Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 142-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 04 năm 1959

THÔNG TƯ

ĐẨY MẠNH HƠN NỮA VIỆC THI HÀNH CHỦ TRƯƠNG TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC VÙNG CAO

I. TÌNH HÌNH VÙNG CAO HIỆN NAY

Tháng 10 năm 1957, Thủ tướng Chính phủ đã có thông tư về việc tăng cường công tác vùng cao. Từ đó đến nay các cấp, các ngành đã cố gắng tiến hành công tác, thu được một số kết quả, làm cho tình hình mọi mặt ở vùng cao đã có tiến bộ hơn trước.

Tuy nhiên, tình hình vùng cao tiến triển chậm chạp, hiện nay vẫn tồn tại nhiều vấn đề đáng chú ý:

- Sản xuất nói chung vẫn còn ở trong tình trạng bấp bênh, năm được, năm không, và thu hoạch kém, tình trạng du canh, du cư chưa khắc phục được mấy. Phong trào đổi công còn rất yếu, nói chung còn làm vòng theo tập quán từ trước, chưa có tác dụng đẩy mạnh sản xuất mấy; trái lại nhiều nơi bị các phần tử lớp trên lợi dụng.

- Đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân còn nhiều thiếu thốn. Nạn đói lưu niên căn bản chưa giải quyết được. Nạn mù chữ vẫn còn trầm trọng, số người đi học và trường, lớp có rất ít. Ốm đau còn nhiều, bệnh nguy hiểm từ trước lưu lại, như sốt rét, hoa liễu, v.v… chưa diệt được. Mê tín dị đoan còn nặng. Nói chung, đời sống của nhân dân vùng cao so với vùng thấp còn kém nhiều.

- Trật tự trị an chưa thật ổn định. Một số nơi ở biên giới, biệt kích, thổ phỉ còn dựa vào cơ sở đặc vụ hoặc cấu kết với những phần tử xấu ở địa phương hoạt động phá hoại, nhất là ở những vùng biên giới Việt – Lào.

- Cơ sở của ta ở vùng cao nói chung, còn quá yếu. Trình độ giác ngộ của nhân dân còn thấp. Cán bộ ít, trình độ và năng lực còn kém. Các tổ chức chính quyền nhiều nơi còn là hình thức, thậm chí phần tử lạc hậu còn chiếm nhiều trong Ủy ban hành chính và các ngành chuyên môn. Quần chúng chưa được tập hợp rõ ràng, chặt chẽ, thường chỉ có nhóm sản xuất và tổ đổi công hoạt động đơn thuần về sản xuất.

Nhìn chung lại, kết qủa thực hiện chủ trương tăng cường công tác vùng cao so với yêu cầu đã đề ra chỉ mới được một phần nhỏ. Tình hình vùng cao chưa có chuyển biến căn bản; vùng cao hiện nay là nơi tập trung những mặt yếu và sơ hở nhất của ta ở vùng dân tộc thiểu số.

Nguyên nhân của tình hình trên, một mặt do vùng cao có nhiều khó khăn và địch hoạt động phá hoại mạnh. Nhưng xét về mặt chủ quan thì do các cấp, các ngành chưa nhận thức đúng về mục đích, ý nghĩa quan trọng của công tác vùng cao, chưa nghiêm chỉnh và tích cực thi hành chủ trương của Đảng và Chính phủ; ở trung ương, các ngành chưa quan tâm đầy đủ đến công tác vùng cao, thậm chí có ngành chưa theo dõi tình hình vùng cao và chưa biết có những công tác gì cần chú ý. Ở địa phương thì còn ỷ lại chờ đợi cấp trên, chưa tích cực khắc phục khó khăn, chưa phát huy được khả năng của cán bộ và nhân dân, và cũng chú ý vùng cao bằng vùng thấp.

II. NHIỆM VỤ VÀ PHƯƠNG CHÂM CÔNG TÁC

Hiện nay, công cuộc cách mạng ở miền Bắc đã chuyển sang giai đoạn mới, toàn Đảng, toàn dân đang ra sức phấn đấu xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Trong nhiệm vụ chung đó, vùng dân tộc thiểu số nói chung, và vùng cao nói riêng, đóng một vai trò quan trọng về mọi mặt chính trị, kinh tế và quốc phòng.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ nhắc các cấp, các ngành phải thiết thực tăng cường công tác vùng cao, nhằm đẩy mạnh mọi mặt công tác để tiến lên nhanh chóng, khắc phục tình trạng chênh lệch giữa vùng cao và vùng thấp, do đó củng cố hơn nữa sự đoàn kết giữa các dân tộc, đồng thời bảo đảm trật tự an ninh biên giới, củng cố quốc phòng, bảo vệ công cuộc lao động hòa bình, xây dựng miền Bắc vững mạnh.

Để đẩy mạnh công tác vùng cao, các cấp, các ngành cần tiếp tục thi hành những nhiệm vụ, phương châm đa nói trong thông tư số 464-TTg ngày 9/10/1957 của Thủ tướng phủ, vì những phương châm, nhiệm vụ đó, qua thực tế công tác hai hăm nay và hội nghị kiểm điểm công tác vùng cao vừa rồi đã xác nhận là đúng, và hiện nay căn bản vẫn còn thích hợp. Ngoài ra, căn cứ vào tình hình mới và kết quả của hội nghị kiểm điểm công tác vùng cao mới đây, Thủ tướng Chính phủ bổ sung và giải thích thêm một số điểm dưới đây.

VỀ PHƯƠNG CHÂM CÔNG TÁC

Trong mọi công tác ở vùng cao, phải nắm vững mấy phương châm:

- Kiên nhẫn, thận trọng, chắc chắn và tích cực, khẩn trương.

- Hết sức dựa vào nhân dân, phát huy mọi khả năng và tinh thần tự lực cánh sinh của nhân dân, đồng thời Nhà nước và các dân tộc anh em ra sức giúp đỡ.

- Mọi công tác đều nhằm đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, tăng cường đoàn kết dân tộc, đào tạo cán bộ địa phương.

Trước tình hình chung và yêu cầu nhiệm vụ hiện nay, một mặt vẫn chấp hành đúng đắn phương châm kiên nhẫn, thận trọng, chắc chắn, trong mọi công tác, vì tình hình ở vùng cao vẫn còn phức tạp, trình độ giác ngộ của nhân dân vẫn chưa được nâng cao; nhưng mặt khác, cần phải hết sức tích cực, khẩn trương, như vậy mới làm cho mọi mặt công tác ở vùng cao tiến lên nhanh chóng, sớm khắc phục được những khó khăn và tình trạng chênh lệch hiện nay giữa các vùng, do đó mà củng cố được cơ sở, đẩy mạnh được sản xuất và tăng cường được đoàn kết giữa các dân tộc. Cần tránh tình trạng nóng vội, hấp tấp, rồi sinh ra gò ép mệnh lệnh, không chiếu cố đến tình hình thực tế khó khăn, phức tạp, nhưng cũng cần khắc phục xu hướng vin vào “kiên nhẫn, thận trọng” mà duy trì tình trạng lề mề, đến đâu hay đến đó, không cố gắng đẩy mạnh công tác.

Đối với các phong tục tập quán lạc hậu của nhân dân có hại cho đoàn kết, sản xuất và vệ sinh, cần kiên nhẫn vận động nhân dân tự nguyện bỏ hoặc sửa, nhưng nhất thiết không được cưỡng bức, mệnh lệnh.

Đối với tầng lớp trên có liên hệ với quần chúng, cần phải thuyết phục, tranh thủ họ trên cơ sở đoàn kết đại đa số nhân dân lao động, và cần phải phân biệt những nhân vật lớp trên có liên hệ với quần chúng với những phần tử phản động chống chính sách, cấu kết với địch, hoạt động chống phá. Đối với những phần tử này thì phải vận động quần chúng, dựa vào quần chúng mà đấu tranh, và chiếu theo luật pháp mà xử lý.

VỀ NHIỆM VỤ CỤ THỂ

Thủ tướng Chính phủ bổ sung và nêu lại những nhiệm vụ cụ thể dưới đây để các cấp, các ngành tích cực thực hiện:

1. Ra sức tuyên truyền giáo dục, nâng cao trình độ giác ngộ của nhân dân.

Vì trình độ giác ngộ của nhân dân ở vùng cao vẫn còn thấp, nên công tác tuyên truyền giáo dục cần được đặc biệt chú ý. Về nội dung, cần phải nâng cao lòng yêu nước đi đôi với giáo dục tư tưởng xã hội chủ nghĩa cho quần chúng. Phải giáo dục cho nhân dân hiểu rõ các chính sách của Đảng và Chính phủ, động viên lòng phấn khởi đoàn kết sản xuất theo con đường tương trợ hợp tác, đồng thời làm cho nhân dân tăng thêm ý thức cảnh giác đối với mọi âm mưu và luận điệu phản tuyên truyền của địch, nâng cao ý chí đấu tranh bảo vệ trật tự an ninh, bảo vệ biên giới, bảo vệ tổ quốc.

2. Củng cố phong trào đổi công, xây dựng hợp tác xã, đẩy mạnh sản xuất, đồng thời tăng cường công tác giáo dục, văn hóa và y tế, cải thiện thêm một bước đời sống của nhân dân.

Phát triển sản xuất đồng thời tăng cường các công tác y tế, giáo dục và văn hóa để cải thiện đời sống vật chất và văn hóa cho nhân dân là trung tâm công tác ở vùng cao hiện nay cũng như sau này.

Về sản xuất, hiện nay chủ yếu vẫn là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, lấy sản xuất lương thực làm chính, đồng thời coi trọng chăn nuôi, trồng cây công nghiệp và khai thác lâm thổ sản.

Ngoài việc giải quyết những khó khăn thiếu thốn về nông cụ, giống và giải quyết vấn đề nước, cần phải tích cực hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân định cư, định canh. Trên cơ sở định canh mà đẩy mạnh sản xuất hơn nữa, tiến tới sau kế hoạch 3 năm căn bản xóa bỏ được nạn đói lưu niên.

Đẩy mạnh sản xuất trên cơ sở củng cố và phát triển phong trào đổi công hợp tác là khâu chính công tác ở vùng cao. Hiện nay phong trào đổi công hợp tác còn yếu: hợp tác xã chưa phát triển, tổ đổi công nói chung về tổ chức và hoạt động chưa đúng phương hướng, chưa có tác dụng tốt. Mặt khác, sức sản xuất chưa hoàn toàn được giải phóng, quan hệ bóc lột phong kiến còn tồn tại, do đó sản xuất chưa được đẩy mạnh.

Bởi vậy cần phải củng cố tổ đổi công, xây dựng hợp tác xã, đẩy mạnh sản xuất đi đôi với việc nâng cao giác ngộ của quần chúng và củng cố cơ sở về mọi mặt. Khi quần chúng yêu cầu và ta đã chuẩn bị lực lượng, đã nắm vững tình hình thì dựa vào quần chúng mà đấu tranh xóa bỏ nốt mọi quan hệ bóc lột phong kiến còn lại để đẩy mạnh sản xuất, đẩy mạnh phong trào đổi công hợp tác, thực hiện triệt để cải tạo xã hội chủ nghĩa và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

3. Tích cực tăng cường công tác trị an, củng cố và bảo vệ biên giới, chống mọi âm mưu phá hoại của địch.

Bọn tay sai đế quốc Mỹ, nhất là bọn tay chân Ngô Đình Diệm và đặc vụ Tưởng đang ráo riết hoạt động phá hoại ở biên giới, ở vùng cao, nhất là dọc biên giới Việt – Lào. Vì vậy tăng cường công tác trị an, củng cố và bảo vệ biên giới, chống mọi âm mưu hoạt động phá hoại của địch là việc rất bức thiết. Mặt khác trong khi miền Bắc đang tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa, riêng miền núi đang chuẩn bị hoàn thành cải cách dân chủ, cần phải hết sức đề phòng bọn phản động lợi dụng sinh hoạt còn khó khăn và trình độ giác ngộ còn thấp kém của nhân dân vùng cao để hoạt động phá hoại.

Các nơi cần phải nêu cao cảnh giác, hết sức chú ý theo dõi phát hiện và đối phó kịp thời những âm mưu phá hoại địch, kiên quyết không để xẩy ra xác vụ đột xuất. Những nơi còn có tàn phỉ hoạt động, phải tích cực thanh toán. Nơi nào xẩy ra vấn đề “xưng vua” “đón vua” hoặc các vấn đề tương tự, phải tập trung lực lượng giải quyết, không để kéo dài.

Ở vùng biên giới, phải tích cực củng cố cơ sở, tổ chức việc quản lý biên giới cho tốt, ngăn chặn và đối phó kịp thời với những hoạt động xâm nhập từ ngoài vào, đồng thời giải quyết tốt các vấn đề quan hệ giữa nhân dân ta với nhân dân các nước láng giếng.

Muốn làm được những việc trên, phải chú trọng nâng cao trình độ giác ngộ, cải thiện đời sống của nhân dân và ra sức củng cố trị an, tổ chức việc theo dõi địch tình cho chặt chẽ.

4. Ra sức bồi dưỡng và đạo tạo cán bộ dân tộc địa phương, chấp hành đầy đủ các chính sách đối với cán bộ hoạt động ở vùng cao,

Tình hình cán bộ vùng cao hiện nay quá yếu và thiếu: phải hết sức tích cực bồi dưỡng, đào tạo. Các địa phương cần phải đẩy mạnh công tác này, cố gắng đến hết năm 1960 có đủ cán bộ các ngành ở xã và những ngành dân, chính ở huyện là người dân tộc vùng cao. Trong khi ra sức bồi dưỡng, đào tạo cán bộ dân tộc địa phương, cũng phải chú ý bồi dưỡng cán bộ ở nơi khác đến. Cần phải chấp hành đầy đủ các chính sách đã ban hành và tiếp tục nghiên cứu những chính cần thiết đối với cán bộ hoạt động ở vùng cao. Để thiết thực xây dựng và củng cố cơ sở ở vùng cao, dìu dắt cán bộ địa phương, cần phải kiên quyết thực hiện chế độ cán bộ phụ trách xã hoặc vùng ở những nơi cơ sở còn yếu thì mới có thể đảm bảo được công tác và việc bồi dưỡng, dìu dắt cán bộ địa phương.

5. Tích cực củng cố chính quyền và xây dựng các tổ cần thiết.

Các Ủy ban hành chính và các ngành dân quân, công an cần phải được tăng cường thành phần cốt cán, dần dần gạt bỏ những phần tử xấu, không chấp hành chính sách và có liên hệ với bọn phản động ở biên giới. Về tổ chức quần chúng thì tạm thời chỉ nên xây dựng và củng cố một tổ chức nào thích hợp nhất với địa phương, để tập hợp và giáo dục quần chúng; chưa nên lập ra nhiều tổ chức mà tổ chức nào cũng lỏng lẻo.

6. Tăng cường đoàn kết dân tộc.

Trước thực trạng chênh lệch về đời sống của nhân dân vùng thấp và vùng cao hiện nay và trước âm mưu khiêu khích của bọn phản động, mặc dầu sự đoàn kết dân tộc đã có tiến bộ hơn trước, vấn đề tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc vẫn phải đặt ra một cách rất bức thiết. Cần phải kịp thời thanh toán những thành kiến xích mích cũ còn lại, chú ý giải quyết những vấn đề tranh chấp mới đẻ ra, nhất là về vấn đề đất đai (do phát triển sản xuất hoặc do luận điệu tuyên truyền xuyên tạc khiêu khích mới của địch gây ra). Căn bản là phải chú ý giúp đỡ nhân dân các dân tộc ở vùng cao phát triển sản xuất, cải thiện đời sống tích cực khắc phục tình trạng thiếu thốn và sự chênh lệch trong đời sống giữa nhân dân vùng cao và vùng thấp hiện nay thì mới tránh khỏi sự lừa bịp, chia rẽ của địch. Gặp trường hợp có xích mích nghi ngờ giữa các dân tộc, cần phải kịp thời tổ chức những cuộc gặp gỡ giữa nhân dân và người cầm đầu các dân tộc, bộ tộc, để thương lượng giải quyết, đề phòng địch phá hoại, khoét sâu mâu thuẫn dân tộc.

III. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

Để thực hiện chủ trương tăng cường công tác vùng cao, Thủ tướng Chính phủ đề ra mấy biện pháp chính sau đây:

1. Cần đẩy mạnh công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân với sự quan trọng của công tác vùng cao.

Các cấp, các ngành cần phải tổ chức thảo luận lại đề án công tác vùng cao, làm cho cán bộ nắm vững mục đích, ý nghĩa quan trọng của công tác vùng cao, kiểm điểm sự thi hành, phê phán những nhận thức tư tưởng lệch lạc để xác định trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi bộ phận và cá nhân đối với công tác vùng cao.

Phải làm cho mọi người nắm vững những nhiệm vụ và phương châm công tác vùng cao, đặc biệt là cần phải làm cho mọi người nắm vững khâu chính công tác vùng cao là đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân và mấu chốt quyết định là song song với việc phát triển củng cố cơ sở Đảng phải đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc địa phương. Có như vậy mới đẩy mạnh công tác vùng cao một cách căn bản và nhanh chóng được.

2. Cần tích cực giải quyết vấn đề cán bộ vùng cao.

Cần phải bồi dưỡng, đào tạo cán bộ vùng cao. Một mặt, các địa phương cần phải dự trù và cố gắng chọn cho đủ số cán bộ cần thiết để thực hiện chế độ phụ trách xã hoặc vùng, do đó mới làm được tốt công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ dân tộc địa phương.

Mặt khác, các ngành ở trung ương có công tác ở vùng cao cần phải thiết thực giúp đỡ bên dưới bồi dưỡng, đào tạo cán bộ vùng cao. Cán bộ các ngành hoạt động ở vùng cao hiện nay như bộ đội, công an, mậu dịch, v.v… cần phải trực tiếp giúp đỡ địa phương trong công tác này.

3. Lập quỹ giúp đỡ vùng cao.

Cần lập một quỹ riêng để giúp nhân dân vùng cao phát triển sản xuất, nhất là giúp nhân dân vùng cao định cư, định canh. Ủy ban Dân tộc và các Ban Dân tộc địa phương sẽ giúp Chính phủ và Ủy ban Hành chính các khu, tỉnh có vùng cao dự trù và quản lý quỹ này cho tốt.

4. Cần tăng cường và củng cố tổ chức theo dõi công tác vùng cao, tăng cường chỉ đạo công tác vùng cao.

Cơ quan công tác dân tộc các cấp và bộ phận công tác vùng dân tộc thiểu số của các ngành cần bố trí cán bộ theo dõi tình hình và công tác vùng cao, tổ chức việc theo dõi một cách thường xuyên và có hệ thống. Mỗi khi có chủ trương công tác, cần phải hướng dẫn cụ thể cho vùng cao, đồng thời cần phải tổ chức chỉ đạo riêng và định kỳ kiểm điểm, tổng kết công tác ở vùng cao để rút kinh nghiệm.

5. Cần phối hợp giữa các ngành trong công tác vùng cao.

Các ngành tùy theo nhiệm vụ của ngành mình, cần phải có kế hoạch công tác vùng cao và theo hệ thống mà hướng dẫn đôn đốc sự thực hiện một cách chu đáo. Đồng thời, phải phối hợp với nhau một cách chặt chẽ để công việc khỏi chồng chéo nhau, gây khó khăn cho các cấp và cán bộ công tác ở dưới. Cơ quan công tác dân tộc ở trung ương và địa phương sẽ giúp Ủy ban Hành chính các cấp tổ chức sự phối hợp đó.

Công tác vùng cao hiện nay rất quan trọng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp chú ý nghiên cứu và thi hành nghiêm chỉnh thông tư này.

KT.THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG





Phan Kế Toại

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 142-TTg năm 1959 về đẩy mạnh hơn nữa việc thi hành chủ trương tăng cường công tác vùng cao do Phủ Thủ Tướng ban hành.

  • Số hiệu: 142-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 08/04/1959
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phan Kế Toại
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 15
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản