BỘ THUỶ LỢI | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 14-TT/TL | Hà Nội, ngày 30 tháng 04 năm 1960 |
VỀ VIỆC PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÁC MẶT CÔNG TÁC TRONG NGÀNH THỦY LỢI
Thi hành nghị quyết tháng 04-1958 của Hội đồng Chính phủ về kiện toàn tổ chức, chấn chỉnh biên chế, điều chỉnh cán bộ, và thi hành thông tư số 245-TTg ngày 26-06-1959 của Thủ tướng Chính phủ, về phân cấp quản lý kinh tế, Bộ Thủy lợi tạm thời quy định nhiệm vụ, phương châm nguyên tắc và nội dung phân cấp quản lý các mặt công tác trong ngành Thủy lợi như sau:
I. NHIỆM VỤ CHUNG VÀ PHƯƠNG CHÂM NGUYÊN TẮC PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÁC MẶT CÔNG TÁC CỦA NGÀNH THỦY LỢI
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, nhiệm vụ chung và lâu dài của các cấp về công tác thủy lợi là phải trị hạn hán và thủy tại, đồng thời khai thác các tài nguyên phong phú về thủy lợi, để phục vụ sản xuất và dân sinh. Quá trình thực hiện nhiệm vụ đó, phải trải qua từng bước: lúc đầu trị hạn hán và thủy tai bình thường, rồi tiến dần lên trị thủy tận gốc; lúc đầu lợi dụng từng mặt các nguồn nước, sau tiến tới lợi dụng tổng hợp nhiều mặt. Nó là một công tác cải tạo thiên nhiên, vừa có tính chất chính trị, quần chúng và khoa học kỹ thuật.
Công tác thủy lợi là một trong những bộ phận trọng yếu của sức sản xuất xã hội và là một khâu không thể thiếu được trong công cuộc xây dựng kinh tế nông thôn, phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế của Đảng và Chính phủ. Công tác thủy lợi bao gồm có nhiều loại: thủy nông, đê điều, thủy điện, thủy văn, phòng và chống lụt, bão, hạn, úng, mặn v.v... đặc điểm và tác dụng của mỗi công tác có khác nhau, song nói chung đều nhắm phục vụ chủ yếu cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp và công nghiệp, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, bảo vệ công cuộc kiến thiết và tài sản của Nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Trong chế độ ta, sự nghiệp thủy lợi được phát triển rộng khắp toàn quốc rất nhiều và rất lớn; hơn nữa, trong quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa, mọi hoạt động kinh tế, văn hóa, đều đòi hỏi phải phát triển nhanh, nhiều, tốt, rẻ và nhịp nhàng cân đối theo kế hoạch thống nhất của Nhà nước, công tác thủy lợi cũng ở trong quy luật đó, cho nên sự nghiệp đó, không thể do một cấp nào có thể làm và quản lý được hết, mà phải do đông đảo quần chúng thực hiện dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, thì mới có thể phát triển được tốt. Do vậy, cần phải thực hiện phân cấp quản lý công tác thủy lợi. Thực hiện phân cấp quản lý công tác thủy lợi, chẳng những đảm bảo được sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương, phát huy được khả năng, tính tích cực sáng tạo của các địa phương, của quần chúng lao động, mà còn là biện pháp có tác dụng quyết định phát triển sự nghiệp thủy lợi được nhanh, nhiều, tốt, rẻ, phục vụ kinh tế nông nghiệp của nước ta phát triển được nhanh chóng.
Để quán triệt thi hành phương châm phân cấp quản lý kinh tế của Chính phủ đề ra là: "phải tích cực mạnh dạn giao việc cho dưới, đồng thời phải thận trọng, có kế hoạch cụ thể làm từng bước..." và để phù hợp với tính chất đặc điểm của công tác thủy lợi, trong việc thực hiện phân cấp quản lý các mặt công tác thủy lợi, cần nắm vững những nguyên tắc dưới đây:
1. Việc gì, công trình nào, cấp dưới có thể quản lý được thì giao cho cấp dưới quản lý, nhưng phải đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất về đường lối, chủ trương chung và kế hoạch của Chính phủ.
2. Việc gì, công trình nào, đáng lẽ phải giao cho cấp dưới quản lý, nhưng cấp dưới tạm thời chưa đủ khả năng đảm nhận thì chưa nên giao. Tuy nhiên, cấp trên và cấp dưới tích cực tìm mọi cách tạo điều kiện, để có thể nhanh chóng giao cho cấp dưới quản lý.
3. Việc gì, công trình nào, có tầm quan trọng về mặt chính trị, kinh tế, quá với khả năng của cấp dưới, hoặc về kỹ thuật phức tạp, cấp dưới không đủ trình độ quản lý, thì phải tập trung lên cấp trên quản lý (có quan hệ toàn huyện do huyện quản lý, có quan hệ toàn tỉnh do tỉnh quản lý, có quan hệ toàn khu do khu quản lý, có quan hệ toàn bộ nền kinh tế quốc dân do Trung ương quản lý). Nhưng cấp dưới vẫn có trách nhiệm, quyền hạn theo dõi, đề đạt ý kiến, giám sát thực hiện trong phạm vi trách nhiệm của mình; hoặc được cấp trên ủy nhiệm quyền quản lý trên một chừng mực, trong một phạm vi nhất định.
Căn cứ theo đường lối phương châm công tác thủy lợi; và căn cứ theo các phương châm nguyên tắc nói ở trên, nội dung phân cấp, quản lý công tác thủy lợi giữa Bộ Thủy lợi và các Ủy ban hành chính Khu Tự trị, Khu Hồng quảng, Khu vực Vĩnh Linh, thành phố và tỉnh trực thuộc quy định như sau:
Trong công tác thủy nông chia thành 4 loại:
- Xây dựng và quản lý quy hoạch.
- Xây dựng và quản lý các công trình tiểu, trung thủy nông.
- Xây dựng và quản lý các công trình đại thủy nông.
- Xây dựng và quản lý các trạm thí nghiệm tưới ruộng.
a) Xây dựng và quản lý quy hoạch.
Bộ Thủy lợi phụ trách xây dựng và quản lý quy hoạch trị thủy các dòng sông lớn (như các sông Hồng, Mã, Cả, Gianh, v.v...), các vùng lớn có liên quan đến nhiều khu, tỉnh và có tầm quan trọng đặc biệt, với sự giúp đỡ của địa phương, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ các Ủy ban hành chính xây dựng và quản lý quy hoạch thủy lợi địa phương.
Các Ủy ban hành chính Khu tự trị phụ trách xây dựng và quản lý quy hoạch thủy lợi của Khu, quy hoạch trị thủy các dòng sông nhỏ, vùng nhỏ có liên quan đến nhiều tỉnh và châu ở trong Khu; đồng thời, chỉ đạo hướng dẫn giúp đỡ các Ủy ban hành chính cấp dưới mình xây dựng và quản lý các quy hoạch thủy lợi tỉnh, huyện, xã.
Các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh trực thuộc, phụ trách xây dựng và quản lý quy hoạch thủy lợi của khu, thành, tỉnh, quy hoạch trị thủy các dòng sông nhỏ, vùng nhỏ có liên quan đến nhiều huyện; đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn giúp đỡ các Ủy ban hành chính cấp dưới mình xây dựng và quản lý các quy hoạch thủy lợi huyện và xã.
b) Xây dựng và quản lý công trình tiểu, trung thủy nông;
Bộ Thủy lợi phụ trách nghiên cứu trình Chính phủ quyết định nhiệm vụ, phương châm, chính sách và chỉ tiêu phát triển công trình tiểu, trung thủy nông cho cả toàn quốc. Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện; ban hành các quy phẩm kỹ thuật, điều lệ quản lý, mẫu thiết kế điển hình để giúp các địa phương xây dựng và quản lý các công trình ấy, góp ý kiến với các địa phương quyết định chủ trương và đồ án xây dựng các công trình trung thủy nông.
Các Ủy ban hành chính Khu tự trị, căn cứ theo kế hoạch xây dựng thủy lợi chung của Chính phủ, để đề ra kế hoạch, chỉ tiêu, các chế độ, thể lệ xây dựng và quản lý các công trình tiểu, trung thủy nông của khu, hợp với hoàn cảnh và điều kiện riêng của khu tự trị, Ủy ban quyết định chủ trương, xây dựng và tổ chức khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý các công trình tiểu, trung, thủy nông của khu.
Các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh, trực thuộc, phụ trách xây dựng và quản lý tất cả các công trình tiểu, trung thủy nông của địa phương mình, Ủy ban quyết định chủ trương (sau khi hỏi ý kiến Bộ), quyết định biện pháp xây dựng và tổ chức khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý các công trình ấy theo phương hướng của trên đề ra.
Trường hợp, nếu có những công trình trung thủy nông đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, các địa phương tạm thời chưa đủ khả năng thiết kế, thi công, thì các Cục sở quan của Bộ sẽ giúp đỡ.
c) Xây dựng và quản lý công trình đại thủy nông.
Bộ Thủy lợi phụ trách nghiên cứu trình Chính phủ quyết định chủ trương kiến thiết các công trình đại thủy nông mới, mở rộng và đại tu bổ các hệ thống nông giang hiện có. Sau khi được phê chuẩn chủ trương, Bộ tổ chức khảo sát thiết kế các công trình ấy với sự giúp đỡ của địa phương. Lãnh thi công những bộ phận công trình, đòi hỏi kỹ thuật phức tạp mà địa phương tạm thời chưa đủ khả năng đảm nhận.
Đối với những công trình, Chính phủ giao cho Ủy ban địa phương xây dựng và quản lý, thì Bộ Thủy lợi có nhiệm vụ giúp đỡ chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc thực hiện; xét phê chuẩn các bản đề án kỹ thuật thi công, kế hoạch thi công, quyết định phân phối tài chính, vật liệu; ban hành các điều lệ, quy phạm kỹ thuật, các chính sách cần thiết về xây dựng và quản lý; tham gia ý kiến với Ủy ban địa phương quyết định những biện pháp phụ thuộc trong công tác xây dựng và quản lý.
Các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh trực thuộc, phụ trách thi công những công trình đại thủy nông mới hoặc mở rộng và quản lý các hệ thống nông giang thuộc phạm vi mình. Trong phạm vi chủ trương kế hoạch của Chính phủ và của Bộ, Ủy ban quyết định các chủ trương cụ thể, các biện pháp xây dựng và quản lý các công trình ấy, chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Bộ thủy lợi về các mặt công tác do mình phụ trách.
Đối với những công trình do Bộ Thủy lợi trực tiếp xây dựng, thì Ủy ban địa phương có công trình, có nhiệm vụ huy động nhân lực theo kế hoạch, giúp Bộ thành lập công trường, giáo dục nhân dân ý thức bảo vệ kiến thiết, giám sát công trường về các mặt thi hành luật lệ, chính sách của Nhà nước, chế độ của địa phương và góp ý kiến với bộ hoặc công trường về thực hiện kế hoạch.
d) Xây dựng và quản lý các trạm thí nghiệm tưới nước:
Bộ Thủy lợi quyết định chủ trương lập các trạm thí nghiệm tưới ruộng theo yêu cầu chung của toàn ngành, do kinh phí của Trung ương đài thọ; quy định tổ chức biên chế, xét duyệt đồ án xây dựng, phân phối kinh phí, thiết bị máy móc, cung cấp cán bộ chuyên môn cho các trạm ấy.
Chỉ đạo kỹ thuật thí nghiệm, tổng hợp kinh nghiệm tưới ruộng của nhân dân, kết hợp với các tài liệu thu nhập được ở các trạm thí nghiệm, nghiên cứu ban hành các công thức tưới nước hợp lý nhất, góp phần đưa năng suất lúa lên cao.
Các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh trực thuộc, quyết định chủ trương lập các trạm thí nghiệp tưới nước theo yêu cầu riêng của địa phương (nếu cần thiết) do kinh phí của địa phương đài thọ; tổ chức xây dựng và quản lý các trạm ấy.
Đối với những trạm thí nghiệm tưới nước của Bộ Thủy lợi đặt ở địa phương nào, thì Ủy ban địa phương ấy phụ trách xây dựng và quản lý các trạm ấy về mọi mặt; tổ chức cán bộ, tài chính, vật liệu máy móc, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chấp hành các chế độ, chính sách đối với trạm. Riêng việc bãi bỏ hoặc di chuyển trạm sang chỗ khác, điều động, thuyên chuyển hoặc cho cán bộ thôi việc, do Ủy ban đề nghị và được Bộ đồng ý mới quyết định.
Ủy ban tổ chức và lãnh đạo nhân dân làm công tác thí nghiệm tưới ruộng, thu thập kinh nghiệm tưới ruộng của nhân dân và nghiên cứu các kinh nghiệm ấy theo hướng dẫn của Bộ.
Đê điều chia thành hai loại:
- Loại thứ nhất, gồm có các đê sông lớn, đê biển đã thành hệ thống, bảo vệ một vùng rộng lớn, kỹ thuật phức tạp, có liên quan đến nhiều địa phương, có tính chất quan trọng. Loại đê này do kinh phí của Trung ương trợ cấp.
- Loại thứ hai, gồm có các đê quai, đê bối, đê biển loại bé, đê muối, đê bảo vệ nông trường, v.v... tác dụng bảo vệ một vùng nhỏ kỹ thuật đơn giản, không có tầm quan trọng bằng loại đê nói trên, loại đê này do kinh phí của địa phương và của ngành hoặc cơ quan có đê trợ cấp.
a) Đối với loại đê thứ nhất:
- Bộ Thủy lợi phụ trách nghiên cứu trình Chính phủ quyết định chủ trương, phương châm, chính sách, kế hoạch xây dựng và quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện; xét phê chuẩn các bản đồ án kỹ thuật, kế hoạch thực hiện, quyết định phân phối tài chính, quyết định xây kè và cống mới, hủy bỏ hoặc di chuyển cống, kê dưới đê; ban hành các điều lệ, quy phạm kỹ thuật xây dựng và quản lý.
- Các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh trực thuộc phụ trách khảo sát thiết kế, thi công, quản lý các hệ thống đê, kè, cống của địa phương mình theo hướng dẫn thống nhất của Bộ. Trong phạm vi chủ trương và kế hoạch chung của Chính phủ, Ủy ban có thể quyết định các chủ trương cụ thể, quyết định các biện pháp về tổ chức thực hiện, về tài chính, nhân lực, kỹ thuật phụ thuộc trong việc xây dựng và quản lý các hệ thống đê ấy, chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Bộ Thủy lợi về phạm vi mình phụ trách.
b) Đối với loại đê thứ hai:
Các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh trực thuộc, các ngành hoặc cơ quan có đê, căn cứ theo nhiệm vụ, phương châm công tác đê điều của Chính phủ và yêu cầu của địa phương, mà quyết định chủ trương, biện pháp xây dựng và quản lý các hệ thống đê, kè, cống loại hai.
Ủy ban, ngành hoặc cơ quan có đê phụ trách khảo sát thiết kế, thi công và quản lý các hệ thống đê, kè, cống ấy. Trường hợp, nếu ngành hoặc cơ quan có đê không đủ khả năng thực hiện, thì các cơ quan thủy lợi địa phương sẽ giúp đỡ.
Bộ Thủy lợi có trách nhiệm tham gia ý kiến với các Ủy ban, ngành và cơ quan có đê quyết định chủ trương và kế hoạch thực hiện, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ về mặt chuyên môn kỹ thuật.
c) Công tác phòng và chống lụt bão.
Bộ Thủy lợi giúp Ban chỉ huy chống lụt, chống bão trung ương quyết định các chủ trương, biện pháp về công tác chống lụt, chống bão và chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện.
Các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh trực thuộc, phụ trách thực hiện mọi công tác phòng, chống lụt, bão trong phạm vi địa phương mình theo đúng chủ trương, chỉ thị, mệnh lệnh của Chính phủ và Ban chỉ huy chống lụt, chống bão trung ương. Ủy ban chịu trách nhiệm về mọi tình hình do bão, lụt gây nên ở trong địa phương mình.
- Bộ Thủy lợi nghiên cứu trình Chính phủ quyết định nhiệm vụ, phương châm công tác thủy điện trong toàn quốc, quy hoạch và chủ trương xây dựng các công trình thủy điện loại vừa và loại lớn. Sau khi được phê chuẩn chủ trương, Bộ tổ chức khảo sát, thiết kế các công trình ấy với sự giúp đỡ của địa phương. Lãnh thi công những công trình thủy điện tương đối lớn, đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, mà địa phương tạm thời chưa đủ khả năng đảm nhận.
Đối với những công trình thủy điện. Chính phủ giao cho Ủy ban địa phương xây dựng và quản lý, thì Bộ Thủy lợi có nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc thực hiện, xét phê chuẩn các bản đồ án kỹ thuật thi công, kế hoạch thực hiện, quyết định phân phối tài chính, vật liệu, máy móc thiết bị. Đối với những công trình thủy điện loại nhỏ do địa phương tự làm, thì Bộ Thủy lợi có nhiệm vụ hướng dẫn giúp đỡ về kỹ thuật, ban hành các mẫu thiết kế điển hình, phổ biến kinh nghiệm, đào tạo giúp cán bộ kỹ thuật.
Các Ủy ban hành chính, khu, thành, tỉnh trực thuộc, phụ trách thi công và quản lý những công trình thủy điện do Chính phủ giao. Trong phạm vi chủ trương chung của Chính phủ, Ủy ban có thể quyết định các chủ trương cụ thể, các biện pháp cần thiết để hoàn thành xây dựng và quản lý các công trình ấy, chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Bộ Thủy lợi về phạm vi mình phụ trách.
Ủy ban quyết định các chủ trương, biện pháp xây dựng và chỉ đạo hướng dẫn các cấp dưới xây dựng và quản lý các công trình thủy điện loại nhỏ ở trong địa phương mình.
Đối với những công trình do Bộ Thủy lợi phụ trách xây dựng, thì Ủy ban địa phương có công trình, có nhiệm vụ huy động nhân lực theo kế hoạch, giúp Bộ thành lập công trường, giáo dục nhân dân bảo vệ kiến thiết, giám sát công trường về các mặt thi hành luật lệ, chính sách của Nhà nước, chế độ thể lệ của địa phương và tham gia ý kiến với Bộ hoặc công trường trong việc thực hiện kế hoạch.
Thủy văn có 3 loại trạm:
- Loại thứ nhất, gồm có các trạm thủy văn cơ bản của Nhà nước, do kinh phí của trung ương đài thọ.
- Loại thứ hai, gồm có các trạm thủy văn dùng riêng của các địa phương, của các ngành, do kinh phí của địa phương hoặc ngành có trạm đài thọ.
- Loại thứ ba, gồm có các trạm thủy văn quần chúng, dựa vào hợp tác xã và nhân dân xây dựng và quản lý.
a) Đối với loại trạm thứ nhất
Bộ Thủy lợi nghiên cứu trình Chính phủ quyết định quy hoạch lưới trạm, quyết định chủ trương, phương châm xây dựng các trạm thủy văn cơ bản của Nhà nước. Sau khi được phê chuẩn chủ trương, Bộ phụ trách khảo sát thiết kế, trang bị trạm, quy định tổ chức và biên chế, phân phối cán bộ chuyên môn kỹ thuật, phân phối tài chính, máy móc vật liệu cần thiết, rồi giao cho các Ủy ban hành chính địa phương xây dựng và quản lý.
Chỉ đạo thống nhất công tác thủy văn trong toàn quốc; nghiên cứu ban hành các quy phạm, thể lệ, tài liệu về công tác thủy văn, thu thập tổng hợp, chỉnh biên tài liệu thủy văn ở các trạm thành số liệu cơ bản, để cung cấp cho các ngành thiết kế và xây dựng.
Các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh, trực thuộc, phụ trách xây dựng và quản lý các trạm thủy văn cơ bản của Nhà nước đặt ở địa phương mình theo kế hoạch thống nhất của Bộ Thủy lợi, Ủy ban quản lý các trạm thủy văn này về các mặt:
Về tổ chức: sắp xếp bộ máy, tuyển dụng nhân viên của trạm theo quy định của Bộ, quản lý cán bộ nhân viên của trạm về các mặt chính trị, tư tưởng, hồ sơ lý lịch, thi hành các chính sách, chế độ đối với cán bộ. Riêng việc thay đổi tổ chức trạm, bổ dụng trạm trưởng, trạm phó, điều động cán bộ sang nhận công tác khác hoặc cho cán bộ thôi việc, do Ủy ban đề nghị, được Bộ đồng ý mới quyết định.
Về tài chính: quản lý các khoản chi tiêu về xây dựng và sự nghiệp thường xuyên của trạm, quản lý toàn bộ tài sản của trạm, quyết định các vấn đề cụ thể về các mặt này trong phạm vi Bộ ủy nhiệm.
Về chuyên môn: chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và quyết định các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo thực hiện các chỉ thị chuyên môn của Bộ được tốt. Sưu tầm các tài liệu quan trắc gốc và chỉnh biên của các trạm gửi về Bộ. Đối với những tài liệu mực nước cần thiết cho dự báo của địa phương, do địa phương sử dụng và báo cáo cho Bộ biết.
Về mặt hành chính quản trị và việc chấp hành các luật lệ, chế độ, chính sách của Chính phủ đối với trạm, do Ủy ban quy định như đối với một đơn vị trực thuộc Sở hoặc Ty Thủy lợi.
b) Đối với loại trạm thứ hai:
Do các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh trực thuộc, các ngành hoặc cơ quan có trạm quyết định chủ trương thành lập các trạm thủy văn dùng riêng của mình. Tổ chức xây dựng và quản lý các trạm ấy.
Bộ Thủy lợi có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ về mặt chuyên môn kỹ thuật và góp ý kiến với địa phương hoặc ngành có trạm về chủ trương kế hoạch xây dựng.
c) Đối với loại trạm thứ ba:
Bộ Thủy lợi nghiên cứu đề ra yêu cầu chung và phương châm phát triển các trạm thủy văn quần chúng cho cả toàn quốc; đồng thời chỉ đạo thực hiện.
Các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh trực thuộc căn cứ theo yêu cầu chung và phương châm xây dựng của Bộ, đề ra và quyết định chủ trương đặt trạm, tổ chức nhân dân xây dựng và quản lý, thu thập và sử dụng tài liệu của các trạm ấy.
a) Về tài chính:
Tài chính của ngành thủy lợi có 2 loại:
- Loại thứ nhất, gồm các khoản kinh phí hành chính sự nghiệp, xí nghiệp kiến thiết cơ bản của ngân sách địa phương chi dùng vào các hoạt động thủy lợi ở địa phương. Loại kinh phí này do Ủy ban hành chính địa phương quản lý.
- Loại thứ hai, gồm các khoản kinh phí hành chính sự nghiệp, xí nghiệp, kiến thiết cơ bản của ngân sách trung ương chỉ dùng vào các hoạt động thủy lợi của toàn quốc. Đối với loại kinh phí này, Bộ Thủy lợi ủy quyền cho các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh trực thuộc quản lý các khoản chi tiêu sau đây:
Kinh phí bồi trúc đê cũ và đắp đê mới;
Kinh phí đại tu bổ và mở rộng các hệ thống nông giang;
Kinh phí kiến thiết các công trình trung thủy nông trân hạn ngạch;
Kinh phí kiến thiết các công trình đại thủy nông và thủy điện;
Kinh phí xây dựng và quản lý các trạm thủy văn cơ bản của Nhà nước;
Kinh phí xây dựng và quản lý các trạm thí nghiệm tưới ruộng;
Kinh phí chi về nghiên cứu khoa học kỹ thuật thủy lợi;
Kinh phí chi về phòng và chống bão, lụt.
Đối với các khoản kinh phí nói trên đây, Ủy ban sẽ căn cứ vào số vốn được Bộ cấp, trích dần giao cho các cơ quan Thủy lợi chi tiêu trong phạm vi dự toán đã được duyệt và vốn đã được cấp. Sau khi hoàn thành công trình và trong từng thời gian quy định, Ủy ban có nhiệm vụ quyết toán với Bộ và chịu trách nhiệm về các mặt hoàn thành nhiệm vụ, chi tiêu đúng chính sách, chế độ, thể lệ, nguyên tắc tài chính của Chính phủ và của Bộ nhắm ngăn ngừa và chống tham ô lãng phí, thực hiện tiết kiệm, nâng cao năng suất, giảm giá thành.
b) Vật liệu:
Bộ Thủy lợi phụ trách quản lý số máy móc, vật liệu, dụng cụ xây dựng những công trình thủy lợi do Bộ trực tiếp phụ trách; quản lý số liệu kiểm kê vật liệu của các Sở, Ty Thủy lợi, để giúp cho việc điều hòa phân phối giữa các địa phương khi cần thiết.
Chỉ dạo các địa phương về mặt nghiệp vụ, cung ứng. Hướng dẫn các địa phương hàng năm lập đơn đặt hàng ngoài nước gửi về Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, đồng gửi cho Bộ một bản, Bộ sẽ tham gia ý kiến với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước về mặt yêu cầu của địa phương. Khi được phê chuẩn ghi vào kế hoạch, các địa phương về trực tiếp nhận hạn ở Cục Vật tư, theo như quy định của Thủ tướng phủ.
Các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh trực thuộc phụ trách quản lý toàn bộ vật liệu, máy móc, dụng cụ do địa phương mua sắm. Ủy ban tự lo liệu mọi vật liệu,máy móc cho nhu cầu kiến thiết thủy lợi của địa phương (kể cả vật liệu ngoài nước) và bảo qủn các vật liệu, máy móc của Bộ gửi cho địa phương gìn giữ hoặc cho địa phương mượn sử dụng.
Tuy nhiên, để thực hiện việc điều hòa, sử dụng các loại máy móc, vật liệu trong ngành được hợp lý, hàng năm c1c địa phương có nhiệm vụ kiểm kê tài sản hiện có, báo cáo cho Bộ biết.
Bộ Thủy lợi quản lý bộ máy các cơ quan, đơn vị trực thuộc và hướng dẫn thống nhất xây dựng bộ máy thủy lợi ở các cấp, từ khi đến xã, quản lý cán bộ, viên chức, công nhân của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, quản lý chính sách cán bộ trong ngành, quản lý số lượng cán bộ, công nhân chuyên nghiệp của ngành, quản lý cá nhân từ Trưởng, Phó Ty Thủy lợi, Chánh phó Giám đốc Sở Thủy lợi, cán bộ kỹ thuật bậc đại học thủy lợi và những cán bộ trung cấp kỹ thuật thủy lợi đang trong thời kỳ tập sự công tác ở địa phương.
Quản lý kế hoạch đào tạo cán bộ, công nhân của ngành để phục vụ cho công trình trước mắt và lâu dài. Đào tạo các loại cán bộ kỹ thuật trung cấp, cao cấp và các cán bộ sơ cấp thủy văn, sơ cấp trắc địa, sơ cấp địa chất cho toàn ngành, đào tạo các loại cán bộ sơ cấp kỹ thuật, công nhân chuyên nghiệp cho nhu cầu riêng của Bộ. Bổ túc nghiệp vụ cho các cán bộ chỉ đạo công tác thủy lợi, cán bộ kế hoạch thống kê, tài vụ, cung cấp của Bộ và địa phương. Hướng dẫn giúp đỡ địa phương mở trường đào tạo cán bộ kỹ thuật, công nhân chuyên nghiệp và bổ túc nghiệp vụ cho cán bộ.
Đối với những cán bộ, công nhân do Ủy ban hành chính địa phương quản lý, thì Bộ có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi thi hành các chính sách, chế độ của Chính phủ đối với số cán bộ đó. Trong trường hợp xét cần thiết, phải điều chỉnh lực lượng cán bộ giữa các địa phương để phục vụ cho công tác được tốt hơn.
Bộ có thể thương lượng với Ủy ban hành chính địa phương để điều động những cán bộ do Ủy ban quản lý. Riêng đối với việc điều động cán bộ thủy văn cơ bản của Nhà nước, cán bộ trạm thí nghiệm tưới nước của Bộ thì thi hành theo như quy định ở điều d phần 1 và phần 4 trên đây.
Các Ủy ban hành chính thành, tỉnh, trực thuộc quản lý bộ máy các cơ quan, đơn vị thủy lợi của địa phương theo hướng dẫn thống nhất của Bộ và quản lý các tổ chức thủy lợi thuộc Bộ, mà Bộ ủy nhiệm cho Ủy ban quản lý. Ủy ban quản lý những cán bộ, công nhân của các cơ quan đơn vị thủy lợi của địa phương, trừ số cán bộ do Bộ quản lý nói ở trên. Tuy nhiên, để có thể thống nhất tổ chức và quản lý đội ngũ cán bộ, công nhân chuyên nghiệp trong ngành, để thực hiện việc điều hòa sử dụng lực lượng cán bộ được hợp lý, mỗi khi Ủy ban hành chính địa phương thành lập hoặc bãi bỏ tổ chức thủy lợi, cho cán bộ kỹ thuật, công nhân chuyên nghiệp thôi việc hoặc thuyên chuyển qua ngành khác, thì cần phải hỏi ý kiến của Bộ trước lúc quyết định.
Ủy ban phụ trách đào tạo các loại cán bộ sơ cấp kỹ thuật, cán bộ thủy lợi huyện và xã, công nhân chuyên nghiệp cho nhu cầu riêng của địa phương. Riêng Khu Tự trị Việt Bắc phụ trách đào tạo lấy cán bộ trung cấp kỹ thuật cho nhu cầu của khu và giúp đào tạo cán bộ trung cấp kỹ thuật cho các khu tỉnh miền núi khác. Khu Tự trị Thái Mèo hiện nay chưa đủ điều kiện để đào tạo cán bộ trung cấp kỹ thuật, nhưng sau này, khi có đủ điều kiện cũng sẽ mở trường trung cấp kỹ thuật thủy lợi của khu.
Đối với những cán bộ do Bộ quản lý, thì Ủy ban vẫn có trách nhiệm giúp Bộ nắm vững về các mặt chính trị, tư tưởng và thi hành các chính sách, chế độ của Chính phủ đối với những cán bộ ấy. Trường hợp, Ủy ban xét thấy cần thiết phải điều chỉnh hoặc thay đổi công tác của những cán bộ do Bộ quản lý, thì phải đề nghị được Bộ đồng ý mới thi hành.
Trên đây là những quy định tạm thời về phân cấp quản lý công tác thủy lợi giữa Bộ và địa phương. Các Ủy ban hành chính khu tự trị và các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc sẽ căn cứ theo các phương châm, nguyên tắc, nội dung phân cấp nói ở trên và hoàn cảnh cụ thể của địa phương, tiến hành giao nhiệm vụ, quyền hạn quản lý công tác thủy lợi cho các Ủy ban hành chính cấp dưới.
Thực hiện phân cấp quản lý được tốt sẽ tạo thêm nhiều khả năng mới để hoàn thành tốt công tác thủy lợi. Nhưng bước đầu vì tổ chức ở cơ sở còn yếu, kinh nghiệm quản lý kinh tế của chúng ta còn thiếu, nên còn gặp nhiều khó khăn lúng túng. Vì vậy, Bộ đề nghị các Ủy ban cần tăng cường lãnh đạo mọi hoạt động công tác thủy lợi hơn nữa, kiện toàn bộ máy thủy lợi ở các cấp, phát huy khả năng của tập thể, của quần chúng và tăng cường sự giúp đỡ, kiểm tra thì nhất định dần dần các cấp dưới sẽ đảm bảo nhiệm vụ của trên giao được tốt.
BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY LỢI |
Thông tư 14-TT/TL năm 1960 phân cấp quản lý các mặt công tác trong Ngành Thủy lợi do Bộ Thuỷ Lợi ban hành.
- Số hiệu: 14-TT/TL
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 30/04/1960
- Nơi ban hành: Bộ Thuỷ lợi
- Người ký: Trần Đăng Khoa
- Ngày công báo: 18/05/1960
- Số công báo: Số 20
- Ngày hiệu lực: 15/05/1960
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định