Hệ thống pháp luật

BỘ QUỐC PHÒNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 147/2002/TT-BQP

Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2002

THÔNG TƯ

CỦA BỘ QUỐC PHÒNG SỐ 147/2002/TT-BQP NGÀY 14 THÁNG 10 NĂM 2002 HƯỚNG DẪN BỔ SUNG THÔNG TƯ 2546/1999/TT-BQP NGÀY 04/9/1999 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 23/1999/NĐ-CP NGÀY 15/4/1999 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN, CÁN BỘ ĐI CHIẾN TRƯỜNG B, C, K TRONG THỜI KỲ CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC, KHÔNG CÓ THÂN NHÂN PHẢI TRỰC TIẾP NUÔI DƯỠNG VÀ QUÂN NHÂN, CÁN BỘ ĐƯỢC ĐẢNG CỬ Ở LẠI MIỀN NAM HOẠT ĐỘNG SAU HIỆP ĐỊNH GIƠNEVƠ NĂM 1954

Thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 831/CP-VX ngày 18/7/2002 của Văn phòng Chính phủ về việc giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 23/1999/NĐ-CP ngày 15/4/1999; căn cứ Thông tư số 13/2002/TT-BLĐTBXH ngày 10/9/2002 của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội hướng dẫn bổ sung Thông tư số 17/1999/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BTCCBCP ngày 21/7/1999 hướng dẫn thi hành Nghị định số 23/1999/NĐ-CP ngày 15/4/1999 của Chính phủ về chế độ đối với quân nhân, cán bộ đi chiến trường B, C, K trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, không có thân nhân phải trực tiếp nuôi dưỡng và quân nhân, cán bộ được Đảng cử ở lại miền Nam hoạt động sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954.

Bộ Quốc phòng hướng dẫn bổ sung Thông tư số 2546/1999/TT-BQP (phần thuộc trách nhiệm quân đội) như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN ÁP DỤNG CHẾ ĐỘ

Ngoài những đối tượng được hưởng đã được hướng dẫn tại Thông tư số 2546/1999/TT-BQP, các đối tượng dưới đây cũng được hưởng chế độ B, C, K theo quy định tại Nghị định số 23/1999/NĐ-CP ngày 15/4/1999 của Chính phủ, gồm:

1. Những cán bộ công tác ở Quảng Trị (nam vĩ tuyến 17) sau Hiệp định Giơnevơ năm1954 được tổ chức phân công tập kết ra Bắc vĩ tuyến 17, sau đó được tổ chức phân công về miền Nam hoạt động (trừ những người hưởng lương ở miền Bắc), thời gian tính hưởng chế độ từ khi được phân công về miền Nam hoạt động;

2. Cán bộ, quân nhân là người miền Nam, sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954 tập kết ra Bắc, sau đó trở lại chiến trường (B, C, K) làm nhiệm vụ, khi đi vẫn là hạ sỹ quan, chiến sỹ không có thân nhân phải trực tiếp nuôi dưỡng ở miền Bắc. Thời gian tính hưởng chế độ từ khi trở lại chiến trường làm nhiệm vụ;

3. Cán bộ xã, phường không thoát ly hoạt động tại xã, phường trước Hiệp định Giơnevơ năm 1954 và tiếp tục hoạt động tại xã, phường sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954 thuộc các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị trở vào. Thời gian tính hưởng chế độ từ tháng 7 năm 1954;

4. Trường hợp vợ và chồng hoặc chỉ có vợ hoặc chồng tập kết ra miền Bắc, sau đó trở lại chiến trường (B, C, K) làm nhiệm vụ, nếu có con gửi lại ở miền Bắc (con dưới 18 tuổi) không hưởng trợ cấp của nhà nước. Thời gian tính hưởng chế độ từ khi trở lại chiến trường làm nhiệm vụ.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Các trường hợp tại Mục I nêu trên, nếu có thời gian là quân nhân thuộc phạm vi giải quyết của Bộ Quốc phòng, quy định về tổ chức thực hiện như sau:

1. Cách tính thời gian, mức hưởng chế độ một lần, hồ sơ, thủ tục, quản lý kinh phí chi trả và các quy định trong tổ chức thực hiện đối với các đối tượng hướng dẫn tại Thông tư này vẫn thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 2546/1999/TT-BQP ngày 4/9/1999 của Bộ Quốc phòng.

2. Đối với đối tượng quy định tại điểm 2, mục I nêu trên, nếu có thời gian đã được hưởng chế độ một lần (là sĩ quan hoặc người hưởng lương) theo quy định tại Nghị định số 23/1999/NĐ-CP ngày 15/4/1999 của Chính phủ thì ngoài quy định trên, thực hiện như sau:

a. Cách tính thời gian hưởng bổ sung:

Thời gian được tính hưởng bổ sung bằng tổng thời gian được tính hưởng trừ đi thời gian đã hưởng chế độ một lần trước đó.

Ví dụ: Ông Huỳnh Văn A, nhập ngũ 10/1947; tháng 8/1954 ông tập kết ra miền Bắc; tháng 5/1962 ông A trở lại chiến trường miền Nam (đi B), cấp bậc Trung sĩ (h2); tháng 11/1968, ông A ra miền Bắc học tập, thời gian học tập ở miền Bắc ông A không được xếp lương và hưởng lương (chỉ hưởng sinh hoạt phí); tháng 9/1970, ông A trở lại chiến trường miền Nam (lần 2) cho đến ngày 30/4/1975, khi đi chiến trường cấp bậc quân hàm thiếu uý, ông A không có thân nhân phải trực tiếp nuôi dưỡng ở miền Bắc;

Ông A đã được hưởng chế độ một lần theo quy định tại Nghị định số 23/1999/NĐ-CP ngày 15/4/1999 của Chính phủ, thời gian từ khi ông vào chiến trường (lần 2) từ 9/1970 đến 4/1975 = 4 năm 8 tháng (ông A đã hưởng số tiền là: 2.500.000 đồng);

Ông A được tính thời gian hưởng chế độ một lần bổ sung theo quy định là:

- Tổng thời gian được tính hưởng chế độ một lần của ông A là: Từ tháng 5/1962 đến tháng 4/1975 = 13 năm.

- Thời gian ông A đã được tính hưởng chế độ một lần là 4 năm 8 tháng;

- Thời gian được tính hưởng chế độ một lần bổ sung của ông A là: 13 năm - 4 năm 8 tháng = 8 năm 4 tháng.

b. Hồ sơ tính hưởng bổ sung:

- Đối tượng hoặc thân nhân chủ yếu của đối tượng làm đơn đề nghị hưởng chế độ một lần bổ sung (theo mẫu đơn quy định tại Thông tư này) có chứng nhận của cơ quan, đơn vị nơi đang công tác (nếu đối tượng đang làm việc) hoặc chính quyền (xã, phường) địa phương nơi cư trú đối với đối tượng còn lại, nộp cho cơ quan quân sự huyện (quận), trung đoàn và tương đương.

- Ban chỉ huy quân sự huyện (quận), trung đoàn và tương đương, căn cứ vào danh sách đối tượng được hưởng chế độ một lần lưu tại đơn vị, kiểm tra và lập danh sách những đối tượng được hưởng bổ sung kèm theo đơn của đối tượng đề nghị cơ quan cấp trên xét hưởng.

- Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, (thành phố), sư đoàn và tương đương, căn cứ vào đơn đề nghị của đối tượng; đề nghị của các địa phương, đơn vị thuộc quyền và hồ sơ đã xét hưởng của đối tượng lưu tại đơn vị, xét duyệt, lập danh sách báo cáo trên và kèm 2 bản photocopy hồ sơ đã xét hưởng đợt trước (ký và đóng dấu sao y bản chính).

3. Các cơ quan, đơn vị theo phạm vi, quyền hạn tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ tới đối tượng; thực hiện rà soát đối tượng đã được chi trả các đợt trước; triển khai thực hiện khẩn trương, chính xác và chu đáo; chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý các vướng mắc sai sót từ cơ sở.

4. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Quốc phòng để xem xét, giải quyết.

Nguyễn Văn Rinh

(Đã ký)

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

..... ngày.... tháng.... năm....

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Bổ sung hưởng chế độ một lần theo Nghị định số 23/1999/NĐ-CP ngày 15/4/1999 của Chính phủ

Tên tôi là:.................................... Sinh năm:...........................

Quê quán:................................................................................

Trú quán:.................................................................................

......................... là đối tượng hưởng chế độ một lần theo quy định tại Nghị định số 23/1999/NĐ-CP ngày 15/4/1999 của Chính phủ.

Ngày đi chiến trường: tháng.... năm.......

Cấp bậc khi đi chiến trường:...................

Tổng số thời gian đi chiến trường:.......... năm.... tháng.

................ đã được xét hưởng chế độ một lần tại Quyết định số..../.../QĐ-CT ngày.... tháng... năm..... của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Thời gian đã được xét hưởng là:.............. năm.......... tháng,

Số tiền là:............................ (bằng chữ..............................)

Phiếu thanh toán số:............ ngày....... tháng.... năm..........

Đề nghị bổ sung xét hưởng cho............ tôi thời gian là:........ năm.... tháng.

Xác nhận của đơn vị (địa phương)
(Ký tên, đóng dấu)

Người làm đơn

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 147/2002/TT-BQP bổ sung Thông tư 2546/1999/TT-BQP hướng dẫn thi hành Nghị định 23/1999/NĐ-CP về chế độ đối với quân nhân, cán bộ đi chiến trường B, C, K trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, không có thân nhân phải trực tiếp nuôi dưỡng và quân nhân, cán bộ được Đảng cử ở lại Miền Nam hoạt động sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954 do Bộ Quốc phòng ban hành

  • Số hiệu: 147/2002/TT-BQP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 14/10/2002
  • Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Nguyễn Văn Rinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 56
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản