Hệ thống pháp luật

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 15/2012/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 08 tháng 08 năm 2012

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN LIÊN NGÀNH VỀ HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI

Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

n cứ Quyết định số 682/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực thi Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2011-2015;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng;

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định về tổ chức và hoạt động của Ban liên ngành về hàng rào kỹ thuật trong thương mại,

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Ban liên ngành về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (tiếng Anh Technical Barriers to Trade - viết tắt là TBT). gọi tắt là Ban liên ngành TBT.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Bộ, ngành có liên quan), các thành viên Ban liên ngành TBT và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Chương 2.

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 3. Chức năng của Ban liên ngành TBT

Ban liên ngành TBT có chức năng tham mưu, tư vấn cho Chính phủ, và các Bộ, ngành có liên quan trong việc:

1. Phối hợp đảm bảo thi hành các nghĩa vụ quy định trong Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại (gọi là Hiệp định TBT) ở Việt Nam, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến chính sách và cơ chế thực thi Hiệp định TBT, tham mưu giải quyết tranh chấp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại phát sinh giữa Việt Nam với các nước Thành viên khác của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và ngược lại.

2. Điều phối thực hiện triển khai Đề án thực thi Hiệp định TBT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và việc phối kết hợp với các chương trình, đề án, dự án có liên quan.

Điều 4. Nhiệm vụ của Ban liên ngành TBT

1. Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chương trình hành động và các biện pháp nhằm thực hiện những nghĩa vụ quy định trong Hiệp định TBT ở Việt Nam.

2. Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các biện pháp nhằm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định hoặc để giải quyết vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định TBT, theo yêu cầu của Ủy ban hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Ủy ban TBT) của WTO, Hội nghị Bộ trưởng của WTO và của các Bộ, ngành có liên quan.

3. Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm bảo vệ lợi ích của Việt Nam trong quá trình thực hiện các nghĩa vụ cụ thể quy định trong Hiệp định TBT liên quan đến:

a) Việc xây dựng, soát xét văn bản quy phạm pháp luật có yếu tố quy chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy trình đánh giá sự phù hợp;

b) Việc hài hòa tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài;

c) Việc tham gia vào hoạt động tiêu chuẩn hóa và các hệ thống đánh giá sự phù hợp khu vực hoặc quốc tế.

4. Xem xét, tham mưu, đề xuất biện pháp nhằm xử lý các tranh chấp, khiếu nại về TBT phát sinh giữa các nước Thành viên WTO với Việt Nam và ngược lại.

5. Xem xét và đưa ra kết luận về các vấn đề chuyên môn liên ngành làm cơ sở cho việc thực hiện nghĩa vụ thông báo, hỏi đáp, khi có đề nghị của Văn phòng Thông báo và Hỏi đáp quốc gia về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (gọi tắt là Văn phòng TBT Việt Nam).

6. Tham gia các hoạt động của WTO về TBT theo sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ.

7. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức của các Bộ, ngành có liên quan thực hiện các dự án, đề án, chương trình và kế hoạch thực thi Hiệp định TBT; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, địa phương trong triển khai các chương trình và dự án thực thi Hiệp định TBT ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

8. Thực hiện các nhiệm vụ tham mưu, tư vấn khác về TBT khi có yêu cầu của Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành có liên quan.

Điều 5. Quyền hạn của Ban liên ngành TBT

1. Được tiếp cận với các thông tin, tài liệu về TBT nhận được từ WTO và các cơ quan, tổ chức có liên quan của Việt Nam; tham dự các hoạt động về TBT tổ chức ở trong nước và nước ngoài.

2. Kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng mời các chuyên gia của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham vấn về các vấn đề chuyên môn cụ thể liên quan đến TBT.

3. Sử dụng nhân viên và phương tiện của Văn phòng TBT Việt Nam để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ.

Chương 3.

CƠ CẤU TỔ CHỨC

Điều 6. Cơ cấu tổ chức của Ban liên ngành TBT

1. Trưởng ban là đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ.

2. Phó Trưởng ban là đại diện lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

3. Thành viên thư ký là Giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam.

4. Các thành viên khác là đại diện lãnh đạo cấp Vụ hoặc tương đương của các cơ quan sau:

a) Văn phòng Chính phủ;

b) Bộ Công Thương;

c) Bộ Y tế;

d) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

đ) Bộ Tài nguyên và Môi trường;

e) Bộ Thông tin và Truyền thông;

g) Bộ Giao thông vận tải;

h) Bộ Xây dựng;

i) Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội;

k) Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch;

l) Bộ Tư pháp;

m) Bộ Tài chính;

n) Bộ Khoa học và Công nghệ.

5. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan thường trực của Ban liên ngành TBT, có trách nhiệm điều phối các hoạt động của Ban liên ngành TBT thông qua Văn phòng TBT Việt Nam, có trụ sở tại số 8 đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

6. Ban liên ngành TBT được sử dụng con dấu của Bộ Khoa học và Công nghệ trong các văn bản chính thức gửi các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Điều 7. Nhiệm vụ của Trưởng ban, Phó trưởng ban, Thư ký và Thành viên của Ban liên ngành TBT

1. Nhiệm vụ của Trưởng ban:

a) Lãnh đạo Ban liên ngành TBT hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại các Điều 3, 4 và 5 của Thông tư này;

b) Chỉ đạo chuẩn bị nội dung các vấn đề đưa ra thảo luận tại các phiên họp của Ban liên ngành TBT;

c) Triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Ban liên ngành TBT;

d) Thay mặt Ban liên ngành TBT ký các văn bản gửi các tổ chức, cá nhân;

đ) Căn cứ yêu cầu của Ủy ban TBT của WTO và theo sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ cử đại diện của Ban liên ngành TBT tham gia các cuộc họp của Ủy ban TBT và các hoạt động khác có liên quan của WTO.

2. Nhiệm vụ của Phó Trưởng ban:

a) Giúp Trưởng ban trong việc điều hành hoạt động của Ban liên ngành TBT và chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về phân công tác được phân công phụ trách;

b) Thay mặt Trưởng ban điều hành và giải quyết công việc thuộc quyền hạn của Trưởng ban khi Trưởng ban vắng mặt.

3. Nhiệm vụ của Thư ký

Thực hiện nhiệm vụ của Thành viên được quy định tại khoản 4 Điều này và các nhiệm vụ sau:

a) Chuẩn bị tài liệu và các điều kiện cần thiết khác cho các cuộc họp của Ban liên ngành TBT theo chỉ đạo của Trưởng ban và Phó trưởng ban;

b) Thư ký cho các cuộc họp của Ban liên ngành TBT;

c) Soạn thảo, phân phát và lưu giữ, bảo quản các tài liệu chung của Ban liên ngành TBT;

d) Phát ngôn của Ban liên ngành TBT;

đ) Phối hợp với Văn phòng TBT Việt Nam, các thành viên Ban liên ngành TBT tiếp nhận, giải đáp các yêu cầu về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của cơ quan, tổ chức, cá nhân phát sinh ngoài các kỳ họp;

e) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Trưởng Ban, Phó trưởng ban phát sinh ngoài các kỳ họp.

4. Nhiệm vụ của Thành viên:

a) Tham gia đầy đủ các kỳ họp của Ban liên ngành TBT;

b) Nghiên cứu tài liệu, đóng góp ý kiến về những vấn đề đưa ra thảo luận trong các cuộc họp Ban liên ngành TBT hoặc góp ý kiến vào các văn bản do Trưởng ban, Phó trưởng ban yêu cầu;

c) Theo dõi việc triển khai các hoạt động về TBT trong thực tế và đề xuất các vấn đề cần thảo luận tại các phiên họp của Ban liên ngành TBT;

d) Bảo quản tài liệu mật theo quy định chung của Nhà nước.

Điều 8. Quyền lợi của Thành viên Ban liên ngành TBT

1. Tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về các vấn đề có liên quan đến TBT; các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ thực thi Hiệp định TBT ở Việt Nam và các hoạt động về TBT khác ở trong nước và nước ngoài theo yêu cầu của Bộ Khoa học và Công nghệ.

2. Được đảm bảo các điều kiện làm việc cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại Điều 4 và Điều 5 cùa Thông tư này.

3. Được hưởng thù lao khi thực hiện các công việc góp ý kiến, đề xuất phương án, biện pháp liên quan đến thực thi Hiệp định TBT theo quy định của Nhà nước.

Điều 9. Công nhận, thay đổi thành viên Ban liên ngành TBT

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quyết định công nhận, thay đổi thành viên của Ban liên ngành TBT dựa trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của Bộ, ngành có liên quan.

Chương 4.

PHƯƠNG THỨC VÀ ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG

Điều 10. Quyết định của Ban liên ngành TBT

Quyết định của Ban liên ngành TBT được thông qua theo nguyên tắc đồng thuận. Trong trường hợp không đạt được sự đồng thuận, nguyên tắc quá bán sẽ được áp dụng.

Các thành viên có thể bảo lưu ý kiến của mình song phải chấp hành các quyết định Ban liên ngành TBT. Trong trường hợp có bảo lưu, các kiến nghị, đề xuất của Ban liên ngành TBT khi gửi cho cơ quan nhà nước liên quan phải kèm theo ý kiến bảo lưu và giải trình về ý kiến bảo lưu đó (nếu cần).

Các kiến nghị, đề xuất của Ban liên ngành TBT được cơ quan có thẩm quyền xem xét sử dụng để ra các quyết định của mình.

Điều 11. Họp của Ban liên ngành TBT

1. Họp thường kỳ

Các cuộc họp thường kỳ của Ban liên ngành TBT được tổ chức 02 lần một năm vào sáu tháng đầu năm và sáu tháng cuối năm. Nội dung cuộc họp bao gồm đánh giá chương trình làm việc thời gian qua, thông qua chương trình làm việc thời gian tới và xem xét các vấn đề, đề xuất phát sinh.

Thành phần cuộc họp bao gồm các thành viên của Ban liên ngành TBT và các đại diện tổ chức, cá nhân có liên quan. Thành phần và số lượng đại điện của các tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự cuộc họp thường kỳ do Trưởng ban quyết định trước mỗi cuộc họp.

Tài liệu phục vụ các cuộc họp thường kỳ được gửi cho các thành viên của Ban tối thiểu một tuần làm việc trước khi họp bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử.

2. Họp đột xuất

Trong trường hợp cần thiết, Trưởng ban triệu tập các cuộc họp đột xuất của Ban liên ngành TBT. Thành phần của cuộc họp đột xuất, tùy thuộc vào nội dung và phạm vi của vấn đề cần giải quyết, sẽ do Trưởng ban quyết định.

Tài liệu phục vụ cho cuộc họp đột xuất sẽ được gửi cho các thành viên của Ban liên ngành TBT trước khi họp qua phương tiện điện tử hoặc được cung cấp tại cuộc họp, tùy thuộc vào vấn đề phát sinh.

3. Trong trường hợp thành viên của Ban liên ngành TBT không thể tham dự cuộc họp của Ban liên ngành TBT thì có thể ủy quyền cho người khác tham dự và thông báo cho thành viên Thư ký. Người được ủy quyền phải nắm được nội dung vấn đề dự kiến cuộc họp thảo luận và có quyền tham gia phát biểu ý kiến, song không có quyền biểu quyết.

4. Báo cáo kết quả của các cuộc họp thường kỳ và đột xuất sẽ được gửi cho các thành viên của Ban liên ngành TBT, Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, ngành có liên quan và các tổ chức, cá nhân có liên quan khác (nếu cần).

Điều 12. Trách nhiệm của các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan

1. Các Bộ, ngành có liên quan phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cử đại diện tham gia Ban liên ngành TBT và tạo điều kiện hoàn thành nhiệm vụ thành viên của Ban liên ngành TBT theo quy định tại Thông tư này.

2. Hỗ trợ hoạt động của Ban liên ngành TBT giải quyết các vấn đề chuyên môn sâu có liên quan trực tiếp tới Bộ, ngành, tổ chức. Theo đề nghị của Trưởng ban hoặc trong trường hợp cần thiết các Bộ, ngành, tổ chức có thể giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu, góp ý kiến.

Điều 13. Kinh phí hoạt động

Kinh phí hoạt động của Ban liên ngành TBT được bảo đảm bằng ngân sách nhà nước và có thể huy động từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác như viện trợ, tài trợ, đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài.

Kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động của Ban liên ngành TBT được bố trí trong dự toán hàng năm của Bộ Khoa học và Công nghệ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Chương 5.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Hiệu lực của Thông tư

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 10 năm 2012 và thay thế Quyết định số 07/2006/QĐ-BKHCN ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Khoa học Công nghệ ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Ban liên ngành về hàng rào kỹ thuật trong thương mại.

Điều 15. Tổ chức thực hiện

Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, tổ,chức, cá nhân phản ánh kịp thời bằng văn bản về Bộ Khoa học và Công nghệ để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các PTTg Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND, Sở KH&CN, Chi cục TCĐLCL; các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo; Website Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Trang thông tin điện tử của Bộ;
- Lưu: VT, TĐC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Việt Thanh

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 15/2012/TT-BKHCN quy định về tổ chức và hoạt động của Ban liên ngành về hàng rào kỹ thuật trong thương mại do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 15/2012/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 08/08/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Người ký: Trần Việt Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 579 đến số 580
  • Ngày hiệu lực: 01/10/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 15/01/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản