BỘ LAO ĐỘNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 14-LĐ/TT | Hà Nội, ngày 05 tháng 7 năm 1961 |
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
Kính gửi : | Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh. |
Việc khai thác gỗ, nứa phục vụ cho công nghiệp và kiến thiết cơ bản hiện nay là một vấn đề rất quan trọng. Nhưng quí 1 năm 1961 mới đạt trên 50% kế hoạch và quí II đang gặp nhiều khó khăn. Tình hình này ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện kế hoạch khai thác gỗ, cung cấp cho công nghiệp và xây dựng ngày càng lớn của Nhà nước.
Một trong những nguyên nhân không đảm bảo khai thác vận chuyển gỗ là các địa phương không nắm được khả năng thợ khai thác, vận chuyển, sử dụng nhân lực không hợp lý, hợp tác xã giữ sơn tràng ở nhà làm ruộng, quyền lợi của người đi làm sơn tràng với người nhà ở nhà làm ruộng trong hợp tác xã chưa được giải quyết thoả đáng nên anh em sơn tràng không muốn đi làm rừng và một số người đã bỏ nghề.
- Thi hành Nghị định số 8/CP ngày 18-4-1960 của hội đồng Chính phủ về đăng ký thợ và lao động ngoài biên chế Nhà nước.
- Xét yêu cầu nhân công của ngành nghề lâm nghiệp, và đề nghị của một số địa phương xin đăng ký thợ sơn tràng và thợ bè mảng.
Bộ ấn định tiến hành đăng ký thợ sơn tràng và thợ bè mảng ở những địa phương cần thiết như: Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Hải Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, NInh Bình, Thái Mèo, Hồng Quảng, Sơn Tây, Hải Dương, Thanh Hoá, Nghệ an, Hà tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh.
Mục đích và nội dung công tác đăng ký cũng như trách nhiệm các cấp, các ngành và các thủ tục, tổ chức cấp giấy đăng ký ... Bộ đã qui định rõ trong thông tư số 12/LĐ-TT ngày 20 tháng 5 năm 1960.
Thông tư này Bộ chỉ bổ xung những điểm cụ thể về đăng ký thợ sơn tràng và thợ bè mảng, còn các điểm qui định trong Thông tư số 12/LĐ-TT vẫn có giá trị áp dụng, không thay đổi.
1. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG CẤP GIẤY ĐĂNG KÝ:
Chỉ tiến hành đăng ký thợ sơn tràng và bè mảng ở các khu, thành, tỉnh đã ấn định ở phần trên, nhằm các đối tượng như sau :
1. Những người có nghề khai thác - vận chuyển gỗ (chặt hạ, kéo trâu, vận xuất...)
2. Những người có nghề vận chuyển, bè mảng (cốn, cánh bè, mảng)
3. Những người đốt, ủ, hầm than hoa.
Hiện chưa có việc làm hoặc đang làm tạm thời trong các cơ sở lâm nguyệt; đang tự do khai thác, vận chuyển gỗ bán cho Cơ quan Lâm nghiệp hoặc đã chuyển nghề nay muốn trở lại nghề cũ đều được cấp giấy đăng ký.
Những người ở các tỉnh miền xuôi (ngoài diện qui định ở trên) hiện đang làm ở các công trường lâm khẩn cũng được xét cấp giấy đăng ký (nếu làm các nghề kể trên)
(Tiêu chuẩn và đối tượng cụ thể có bản hướng dẫn kèm theo)
Trong đợt này không đăng ký :
1. Những ngươì hiện đang làm thường xuyên cho công trường khai thác ,công ty vận chuyển và đã được tổ chức, lãnh đạo chặt chẽ có thể thành lập các hợp tác xã chuyên nghiệp sau này (hợp tác xã lâm nghiệp hoặc hợp tác xã bè mảng tách khỏi nông nghiệp).
2. Những người trong biên chế của cac công trường lâm khẩn, các công ty vận chuyển (sẽ cấp sổ lao động).
3. Những người đã được địa phương cùng cơ quan Lâm nghiệp và Lao động tổ chức thành các hợp tác xã lâm nghiệp chuyên nghiệp (tách khỏi hợp tác xã nông nghiệp).
4. Những người làm ruộng và có tham gia làm nghề rừng trong thời gian không bận mùa màng.
Ngoài những đối tượng quy định, nếu cần đăng ký thợ nghề khác như : lấy nhựa thông, nhựa trám, cải tạo tu bổ rừng, làm đường vận xuất, lấy cần câu, trượt tuyết hoặc các lâm sản phụ khác... các địa phương cần xin ý kiến của Bộ lao động.
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VIỆC CẤP GIẤY ĐĂNG KÝ
1. Ở các khu, thành, tỉnh đang tiến hành đăng ký thợ kiến trúc, cơ khí, ban đăng ký còn tồn tại thì tiếp tục làm nhiệm vụ đăng ký thợ sơn tràng, thợ bè mảng.
Các tổ chức ấp giấy đăng ký ở huyện, xã vẫn như quy định ở Điều 2 phần VII của Thông tư số 12/LĐ-TT.
Thành phần ban đăng ký cần bổ xung thêm đại biểu của cơ quan Lâm nghiệp địa phương.
2. Ở các khu, thành, tỉnh nào đã căn bản hoàn thành đăng ký thợ kiến trúc, cơ khí, ban đăng ký đã giải tán thì Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh chịu trách nhiệm về việc cấp giấy đăng ký,còn cơ quan Lao động, Lâm nghiệp và Công an giúp việc tiến hành (do cơ quan Lao động làm thường trực).
- Uỷ ban hành chính huyện chịu trách nhiệm về việc cấp giấy đăng ký trong huyện có sự giúp việc của cán bộ nhân lực huyện, cán bộ trạm, hạt lâm nghiệp (nếu có) và cán bộ công an huyện.
- Uỷ ban hành chính xã chịu trách nhiệm về việc cấp giấy đăng ký trong xã, có uỷ viên Uỷ ban hành chính chuyên trách và trưởng công an xã giúp việc.
Cần chú ý sử dụng những cán bộ đã làm công tác đăng ký lần trước và cần phân nhiệm cụ thể giữa hai cơ quan Lao động, Lâm nghiệp để đảm bảo tiến hành đăng ký được nhanh gọn và đạt kết quả tốt.
Sau khi nhận thông tư này, các địa phương xúc tiến công việc chuẩn bị để tiến hành ngay để hoàn thành việc đăng ký, tổ chức quản lý vào cuối tháng 11-1961 và báo cáo kết quả về Bộ.
Cấp giấy đăng ký đến đâu phải tổ chức và quản lý đến đó. Nếu thợ còn ở địa phương thì do hợp tác xã nông nghiệp quản lý. Nếu thợ đang ở công trường, do đơn vị sử dụng quản lý. Cơ quan Lao động nắm tình hình để sắp xếp lực lượng, cung cấp kịp thời cho kế hoạch Nhà nước.
1. Hình thức tổ chức
- Tổ sơn tràng chuyên nghiệp nằm trong hợp tác xã nông nghiệp: Căn cứ vào tình hình sản xuất nông nghiệp, vào yêu cầu của lâm nghiệp mà tổ chức một hay nhiều tổ sơn tràng chuyên nghiệp. Hợp tác xã sẽ ký hợp đồng nhận khoán việc của cơ quan Lâm nghiệp và sắp xếp lực lượng đi làm.
Số thợ này chỉ tham gia sản xuất nông nghiệp khi nào không có việc khai thác gỗ.
- Tổ vận chuyển bè mảng chuyên nghiệp nằm trong hợp tác xã nông nghiệp: cũng tổ chức theo tinh thần như trên.
2. Số lượng tổ viên, tổ trưởng, tổ phó và thư ký, thủ quỹ:
Các địa phương dựa vào bản kế hoạch tổ chức quản lý thợ kiến trúc số 226/LĐ-NC ngày 18-2-1961 và căn cứ vào tình hình thực tế của từng nơi mà quy định cho phù hợp miễn sao bảo đảm việc cung cấp thợ cho kế hoạch được kịp thời.
Ngoài ra, còn những anh em vừa làm ruộng, vừa làm nghề khai thác, vận chuyển gỗ hoặc các nghề khác như lấy nhựa thông, nhựa trám v.v... trong những thời gian không bận sản xuất nông nghiệp (thời vụ) thì chỉ thống kê, nắm số lượng, nghề nghiệp để bố trí đi làm theo thời vụ và khi cần điều động, tuyển dụng đến đâu sẽ cấp giấy đăng ký đến đó.
3.Xây dựng nội quy:
Căn bản giống như nội quy tổ thợ kiến trúc. Cần quy định rõ thêm về việc quản lý, điều hoà sức kéo và các phương tiện vận chuyển để tránh mắc mứu giữa nông nghiệp và lâm nghiệp, ảnh hưởng đến công việc.
Đăng ký thợ sơn tràng và thợ bè mảng có nhiều khó khăn, phức tạp hơn so với đăng ký thợ kiến trúc, cơ khí. Nếu làm không thận trọng, chu đáo sẽ ảnh hưởng nhiều trong khi tiến hành và trong việc tổ chức, quản lý, điều phối sau này.
Để đảm bảo kết qủa tốt, đề nghị:
- Các Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh chú trọng lãnh đạo, giáo dục chu đáo và rút kinh nghiệm của đợt đăng ký thợ kiến trúc mà đề ra biện pháp thực hiện phù hợp.
Các Bộ Công an, Giao thông vận tải, Tổng cục lâm nghiệp và Ban Công tác nông thôn trung ương chr thị cho các cơ quan cấp dưới tích cực cộng tác với cơ quan Lao động địa phương thi hành tinh thần Nghị định số 8/CP của Hội đồng Chính phủ và tinh thần bản thông tư này.
Nguyễn Đăng (Đã ký) |
1. Chặt hạ và lao gỗ:
- Biết làm thứ rìu, mài lưỡi rìu đúng quy cách và biết chất gỗ cứng hay mềm, để sử dụng các loại rìu chặt hạ.
- Biết tính toán để cắt khúc đúng kích thước và loại gỗ, lược gỗ, bóc vỏ, đẽo bịn, chặt cành nhánh, xeo lao.
- Biết phân tích được các loại gỗ tứ thiết , hồng sắc, tạp mộc, ít nhất 10 loại tên gỗ.
- Hiểu biết thông thường công tác bảo vệ rừng trong khai thác như:định hướng cây ngã, tránh gẫy cây con, dọn dẹp cành nhánh, đề phòng tai nạn.
- Chặt được các loại gỗ thiết, hồng, tạp mộc từ 40 phân trở lên.
2. Kéo trâu vận xuất gỗ:
- Biết mắc trâu kéo từ 1 đến 4 con trâu trên các loại đường;
- Biết chọn dây kéo, biết buộc xeo trâu;
- Biết căn và nối dây kéo khi gặp khó khăn, biết trâu phá để phòng tai nạn.
- Biết xeo bắn lúc trâu dừng kéo, bò đà lúc trâu đi
- Hiểu biết thể lệ bảo vệ rừng trong lúc chặt đòn xeo;
- Làm được sơ bộ thử và chọn rìu
3.Đóng cốn xuôi cánh bè
- Biết bổ lạt, chẻ lạt, bện dây xeo, chèo chống, xeo bắn bảo đảm an toàn lao động.
- Hiểu biết thông thường công tác bảo vệ rừng trong lúc chặt.
- Biết cột buộc, chèo và xuôi được các mảng đơn ở các suối, sông, bảo đảm chắc chắn.
- Biết làm thử và mài rìu đúng quy cáh, chẻ chặt từ 25 đến 30 cây nứa một công.
4. Đốt than, ủ, hầm hoa:
- Chặt chọn được củi, phân biệt được các loại cây để đốt than ủ, hầm hoa.
- Biết làm thử, chọn rìu, biết xếp củi vào lò, chặt củi đúng kỹ thuật, bảo đảm chất lượng than và lợi công.
- Biết công tác bảo vệ rừng trong việc chặt củi làm than.
- Tắt được lò, đắp than đúng lúc và cách thức sàng lọc than.
Thông tư 14-LĐ/TT năm 1961 bổ sung Thông tư 12-LĐ-TT năm 1960 về việc đăng ký thợ và lao động ngoài biên chế Nhà nước
- Số hiệu: 14-LĐ/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 05/07/1961
- Nơi ban hành: Bộ Lao động
- Người ký: Nguyễn Đăng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 35
- Ngày hiệu lực: 20/07/1961
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định