Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 14/2010/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 29 tháng 07 năm 2010

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ QUY TRÌNH DỰ BÁO LŨ

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Quyết định số 245/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUY ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về quy trình theo dõi, phân tích, dự báo lũ trên các hệ thống sông trong lãnh thổ Việt Nam.

2. Thông tư này áp dụng đối với:

a) Tổ chức, cá nhân thực hiện công tác dự báo lũ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Tổ chức, cá nhân được phép thực hiện dự báo lũ trong lãnh thổ Việt Nam căn cứ các quy định tại Thông tư này và điều kiện, khả năng thực tế của mình để vận dụng phù hợp.

Điều 2. Theo dõi, phát hiện nguyên nhân hình thành lũ

1. Các dấu hiệu xuất hiện lũ

a) Có hình thế thời tiết gây mưa, lũ.

b) Mưa lớn xảy ra liên tục và trên diện rộng với lượng mưa trung bình lưu vực có khả năng sinh lũ.

c) Đã xuất hiện lũ tại các trạm tuyến trên.

d) Cường suất lũ tại vị trí dự báo tăng lên.

2. Theo dõi, phát hiện lũ

a) Khi lũ lên mức báo động I và có khả năng lên báo động II tại một trong các sông chính toàn quốc, người thực hiện dự báo lũ (sau đây gọi là dự báo viên) báo cáo với người có thẩm quyền liên quan.

b) Khi lũ lên trên mức báo động II và có khả năng lên mức báo động III, dự báo viên báo cáo ngày 1 lần với người có thẩm quyền liên quan bằng văn bản.

c) Khi lũ đạt mức báo động III và còn tiếp tục lên nhanh, dự báo viên báo cáo ngày 2 lần với người có thẩm quyền liên quan bằng văn bản.

d) Khi phát hiện mực nước các hồ chứa đã xấp xỉ mực nước dâng bình thường và dự báo lưu lượng đến các hồ chứa tiếp tục tăng nhanh hoặc lũ do vỡ đê, đập, mưa cực lớn đột xuất có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội thì dự báo viên và người có thẩm quyền liên quan phải ra ngay bản tin thông báo lũ đặc biệt nguy hiểm.

đ) Sau khi ra bản tin, dự báo viên phải tiếp tục theo dõi để nhận định về mức độ lũ tiếp theo.

3. Trực lũ

Khi có lũ hoặc dự báo có khả năng xảy ra lũ, tổ chức làm dự báo phải tổ chức trực lũ.

Điều 3. Phân tích mưa, lũ

1. Phân tích tình hình thời tiết, mưa:

a) Phân tích hình thế thời tiết gây mưa.

b) Tính toán lượng mưa bình quân lưu vực.

c) Xác định cường độ mưa.

d) Xác định vùng đã xảy ra mưa.

đ) Xác định vùng sẽ xảy ra mưa.

e) Xác định lượng mưa dự báo trong 6 giờ, 12 giờ, 18 giờ và 24 giờ tiếp theo.

g) Xác định thời gian bắt đầu mưa và thời gian kết thúc mưa.

2. Phân tích tình hình lũ

a) Vẽ đường quá trình mưa, mực nước, lưu lượng của các vị trí từ thượng nguồn về hạ lưu.

b) Tính toán cường suất lũ lên trung bình và lớn nhất trong 6 giờ.

c) Tính toán biên độ lũ lên

d) Tính toán thời gian truyền lũ trên từng đoạn sông để xác định thời gian xuất hiện đỉnh lũ.

đ) Xác định vùng đã xảy ra lũ.

e) Xác định mức độ lũ đã xảy ra theo các tình huống lũ.

Điều 4. Dự báo lũ

1. Thu thập và xử lý số liệu

a) Cập nhật thường xuyên, liên tục số liệu quan trắc; tính toán, thống kê.

b) Xử lý, xác minh các trường hợp số liệu thiếu, muộn, sai sót.

c) Lưu trữ bằng văn bản việc thu thập, xử lý số liệu.

2. Thực hiện dự báo lũ

a) Dự báo lũ theo các phương pháp:

- Phương pháp quan hệ mưa - lũ;

- Phương pháp quan hệ mực nước hoặc lưu lượng tương ứng;

- Phương pháp hồi quy.

b) Dự báo lũ theo các mô hình:

- Mô hình thủy văn thông số tập trung;

- Mô hình thủy văn thông số phân bố;

- Mô hình diễn toán;

- Mô hình thủy lực.

c) Dự báo lũ theo các đặc trưng:

- Biên độ lũ, cường suất lũ lên (xuống) lớn nhất và trung bình;

- Trị số mực nước (lưu lượng) ứng với thời gian dự kiến, so sánh với các cấp báo động, loại lũ;

- Trị số và thời gian xuất hiện đỉnh lũ; so sánh các cấp báo động, loại lũ.

d) Trong trường hợp có khả năng xảy ra lũ lớn, lũ đặc biệt lớn, dự báo viên lựa chọn trận lũ tương tự đã xảy ra trong liệt số liệu quan trắc để xây dựng các kịch bản lũ có thể xảy ra căn cứ vào các yếu tố sau:

- Hình thế thời tiết gây mưa;

- Diện mưa và mức độ mưa trên lưu vực;

- Diện lũ và mức độ lũ trên lưu vực;

- Thời gian xảy ra lũ.

3. Hiệu chỉnh dự báo

a) Tính toán sai số giữa giá trị thực đo và dự báo của các lần dự báo trước; đánh giá kết quả dự báo theo sai số cho phép đã được quy định cho từng vị trí dự báo.

b) Phân tích nguyên nhân dẫn đến kết quả dự báo không chính xác.

c) Cập nhật các trị số sai số dự báo, phân tích quá trình thực đo và quá trình sai số.

d) Hiệu chỉnh dự báo theo các phương pháp:

- Phương pháp biểu đồ tương quan;

- Phương pháp hồi quy;

- Phương pháp lọc Kalman.

4. Lựa chọn trị số dự báo

a) Trường hợp tại một vị trí, các phương pháp cho các kết quả dự báo khác nhau không lớn thì phân tích và lựa chọn trị số phát báo; không tính trung bình khi các trị số dự báo khác nhau quá lớn.

b) Trường hợp các trị số dự báo theo các phương pháp và theo các dự báo viên khác nhau thì đưa ra trị số dự báo phù hợp nhất để phát báo; tùy theo mức độ lũ, người có thẩm quyền duyệt bản tin là người quyết định lựa chọn trị số dự báo.

5. Số bản tin và nội dung bản tin dự báo lũ

Thực hiện theo quy định tại Quyết định số 245/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ;

6. Bản tin dự báo lũ phải hoàn thành ít nhất 5 phút trước giờ phát tin chính thức.

7. Soát bản tin:

a) Bản tin phải ghi tên dự báo viên và người duyệt bản tin dự báo lũ; trong quy trình riêng phải ghi trách nhiệm cụ thể đối với dự báo viên, người đối chiếu kiểm tra và người phụ trách;

b) Đối với bản tin của các đơn vị thực hiện dự báo thuộc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia: nội dung bản tin phải thống nhất cho cùng một vị trí, lưu vực dự báo; trường hợp phát hiện có khác biệt thì phải thống nhất phương án và trị số phát báo; trường hợp không thống nhất, phải báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền giải quyết trước khi ra bản tin.

8. Theo dõi, giám sát

a) Sau khi phát tin dự báo, dự báo viên, tổ chức thực hiện dự báo tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến lũ, các phản ánh của người dùng tin dự báo để kịp thời bổ sung khi cần thiết.

b) Dự báo viên phải thực hiện đúng thời gian và nhiệm vụ của ca trực, cuối ca trực phải ghi nhật ký trực ca và bàn giao ca theo quy định.

c) Dự báo viên ghi kết quả dự báo lũ theo quy định.

Điều 5. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan

1. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường

a) Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia

Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức trực thuộc liên quan căn cứ các nội dung Thông tư này và lưu vực sông phụ trách, vị trí, điều kiện về trình độ công nghệ dự báo xây dựng các trình tự, phương án dự báo lũ cụ thể; tiến hành thẩm định, phê duyệt, kiểm tra việc thực hiện.

b) Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương trực thuộc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia

Xây dựng, báo cáo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia phê duyệt trình tự dự báo lũ theo phạm vi được giao.

c) Các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực trực thuộc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia

Xây dựng, báo cáo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia phê duyệt trình tự dự báo lũ theo khu vực phụ trách; ra các bản tin dự báo cho khu vực phụ trách; chỉ đạo, hướng dẫn, phê duyệt các phương án dự báo lũ của Trung tâm Khí tượng Thủy văn cấp tỉnh thuộc khu vực phụ trách.

d) Trách nhiệm của Trung tâm Khí tượng Thủy văn cấp tỉnh thuộc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực.

Xây dựng, báo cáo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực phê duyệt phương án dự báo lũ theo địa bàn phụ trách; ra các bản tin dự báo lũ của địa phương theo thẩm quyền.

2. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được phép thực hiện dự báo lũ trên lãnh thổ Việt Nam

Chịu trách nhiệm về kết quả dự báo lũ của mình; phối hợp và kịp thời thông báo cho các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường về các phát hiện tình huống bất thường trong quá trình thực hiện dự báo lũ.

Điều 6. Tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2010.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành các quy định tại Thông tư này.

3. Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các tổ chức, cá nhân thực hiện dự báo phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung./.

Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các đơn vị liên quan tới công tác dự báo thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Website Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Lưu: VT, KTTVBĐKH, PC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Đức

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 14/2010/TT-BTNMT quy định về quy trình dự báo lũ do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 14/2010/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/07/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường
  • Người ký: Nguyễn Văn Đức
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 503 đến số 504
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản