Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 141-BCA

Hà Nội ngày 22 tháng 7 năm 1963

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN SỐ 141-BCA NGÀY 22 THÁNG 7 NĂM 1963 GIẢI THÍCH VIỆC SỬ DỤNG QUYỀN HẠN NÓI Ở ĐIỂM 4 VÀ 5 THUỘC ĐIỀU 5 TRONG PHÁP LỆNH QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CẢNH SÁT NHÂN DÂN NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Ngày 20 tháng 7 năm 1962, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ký lệnh công bố pháp lệnh đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 16 tháng 7 năm 1962 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát nhân dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Trong điều 5 của Pháp lệnh có ghi hai quyền hạn ở điểm 4 và 5 là:

"- Trong khi làm nhiệm vụ khẩn cấp:

a- Ngăn chặn hành động phá hoại,

b- Đuổi bắt kẻ phạm tội,

c- Cấp cứu người bị nạn,

Được quyền mượn các loại phương tiện giao thông vận tải và phương tiện thông tin liên lạc của cơ quan, đoàn thể hoặc tư nhân (trừ của Đoàn ngoại giao) và những người điều khiển các phương tiện đó" và:

"Được quyền đi lại trong thành phố, thị xã, thị trấn bằng các phương tiện giao thông công cộng mà không phải trả tiền trong khi đang làm nhiệm vụ".

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định cho Cảnh sát nhân dân hai quyền hạn ghi trong điểm 4 và 5 (điều 5) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cần thiết cho công tác đấu tranh chống các bọn tội phạm, giữ gìn trật tự an ninh chung và phục vụ nhân dân tốt hơn nữa của lực lượng Cảnh sát nhân dân.

Bộ Công an giải thích một số vấn đề chi tiết về hai quyền hạn nói trên, để các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân nắm vững vận dụng cho đúng đắn, để các cơ quan, đoàn thể và nhân dân hiểu rõ, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân làm tốt nhiệm vụ và giám sát việc sử dụng quyền hạn của Cảnh sát nhân dân.

I. QUYỀN ĐƯỢC MƯỢN CÁC LOẠI PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG VẬN TẢI VÀ PHƯƠNG TIỆN THÔNG TIN LIÊN LẠC RONG KHI LÀM NHIỆM VỤ KHẨN CẤP

Nhiệm vụ khẩn cấp đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân cần phải mượn phương tiện giao thông vận tải và thông tin liên lạc, nhưng chỉ hạn trong ba trường hợp:

a- Ngăn chặn hành động phá hoại: Nghĩa là ngăn chặn hành vi dùng chất cháy, chất nổ, chất độc, vũ khí hoặc bằng bất cứ phương pháp nào khác có thể gây tổn thất nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, của hợp tác xã, của nhân dân, gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân, của gia súc, tổn thất đến sản xuất, ngăn chặn những cuộc gây rối trật tự trị an.

b- Đuổi bắt kẻ phạm tội: Nghĩa là đuổi bắt những kẻ phạm pháp quả tang, quy định trong Sắc luật số 002/SL.T ngày 18 tháng 6 năm 1957 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa:

- Đang làm việc phạm pháp hoặc sau khi phạm pháp thì bị phát giác ngay;

- Đang bị đuổi bắt sau khi phạm pháp;

- Đang bị giam giữ mà lẩn trốn;

- Đang có lệnh truy nã.

c- Cấp cứu người bị nạn: Nghĩa là gặp người bị tai nạn bất ngờ, nếu không đưa đi bệnh viện cấp cứu ngay thì nguy hiểm đến tính mạng người đó, ví dụ bị cảm ngã giữa đường bất tỉnh, động kinh ngất, phụ nữ có mang sắp đẻ, hoặc đang đẻ rơi, người bị tai nạn xe cộ, bị đánh thành thương, .v.v...

Nói chung, khi có những việc đã nói trên thuộc phạm vi 3 trường hợp khẩn cấp do pháp lệnh quy định thì cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân đang công tác thấy cần phải kịp thời giải quyết, nhưng bản thân cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân lúc đó thiếu phương tiện để đi lại hoặc để báo tin thật nhanh chóng thì được quyền mượn các phương tiện giao thông, vận tải hoặc phương tiện thông tin liên lạc.

Việc mượn các phương tiện giao thông, vận tải phải hết sức thận trọng và có cân nhắc để tránh những trường hợp không thật cần thiết cũng mượn phương tiện.

Các phương tiện giao thông vận tải do cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân được mượn gồm có: Xe ô tô, xe mô tô, xe đạp máy, xe đạp, ca nô, xuồng máy, thuyền, đò, riêng đối với trường hợp cấp cứu người bị nạn thì có thể mược được cả xe ngựa và xe xích lô.

Các phương tiện thông tin liên lạc do cán bộ chiến sĩ Cảnh sát nhân dân được mượn gồm có: Máy điện thoại, điện báo, vô tuyến điện. Mượn phương tiện thông tin liên lạc là chỉ để dùng tại chỗ.

Những phương tiện mà cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân không được mượn là:

- Xe Chủ tịch và Phó chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

- Xe của Chủ tịch và Phó chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

- Xe của Thủ tướng và Phó thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

- Xe chữa cháy và phương tiện thông tin liên lạc đang dùng trong việc chữa cháy.

- Xe hộ đê và các phương tiện giao thông vận tải và phương tiện thông tin liên lạc đang dùng trong công tác chống bão lụt, .v.v...

- Phương tiện giao thông vận tải và thông tin liên lạc của bộ đội đang dùng trong các việc quan trọng như chuyển quân đi tác chiến, đi ra thao trường để phục vụ kế hoạch đột xuất.

- Các loại xe cứu thương, xe đang chở thư, có giấy ưu tiên qua phà do Bộ Giao thông vận tải cấp thì cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân cũng không được mược. Nhưng nếu các xe này đi thuận chiều mà gặp trường hợp cần thiết thì cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân được nhờ sắp xếp đưa người bị nạn đến địa điểm cấp cứu.

Khi mượn phương tiện giao thông vận tải và phương tiện thông tin liên lạc, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân phải xuất trình giấy chứng nhận Công an, riêng khi mượn phương tiện giao thông vân tải còn phải làm giấy biên nhận (có mẫu thống nhất do Bộ Công an quy định).

Trước khi mượn, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân phải nói rõ yêu cầu của công tác và đề nghị với người thay mặt đơn vị hoặc chủ phương tiện để mượn. Người thay mặt đơn vị hoặc người chủ phương tiện phải hết lòng giúp đỡ Cảnh sát nhân dân để khỏi chậm trễ, trở ngại việc giải quyết công tác khẩn cấp như pháp lệnh đã quy định.

Khi dung xong phương tiện giao thông vận tải thì phải mang đến cơ quan, đơn vị hoặc người chủ phương tiện trả chu đáo.

Khi mượn người điều khiển phương tiện giao thông vận tải, mà những người này không một tổ chức nào trả lương thì phải trả tiền công cho họ cũng như khi dùng phương tiện giao thông vận tải của tư nhân thì nói chung phải thanh toán các phí tổn về xăng, dầu và nếu hỏng thì phải trả tiền sửa chữa cho họ và thanh toán vào khoản hành chính phí của cơ quan Công an.

II. QUYỀN ĐI LẠI TRONG THÀNH PHỐ, THỊ XÃ, THỊ TRẤN BẰNG PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CÔNG CỘNG MÀ KHÔNG PHẢI TRẢ TIỀN TRONG KHI ĐANG LÀM NHIỆM VỤ

a- Đi lại trong thành phố, thị xã, thị trấn là bao gồm việc đi lại trên các đường phố trong nội thành, nội thị và các đường đi ra ngoại ô thuộc phạm vi thành phố, thị xã, thị trấn.

b- Phương tiện giao thông công cộng nói trong điều này là:

- Xe ô tô buýt, xe điện, xe lửa, trên đường bộ.

- Cầu, phà, đò và ca nô, trên đường thủy.

Cục Cảnh sát nhân dân sẽ hướng dẫn, kiểm tra các lực lượng Cảnh sát nhân dân các cấp trong việc sử dụng hai quyền hạn nói trên theo tinh thần thông tư này.

Để tất cả các cơ quan, đoàn thể, cán bộ, bộ đội cũng như nhân dân nói chung hiểu rõ nội dung về việc sử dụng hai quyền hạn nói ở điểm 4 và 5 thuộc điều 5 trong Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát nhân dân, đề nghị các ông Bộ trưởng, các Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, các ông Chủ tịch Uỷ ban hành chính các khu, thành, tỉnh phổ biến rộng rãi thông tư này cho các cơ quan, đoàn thể, các cán bộ, bộ đội và nhân dân biết.

Trần Quốc Hoàn

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 141-BCA năm 1963 giải thích việc sử dụng quyền hạn nói ở điểm 4 và 5 thuộc Điều 5 trong Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát nhân dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà do Bộ công an ban hành

  • Số hiệu: 141-BCA
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 22/07/1963
  • Nơi ban hành: Bộ Công An
  • Người ký: Trần Quốc Hoàn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản