BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2001/TT-BTC | Hà Nội, ngày 09 tháng 3 năm 2001 |
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng; Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/05/2000 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ;
Căn cứ công văn 671/CP-CN ngày 18/7/2000 của Chính phủ về chương trình thanh niên xoá cầu khỉ, xây dựng cầu nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long và công văn số 1116/CP-CN ngày 05/12/2000 của Chính phủ về phương thức và cơ chế quản lý dự án thí điểm xây dựng mới 395 cầu thuộc chương trình thanh niên xoá cầu khỉ ở đồng bằng sông Cửu Long;
Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính cho dự án thí điểm xây dựng mới 395 cầu thay thế cầu khỉ ở 6 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như sau:
1. Phạm vi áp dụng Thông tư này là dự án thí điểm xây dựng mới 395 cầu thuộc chương trình Thanh niên xoá cầu khỉ, xây dựng cầu nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long được thực hiện trên địa bàn 6 tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang và Bến Tre, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quản lý và tổ chức thực hiện.
2. Dự án thí điểm xây dựng 395 cầu được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn: vốn ngân sách trung ương (kể cả nguồn thu phí cầu Mỹ Thuận được dể lại dùng cho việc xoá cầu khỉ), vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động khác như viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, lao động thanh niên tình nguyện...
3. Các nguồn vốn đầu tư của dự án phải được quản lý thống nhất theo Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng, đầu tư đúng mục đích, đảm bảo chất lường, hiệu quả, tập trung vốn hoàn thành dứt điểm từng công trình trong thời hạn ngắn nhất để sớm đưa vào khai thác sử dụng, tránh phân tán vốn, kéo dài thời gian xây dựng công trình và không để thất thoát vốn.
1. Các nguồn vốn đầu tư cho dự án gồm:
- Vốn từ ngân sách trung ương được bố trí trong kế hoạch đầu tư XDCB hàng năm do Trung ương Đoàn TNCSHCM phân bổ và số thu phí cầu Mỹ Thuận được để lại dùng cho việc xoá cầu khỉ.
- Vốn từ ngân sách địa phương do UBND tỉnh bố trí trong dự toán chi đầu tư XDCB hàng năm của ngân sách địa phương.
- Vốn đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (kể cả giá trị ngày công lao động của thanh niên tình nguyện).
2 . Nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách;
2.1 Nguồn vốn ngân sách địa phương:
Kế hoạch vốn đối ứng của các địa phương (bao gồm cả nguồn ngân sách địa phương và vốn huy động) do Uỷ ban Nhân dân tỉnh phân bổ phải đảm bảo đúng dự toán được duyệt, gửi Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản HCM tổng hợp và làm căn cứ phân bổ vốn từ NSTW cho phù hợp.
2.2 Nguồn vốn ngân sách trung ương:
2.2.1- Căn cứ tổng mức vốn đầu tư được Chính phủ giao, tổng dự toán các dự án thành phần được duyệt, mức vốn của ngân sách địa phương và khả năng huy động các nguồn lực khác, Trung ương Đoàn TNCSHCM chủ trì phân bổ vốn đầu tư theo các nguyên tắc sau:
- Không vượt tổng mức vốn được Chính phủ giao.
- Đảm bảo đúng dự toán được duyệt và phù hợp với vốn đối ứng của các địa phương bố trí.
- Đảm bảo vốn để thi công công trình trong thời gian ngắn nhất để đưa công trình vào sử dụng.
- Đảm bảo vốn chi theo chế độ quy định cho một số nghiệp vụ ở Trung ương như sau:
+ Tổ chức điều tra, khảo sát, thẩm định dự án, thuê tư vấn thiết kế, chỉ đạo kỹ thuật cho dự án.
+ Tổ chức các hoạt động giám sát, kiểm tra, đánh giá dự án.
+ Tổ chức các hội nghị triển khai, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm thực hiện dự án ở Trung ương.
+ Triển khai các hoạt động quản lý, điều hành khác của Ban Quản lý dự án trung ương. Ban Quản lý dự án trung ương mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước để tiếp nhận, quản lý và sử dụng vốn.
2.2.2- Sau khi phân bổ vốn đầu tư cho từng dự án, Trung ương Đoàn TNCSHCM gửi bản phân bổ kế hoạch vốn đầu tư cho Bộ Tài chính (Vụ Đầu tư) để rà soát về thủ tục đầu tư và các điều kiện ghi kế hoạch theo quy định.
Trường hợp các dự án chưa đủ các điều kiện ghi kế hoạch, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị điều chỉnh lại. Trung ương Đoàn TNCSHCM giao chỉ tiêu kế hoạch khối lượng cho các chủ đầu tư để thực hiện.
3. Quy định về thanh toán, quyết toán vốn đầu tư
Việc thực hiện quản lý, kiểm soát, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư được thực hiện theo quy định hiện hành và bổ sung một số điểm sau đây:
3.1- Các nguồn vốn đầu tư cho dự án được tập trung quản lý thống nhất tại Kho bạc nhà nước để thanh toán cho các dự án đã được duyệt. Ban Quản lý dự án các dự án thành phần mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để thanh toán vốn đầu tư cho dự án đã được duyệt theo chế độ quản lý hiện hành.
Căn cứ vào kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) của dự án hàng năm, Bộ Tài chính (đối với ngân sách trung ương) và Sở Tài chính Vật giá (đối với ngân sách địa phương) chuyến vốn sang Kho bạc nhà nước để thanh toán cho các dự án.
Kho bạc nhà nước có trách nhiệm kiểm soát, thanh toán vốn cho dự án theo đúng quy định hiện hành của Chính phủ và Bộ Tài chính về việc quản lý, thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.
3.2- Tạm ứng vốn:
- Trường hợp đơn vị thi công là các đội Thanh niên tình nguyện, Thanh niên xung phong thì được tạm ứng 50% kế hoạch vốn được giao hàng năm và được thực hiện ngay sau khi có hợp đồng giao nhận thầu. Vốn tạm ứng được thu hồi dần vào từng kỳ thanh toán khối lượng hoàn thành và thu hồi hết trong năm kế hoạch. Số vốn thu hồi từng kỳ bằng 50% số vốn thanh toán khối lượng hoàn thành.
Trường hợp đơn vị thi công là các doanh nghiệp thì việc tạm ứng và thanh toán vốn theo quy định hiện hành.
Để được tạm ứng vốn, chủ đầu tư gửi đến Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản giấy đề nghị tạm ứng, văn bản phê duyệt kết quả đấu thầu hoặc chỉ định thầu của cấp có thẩm quyền, hợp đồng kinh tế giữa chủ đầu tư và nhà thầu.
3.3- Quyết toán vốn đầu tư:
Khì công trình hoàn thành, Ban QLDA tỉnh có trách nhiệm lập và quyết toán toàn bộ vốn đầu tư dự án hoàn thành với các cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Thông tư số 70/2000/TT-BTC ngày 17/7/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn quyết loàn vốn đầu tư; trong đó: phần vốn do ngân sách trung ương phân bổ - quyết toán với Trung ương Đoàn TNCSHCM, phần vốn ngân sách địa phương (bao gồm cả các nguồn vốn huy động khác tại địa phương) - quyết toán với Sở Tài chính Vật giá.
- Trung ương Đoàn TNCSHCM có trách nhiệm tổng hợp chung để báo cáo cấp có thẩm quyền.
- Khi bàn giao cầu, phải bàn giao toàn bộ hồ sơ về tài sản, kể cả hồ sơ quyết toán theo từng nguồn vốn (xác nhận số liệu thanh toán của Kho bạc nhà nước) để cơ quan tiếp nhận quản lý, sử dụng đúng chế độ; Lập biên bản bàn giao tài sản có sự chứng kiến của cơ quan Tài chính. Biên bản bàn giao tài sản được gửi 1 bản cho Trung ương Đoàn TNCSHCM để theo dõi, tổng hợp.
Căn cứ hướng dẫn tại Thông tư này, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với UBND 6 tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bến Tre và các ngành có liên quan lập kế hoạch chi tiết, triển khai thực hiện, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn lực của địa phương để thực hiện tốt dự án thí điểm xoá cầu khỉ xây dựng cầu nông thôn mới.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện có vấn đề gì vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu bổ sung, sửa đổi.
Vũ Văn Ninh (Đã ký) |
- 1Thông tư 79/2001/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính để thực hiện các dự án đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn do Bộ Tài chính ban hành
- 2Công văn 1094/TTg-CN năm 2019 thực hiện dự án cầu thay thế phà Cát Lái do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Nghị định 52/1999/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng
- 2Nghị định 12/2000/NĐ-CP sửa đổi Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định 52/1999/NĐ-Cp
- 3Thông tư 70/2000/TT-BTC hướng dẫn quyết toán vốn đầu tư do Bộ Tài chính ban hành
- 4Thông tư 79/2001/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính để thực hiện các dự án đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn do Bộ Tài chính ban hành
- 5Công văn 1094/TTg-CN năm 2019 thực hiện dự án cầu thay thế phà Cát Lái do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Thông tư 14/2001/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính cho dự án thí điểm xây dựng mới 395 cầu thay thế cầu khỉ ở 6 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Tài Chính ban hành
- Số hiệu: 14/2001/TT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 09/03/2001
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Vũ Văn Ninh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 09/03/2001
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết