Hệ thống pháp luật

BỘ QUỐC PHÒNG
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------

Số: 14/2008/TT-BQP

Hà Nội, ngày 31 tháng 01 năm 2008

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 103/2007/NĐ-CP NGÀY 14/6/2007 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ VÀ TRÁCH NHIỆM CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TRONG VIỆC THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

Căn cứ Nghị định số 103/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ, quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sau đây gọi tắt là Nghị định số 103/2007/NĐ-CP); Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện các điều: 1, 2, 3, 4, 5, 9, 10, 13, 16, 17, 18, 19, 26 và 27 của Nghị định này trong các cơ quan, đơn vị quân đội như sau:

1. Phạm vi áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với người chỉ huy, chính uỷ, chính trị viên, cấp phó của người chỉ huy, phó chính uỷ, chính trị viên phó, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng và người lao động hợp đồng trong các cơ quan, đơn vị quân đội.

2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này một số từ ngữ được hiểu như sau:

a) “Người đứng đầu”, là người chỉ huy, chính uỷ, chính trị viên của các cơ quan, đơn vị quân đội;

b) “Cấp phó của người đứng đầu”, là cấp phó của người chỉ huy, phó chính uỷ, chính trị viên phó các cơ quan, đơn vị quân đội, được phân công giúp người chỉ huy, chính uỷ, chính trị viên phụ trách, quản lý, điều hành một hoặc một số lĩnh vực, công việc nhất định trong cơ quan, đơn vị và được ký thay người chỉ huy, chính uỷ, chính trị viên khi giải quyết công việc; đồng thời phải chịu trách nhiệm đối với những lĩnh vực, công việc được giao phụ trách, quản lý, điều hành.

c) “Cán bộ, công chức, viên chức”, là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ (sau đây gọi chung là quân nhân); công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng và lao động hợp đồng (sau đây gọi chung là công nhân viên chức quốc phòng) trong các cơ quan, đơn vị quân đội.

3. Nguyên tắc xác định trách nhiệm của ng­ười chỉ huy, chính uỷ, chính trị viên, cấp phó của người chỉ huy, phó chính uỷ, chính trị viên phó và quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng

a) Người chỉ huy, chính uỷ, chính trị viên, cấp phó của người chỉ huy, phó chính uỷ, chính trị viên phó (sau đây gọi chung là Thủ trưởng) các cơ quan, đơn vị trên cơ sở chức trách, nhiệm vụ được phân công phải đề ra các biện pháp, tổ chức thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và hướng dẫn của cấp trên; đồng thời phải chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc trách nhiệm liên đới khi để cơ quan, đơn vị do mình phụ trách xảy ra vụ vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

b) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp, nếu để cơ quan, đơn vị trực thuộc xảy ra vụ việc vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tuỳ theo tính chất, mức độ của vụ việc vi phạm, cũng có thể phải chịu trách nhiệm liên đới.

c) Quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng phải thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm chống lãng phí; đồng thời phải chịu trách nhiệm về những vi phạm của mình về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

d) Trường hợp vụ việc vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân thì ngoài cơ quan, đơn vị nơi xảy ra vụ việc vi phạm, thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị có người trực tiếp vi phạm và người liên quan đến vi phạm cũng phải chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc liên đới theo quy định tại Nghị định số 103/2007/NĐ-CP và Điều lệnh kỷ luật Quân đội nhân dân Việt Nam.

4. Trách nhiệm xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

a) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất Bộ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản mới cho phù hợp với yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

b) Trên cơ sở các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện; trong đó phải đề ra các biện pháp và kế hoạch thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong ngành, lĩnh vực mà cơ quan, đơn vị mình được giao quản lý, phụ trách.

c) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cấp dưới chịu trách nhiệm rà soát các văn bản do cơ quan, đơn vị mình ban hành, tiến hành sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và ban hành mới những quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cơ quan, đơn vị mình phù hợp với văn bản của cấp trên và yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan, đơn vị mình.

5. Trách nhiệm quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm chỉ đạo, hư­ớng dẫn, tổ chức thực hiện các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Điều lệ công tác tài chính Quân đội nhân dân Việt Nam, các chế độ và nguyên tắc tài chính; nâng cao chất lượng các khâu: lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, quản lý, sử dụng, kiểm soát chi và quyết toán ngân sách, thực hiện Quy chế công khai tài chính; Quy chế lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác tài chính; Quy chế quản lý sử dụng tài sản công trong Bộ Quốc phòng; đánh giá hiệu quả và giải trình việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước được giao.

6. Trách nhiệm quản lý đầu tư xây dựng các dự án sử dụng ngân sách nhà nước, tiền, tài sản nhà nước

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc quản lý, phê duyệt, triển khai dự án đầu tư đúng quy trình, quy chế quản lý đầu tư hiện hành của Nhà nước và Bộ Quốc phòng; thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, để bảo đảm hiệu quả đầu tư và yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xác định rõ trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân trong quản lý đối với từng khâu của quá trình đầu tư xây dựng các dự án.

7. Trách nhiệm giáo dục, huấn luyện, đào tạo và quản lý quân nhân; đào tạo, quản lý, sử dụng công nhân viên chức quốc phòng và sử dụng thời gian làm việc

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức và giám sát thực hiện các quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng về giáo dục, huấn luyện, đào tạo và quản lý quân nhân; đào tạo, quản lý, sử dụng công nhân viên chức quốc phòng và sử dụng thời gian làm việc; xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội và kỷ luật lao động; thực hiện nghiêm các quyết định về tổ chức biên chế.

8. Khen thưởng

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng có thành tích trong việc thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được xét khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng năm 2003; Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng; Thông tư số 163/2006/QĐ-BQP ngày 26/9/2006 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và Nghị định 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ về công tác thi đua khen thưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Quy chế công tác thi đua, khen thưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 137/2006/QĐ-QP ngày 14/8/2006 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

9. Kỷ luật

9.1. Căn cứ xem xét xử lý kỷ luật

a) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và quân nhân vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm chống lãng phí chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đều bị xem xét xử lý kỷ luật theo Điều lệnh Quản lý bộ đội Quân đội nhân dân Việt nam; đối với công nhân viên chức quốc phòng, việc xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của Pháp lệnh Cán bộ công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.

b) Khi xem xét xử lý kỷ luật Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, quân nhân và công nhân viên chức quốc phòng phải căn cứ vào: chức trách, nhiệm vụ được giao; tính chất, mức độ, tác hại và ảnh hưởng của vi phạm; hoàn cảnh vi phạm và thái độ sau vi phạm.

c) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, quân nhân và công nhân viên chức quốc phòng vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm chống lãng phí bị xử lý kỷ luật còn phải bồi thường thiệt hại gây ra. Việc bồi thường thiệt hại thực hiện theo quy định của pháp luật và Điều lệnh Quản lý bộ đội Quân đội nhân dân Việt nam.

9.2. Hình thức xử lý trách nhiệm đối với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, nếu để xảy ra vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách thì tùy theo tính chất mức độ của vụ việc sẽ bị xử lý kỷ luật theo Điều lệnh Quản lý bộ đội Quân đội nhân dân Việt Nam; Quyết định số 2530/2000/QĐ-BQP ngày 02/11/2000 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về xử lý kỷ luật đối với những hành vi vi phạm chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự (sau đây gọi tắt là Quyết định số 2530/2000/QĐ-BQP) và Quyết định số 82/2003/QĐ-BQP ngày 01/07/2003 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 2530/2000/QĐ-BQP ngày 02/11/2000 (sau đây gọi tắt là Quyết định số 82/2003/QĐ-BQP).

9.3. Hình thức xử lý kỷ luật đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng

a) Quân nhân vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm chống lãng phí tùy theo tính chất, mức độ của vụ việc sẽ bị xử lý kỷ luật theo Điều lệnh Quản lý bộ đội Quân đội nhân dân Việt Nam; Quyết định số 2530/2000/QĐ-BQP và Quyết định số 82/2003/QĐ-BQP.

b) Công nhân viên chức quốc phòng vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm chống lãng phí thì tùy theo tính chất, mức độ của vụ việc sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Pháp lệnh Cán bộ công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.

9.4. Thẩm quyền quyết định và trình tự thủ tục xử lý kỷ luật

a) Thẩm quyền quyết định kỷ luật đối với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực hiện theo Điều lệnh Quản lý bộ đội Quân đội nhân dân Việt Nam.

b) Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực hiện theo Điều lệnh Quản lý bộ đội Quân đội nhân dân Việt Nam.

10. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

11. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm những quy định của Nghị định số 103/2007/NĐ-CP và Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, thì chỉ huy các cơ quan, đơn vị báo cáo về Bộ Quốc phòng (qua Cục Quân huấn), để xem xét, giải quyết./.


Nơi nhận
- TTg Chính phủ (để báo cáo);
- Các Thủ trưởng BQP, Chủ nhiệm TCCT;
- Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ;
- Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
- Công báo, Website Chính phủ;
- Cục Quân huấn/BTTM;
- Lưu: VT, PC (Huy78b).

BỘ TRƯỞNG
ĐẠI TƯỚNG




Phùng Quang Thanh

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 14/2008/TT-BQP hướng dẫn Nghị định 103/2007/NĐ-CP quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do Bộ Quốc phòng ban hành

  • Số hiệu: 14/2008/TT-BQP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 31/01/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Phùng Quang Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 107 đến số 108
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản