Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 15-BYT/TT

Hà Nội, ngày 02 tháng 05 năm 1966

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘI BỒI DƯỠNG CHO CÁN BỘ, NHÂN VIÊN CHUYÊN MÔN Y TẾ LÀM CÔNG TÁC THƯỜNG TRỰC, VÀ CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP LÀM THÊM GIỜ, LÀM ĐÊM Ở CÁC CƠ SỞ ĐIỀU TRỊ

Để bồi dưỡng cho cán bộ, nhân viên làm việc ngoài giờ ở các cơ sở điều trị, trước đây Bộ Y tế đã ban hành thông tư số 1.022-BYT/TT ngày 15-9-1958 quy định tạm thời chế độ thường trực và làm thêm giờ tại các bệnh viện, bệnh xá, điều dưỡng ở trung ương và địa phương.

Hiện nay cả nước ta đang trong tình trạng có chiến tranh, trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, các cơ sở điều trị từ trung ương đến địa phương đã sắp xếp lại tổ chức, sắp xếp lại cán bộ tăng cường cho tuyến dưới, nhiều cán bộ, nhân viên của ngành đã nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, tiết kiệm công quỹ, làm việc không kể ngày, đêm để vừa làm nhiệm vụ săn sóc, phục vụ bệnh nhân đồng thời bảo đảm lực lượng sẵn sàng chiến đấu, đối phó kịp thời với tình hình cấp cứu chiến thương. Trong tình hình đó, chế độ thường trực và làm thêm giờ cần được sửa lại cho phù hợp với tình hình mới nhằm phát huy tinh thần cách mạng, ý thức tự lực cánh sinh bảo đảm tốt công tác điều trị, săn sóc bệnh nhân được thường xuyên, liên tục cả ngày, đêm đồng thời trong phạm vi có thể, cố gắng bồi dưỡng sức khỏe lâu dài cho cán bộ, nhân viên chuyên môn.

Căn cứ vào tinh thần chỉ thị số 75-TTg/CN ngày 30-06-1965 của Thủ tướng Chính phủ, sau khi được sự thỏa thuận của Bộ Lao động (công văn số 276-LB/TL ngày 19-03-1966), Bộ Y tế ra thông tư này quy định chế độ bồi dưỡng cho cán bộ, nhân viên chuyên môn làm công tác thường trực và chế độ phụ cấp làm thêm giờ, làm đêm ở các cơ sở điều trị như sau:

I. NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC VÀ NHIỆM VỤ CÔNG TÁC THƯỜNG TRỰC

1. Các cơ sở điều trị có từ 10 giường bệnh trở lên, các nhà hộ sinh thị xã, khu phố, các phòng cấp cứu khu phố, thị trấn, thị xã nếu cần thiết thì bố trí người thường trực để săn sóc, cứu chữa bệnh nhân ngoài những giờ làm việc theo chế độ chung, nhằm phục vụ người bệnh được chu đáo, không kể ngày đêm.

2. Người thường trực ở các cơ sở nói trên chỉ bao gồm các bộ, nhân viên chuyên môn y tế từ hộ lý trở lên ở các khoa lâm sàng và phi lâm sàng. Người thường trực có trách nhiệm săn sóc, theo dõi, điều trị, cứu chữa bệnh nhân ngoài giờ làm việc theo chế độ, từ khi bắt đầu làm việc sáng hôm trước đến giờ làm việc sáng hôm sau.

3. Các cơ sở điều trị có từ 10 giường bệnh đến dưới 20 giường (đã được Ủy ban Kế hoạch Nhà nước duyệt) các phòng cấp cứu khu phố, thị trấn, thị xã nếu cần thiết chỉ nên bố trí một người thường trực.

Các cơ sở điều trị có từ 20 giường trở lên, các phòng cấp cứu khu phố thuộc các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định thì tùy theo yêu cầu của công tác điều trị, cấp cứu phòng không, và số lượng cán bộ, nhân viên chuyên môn mà bố trí người thường trực nhiều hay ít để phục vụ tốt cho bệnh nhân đồng thời bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, nhân viên.

II. CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG CHO CÁN BỘ, NHÂN VIÊN LÀM CÔNG TÁC THƯỜNG TRỰC

1. Các cơ sở điều trị có từ 10 giường đến dưới 20 dường, các phòng cấp cứu thị trấn, khu phố, thị xã.

a) Phiên trực ngày thường:

Được bồi dưỡng bằng hiện vật trị giá 0đ40 cho người thường trực ngày hôm đó.

Người thường trực ở những cơ sở trên nói chung không được nghỉ bù, trường họp trong phiên trực phải làm việc đêm nhiều (tính từ 22 giờ đến 5 giờ sáng ít nhất phải làm việc trên 2 giờ) thì được nghỉ bù nửa ngày do thủ trưởng đơn vị quyết định.

b) Phiên trực vào ngày nghỉ hàng tuần của cá nhân:

Được bồi dưỡng như phiên trực ngày thường, ngoài ra còn được nghỉ bù một ngày, trường hợp vì yêu cầu công tác đơn vị chỉ có thể sắp xếp cho nghỉ bù 1 buổi, còn 1 buổi được hưởng theo chế độ phụ cấp làm thêm giờ quy định ở mục III.

c) Phiên trực vào ngày lễ chính:

Được hưởng các chế độ đã quy định cho phiên trực ngày thường ngoài ra còn được nghỉ bù thêm một ngày. Nếu do yêu cầu công tác chuyên môn đơn vị không thể sắp xếp cho nghỉ bù được thì được thanh toán một ngày lương (gồm lương cấp bậc và phụ cấp khu vực nếu có) theo tinh thần nghị định số 28-TTg ngày 28-01-1959 của Thủ tướng Chính phủ và thông tư số 14-TT/LB ngày 23-03-1959 của Liên bộ Lao động - Nội vụ hướng dẫn thi hành.

2. Các cơ sở điều trị có từ 20 giường trở lên, các nhà hộ sinh thị trấn, khu phố, thị xã, các phòng cấp cứu của các thành phố lớn (Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định), người thường trực được hưởng các chế độ như sau;

a) Phiên trực ngày thường:

Được nghỉ bù nửa ngày vào ngày hôm sau, nhưng tùy theo tình hình công tác của đơn vị, có thể sắp xếp cho nghỉ bù vào những ngày khác trong tuần hoặc trong tháng. Trường hợp trong phiên trực phải làm việc đêm nhiều mệt mỏi (từ 22 giờ đến 5 giờ sáng phải làm việc vất vả từ 3 giờ trở lên) thì được nghỉ bù cả ngày. Nếu trong phiên trực người thường trực có điều kiện nghỉ ngơi tại chỗ không phải làm việc đêm quá 1 giờ (chủ yếu là cán bộ, nhân viên phi lâm sàng) thì chỉ được hưởng bồi dưỡng mà không được nghỉ bù nửa ngày. Trường hợp trong đêm thường trực phải làm việc nhiều lần, mỗi lần không quá 1 giờ thì được cộng lại để nghỉ bù. Việc cho nghỉ bù do thủ trưởng đơn vị hoặc người được ủy quyền quyết định sau khi giao ban.

Được ăn tại cơ sở điều trị do đơn vị đài thọ (người thường trực phải nộp phiếu lương thực) với mức ăn như sau:

- 0đ60 một ngày đối với y tá, dược tá, nữ hộ sinh, xét nghiệm viên, hộ lý,

- 0đ80 một ngày đối với y tá trưởng và các cán bộ chuyên môn y tế từ trung cấp trở lên (y sĩ, dược sĩ, bác sĩ v.v…).

b) Phiên trực vào ngày nghỉ hàng tuần của cá nhân:

Được hưởng các chế độ quy định cho phiên trực ngày thường, ngoài ra còn được nghỉ bù thêm một ngày; nếu do yêu cầu công tác chuyên môn đơn vị chỉ sắp xếp cho nghỉ bù được một buổi, còn một buổi được hưởng theo chế độ phụ cấp làm thêm giờ quy định ở mục III.

c) Phiên trực ngày lễ chính:

Được hưởng các chế độ quy định cho phiên trực ngày thường, ngoài ra còn được nghỉ bù thêm một ngày; nếu do yêu cầu công tác chuyên môn đơn vị không thể sắp xếp cho nghỉ bù được thì được phụ cấp một ngày lương theo chế độ hiện hành (lương cấp bậc và phụ cấp khu vực nếu có).

III. CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP LÀM THÊM GIỜ

Nguyên tắc chung

Các cán bộ, nhân viên chuyên môn y tế nếu cần thiết phải làm công tác chuyên môn ngoài giờ hành chính tại các cơ sở điều trị mà người đó đang công tác hoặc tại các cơ sở điều trị khác thì chủ yếu là nghỉ bù; trường hợp vì yêu cầu công tác chuyên môn không thể sắp xếp cho nghỉ bù được thì được phụ cấp về số giờ làm thêm (tính theo lương giờ), nhưng số giờ làm thêm của mỗi người được thanh toán bằng tiền tối đa không quá 24 giờ trong một tháng (bao gồm số giờ làm thêm ở các cơ sở điều trị mà người đó đang công tác và số giờ làm thêm ở các cơ sở điều trị khác, nhưng không kể số giờ làm thêm trong các ngày lễ chính).

Số giờ làm việc thêm trong tháng được cộng lại, sau khi trừ đi số giờ đã được nghỉ bù, sẽ thanh toán vào đầu tháng sau.

Làm thêm giờ ở ngoài các cơ sở điều trị thì không được nghỉ bù, nhưng được thanh toán bằng tiền về số giờ làm thêm, không khống chế số giờ tối đa.

1. Làm thêm giờ trong cơ sở điều trị mà người đó đang công tác và ở các cơ sở điều trị khác.

Làm thêm giờ kể từ khi bắt đầu làm việc đến khi kết thúc. Trường hợp làm thêm dưới một giờ thì không tính, nếu làm việc từ một giờ trở lên thì được nghỉ bù hoặc thanh toán bằng tiền. Tuy vậy trong một ngày làm thêm giờ nhiều lần, mỗi lần không đến một giờ thì được cộng các giờ làm việc thêm trong ngày đó lại để nghỉ bù hoặc thanh toán.

Trường họp cán bộ được đơn vị cử đi khám bệnh, chữa bệnh ngoài giờ hành chính ở các phòng y tế, nhà hộ sinh, bệnh viện, bệnh xá thuộc đơn vị khác thì cũng được nghỉ bù hoặc thanh toán bằng tiền. Khoản phụ cấp này do đơn vị cử cán bộ đi khám bệnh, chữa bệnh đài thọ (đơn vị mới không phải đài thọ nhưng phải chứng nhận về số giờ làm thêm của cán bộ).

Cách thanh toán như sau:

Lấy lương một ngày (gồm lương cấp bậc và phụ cấp khu vực nếu có) không kể các khoản phụ cấp khác như lây, lao, độc hại chia cho 8 giờ hoặc 7 giờ (đối với cán bộ công tác điện quang) rồi nhân với số giờ làm thêm trong tháng. Thí dụ:

a) Tháng 1 năm 1966 số giờ làm việc thêm của y sĩ là 25 giờ, đơn vị đã cho nghỉ bù 16 giờ (2 ngày) số giờ còn lại để thanh toán bằng tiền là 9 giờ (25 giờ - 16 giờ = 9 giờ).

Lương chính của y sĩ A là 50đ00, phụ cấp khu vực 12% là 6đ00, cộng là 56đ00. Trong tháng 1 năm 1966 y sĩ A được lĩnh phụ cấp làm thêm giờ:

b) Bác sĩ B, trong tháng 2 năm 1966 số giờ làm thêm ở cơ sở điều trị mà bác sĩ B đang công tác là 18 giờ, số giờ làm việc thêm ở các cơ sở điều trị khác là 12 giờ, cộng là 30 giờ; đơn vị đã sắp xếp cho nghỉ bù 8 giờ, số giờ còn lại để thanh toán là 22 giờ (30 giờ - 8 giờ = 22 giờ). Lương chính của bác sĩ B là 70đ00, phụ cấp khu vực 12% là 8đ40, cộng là 78đ40. Trong tháng 2 năm 1966 bác sĩ B được lĩnh phụ cấp làm thêm giờ:

2. Làm thêm giờ ở ngoài các cơ sở điều trị.

Các cán bộ, nhân viên y tế đến khám bệnh, khám sức khỏe ngoài giờ, ngày lễ chính, ngày nghỉ hàng tuần cho cán bộ, nhân viên, công nhân, học sinh, sinh viên, xã viên hợp tác xã do yêu cầu của cơ quan, xí nghiệp, trường học, hợp tác xã thì không được nghỉ bù. Đơn vị mời cán bộ đến khám bệnh,kiểm tra sức khỏe sẽ thanh toán phụ cấp thẳng với những cán bộ đó, mức phụ cấp quy định như sau:

- 0đ35 một giờ đối với bác sĩ, y sĩ,

- 0đ25 một giờ đối với y tá, nữ hộ sinh.

3. Làm ngoài giờ trong trường hợp cấp cứu nạn nhân do địch bắn phá, oanh tạc.

Trường hợp cấp cứu nạn nhân hàng loạt do địch bắn phá, oanh tạc, các cơ sở điều trị phải huy động thêm một số cán bộ, nhân viên làm việc ngoài giờ hành chính để cấp cứu, săn sóc nạn nhân, tải thương v.v… thì coi như làm nghĩa vụ đánh giặc cứu nước không áp dụng chế độ phụ cấp làm thêm giờ. Tuy vậy để bồi dưỡng sức khỏe cho cán bộ, nhân viên nhằm phục vụ được lâu dài, nếu làm việc liên tục, căng thẳng thì được bồi dưỡng bằng hiện vật tính bình quân 0đ40 một người do thủ trưởng đơn vị quyết định. Trong một ngày phải cứu chữa nạn nhân nhiều lần thì tùy theo mức độ làm việc có thể cho bồi dưỡng ở mức cao hơn, ở địa phương do Ủy ban hành chính quyết định, ở các đơn vị trực thuộc Bộ do Bộ quyết định.

Trường hợp chỉ có một vài nạn nhân lẻ tẻ đến cơ sở điều trị thì vẫn áp dụng chế độ phụ cấp làm thêm giờ.

4. Những trường hợp sau đây không áp dụng chế độ phụ cấp làm thêm giờ:

- Thường trực phòng không, tự vệ ở các cơ quan, bệnh viện, xí nghiệp v.v…;

- Phục vụ các cuộc mít tinh, biểu tình, hội nghị;

- Khám bệnh, khám sức khỏe trong những ngày làm lao động xã hội chủ nghĩa, trong những ngày kỷ niệm như khám bệnh cho phun nữ nhân ngày 8 tháng 3, khám chữa bệnh cho thiếu nhi nhân ngày 01 tháng 06 v.v…;

- Khám tuyển nghĩa vụ quân sự, làm công tác chống dịch, phòng dịch, nghiên cứu khoa học, chống bão lụt, trường hợp này tùy theo mức độ, đơn vị có thể sắp xếp cho nghỉ bù sau khi hoàn thành nhiệm vụ;

- Các cán bộ y tế công tác ở các cơ quan, xí nghiệp (kể cả công, nông, lâm trường), trường học có bệnh xá dưới 10 giường hoặc không có bệnh xá, nếu phải khám bệnh, chữa bệnh ngoài giờ hành chính, ngày chủ nhật, ngày nghỉ hàng tuần thì cơ quan sẽ xét để sắp xếp cho nghỉ bù về số giờ làm thêm, nhất thiết không thanh toán bằng tiền.

IV. CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG LÀM CA, LÀM KÍP

Tất cả các cán bộ, nhân viên công tác tại các cơ sở điều trị (trừ người làm công tác thường trực và hưởng theo chế độ phụ cấp làm thêm giờ), công tác tại các công, nông trường, xí nghiệp, trường học, nếu làm việc ban đêm từ 0 giờ đến 5 giờ sáng thì được hưởng phụ cấp làm đêm bằng 25% lương của thời gian đó và được bán lương thực, thực phẩm để tổ chức ăn thêm như quy định trong chỉ thị số 75-TTg/CN ngày 30-06-1965 của Thủ tướng Chính phủ và thông tư số 8-LĐ/TT ngày 25-07-1965 của Bộ Lao động hướng dẫn thi hành.

Thí dụ:

a) Đồng chí A lái xe ô tô cấp cứu làm việc từ 22 giờ đến 4 giờ sáng, được hưởng 25% tiền lương của 4 giờ.

Lương một ngày của đồng chí A là 2đ45 thì phụ cấp làm đêm của đồng chí A được là;

b) Y sĩ B làm ca ba từ 22 giờ đến 6 giờ sáng, được hưởng phụ cấp 25% tiền lương của 5 giờ.

Lương một ngày của y sĩ B là 2đ40 thì phụ cấp làm thêm của y sĩ B được là:

V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Các chế độ bồi dưỡng và phụ cấp quy định trong thông tư này chỉ áp dụng cho các cán bộ, nhân viên chuyên môn y tế từ hộ lý trở lên, các cán bộ, công nhân, viên chức khác ở các cơ sở điều trị nếu cần thiết phải làm thêm giờ thì thi hành theo chỉ thị số 75-TTg/CN ngày 30-06-1965 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi thi hành, các cơ sở điều trị phải dựa vào tình hình, đặc điểm của tổ chức và nhiệm vụ của từng cơ sở điều trị kết hợp với yêu cầu cần thiết phục vụ bệnh nhân để bố trí, phân công người trực sao cho sát và hợp lý, tránh lãng phí thì giờ, công quỹ và sức khỏe của cán bộ, nhân viên.

Cần làm cho toàn thể cán bộ, nhân viên thông suốt mục đích ý nghĩa của chế độ, phát huy tinh thần làm việc cách mạng phù hợp với tình hình mới, tránh suy bì, tị nạnh, tham ô.

Chế độ đối với người thường trực và làm thêm giờ chủ yếu là cho nghỉ bù, trường hợp thật cần thiết vì yêu cầu của công tác chuyên môn đơn vị không thể sắp xếp cho nghỉ bù được, mới thanh toán bằng tiền, nhưng chỉ có hạn như đã quy định ở mục III.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01-06-1966 áp dụng cho tất cả các cơ sở điều trị của Bộ Y tế và các Bộ khác, nhưng không áp dụng cho các cơ sở điều trị trong quân đội nhân dân Việt Nam. Nơi nào nhận được thông tư này sau ngày quy định thì áp dụng sau. Không đặt vấn đề truy hoàn, truy lĩnh. Những quy định cũ trái với thông tư này đều hủy bỏ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có mắc mứu các đơn vị phản ánh cho Bộ biết để Bộ nghiên cứu hướng dẫn thêm.

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ




Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 15-BYT/TT-1966 quy định chế đội bồi dưỡng cho cán bộ, nhân viên chuyên môn y tế làm công tác thường trực, và chế độ phụ cấp làm thêm giờ, làm đêm ở các cơ sở điều trị do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 15-BYT/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 02/05/1966
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Phạm Ngọc Thạch
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản