Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 141/2010/TT-BTC | Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 2010 |
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 134/2005/NĐ-CP ngày 01/11/2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài;
Căn cứ Quyết định số 546/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh Dự án đầu tư Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất;
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 2951/VPCP-KTTH ngày 01 tháng 6 năm 2006 về việc thu xếp khoản vốn 1.000 triệu Đô la Mỹ cho dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc cho vay lại và trả nợ vốn vay do Bộ Tài chính huy động cho dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất (sau đây gọi tắt là Dự án) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (sau đây gọi tắt là Người vay lại) như sau:
1. Nguồn vốn huy động cho Dự án có trị giá là 1 tỷ USD, bao gồm:
a) 700 triệu USD từ nguồn vốn phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ đáo hạn vào tháng 1/2020, lãi suất tại thời điểm phát hành 6,95% năm, lãi suất danh nghĩa 6,75%/năm, trả 6 tháng/1lần; gốc trả 1 lần khi đáo hạn;
b) 300 triệu USD vay của Ngân hàng BNP Paribas, thời hạn 13 năm, từ ngày 30/01/2007 đến ngày 29/01/2009 theo lãi suất thả nổi Libor+ 2%/năm, từ ngày 30/01/2009 theo lãi suất cố định 3,3% năm; gốc và lãi trả 6 tháng/1 lần, ân hạn trả nợ gốc là 3 năm.
2. Nguồn vốn huy động nêu ở Khoản 1, Điều này được Bộ Tài chính ghi thu ngân sách và ghi chi cho Người vay lại (sau đây gọi tắt là Khoản cho vay lại) và người vay lại có trách nhiệm hoàn trả tiền gốc, lãi khác theo các quy định tại Thông tư này.
1. Ngân hàng Phát triển Việt Nam được Bộ Tài chính uỷ quyền làm Cơ quan cho vay lại. Bộ Tài chính ký hợp đồng uỷ quyền cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện cho vay lại theo đúng quy định hiện hành về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và quy định tại Thông tư này.
2. Cơ quan cho vay lại có trách nhiệm thực hiện việc giám sát sử dụng vốn vay theo đúng quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và Báo cáo khả thi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thu hồi nợ từ Người vay lại để hoàn trả Bộ Tài chính theo các quy định tại Thông tư này.
3. Phí quản lý của Cơ quan cho vay lại:
a) Cơ quan cho vay lại được hưởng phí quản lý bằng 0,05%/năm tính trên số dư nợ vốn vay bình quân trong năm của Dự án.
b) Phí quản lý được Bộ Tài chính cấp bằng đồng Việt Nam (theo tỷ giá hạch toán ngoại tệ do Bộ Tài chính thông báo tại thời điểm cấp) từ Ngân sách Nhà nước trong dự toán chi cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý hàng năm theo đề nghị của Cơ quan cho vay lại.
1. Thời hạn cho vay lại là 16 năm kể từ ngày nhận khoản vay đầu tiên, trong đó thời gian ân hạn gốc là 4 năm.
2. Đồng tiền cho vay lại và trả nợ gốc, lãi là đồng Đô la Mỹ (USD).
3. Lãi suất cho vay lại:
a) Lãi suất cho vay lại là 3,6%/năm và được giữ nguyên trong suốt thời hạn cho vay của Dự án.
b) Lãi suất nợ quá hạn bằng lãi suất phát hành trái phiếu quốc tế năm 2010 của Chính phủ cộng 1,2%.
Điều 4. Trả nợ gốc và lãi cho Khoản cho vay lại.
1. Việc trả lãi được thực hiện hàng quý theo các quy định cụ thể trong trong Hợp đồng tín dụng ký giữa Cơ quan cho vay lại và Người vay lại.
2. Sau thời gian ân hạn việc trả nợ gốc được thực hiện hàng quý vào cùng thời điểm trả nợ lãi theo quy định cụ thể trong Hợp đồng tín dụng ký giữa Cơ quan cho vay lại và Người vay lại.
3. Đến hạn trả nợ, nếu Người vay lại không trả được nợ (bao gồm cả gốc và lãi) thì Cơ quan cho vay lại chuyển toàn bộ số nợ đến hạn trả nhưng chưa trả sang nợ quá hạn ngay từ ngày tiếp sau ngày đáo hạn và áp dụng mức lãi suất nợ quá hạn quy định tại Tiết b,
Điều 5. Đảm bảo thanh toán và bồi thường đối với Khoản cho vay lại:
1. Người vay lại được sử dụng tín chấp khi vay lại từ cơ quan cho vay lại.
2. Quyền ưu tiên cao nhất về các nghĩa vụ nợ phải thanh toán của Người vay lại thuộc về Khoản cho vay lại. Tại một thời điểm, nếu Người vay lại có các nghĩa vụ nợ đến hạn thì các nghĩa vụ nợ của Khoản cho vay lại này được quyền thanh toán trước tiên.
3. Trong trường hợp Người vay lại không thực hiện được các nghĩa vụ của mình, Bộ Tài chính thông qua Cơ quan cho vay lại yêu cầu Người vay lại bồi thường theo đúng quy định của pháp luật, kể cả việc yêu cầu tất cả các ngân hàng phục vụ phong toả các tài khoản của Người vay lại để trả nợ.
Điều 6. Thu hồi nợ cho vay lại
1. Người vay lại có trách nhiệm cân đối các nguồn vốn để trả nợ vay theo đúng hợp đồng tín dụng đã ký.
2. Trường hợp không có khả năng trả nợ đúng hạn, Người vay lại có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính và Cơ quan cho vay lại trước 1 tháng so với thời điểm đến hạn trả nợ về tình hình tài chính, khả năng không trả được nợ đúng hạn và phương án xử lý.
3. Chậm nhất là 3 ngày làm việc sau khi thu hồi nợ gốc, lãi vay (kể cả lãi quá hạn), Cơ quan cho vay lại có trách nhiệm chuyển toàn bộ tiền thu hồi nợ gốc, lãi vay của Khoản cho vay lại về tài khoản của Quỹ tích luỹ trả nợ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Điều 7. Thanh toán phí, lãi và trả nợ gốc vay cho các chủ nợ nước ngoài
1. Bộ Tài chính trực tiếp thanh toán mọi khoản phí liên quan đến huy động vốn cho Dự án từ Ngân sách Nhà nước.
2. Việc thanh toán lãi và trả nợ gốc vay:
a) Đối với khoản 700 triệu USD từ nguồn phát hành trái phiếu quốc tế: Bộ Tài chính uỷ quyền cho đại lý thanh toán trái phiếu quốc tế là Công ty Citi’s Trust Agency tại New York thực hiện.
b) Đối với khoản 300 triệu USD vay của Ngân hàng BNP Paribas: Bộ Tài chính trực tiếp thực hiện việc thanh toán gốc, lãi của khoản vay.
3. Nguồn thanh toán lãi và trả nợ gốc vay bao gồm:
a) Nguồn thu hồi tiền gốc cho vay lại và tiền lãi theo mức lãi suất 3,6%/năm từ Người vay lại. Toàn bộ số tiền thu hồi từ Người vay lại (bao gồm gốc và lãi) được nộp về Quỹ tích luỹ trả nợ và được Quỹ theo dõi riêng.
b) Nguồn từ ngân sách nhà nước để chi trả phần chênh lệch giữa lãi suất phải trả cho nước ngoài và lãi suất 3,6%/năm thu về từ Người vay lại.
4. Việc thanh toán lãi và trả nợ gốc cho nước ngoài được thực hiện như sau:
a) Khi đến hạn trả nợ cho nước ngoài (gốc và lãi), Bộ Tài Chính thực hiện ứng vốn từ Ngân sách Nhà nước để trả nợ.
b) Quỹ tích luỹ trả nợ có trách nhiệm hoàn trả lại cho Ngân sách Nhà nước phần Ngân sách đã ứng trả nợ cho nước ngoài tương ứng với số tiền gốc và lãi thu hồi được từ Người vay lại.
Điều 8. Đảm bảo khả năng thanh toán
1. Bộ Tài chính đảm bảo đủ nguồn để thanh toán cho các chủ nợ ngoài nước khi đến hạn. Trường hợp đến hạn thanh toán các khoản nợ vay nhưng nguồn trả từ Người vay lại không đủ để thanh toán thì Ngân sách Trung ương bố trí phần còn thiếu. Trường hợp nguồn trả từ người vay lại còn thừa sẽ được quyết toán và nộp vào Ngân sách Trung ương.
2. Bộ Tài chính quyết định các biện pháp bố trí nguồn vốn nhằm bảo đảm khả năng thanh toán các khoản vay khi đến hạn.
Điều 9. Trách nhiệm của Người vay lại
1. Ký hợp đồng tín dụng với Cơ quan cho vay lại theo các điều kiện và điều khoản quy định trong Thông tư này.
2. Hoàn trả Khoản cho vay lại cho Cơ quan cho vay lại theo đúng các thoả thuận của hợp đồng tín dụng và quy định của Thông tư này.
3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng Khoản cho vay lại theo đúng mục tiêu của Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
4. Thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định tại
Điều 10. Trách nhiệm của Cơ quan cho vay lại
1. Ký hợp đồng tín dụng với Người vay lại theo đúng các điều kiện và điều khoản quy định trong Thông tư này.
2. Giám sát việc sử dụng vốn vay của Người vay lại, đảm bảo đúng mục đích, đúng chế độ, đôn đốc và thực hiện thu hồi nợ gốc, nợ lãi của Khoản cho vay lại đầy đủ, đúng hạn.
3. Chuyển các khoản nợ thu hồi được từ Người vay lại về tài khoản Quỹ tích lũy trả nợ của Bộ Tài chính đúng thời hạn quy định.
4. Báo cáo Bộ Tài chính về thực trạng sử dụng vốn của Người vay lại, tình hình thu hồi nợ và các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao.
5. Xây dựng và báo cáo Bộ Tài chính kế hoạch cấp bù phí quản lý Khoản cho vay lại để Bộ Tài chính xem xét, bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước.
Điều 11. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
1. Bố trí ngân sách và thực hiện việc trả nợ các nghĩa vụ nợ (gốc, lãi) của các khoản huy động từ trái phiếu quốc tế và vay tổ chức tín dụng nước ngoài;
2. Cân đối ngân sách nhà nước để cấp bù phí quản lý cho Cơ quan cho vay lại;
3. Giám sát việc cho vay lại, sử dụng vốn vay và thực hiện thu hồi nợ (gốc, lãi) của Người vay lại và Cơ quan cho vay lại.
Điều 12. Chế độ báo cáo, quyết toán, kiểm tra
1. Báo cáo, quyết toán của Người vay lại
a) Người vay lại có trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo, quyết toán tài chính theo quy định của Nhà nước và quy định tại Thông tư này;
b) Định kỳ hàng quý, năm Người vay lại có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính, Cơ quan cho vay lại về tình hình sử dụng và trả nợ đối với Khoản cho vay lại.
2. Hạch toán, báo cáo và quyết toán của Cơ quan cho vay lại
a) Cơ quan cho vay lại mở tài khoản hạch toán và theo dõi riêng Khoản cho vay lại, việc trả nợ và thu hồi nợ của Dự án;
b) Định kỳ hàng quý, năm hoặc theo yêu cầu đột xuất Cơ quan cho vay lại báo cáo Bộ Tài chính về tình hình cho vay lại, trả nợ và thu hồi nợ đối với Khoản cho vay lại.
3. Kiểm tra của Bộ Tài chính
a) Định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất, Bộ Tài chính kiểm tra tình hình cho vay lại, trả nợ và thu hồi nợ của Cơ quan cho vay lại;
b) Theo yêu cầu quản lý, Bộ Tài chính kiểm tra việc sử dụng vốn vay của Người vay lại.
Điều 13. Trách nhiệm tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 20/2007/QĐ-BTC ngày 28 tháng 3 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy chế huy động, cho vay và trả nợ vốn đối với Dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất.
2. Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định tại Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Thông tư 141/2010/TT-BTC hướng dẫn việc cho vay lại và trả nợ vốn vay do Bộ Tài chính huy động cho dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 141/2010/TT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 22/09/2010
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Trần Xuân Hà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 583 đến số 584
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra