PHỦ THỦ TƯỚNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 14-BT | Hà Nội, ngày 08 tháng 04 năm 1972 |
HƯỚNG DẪN VIỆC KHEN THƯỞNG THÀNH TÍCH PHÒNG VÀ CHỐNG LỤT, BÃO
Miền Bắc nước ta hàng năm thường hay có bão và lũ vào khoảng từ tháng 06 đến tháng 10 dương lịch. Đổ đồng mỗi năm có 2, 3 cơn bão vào, năm nào cũng có nhiều cơn lũ từ thượng nguồn đổ xuống và thường gây ra nhiều thiệt hại.
Để góp phần động viên mọi người, mọi ngành, mọi lực lượng tích cực tham gia vào việc phòng, chống lụt, bão, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do lũ, lụt, bão gây nên và khắc phục nhanh chóng hậu quả của thiên tai, Phủ Thủ tướng hướng dẫn việc khen thưởng thành tích phòng và chống lụt, bão như dưới đây.
I. THÀNH TÍCH ĐƯỢC XÉT KHEN THƯỞNG
Thành tích được xét khen thưởng trong công tác phòng và chống lụt, bão gồm:
- Tích cực sửa chữa, bồi trúc, tăng cường đê, kè, cống; hoàn thành kế hoạch củng cố đê, kè, cống theo đúng thời gian quy định và bảo đảm chất lượng.
- Tích cực dọn lòng sông, khai thông dòng chảy. Chuẩn bị chu đáo và làm tốt việc phân lũ, chậm lũ.
- Quản lý tốt đê, kè, cống, lòng sông, bãi sông. Trong mùa lũ, bão, tăng cường kiểm tra, canh gác nghiêm ngặt, phát hiện và xử lý kịp thời những nơi hư hỏng, rò rỉ, sạt lở…
- Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, vật liệu, phương tiện để phòng và chống lụt, bão và huy động đầy đủ, nhanh chóng khi cần đến.
- Có kế hoạch chu đáo bảo đảm tính mạng, của cải của nhân dân, tài sản của Nhà nước, bảo đảm giao thông vận tải, thông tin liên lạc.
- Sáng suốt, dũng cảm, có hành động mau lẹ, cứu giữ được đê, kè, cống không bị vỡ mặc dầu bị uy hiếp nặng; hoặc kịp thời khoanh vùng và tích cực, khẩn trương, kiên trì chống đỡ, ngăn chặn nước lụt do vỡ đê nơi khác không tràn được vào địa phương hoặc đơn vị mình.
- Do chuẩn bị tốt và có những biện pháp tích cực, những hành động dũng cảm, khẩn trương, đã hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do bão, lụt, lũ gây ra: bảo vệ được tính mạng và tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước và của hợp tác xã; nhanh chóng ổn định đời sống của đồng bào nhất là về mặt ăn, ở và phòng bệnh; giữ vững trật tự, trị an; giữ vững thông tin liên lạc; quản lý chặt chẽ thị trường.
- Khắc phục nhanh chóng hậu quả của thiên tai: hàn khẩu kịp thời những nơi bị vỡ; nhanh chóng khôi phục mọi sinh hoạt bình thường của nhân dân, của đơn vị; nhanh chóng phục hồi sản xuất và đưa mọi hoạt động khác trở lại bình thường.
- Đoàn kết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giải quyết khó khăn trong vùng bị bão, hoặc ngập lụt. Sự giúp đỡ tích cực và kịp thời của những nơi không bị bão, lụt để nhanh chóng khôi phục sản xuất và ổn định đời sống.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG
Mọi đơn vị và cá nhân ở các địa phương, các ngành, các cấp, các đoàn thể, gồm cả nhân dân, bộ đội, cán bộ, công nhân, viên chức, từ các cụ già đến các em nhỏ, ai đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân, tinh thần dũng cảm hy sinh và tinh thần đoàn kết tương trợ mà lập được một trong những thành tích kể trên đều được xét khen thưởng. Những đơn vị và cá nhân không có điều kiện trực tiếp tham gia việc chống lụt, bão, nhưng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc ngày, đêm, phục vụ tốt và kịp thời cho việc hộ đê, cứu lụt, chống bão, cho việc nhanh chóng ổn định sinh hoạt của đồng bào và khắc phục hậu quả của thiên tai cũng được xét khen thưởng. Mức độ khen thưởng cao hay thấp sẽ tuỳ theo thành tích lớn hay nhỏ của mỗi đơn vị và cá nhân.
Để việc khen thưởng được kịp thời, các ngành, các cấp, các đoàn thể trước hết hãy sử dụng những hình thức khen thưởng rộng rãi sẵn có của mình như: biểu dương, ghi công, thư khen, giấy khen, bằng khen…
Đối với những thành tích thật xuất sắc thì đề nghị xét tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; trường hợp thành tích đặc biệt xuất sắc thì đề nghị xét tặng huân chương.
Để làm tốt việc khen thưởng nói trên, đề nghị các Bộ, cácỦy ban hành chính khu, thành, tỉnh chú ý mấy điểm dưới đây:
1. Trước hết cần làm cho các ngành, các cấp nhận rõ ý nghĩa quan trọng của việc khen thưởng kịp thời đối với những thành tích này là nhằm phát huy ngay tác dụng, phục vụ đắc lực cho việc hộ đê, cứu lụt, chống bão là công tác vô cùng khẩn trương trong mùa mưa, bão, có tính chất chiến đấu hàng ngày hàng giờ với thiên tai.
2. Khi xét khen thưởng, cần chú ý những đơn vị đã giải quyết tốt và kịp thời mọi công việc của mình với tinh thần tự lực cánh sinh cao và đặc biệt chú ý những người đã nêu cao tinh thần “mình vì mọi người”, dũng cảm cứu đê, cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của hợp tác xã, của nhân dân mà bị hy sinh hoặc bị thiệt hại về phần mình.
3. Đi đôi với việc biểu dương những đơn vị và cá nhân có thành tích phòng, chống lụt, bão theo tinh thần nghị quyết số 55-CP ngày 24 tháng 03 năm 1972 của Thường vụ Hội đồng Chính phủ, cần nghiêm khắc phê phán hoặc định kỷ luật nghiêm minh đối với những đơn vị hoặc cá nhân không chấp hành nghiêm chỉnh các mệnh lệnh chống lụt, bão của cấp trên hoặc vì thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra thiệt hại nặng đến tính mệnh, của cải của nhân dân, đến tài sản của Nhà nước.
4. Đối với thành tích phòng và chống lụt, bão của mọi đơn vị, mọi cá nhân dù thuộc các Bộ quản lý mà đóng ở địa phương hoặc được phái về địa phương công tác, nói chung đều doỦy ban hành chính các cấp xét khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.
Mỗi khi đề nghị lên Chính phủ xét khen thưởng cho đơn vị, cá nhân do mình quản lý hoặc do Bộ quản lý, các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh cần gửi cho Ban Chỉ huy chống lụt, chống bão trung ương và cho các Bộ chủ quản một bản sao để tham gia ý kiến với Phủ Thủ tướng.
Các Bộ chủ quản muốn xét khen thưởng cho các nhân hoặc đơn vị do mình quản lý thì trao đổi với Ủy ban hành chính tỉnh sở tại.
Nhận được thông tư này, đề nghị các Bộ, các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh phổ biến sâu rộng đến tận mọi người dân, mọi cán bộ,công nhân, viên chức, mọi cán bộ và chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang nhân dân và phải bố trí ngay cán bộ làm công tác này, nhất là ỏ các địa phương hàng năm thường hay xảy ra bão, lụt, lũ.
BỘ TRƯỞNG PHỦ THỦ TƯỚNG |
Thông tư 14-BT-1972 hướng dẫn việc khen thưởng thành tích phòng và chống lụt, bão do Phủ Thủ tướng ban hành
- Số hiệu: 14-BT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 08/04/1972
- Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
- Người ký: Trần Hữu Dực
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 6
- Ngày hiệu lực: 23/04/1972
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định