ, Tổng cục, ty, sở chủ quản, xí nghiệp lập bảng tổng hợp duyệt vốn lưu động năm 1977 theo chế độ hiện hành gửi các cơ quan ngân hàng Nhà nước và tài chính đồng cấp, đồng thời thông báo quyết định duyệt vốn và điều động vốn cho các xí nghiệp thuộc quyền quản lý của mình.
Các xí nghiệp quốc doanh phải liên hệ ngay với ngân hàng Nhà nước phục vụ mình để làm thủ tục nhận nợ và nộp vốn lưu động thừa về tài khoản của cơ quan chủ quản để các Bộ, Tổng cục, ty, sở có tiền điều hòa ngay cho các xí nghiệp thiếu vốn
2. Việc tập trung và điều hòa vốn lưu động thừa ở các xí nghiệp quốc doanh do cải tiến và mở rộng tín dụng ngân hàng phải làm dứt điểm trong một thời gian nhất định. Đến khi hoàn thành việc điều hòa vốn lưu động như đã hướng dẫn trên, Ngân hàng Nhà nước sẽ trích hết số dư tài khoản 04-012 của các Bộ, Tổng cục, chuyển vào tài khoản của Bộ Tài chính nói ở điểm 4 phần II trên đây và trích số dư tài khoản 04-012 của các ty, sở chuyển vào ngân sách địa phương.
Liên Bộ Tài chính – Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các Bộ, Tổng cục, sở, ty chủ quản xí nghiệp phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan tài chính, ngân hàng Nhà nước đồng cấp, trong phạm vi trách nhiệm của mình, giúp đỡ và thúc đẩy xí nghiệp thi hành đúng quy định của Nhà nước .
Thông tư này được thi hành sau khi ban hành; các văn bản quy định trước đây trái với thông tư này đều bãi bỏ.
KT. TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
Thông tư 15-TT/LB/TC/NH-1977 hướng dẫn tập trung, điều hòa vốn lưu động thừa ở các Xí nghiệp Quốc doanh do thực hiện chủ trương cải tiến và mở rộng tín dụng Ngân hàng do Bộ Tài chính-Ngân hàng Nhà nước ban hành
- Số hiệu: 15-TT/LB/TC/NH
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 02/12/1977
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước
- Người ký: Đào Thiện Thi, Trần Linh Sơn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 22
- Ngày hiệu lực: 02/12/1977
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định