Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG-BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 14/TTLB

Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 1959

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH VÀ BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỂM VỀ QUY ĐỊNH KHU VỰC VÀ CÁCH TÍNH PHỤ CẤP KHU VỰC

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

- Các Ủy ban Hành chính khu, thành phố, tỉnh
- Các Khu, Sở, Ty, Phòng lao động
- Thủ tướng phủ
- Các Bộ
- Tổng liên đoàn lao động Việt Nam
- Các cơ quan đoàn thể trung ương

Sau một thời gian thi hành thông tư Liên bộ Nội vụ, Lao động số 09/TT/LB ngày 17-4-1958 về việc quy định phụ cấp khu vực và thông tư bổ sung về cách tính phụ cấp khu vực số 01/LĐ-TT ngày 03-01-1959 của Bộ Lao động, theo đề nghị của các ngành và địa phương, Liên bộ ra thông tư này để giải thích và bổ sung một số điểm cụ thể về quy định khu vực và cách tính phụ cấp khu vực:

I. VỀ QUY ĐỊNH KHU VỰC

- Đối với các cơ sở sản xuất như các xí nghiệp, hầm mỏ, công trường, nông trường đã được quy định hưởng phụ cấp khu vực riêng định suất cao hơn khu vực hành chính địa phương, thì Ủy ban Hành chính tỉnh hoặc Khu Tự trị sẽ khoanh rõ địa giới những nơi cần thiết để hưởng phụ cấp khu vực theo định suất cao hơn khu vực hành chính và những nơi chỉ được hưởng định suất phụ cấp chung với khu vực hành chính địa phương.

Mục đích việc quy định này là để việc tính phụ cấp khu vực cho cán bộ, công nhân, nhân viên của xí nghiệp, khu mỏ, công trường, nông trường và các cán bộ, công nhân, nhân viên các ngành đến công tác ở vùng mỏ, xí nghiệp, công trường hay nông trường được thống nhất (như cửa hàng Mậu dịch, đội đặt đường giao thông, công an bảo vệ, v.v…), tránh tình trạng cùng công tác trong một khu vực mà hưởng phụ cấp khác nhau.

Khi quy định ranh giới khu vực cho các hầm mỏ, nông trường, Ủy ban Hành chính các tỉnh hoặc Khu Tự trị sẽ căn cứ vào các yếu tố quy định phụ cấp khu vực, đối chiếu với tình hình thực tế về địa lý, khí hậu và phạm vi khai thác của khu mỏ, nông trường và quan hệ với các đơn vị khác xung quanh đó để quyết định.

- Đối với các vùng rẻo cao, các đồn trạm biên phòng, v.v… ở các vùng miền núi có nhiều khó khăn cần được hưởng phụ cấp khu vực cao hơn khu vực hành chính đã quy định thì ngoài các Khu Tự trị, sẽ do Ủy ban Hành chính các tỉnh trực thuộc Trung ương quy định, sau khi được sự đồng ý của Bộ Lao động và Bộ Nội vụ.

II. VỀ CÁCH TÍNH PHỤ CẤP KHU VỰC

1. Thông tư số 01-LĐ/TT ngày 03-01-1959 của Bộ Lao động quy định cho “cán bộ, công nhân, nhân viên được tạm thời điều động công tác một thời gian từ nơi có phụ cấp khu vực cao đến nơi có phụ cấp khu vực thấp và từ nơi có phụ cấp khu vực đến nơi không có phụ cấp khu vực, được giữ nguyên định suất phụ cấp khu vực ở nơi cao hoặc nơi có phụ cấp khu vực trong suốt thời gian đi công tác”.

Nay thấy việc quy định như vậy chưa cụ thể và để hưởng phụ cấp khu vực ở nơi cao lâu dài như vậy là không hợp lý, nên Liên bộ quy định lại như sau:

a) Những cán bộ, công nhân, nhân viên được cử đi công tác có tính chất tạm thời (kể cả trường hợp biệt phái, đi lao động xã hội chủ nghĩa, đi tham quan) từ nơi có phụ cấp khu vực cao đến nơi có phụ cấp khu vực thấp và từ nơi có phụ cấp khu vực đến nơi không có phụ cấp khu vực, được giữ nguyên khoản phụ cấp khu vực ở nơi cao trong một thời gian 6 tháng.

Từ tháng thứ bảy sẽ hưởng theo phụ cấp khu vực ở nơi thấp hay thôi không được hưởng phụ cấp khu vực đến nơi không có phụ cấp khu vực.

b) Trường hợp đi học mà còn nằm trong biên chế cơ quan cũ, hiện cơ quan cũ trả lương thì áp dụng như đi công tác tạm thời; những người đi học nhưng không còn trong biên chế cơ quan cũ, hiện nhà trường cấp sinh hoạt phí thì áp dụng như trường hợp điều động công tác đi hẳn nơi khác hay di chuyển cơ quan.

c) Trường hợp đi bệnh viện điều trị hoặc đi an dưỡng, điều dưỡng, nếu vẫn được hưởng lương thì cũng được áp dụng như đi công tác tạm thời.

Trường hợp đi an dưỡng, điều dưỡng đã cắt biên chế ở cơ quan hoặc chưa cắt biên chế mà hưởng chế độ trở cấp an dưỡng, điều dưỡng thì không hưởng phụ cấp khu vực.

d) Riêng trường hợp được cử đi tham quan hay đi công tác tạm thời ra nước ngoài, nếu vẫn lĩnh lương trong nước theo các thang lương hiện hành thì vẫn được giữ nguyên phụ cấp khu vực ở nơi cơ quan cũ trong suốt thời gian đi công tác nước ngoài.

2. Trường hợp điều động công tác đi hẳn nơi khác hay di chuyển cơ quan, xí nghiệp thì vẫn áp dụng theo điểm “b”, điều 2, phần V về cách tính phụ cấp khu vực trong Thông tư số 09-TT-LB ngày 17-4-1958 của Liên Bộ Nội vụ, Lao động nghĩa là sẽ hưởng theo phụ cấp khu vực ở nơi địa phương mới kể từ ngày đến. Nhưng nếu cán bộ, công nhân, nhân viên ấy đã lĩnh khoản phụ cấp khu vực nơi cơ quan cũ trong cả tháng thì không phải truy hoàn.

3. Tính chênh lệch về phụ cấp khu vực trong những ngày đi công tác ở nơi có phụ cấp khu vực cao hay thấp khác nhau là tính những ngày lưu trú công tác ở nơi ấy, những ngày đi trên đường vẫn hưởng theo định suất phụ cấp khu vực của cơ quan mình (vì những ngày đi đường đã được hưởng công tác phí; hơn nữa, trong một ngày có thể qua nhiều địa phương có phụ cấp khu vực khác nhau, nếu tính thì không được thêm bao nhiêu mà khó khăn cho kế toán).

Ví dụ: 1 cán bộ ở Hà Nội được hưởng lương cấp bậc 50 đồng một tháng và 12% phụ cấp khu vực, đi công tác ở Hòa Bình, lưu trú ở cơ quan tỉnh 5 ngày (nơi phụ cấp khu vực 10%) thì vẫn giữ nguyên 12%; 10 ngày sau lưu trú ở huyện Mai Sơn Đà Bắc (nơi phụ cấp khu vực 20%) thì được tính thêm chênh lệch 8% (20% - 12%) lương những ngày đó. Còn những ngày đi trên đường từ Hà Nội về Hoà Bình và từ Hoà Bình đến Mai Sơn Đà Bắc thì vẫn hưởng phụ cấp khu vực 12% theo định suất ở Hà Nội.

Như vậy người đó được lĩnh thêm:

50 đ x

8 x 10

= 1đ56

100 x 25,5

4. Đối với các đội, các tổ công tác lưu động thường xuyên không có cơ sở cố định lâu dài (như các đội thăm dò địa chất, các đội khảo sát, điều tra đất, điều tra rừng, các đội y tế lưu động, các đội chiếu bóng lưu động, các tổ phát hành sách báo ở nông thôn thuộc Bộ Văn hoá, các tổ lưu động phục vụ chuyên gia của Ban Giao tế, v.v…) thì thời gian công tác ở địa phương nào hưởng theo định suất phụ cấp khu vực ở nơi đó (nếu có).

5. Cách thanh toán phụ cấp khu vực nay thống nhất thi hành cho cả hai khu vực sản xuất và hành chính sự nghiệp là lấy lương chính chia cho 25 ngày rưỡi để tính lương một ngày. Như vậy khi thanh toán chênh lệch về phụ cấp khu vực không tính những ngày lưu trú nếu ngày đó nhằm vào những ngày nghỉ chủ nhật.

Thông tư này thi hành kể từ ngày ban hành và những điều quy định trước đây trái với thông tư này đều bãi bỏ. Riêng phần những đối tượng được giữ khoản phụ cấp khu vực ở nơi cao trong 6 tháng, nơi nào tính đến ngày ban hành thông tư này đã hưởng quá 6 tháng thì không phải truy hoàn, nơi nào tính đến ngày ban hành thông tư này, mà chưa lĩnh đủ 6 tháng thì tiếp tục trả cho anh em cho đủ 6 tháng.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG





Tô Quang Đẩu

BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG





Nguyễn Văn Tạo

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 14/TTLB năm 1959 giải thích và bổ sung một số điểm về quy định khu vực và cách tính phụ cấp khu vực do Bộ Lao Động- Bộ Nội Vụ ban hành.

  • Số hiệu: 14/TTLB
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/07/1959
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động, Bộ Nội vụ
  • Người ký: Nguyễn Văn Tạo, Tô Quang Đẩu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 29
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản