Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số : 14-TC/CNXD | Hà Nội, ngày 01 tháng 08 năm 1974 |
HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN XÍ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP QUỐC DOANH, BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 236-CP NGÀY 10-12-1970 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ [1]
Ngày 10 tháng 12 năm 1970, Hội đồng Chính phủ đã ra nghị định số 236-CP ban hành Điều lệ tạm thời về phân phối lợi nhuận xí nghiệp công nghiệp quốc doanh.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị số 165-TTg ngày 10-6-1971 về việc thực hiện chế độ phân phối lợi nhuận xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, qua một năm thí điểm. Hội đồng Chính phủ ra thông tư số 88-CP ngày 2-5-1972 về việc sửa đổi và bổ sung những quy định cụ thể về phân phối lợi nhuận và trích lập 3 quỹ trong điều lệ tạm thời phân phối lợi nhuận xí nghiệp công nghiệp quốc doanh[2].
Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn việc thi hành cụ thể các văn kiện trên của Chính phủ như sau.
LỢI NHUẬN XÍ NGHIỆP VÀ PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN
1. Nội dung cụ thể về lợi nhuận xí nghiệp đã được quy định ở các điều 3, 5, 6, 7 của Điều lệ tạm thời về phân phối lợi nhuận xí nghiệp công nghiệp quốc doanh. Riêng về lợi nhuận kế hoạch cần hiểu đầy đủ là số lợi nhuận kế hoạch của xí nghiệp về nguyên tắc phải bằng hoặc cao hơn số kiểm tra của Nhà nước (Bộ chủ quản) giao cho xí nghiệp. Nhà nước khuyến khích xí nghiệp xây dựng lợi nhuận kế hoạch cao hơn số kiểm tra của Nhà nước - đó là lợi nhuận kế hoạch đăng ký cao.
Lợi nhuận kế hoạch (kể cả lợi nhuận đăng ký cao) được cơ quan quản lý cấp trên (có thẩm quyền) xét duyệt là chi tiêu pháp lệnh.
2. Đối với các xí nghiệp được duyệt là không có lãi hoặc có kế hoạch lỗ (lỗ do chính sách giá cả của Nhà nước hay do nguyên nhân khác được Nhà nước công nhận) thì chi tiêu lợi nhuận kế hoạch và lợi nhuận vượt kế hoạch là như sau:
- “Số hạ giá thành kế hoạch so với giá thành thực tế năm trước được coi như lợi nhuận kế hoạch” (điều 10 của Điều lệ tạm thời).
- “Số tiết kiệm do hạ giá thành thực tế được nhiều hơn so với giá thành kế hoạch được coi như lợi nhuận vượt kế hoạch” (điều 12 của Điều lệ tạm thời).
3. Để áp dụng chính sách phân phối lợi nhuận có phân biệt khác nhau, khi tính toán lợi nhuận kế hoạch cũng như khi hạch toán lợi nhuận thực tế, cần phân biệt:
- Phần lợi nhuận kinh doanh cơ bản, phần lợi nhuận ngoài kinh doanh cơ bản và các khoản lợi nhuận khác;
- Phần lợi nhuận do tiêu thụ hàng hóa sản xuất bằng phế liệu.
II. PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN XÍ NGHIỆP
1. Lợi nhuận xí nghiệp phân phối như sau:
- Trích nộp ngân sách Nhà nước;
- Trích lập quỹ khuyến khích phát triển sản xuất;
- Trích lập quỹ khen thưởng;
- Trích lập quỹ phúc lợi;
- Tham gia đầu tư vốn cố định theo kế hoạch;
- Bổ sung vốn lưu động định mức cần tăng thêm theo kế hoạch;
- Trả nợ vay ngân hàng để cải tiến kỹ thuật và hợp lý hoá sản xuất (trích từ lợi nhuận vượt kế hoạch).
2. Lợi nhuận kế hoạch phân phối có phân biệt theo hai trường hợp sau đây:
a) Nếu lợi nhuận kế hoạch được duyệt theo số kiểm tra, thì phân phối như sau:
- Trích lập quỹ khuyến khích phát triển sản xuất, (xem quy định ở Phần thứ hai, mục I sau đây, nói về trích lập và sử dụng quỹ khuyến khích phát triển sản xuất);
- Trích lập quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi bằng một tỷ lệ phần trăm quy định trên quỹ lương của nhân viên sản xuất ở xí nghiệp (xem quy định mức trích và đối tượng được trích ở điểm 2 của thông tư số 88-CP ngày 2-5-1972 và ở Phần thứ hai, mục II của thông tư giải thích này);
- Tham gia đầu tư vốn cố định và bổ sung vốn lưu động định mức cần tăng thêm căn cứ theo yêu cầu cụ thể của kế hoạch năm đã được Nhà nước duyệt. (Xem quy định ở điểm 9 của thông tư số 88-CP ngày 2-5-1972 và phần giải thích của thông tư này: phần thứ hai, mục III);
- Trích nộp ngân sách Nhà nước (số lợi nhuận còn lại sau khi đã tinh trích các khoản kể trên). Xí nghiệp có nghĩa vụ nộp đủ số lợi nhuận kế hoạch và vượt kế hoạch (nếu có). Nếu không hoàn thành đủ số lợi nhuận kế hoạch đã giao cho xí nghiệp phải trích nộp ngân sách thì xí nghiệp phải ghi nợ lại ngân sách số thiếu hụt, và năm sau phải phấn đấu lấy lợi nhuận vượt kế hoạch để nộp bù cho đủ số thiếu năm trước.
b) Nếu lợi nhuận kế hoạch được duyệt là lợi nhuận kế hoạch đăng ký cao (xí nghiệp xây dựng kế hoạch lợi nhuận cao hơn số kiểm tra), thì phần lợi nhuận tính theo số điểm tra của Nhà nước được phân phối theo như nói ở điểm a trên đây; còn phần lợi nhuận (đăng ký thêm) cao hơn số kiểm tra được phân phối như sau:
- Trích vào quỹ khen thưởng 15%;
- Trích vào quỹ phúc lợi 15%; trường hợp xí nghiệp đăng ký kế hoạch lợi nhuận cao, nhưng không hoàn toàn đủ mức đã đăng ký, nếu số lợi nhuận thực tế làm ra vẫn còn cao hơn số lợi nhuận kế hoạch tính theo số kiểm tra , thì phần chênh lệch cao hơn đó được phân phối như sau: nếu hoàn thành trên 50% mức đăng ký cao, thì được trích thêm cho mỗi quỹ (quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi): 10%, nếu hoàn thành dưới 50% mức đăng ký cao, thì được trích thêm cho mỗi quỹ (quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi): 5%;
- Trích vào quỹ khuyến khích phát triển sản xuất đúng theo mức doanh lợi tăng (như quy định ở thông tư số 88-CP ngày 2-5-1972);
- Sau khi đã trích đủ phần ấn định cho 3 quỹ thì nộp vào ngân sách Nhà nước phần lợi nhuận đăng ký thêm còn lại; nếu không hoàn thành mức phải nộp thì cũng phải ghi nợ ngân sách và trang trải trong các năm sau.
3. Lợi nhuận vượt kế hoạch. – Phần lợi nhuận vượt kế hoạch kể cả lợi nhuận vượt kế hoạch theo số kiểm tra (không đăng ký cao) và lợi nhuận vượt kế hoạch theo số đăng ký cao được phân phối như sau:
- Trích vào quỹ khen thưởng 5%;
- Trích vào quỹ phúc lợi 5%;
- Trích vào quỹ khuyến khích phát triển sản xuất, tính theo mức doanh lợi tăng quy định đối với quỹ này;
- Trả nợ tiền vay Ngân hàng Nhà nước (nếu có vay) để hợp lý hóa sản xuất và cải tiến kỹ thuật theo chế độ và kế hoạch Nhà nước quy định;
- Trích nộp ngân sách Nhà nước.
4. Xí nghiệp tận dụng phế liệu để sản xuất thêm mặt hàng phụ theo đúng chế độ quy định của Nhà nước, được hạch toán riêng số lợi nhuận thu được do tiêu thụ hàng hóa đó và được phân phối số lợi nhuận này như sau:
- Nộp vào ngân sách Nhà nước 20%
- Trích vào quỹ khuyến khích phát triển sản xuất 40%
- Trích vào quỹ khen thưởng 20%
- Trích vào quỹ phúc lợi 20%
Nếu xí nghiệp đảm bảo đủ các điều kiện sau đây: - hoàn thành kế hoạch lợi nhuận chính (phần kinh doanh cơ bản và ngoài kinh doanh cơ bản); - hoàn thành nhiệm vụ nộp thuế hoặc thu quốc doanh đối với những mặt hàng phụ sản xuất bằng phế liệu theo chế độ của Nhà nước. - chấp hành đúng chế độ quy định của Nhà nước về sử dụng phế liệu; tổ chức hạch toán rõ ràng, không để lẫn lộn giữa sản xuất kinh doanh cơ bản với sản xuất mặt hàng phụ bằng phế liệu.
5. Nếu xí nghiệp không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận, thì số lợi nhuận thực tế phải phân phối theo trật tự ưu tiên như sau:
a) Trước hết, phải trích nộp vào ngân sách Nhà nước đủ số phải nộp tính theo kế hoạch đã được duyệt;
b) Trích đủ số tiền cần thiết để tham gia đầu tư vốn cố định và bổ sung vốn lưu động định mức cần tăng thêm, theo đúng kế hoạch đã được duyệt; nếu không có đủ thì phải vay ngân hàng để đảm bảo đủ số vốn theo kế hoạch đã định;
c) Trích lập quỹ khuyến khích phát triển sản xuất (nếu còn đủ thì trích đủ, còn ít thì trích bớt đi, không còn thì không trích);
d) Trích vào quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi số lợi nhuận còn lại (nếu còn).
Nếu lợi nhuận thực tế quá ít, không đủ đảm bảo đủ số phải nộp ngân sách theo kế hoạch, thì phải ghi số thiếu thành nợ ngân sách, và năm sau (hoặc các năm sau) xí nghiệp phải ra sức phấn đấu lấy lợi nhuận đăng ký cao và lợi nhuận vượt kế hoạch để trả nợ cho ngân sách Nhà nước.
TRÍCH LẬP VÀ SỬ DỤNG CÁC KHOẢN ĐƯỢC PHÂN PHỐI
I. TRÍCH LẬP VÀ SỬ DỤNG QUỸ KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT.
1. Xí nghiệp trích lập quỹ khuyến khích phát triển sản xuất theo như quy định của thông tư của Hội đồng Chính phủ số 88-CP ngày 2-5-1972 ở đoạn 1, điểm b, và sử dụng quỹ khuyến khích phát triển sản xuất theo như quy định ở đoạn 1, điểm a của thông tư nói trên.
2. Số tiền được trích hàng năm là một tỷ lệ phần trăm của toàn bộ giá trị tài sản cố định (theo nguyên giá) của xí nghiệp; đối với:
- Các xí nghiệp cơ khí 0,8%
- Các xí nghiệp hoá chất và phân bón 0,7%
- Các xí nghiệp vật dụng, dệt, dược phẩm
vật liệu xây dựng, thực phẩm 0,6%
- Các xí nghiệp khai khoáng 0,4%
- Các xí nghiệp điện lực 0,3%
Số tiền được trích trên đây là số được trích cơ bản.
Tuỳ theo tình hình tăng hay giảm tỷ suất doanh lợi của xí nghiệp, như giải thích dưới đây, xí nghiệp sẽ được trích thêm cho quỹ khuyến khích phát triển sản xuất, hoặc phải rút bớt số được trích cơ bản; cứ tăng được một phần trăm (1%) tỷ suất doanh lợi thì được trích thêm 10% số được trích cơ bản; ngược lại, nếu tỷ suất doanh lợi của xí nghiệp giảm đi 1% thì phải rút bớt số được trích cơ bản đi 10%.
Tỷ suất doanh lợi của xí nghiệp được tính theo công thức:
Tỷ suất doanh lợi xí nghiệp (%) | = | Lợi nhuận | X 100 |
Vốn sản xuất |
Lợi nhuận là toàn bộ các khoản lợi nhuận sau khi đã trừ các khoản lỗ và các khoản phải trừ theo chế độ.
Vốn sản xuất là toàn bộ tài sản cố định (nguyên giá) cộng (+) toàn bộ giá trị tài sản lưu động định mức, trừ (-) vốn vay ngân hàng.
Trong năm đầu tiên thực hiện điều lệ này thì lấy tỷ suất doanh lợi thực tế so với tỷ suất doanh lợi kế hoạch. Từ năm thứ hai trở đi thì so sánh tỷ suất doanh lợi thực tế của năm kế hoạch với tỷ suất doanh lợi thực tế năm trước.
Tỷ suất doanh lợi kế hoạch được tính theo công thức:
Tỷ suất doanh lợi kế hoạch (%) | = | Lợi nhuận kế hoạch | X 100 |
Vốn sản xuất kế hoạch |
Lợi nhuận kế hoạch là: tổng số lợi nhuận lấy ở dòng 16 - Biểu 26-KH/CN phần I “kế hoạch tích luỹ và phân phối lợi nhuận”.
Vốn sản xuất kế hoạch là: tổng giá trị tài sản cố định kỳ này (dòng 4 - Biểu 24-KH/CN) cộng (+) với tổng cộng định mức kế hoạch vốn lưu động (Biểu 25-KH/CN, phần I). Hoặc là lấy từ số tổng cộng “Tài sản định mức” kế hoạch phần B của bảng tổng kết tài sản trừ (-) đi vốn vay ngân hàng về tài sản lưu động định mức. (Biểu 24-KH/CN; 25-KH/CN; 26-KH/CN ban hành theo quyết định số 150-TTg ngày 17-5-1971).
Tỷ suất doanh lợi thực tế được tính theo công thức:
Tỷ suất doanh lợi thực tế (%) | = | Lợi nhuận thực tế | X 100 |
Vốn sản xuất thực tế |
[Lợi nhuận thực tế là: giá trị nguyên thuỷ tài sản cố định (dòng 8, cuối kỳ, của Bảng tổng kết tài sản năm) cộng (+) với toàn bộ giá trị tài sản lưu động định mức thực tế (dòng 49) cuối kỳ, cộng (+) loại B, của Bảng tổng kết tài sản năm rồi trừ (-) các khoản vay ngân hàng trong định mức và ngoài định mức về tài sản lưu động định mức.]
4. Hàng năm khi lập kế hoạch sản xuất – kỹ thuật – tài chính, xí nghiệp phải lập kế hoạch và dự toán sử dụng quỹ khuyến khích phát triển sản xuất (có ghi rõ bảng kê các công việc làm, chi phí cho từng việc, thời gian hoàn thành, hiệu quả kinh tế) và phải đăng ký kế hoạch và dự toán sử dụng quỹ khuyến khích phát triển sản xuất với cơ quan chủ quản cấp trên xí nghiệp. Dự toán và kế hoạch sử dụng quỹ khuyến khích phát triển sản xuất phải được ghi vào ở các mẫu biểu tổng hợp do Nhà nước đã quy định là:
Biểu mẫu số 3 “Bảng tổng hợp kế hoạch tiến bộ kỹ thuật” theo quy định của thông tư liên Bộ số 898-KHKT/CĐ ngày 5 tháng 8 năm 1971.
Biểu 4-KH/CN và biểu 28-KH/CN theo quyết định số 150-TTg ngày 17 tháng 5 năm 1971.
5.Quỹ khuyến khích phát triển sản xuất được trích hàng tháng (hoặc hàng quý), sau khi đã có báo cáo quyết toán (bảng tổng kết tài sản) của xí nghiệp.
Nếu xí nghiệp hoàn thành hay vượt kế hoạch lợi nhuận của tháng đó (quý đó) thì được trích theo mức kế hoạch phân bố cho quỹ khuyến khích phát triển sản xuất trong tháng đó (quý đó).
Ví dụ:
- Kế hoạch lợi nhuận phân bố cho quý I: 500.000đ
- Số định trích cho quỹ khuyến khích
phát triển sản xuất quý I theo kế hoạch : 80.000đ.
- Lợi nhuận thực hiện: 600.000đ.
- Quỹ khuyến khích phát triển sản xuất
được trích: 80.000đ
Nếu xí nghiệp không đạt lợi nhuận kế hoạch thì chỉ được trích theo mức độ thực hiện kế hoạch lợi nhuận, nghĩa là lấy tỉ lệ phần trăm thực hiện kế hoạch lợi nhuận của tháng đó, (quý đó) nhân với (x) số kế hoạch định trích cho quỹ khuyến khích phát triển sản xuất tháng đó (quý đó).
Ví dụ:
- Kế hoạch lợi nhuận phân bố cho quý I: 500.000đ
- Kế hoạch trích quỹ khuyến khích
phát triển sản xuất quý I: 80.000đ
- Lợi nhuận thực hiện quý I: 250.000đ
Tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch:
250.000 | X 100 = 50% |
500.000 |
- Quỹ khuyến khích phát triển sản xuất được trích trong quý I:
80.000đ X 50% = 40.000đ
Hàng tháng, hàng quý xí nghiệp tạm trích như trên đây; đến cuối năm phải tính toán lại theo thực tế (căn cứ theo các quy định về số được trích cơ bản và số được trích thêm hoặc phải giảm bớt do doanh lợi tăng hay giảm). Nếu đã trích thừa thì nộp trả ngân sách, thiếu thì trích thêm.
6. Đối với các xí nghiệp không có lợi nhuận hoặc có lỗ kế hoạch (do chính sách giá cả của Nhà nước hay do nguyên nhân khác được Nhà nước công nhận) thì được ngân sách Nhà nước trợ cấp số vốn cần thiết, theo chế độ này, để lập quỹ khuyến khích phát triển sản xuất (đoạn 1, điểm được, thông tư số 88-CP ngày 2-5-1972 của Hội đồng Chính phủ).
Việc trợ cấp này tiến hành căn cứ theo tình hình thực tế và phải được ghi vào kế hoạch thu chi tài chính của xí nghiệp.
7. Các xí nghiệp cần vay vốn ngân hàng để làm các công việc thuộc quỹ khuyến khích phát triển sản xuất được vay theo quy định của đoạn 1, điểm được, thông tư số 88-CP, và theo các quy định cụ thể của Ngân hàng Nhà nước về cho vay vốn khuyến khích phát triển sản xuất.
8. Hàng năm, trong quá trình lập kế hoạch cũng như khi phân tích hiệu quả sử dụng quỹ khuyến khích phát triển sản xuất, phải có sự tham gia ý kiến của công đoàn cơ sở; đặc biệt chú ý tranh thủ ý kiến của công đoàn về các khoản chi về an toàn lao động.
II. TRÍCH LẬP VÀ SỬ DỤNG QUỸ KHEN THƯỞNG VÀ PHÚC LỢI
1. Nội dung sử dụng quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi đã được quy định ở điều 30 và điều 31 của điều lệ tạm thời số 236-CP ngày 10-12-1970 sau đó được quy định bổ sung ở thông tư số 88-CP ngày 2-5-1972 (điểm a và b của đoạn 2).
Hướng sử dụng quỹ khen thưởng như sau:
- Thưởng hoàn thành kế hoạch khoảng 80%;
- Thưởng thành tích xuất sắc trong các đợt thi đua (theo quy định ở nghị định số 104-CP ngày 18-7-1963 và 80-CP ngày 13-5-1964) và chi về tặng phẩm thưởng thi đua 20%.
(Bộ Lao động sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể về sử dụng quỹ khen thưởng).
2. Đối tượng được trích và mức trích (kể cả trường hợp trích theo mức tối thiểu do thực hiện kế hoạch quá thấp) quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi đã được quy định rõ trong thông tư số 88-CP ngày 2-5-1972.
3. Sau khi đã tính toán quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi theo các mức quy định đối với các trường hợp: hoàn thành kế hoạch lợi nhuận, lợi nhuận đăng ký cao, vượt kế hoạch lợi nhuận, trích từ lợi nhuận sản xuất mặt hàng phụ bằng phế liệu, cần phải đánh giá mức độ thực hiện 3 chỉ tiêu:
- Giá trị sản lượng hàng hóa thực hiện;
- Tổng quỹ tiền lương (quy theo mức độ hoàn thành giá trị tổng sản lượng);
- Sản phẩm chủ yếu tính bằng hiện vật (đúng quy cách, đúng phẩm chất đã được xác nhận qua kiểm tra kỹ thuật), để xác định mức được phép trích cho quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi. Nếu xí nghiệp không đạt 3 chỉ tiêu đó thì cứ mỗi phần trăm (%) không hoàn thành chỉ tiêu giá trị sản lượng hàng hóa thực hiện, phải trừ đi 2% số tiền được trích của mỗi quỹ (quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi); nếu không hoàn thành chỉ tiêu sản phẩm chủ yếu tính bằng hiện vật, thì tuỳ theo mức độ không hoàn thành nhiều hay ít mà cứ 1% không hoàn thành kế hoạch mặt hàng, phải trừ đi 1% số tiền được trích của mỗi quỹ (quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi).
4. Quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi được tạm trích hàng quý. Xí nghiệp nào lập được kế hoạch sản xuất - kỹ thuật – tài chính quý, được cấp trên duyệt (trong đó có kế hoạch trích lập quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi theo quý), nếu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận quý thì, sau khi lập xong báo cáo quyết toán quý, xí nghiệp lập bảng đề nghị trích quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi theo mức kế hoạch đã tính cho 2 quỹ này trong quý, có tính thêm phần lợi nhuận do sản xuất hàng hóa bằng phế liệu … theo đúng tỷ lệ trích và các điều kiện đã quy định.
Xí nghiệp gửi bảng đề nghị trích lập 2 quỹ nói trên cùng với quyết toán lên cơ quan quản xí nghiệp. Sau khi đã được cơ quan chủ quản duyệt, xí nghiệp được tạm trích 50% của mức quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi được duyệt trích cho quỹ đó.
Trường hợp đã hết năm mà xí nghiệp chưa làm kịp báo cáo quyết toán (bảng tổng kết tài sản) hoặc cơ quan chủ quản chưa duyệt kịp báo cáo đó, nhưng cần khen thưởng kịp thời, thì xí nghiệp lập báo cáo theo các chỉ tiêu Nhà nước quy định về báo cáo hoàn thành kế hoạch cuối năm, trình Bộ chủ quản duyệt, có ý kiến của công đoàn ngành, và có cơ quan tài chính, thống kê tham gia xét duyệt.
Nếu xí nghiệp được công nhận là hoàn thành kế hoạch thì được tạm trích 75% số tiền được trích cho 2 quỹ (quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi).
Sau khi báo cáo quyết toán năm của xí nghiệp được cơ quan chủ quản cấp trên duyệt chính thức xí nghiệp phải căn cứ vào mức trích quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi được duyệt mà thanh toán số tiền đã tạm trích: còn thiếu thì trích thêm, thừa thì nộp trả lại ngân sách.
5. Quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi là 2 quỹ riêng biệt, không được điều hoà cho nhau, trừ trường hợp khi quỹ khen thưởng, tính bình quân đầu người, vượt một tháng lương bình quân cấp bậc tính theo đầu người (như thông tư số 88-CP đã quy định), thì được chuyển số tiền vượt quá đó bổ sung cho quỹ phúc lợi.
6. Nhà nước giao quyền quản lý quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi, cũng như mọi nguồn vốn và tài sản khác của Nhà nước ở xí nghiệp, cho giám đốc xí nghiệp quản lý, sử dụng theo đúng chế độ của Nhà nước, có kết hợp chặt chẽ giữa giám đốc và Ban chấp hành công đoàn ở cơ sở, như điều 35 của Điều lệ tạm thời đã quy định:
“Giám đốc xí nghiệp chịu trách nhiệm đề ra kế hoạch và hướng dẫn việc sử dụng quỹ khen thưởng, có sự tham gia của Ban chấp hành công đoàn.
Ban chấp hành công đoàn đề ra phương hướng và kế hoạch sử dụng quỹ phúc lợi, có sự tham gia của giám đốc xí nghiệp – và đưa ra đại hội công nhân viên chức của xí nghiệp thảo luận và quyết định”.
7. Việc trích lập quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi lấy từ lợi nhuận xí nghiệp đối với những xí nghiệp hoàn thành kế hoạch mặt hàng xuất khẩu thi hành theo nghị định số 151-CP ngày 1-7-1974 của Hội đồng Chính phủ về thưởng khuyến khích xuất khẩu.
1. Tham gia đầu tư vốn cố định theo kế hoạch Nhà nước.
Hàng năm, nếu xí nghiệp có kế hoạch đầu tư vốn cố định được Nhà nước duyệt thì giải quyết bằng các nguồn vốn sau đây:
a) Sử dụng từ 20% đến 50% tiền khấu hao cơ bản của xí nghiệp; trường hợp có yêu cầu đầu tư lớn thì theo quyết định của Bộ chủ quản và Bộ Tài chính, có thể trích để lại mức khấu hao nhiều hơn. Số tiền khấu hao còn lại, nộp vào ngân sách Nhà nước. Ở những xí nghiệp không có kế hoạch đầu tư vốn cố định, thì phải nộp toàn bộ số khấu hao cơ bản vào ngân sách Nhà nước.
b) Sử dụng lợi nhuận xí nghiệp, với điều kiện là lợi nhuận xí nghiệp trong năm đó có khả năng tham gia đầu tư ít nhất là 30% số vốn yêu cầu. Dưới mức đó thì không sử dụng lợi nhuận để tham gia đầu tư.
c) Ngoài hai nguồn vốn trên, nếu còn thiếu thì ngân sách Nhà nước cấp phát, bảo đảm đầu tư theo kế hoạch.
Ba nguồn vốn nói trên được xác định trong kế hoạch tài chính của xí nghiệp và kế hoạch cấp phát ngân sách hàng năm (chia ra quý).
Xí nghiệp phải gửi vào Ngân hàng kiến thiết các khoản trích từ khấu hao cơ bản cũng như từ lợi nhuận xí nghiệp theo đúng kế hoạch tham gia đầu tư vốn cố định, để được quản lý đúng chế độ quản lý vốn đầu tư.
Trường hợp xí nghiệp không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận và kế hoạch trích nộp khấu hao, do đó không trích được đủ số dự tính trích theo kế hoạch, thì xí nghiệp phải vay Ngân hàng kiến thiết để bù vào số thiếu, bảo đảm việc đầu tư và thi công theo đúng kế hoạch, ngân sách không cấp bù (như thông tư số 88-CP đã quy định). Trong trường hợp này, sang năm sau, xí nghiệp phải có kế hoạch phấn đấu lấy lợi nhuận đăng ký cao, hoặc lợi nhuận vượt kế hoạch để trả nợ Ngân hàng kiến thiết. Cơ quan chủ quản xí nghiệp, cùng với ngân hàng kiến thiết và cơ quan tài chính, phân tích và tìm nguyên nhân việc xí nghiệp không đảm bảo khả năng tham gia đầu tư, giúp xí nghiệp khắc phục thiếu sót đó.
2. Bổ sung vốn lưu động mức cần tăng thêm theo kế hoạch.
Hàng năm, nếu xí nghiệp có yêu cầu tăng vốn lưu động định mức và kế hoạch bổ sung vốn đó được duyệt thì xí nghiệp được dùng một phần lợi nhuận để bổ sung vốn lưu động theo đúng chế độ quy định. Nguồn vốn bổ sung này, phải sắp đặt trong kế hoạch tài chính hàng năm của xí nghiệp.
Nếu trong xí nghiệp không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận, do đó không trích được dù số lợi nhuận dự tính trích theo kế hoạch, để bổ sung vốn lưu động định mức thì xí nghiệp phải vay Ngân hàng Nhà nước để bù vào số còn thiếu, ngân sách không cấp bù, (như thông tư số 88-CP đã quy định). Gặp trường hợp này, sang năm sau, xí nghiệp phải có kế hoạch phấn đấu lấy lợi nhuận đăng ký cao, hoặc lợi nhuận vượt kế hoạch để trả nợ Ngân hàng Nhà nước. Cơ quan chủ quản xí nghiệp cùng với Ngân hàng Nhà nước và cơ quan tài chính, phân tích và tìm nguyên nhân việc xí nghiệp không đảm bảo khả năng bổ sung vốn lưu động giúp xí nghiệp khắc phục thiếu sót đó.
IV. TRÍCH NỘP LỢI NHUẬN XÍ NGHIỆP VÀO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC.
Việc trích nộp lợi nhuận vào Ngân sách Nhà nước phải theo quy định ở điều 15, 16, 17, 18 của Điều lệ tạm thời phân phối lợi nhuận xí nghiệp công nghiệp quốc doanh (236/CP) và quy định của Bộ Tài chính về thể thức trích nộp.
1. Việc lập kế hoạch lợi nhuận, kế hoạch phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ thực hiện theo đúng nội dung sự hướng dẫn và các biểu quy định tại quyết định số 150-TTg ngày 17-5-1971 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chế độ báo cáo kế hoạch năm của các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh trung ương.
2. Việc hạch toán kế toán lợi nhuận thực hiện, lợi nhuận trích nộp, trích lập các quỹ và các khoản phân phối khác, thực hiện theo quyết định số 425-TC/CĐKT ngày 14-12-1970 của Bộ Tài chính ban hành hệ thống tài khoản kế toán thống nhất.
3. Việc lập các báo cáo thống kê và kế toán, thực hiện theo quyết định số 233-CP ngày 1-12-1970 của Hội đồng Chính phủ ban hành chế độ báo cáo thống kê và kế toán định kỳ chính thức của các xí nghiệp công nghiệp.
4. Việc thực hiện và kiểm tra việc thực hiện chế độ phân phối lợi nhuận, theo như thông tư số 88-CP ngày 2-5-1972 của Hội đồng Chính phủ (ở đoạn 10 và đoạn 11). Thông tư này đã quy định rõ trách nhiệm của giám đốc xí nghiệp, kế toán trưởng, cơ quan chủ quản cấp trên, và các cơ quan tổng hợp.
Nếu cơ quan có trách nhiệm thẩm tra các báo cáo xét thấy xí nghiệp làm sai để trích các quỹ một cách không chính đáng, thì phải bắt bồi hoàn cho công quỹ số tiền sai đó. Giám đốc xí nghiệp, kế toán trưởng và những cán bộ có liên quan đến việc vi phạm sẽ bị truất tiền thưởng và thi hành kỷ luật theo chế độ của Nhà nước.
TỪNG BƯỚC ÁP DỤNG ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN XÍ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP QUỐC DOANH
1. Theo quy định của Chính phủ ở nghị định số 236-CP và thông tư số 88-CP: “Xí nghiệp nào được áp dụng chế độ phân phối lợi nhuận mới phải do Bộ chủ quản thoả thuận với Bộ Tài chính xét định căn cứ vào đăng ký của xí nghiệp theo 4 điều kiện”.
Bốn điều kiện đó là:
a) Sản xuất tương đối ổn định và có lãi; có nghĩa là:
- Phương hướng, nhiệm vụ sản xuất sản phẩm đã được cấp trên quyết định chính thức;
- Tổ chức dây chuyền sản xuất và các đơn vị sản xuất – phân xưởng, tổ sản xuất đã ổn định và được cấp trên có thẩm quyền duyệt y;
- Sản xuất về kinh doanh cơ bản của xí nghiệp đã có lãi và xí nghiệp làm tốt nghĩa vụ nộp tích luỹ cho Nhà nước. (Riêng đối với các xí nghiệp có kế hoạch lỗ phải được Nhà nước duyệt).
b) Có kế hoạch sản xuất – kỹ thuật – tài chính được duyệt.
- Xí nghiệp phải xây dựng được kế hoạch đồng bộ gồm cả 3 bộ phận - sản xuất, kỹ thuật, tài chính; thống nhất kế hoạch hiện vật với kế hoạch tài chính, bảo đảm cân đối và bảo đảm hiệu quả kinh tế cao;
- Kế hoạch sản xuất - kỹ thuật – tài chính của xí nghiệp phải dựa trên cơ sở các định mức kinh tế kỹ thuật tiến bộ và khai thác tốt tiềm lực của xí nghiệp;
- Kế hoạch phải do xí nghiệp xây dựng dựa vào số kiểm tra kế hoạch của Nhà nước, có sự tham gia của quần chúng lao động; xí nghiệp phải bảo vệ kế hoạch đó trước cơ quan quản lý cấp trên và được duyệt;
- Đối với các xí nghiệp thí điểm cải tiến quản lý thì kế hoạch phải được xây dựng theo các chỉ tiêu pháp lệnh mới. Các xí nghiệp khác sẽ phấn đấu để thực hiện các chỉ tiêu pháp lệnh mới đó.
c) Đã thực hiện hạch toán kinh tế tương đối tốt, nhất là hạch toán giá thành, có giá bán buôn xí nghiệp cơ quan có thẩm quyền quy định:
- Xí nghiệp tổ chức công việc hạch toán kinh tế xí nghiệp và công tác hạch toán kinh tế nội bộ xí nghiệp tốt, bảo đảm chi phí tiết kiệm, đạt hiệu quả kinh tế cao trong mọi hoạt động của mình, bảo đảm có doanh lợi hợp lý;
- Xí nghiệp thực hiện tốt chế độ kế toán và chế độ thống kê của Nhà nước (bao gồm việc ghi chép ban đầu; hệ thống tài khoản thống nhất; hình thức kế toán nhật ký chứng từ; báo biểu kế toán, thống kê thống nhất) làm công cụ phân tích và kiểm tra các hoạt động được chặt chẽ; xí nghiệp hạch toán được chi phí sản xuất và tính giá thành tương đối chính xác;
- Lợi nhuận xí nghiệp phải được hình thành trên cơ sở giá bán buôn xí nghiệp được Nhà nước duyệt và trên cơ sở hạ giá thành sản phẩm;
- Riêng đối với xí nghiệp được phép tạm thời có lỗ được Nhà nước duyệt.
d) Đã thực hiện nghiêm chỉnh chế độ hợp đồng kinh tế: xí nghiệp đã thực hiện ký kết hợp đồng kinh tế trực tiếp với xí nghiệp và tổ chức kinh doanh có quan hệ cung cấp, tiêu thụ và thanh toán theo đúng chế độ hợp đồng kinh tế và các chế độ thể lệ của Nhà nước.
2. Điều lệ tạm thời về phân phối lợi nhuận xí nghiệp công nghiệp quốc doanh ban hành từ năm 1970 và đã được áp dụng cho các xí nghiệp, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua lao động, sản xuất, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, bắt đầu từ năm 1974, các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh đều áp dụng thống nhất chế độ phân phối lợi nhuận mới (nghị định số 236-CP ngày 10-12-1970 và thông tư số 88-CP ngày 2-5-1972 của Hội đồng Chính phủ), như sau:
a) Đối với một số xí nghiệp công nghiệp quốc doanh trung ương, xét thấy đảm bảo đủ 4 điều kiện (theo quy định ở nghị định số 236-CP), đồng thời các xí nghiệp có khối lượng lợi nhuận khá, có nhu cầu và khả năng tham gia đầu tư vốn cố định, bổ sung vốn lưu động định mức cần tăng thêm, hoặc có yêu cầu về cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất mà trình độ quản lý của xí nghiệp có thể đảm đương được, thì Bộ chủ quản xem xét, bàn bạc với Bộ Tài chính quyết định cho một số xí nghiệp đó áp dụng toàn bộ chế độ phân phối lợi nhuận mới (ngoài việc trích lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, còn được trích lập quỹ khuyến khích phát triển sản xuất, hoặc nếu có nhu cầu thì được trích lợi nhuận để tham gia đầu tư vốn cố định và bổ sung vốn lưu động định mức cần tăng thêm theo kế hoạch) để rút kinh nghiệm, chuẩn bị từ năm 1975 trở đi sẽ áp dụng một cách đầy đủ chế độ này ở một diện rộng hơn.
b) Đối với các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh khác (kể cả trung ương và địa phương) trong năm 1974 chỉ mới áp dụng phân phối lợi nhuận theo 2 quỹ (quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi) mà chưa áp dụng các khoản phân phối lợi nhuận khác (trích lập quỹ khuyến khích phát triển sản xuất, tham gia đầu tư vốn cố định, bổ sung vốn lưu động định mức cần tăng thêm). Tuỳ theo trình độ đạt được theo các điều kiện quy định ở các xí nghiệp cụ thể mà áp dụng chế độ hai quỹ với mức độ thích hợp.
3. Giám đốc xí nghiệp cùng với tổ chức công đoàn xí nghiệp căn cứ vào nội dung và yêu cầu của 4 điều kiện, làm kế hoạch phấn đấu, đăng ký việc thực hiện 4 điều kiện với Bộ chủ quản và Bộ Tài chính, và đề nghị áp dụng chế độ phân phối lợi nhuận mới (theo mẫu đăng ký kèm theo ở phần phụ lục).
Bộ chủ quản có trách nhiệm xem xét, kiểm tra giúp đỡ xí nghiệp thực hiện 4 điều kiện và bàn với Bộ Tài chính cho xí nghiệp đăng ký được hưởng ở mức độ 2 quỹ (quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi) hay ở mức độ cao hơn (ngoài việc được trích lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, còn được trích lập quỹ khuyến khích phát triển sản xuất và các khoản phân phối khác theo chế độ).
Ở địa phương thì Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố xét duyệt theo đề nghị của Sở, Ty tài chính theo tinh thần thận trọng, chặt chẽ - trong năm 1974, các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh địa phương chỉ được áp dụng 2 quỹ (quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi), bắt đầu từ năm 1975 trở đi mới xét cho áp dụng dần dần rộng ra theo 3 quỹ và các khoản phân phối khác.
Chế độ phân phối lợi nhuận xí nghiệp quốc doanh là một bộ phận của chế độ quản lý xí nghiệp của Nhà nước. Các ngành, các địa phương, các đơn vị, các Công ty và liên hiệp xí nghiệp trong khi thực hiện cần rút kinh nghiệm kịp thời, bàn bạc với Bộ Tài chính để hướng dẫn các xí nghiệp thi hành, tiến tới hoàn chỉnh điều lệ tạm thời, ban hành điều lệ chính thức – nâng cao trình độ quản lý kinh tế tài chính, quản lý xí nghiệp của ta.
| QUYỀN BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
- 1Chỉ thị 165-TTg năm 1971 thực hiện chế độ phân phối lợi nhuận xí nghiệp công nghiệp quốc doanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 88-CP-1972 sửa đổi quy định về phân phối lợi nhuận và trích lập 3 quỹ trong Điều lệ tạm thời về phân phối lợi nhuận Xí nghiệp công nghiệp quốc doanh theo Nghị định 236-CP-1970 do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 3Nghị định 236-CP năm 1971 ban hành Điều lệ tạm thời phân phối lợi nhuận xí nghiệp công nghiệp quốc doanh do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 4Thông tư 03-TC/CNXD-1978 hướng dẫn thi hành chế độ phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ xí nghiệp để áp dụng trong cả nước từ năm 1977 trở đi do Bộ Tài chính ban hành
- 1Chỉ thị 165-TTg năm 1971 thực hiện chế độ phân phối lợi nhuận xí nghiệp công nghiệp quốc doanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 88-CP-1972 sửa đổi quy định về phân phối lợi nhuận và trích lập 3 quỹ trong Điều lệ tạm thời về phân phối lợi nhuận Xí nghiệp công nghiệp quốc doanh theo Nghị định 236-CP-1970 do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 3Nghị định 236-CP năm 1971 ban hành Điều lệ tạm thời phân phối lợi nhuận xí nghiệp công nghiệp quốc doanh do Hội đồng Chính phủ ban hành
Thông tư 14-TC/CNXD-1974 hướng dẫn thi hành Điều lệ tạm thời về phân phối lợi nhuận Xí nghiệp Công nghiệp quốc doanh, kèm theo Nghị định 236-CP-1970 do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 14-TC/CNXD
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 01/08/1974
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Đào Thiện Thi
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 13
- Ngày hiệu lực: 16/08/1974
- Ngày hết hiệu lực: 12/04/1978
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra