Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 135-TC/TQD

Hà Nội, ngày 06 tháng 05 năm 1970

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 258-CP NGÀY 29-12-1969 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ KHOẢN THU CỦA NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG VỀ GIAO NỘP NÔNG SẢN, THỰC PHẨM

Thông tư này thay thế Thông tư số 18-TC/TQD ngày 14-01-1970.

Để khuyến khích các địa phương đẩy mạnh sản xuất và thu mua, tăng nguồn cung cấp nông sản, thực phẩm cho Nhà nước, nguyên liệu cho công nghiệp và các mặt hàng chủ lực cho xuất khẩu; để phân phối hợp lý hơn giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương nguồn thu của Nhà nước về nông sản, thực phẩm, làm cho ngân sách địa phương có thêm nguồn thu ổn định từ kinh tế địa phương, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258-CP ngày 29-12-1969 ấn định khoản thu của ngân sách địa phương về giao nộp nông sản, thực phẩm.

Căn cứ điều 11 của Quyết định số 258-CP và Thông tư liên bộ Tài chính - Nội thương – Ngân hàng Nhà nước số 93-TT/LB ngày 16-4-1970, Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn việc thi hành như sau:

1. Căn cứ điều 1 của Quyết định số 258-CP, khoản thu của ngân sách địa phương về giao nộp nông sản, thực phẩm (dưới đây gọi tắt là khoản thu cho ngân sách địa phương) chỉ áp dụng đối với những nông sản, thực phẩm của các cơ sở kinh tế do địa phương quản lý (sản phẩm của nhân dân, của hợp tác xã nông nghiệp, của kinh tế quốc doanh địa phương như nông trường địa phương v.v…) mỗi khi giao nộp cho các tổ chức kinh tế quốc doanh thuộc các ngành trung ương quản lý hay là thuộc các địa phương khác quản lý. Trường hợp các tổ chức kinh tế quốc doanh địa phương tiêu thụ các nông sản, thực phẩm nói trên, do chính địa phương mình sản xuất ra, thì không phải nộp khoản thu này. Cụ thể là:

a) Các tổ chức kinh tế quốc doanh: xí nghiệp thương nghiệp của ngành nội thương, ngoại thương, y tế (dược liệu), xí nghiệp công nghiệp, v.v… thuộc trung ương quản lý, mua nông sản, thực phẩm ghi ở điều 1 Quyết định số 258-CP đều phải chịu khoản thu cho ngân sách địa phương;

b) Các tổ chức kinh tế quốc doanh: xí nghiệp thương nghiệp của ngành nội thương, ngoại thương, y tế (dược liệu) xí nghiệp công nghiêp, v.v… thuộc các địa phương quản lý, mua nông sản, thực phẩm ghi ở điều 1 Quyết định số 258-CP, ở các địa phương khác cũng phải chịu khoản thu cho ngân sách địa phương;

2. Biện pháp thu quy định như sau:

a) Các xí nghiệp thương nghiệp thu mua cấp II, các công ty địa phương kinh doanh hàng xuất khẩu, v.v… thu mua nông sản, thực phẩm rồi giao nộp cho các đơn vị, các ngành trung ương hay cho các địa phương khác, đều phải nộp khoản thu cho ngân sách địa phương, sau khi bán hàng và thu được tiền về;

b) Các tổ chức kinh tế quốc doanh của trung ương, của các địa phương khác, trực tiếp thu mua nông sản, thực phẩm từ các cơ sở kinh tế tập thể và cá thể (hợp tác xã nông nghiệp, người sản xuất cá thể), không qua các xí nghiệp thương nghiệp thu mua như nói ớ điểm a trên đây, được mua theo giá chỉ đạo thu mua của Nhà nước, đồng thời phải nộp khoản thu cho ngân sách địa phương nơi sản xuất, ngay khi thanh toán tiền mua hàng;

c) Trừ trường hợp nói ở điểm a trên đây, các tổ chức kinh tế quốc doanh địa phương như nông trường quốc doanh địa phương có nông sản thực phẩm giao nộp thẳng cho các đơn vị, các ngành ở trung ương hay cho các địa phương khác, đều được bán theo giá bán gồm có khoản thu cho ngân sách địa phương và phải nộp khoản thu đó vào ngân sách địa phương sau khi bán hàng và thuđược tiền về.

3. Khoản thu cho ngân sách địa phương về giao nộp nông sản, thực phẩm tính bằng một tỷ lệ phần trăm (%) trên giá chỉ đạo thu mua của Nhà nước (hoặc của cơ quan được Nhà nước ủy quyền ấn định giá thu mua). Khoản thu này phải nộp cho ngân sách của địa phương nơi sản xuất và giao nộp.

4. Mỗi địa phương được hưởng khoản thu nói trên về số sản phẩm giao nộp theo kế hoạch giao nộp của Nhà nước (hay cơ quan được Nhà nước ủy nhiệm) ấn định đối với địa phương đó: đối với ngành nội thương là chỉ tiêu kế hoạch của Bộ Nội thương về thu mua nông sản, thực phẩm ghi ở cột “điều đi”, mà xí nghiệp thương nghiệp thu mua cấp II giao cho xí nghiệp thương nghiệp cấp I hoặc cho xí nghiệp thương nghiệp cấp II tỉnh khác, v.v…

Đối với số thực phẩm mà địa phương cung cấp (theo chế độ giá bán lẻ) cho các cơ quan, trường học, bệnh viện, v.v… thuộc trung ương quản lý, đóng cố định tại địa phương, thì không được áp dụng khoản thu này.

5. Áp dụng chế độ thu cho ngân sách địa phương về giao nộp nông sản, thực phẩm:

a) Các xí nghiệp thương nghiệp thu mua cấp II, các công ty địa phương kinh doanh hàng xuất khẩu cần căn cứ vào giá vốn định mức của mình mà định lại giá cao (giá bán) khi giao nộp nông sản, thực phẩm cho các đơn vị các ngành trung ương hoặc các địa phương khác:

- Giá vốn định mức của đơn vị thu mua là giá chỉ đạo thu mua của Nhà nước cộng (+) phí thu mua định mức cộng (+) lợi nhuận định mức;

- Giá giao (giá bán) của đơn vị thu mua là giá vốn định mức (nói trên) cộng (+) khoản thu về giao nộp nông sản, thực phẩm.

b) Đối với các xí nghiệp công nghiệp, do có sự thay đổi giá nguyên liệu đưa vào sản xuất làm cho giá thành tăng hoặc giảm, nên mức tích lũy của xí nghiệp công nghiệp nộp cho ngân sách Nhà nước cũng thay đổi. Các xí nghiệp công nghiệp phải tính toán lại giá thành mới để đề nghị mức tích lũy mới;

c) Đối với các xí nghiệp ngoại thương, cũng có sự thay đổi giá vốn mua hàng xuất khẩu; khoản tăng hoặc giảm này được giải quyết ở khâu thu hay bù chênh lệch ngoại thương;

d) Đối với các xí nghiệp nội thương, cũng có sự thay đổi về giá mua và giá bán:

- Xí nghiệp thương nghiệp cấp I kinh doanh hàng nông sản, thực phẩm qua xí nghiệp thương nghiệp thu mua cấp II, phải thanh toán theo giá mới, tức là giá giao như quy định ở điểm a (trên đây). Xí nghiệp thương nghiệp cấp I khi bán ra thì theo giá bán buôn thương nghiệp cấp I (giá bán lẻ trừ (-) chiết khấu thương nghiệp). Khoản chênh lệch (tăng hoặc giảm) phát sinh giữa giá bán buôn thương nghiệp cấp I với giá vốn (giá mua mới cộng (+) chiết khấu thương nghiệp cấp I), thuộc ngân sách trung ương giải quyết: xí nghiệp thương nghiệp cấp I nộp ngân sách trung ương hoặc được ngân sách trung ương cấp bù. Trường hợp xí nghiệp thương nghiệp cấp I kinh doanh hàng nông sản, thực phẩm và bán cho các xí nghiệp sản xuất công nghiệp để làm nguyên liệu sản xuất, xí nghiệp thương nghiệp cấp I được bán với giá vốn cộng (+) thặng số thương nghiệp của cấp I. (Chú ý: trong trường hợp này, giá nguyên liệu mà xí nghiệp công nghiệp phải trả thường sẽ cao hơn là khi xí nghiệp công nghiệp đi mua trực tiếp. Cho nên phương hướng chung là xí nghiệp công nghiệp nên tìm mua nguyên liệu thẳng, không qua thương nghiệp).

- Xí nghiệp thương nghiệp cấp II kinh doanh hàng nông sản, thực phẩm qua xí nghiệp thương nghiệp thu mua cấp II tỉnh khác, phải thanh toán theo giá giao như quy định ở điểm a (trên đây). Khoản chênh lệch (tăng hoặc giảm) giữa giá bán lẻ tại địa phương và giá vốn (giá mua mới cộng (+) chiết khấu thương nghiệp cấp II) thuộc ngân sách địa phương tỉnh tiêu thụ giải quyết.

Trường hợp xí nghiệp thương nghiệp cấp II mua hàng nông sản, thực phẩm qua xí nghiệp thu mua cấp II cùng tỉnh, để tiêu thụ ngay tại địa phương mình, thì phải thanh toán theo giá bán lẻ tại địa phương trừ (-) chiết khấu thương nghiệp cấp II. Nếu có chênh lệch (tăng hay giảm) giữa giá bán lẻ trừ (-) chiết khấu thương nghiệp cấp II với giá vốn định mức của xí nghiệp thương nghiệp thu mua cấp II, thì ngân sách địa phương thu hay bù cho xí nghiệp thương nghiệp thu mua cấp II.

đ) Đối với các tổ chức kinh tế quốc doanh địa phương (như nông trường quốc doanh địa phương) giao nông sản, thực phẩm cho các đơn vị các ngành ở trung ương và các địa phương khác thì giá giao của tổ chức này được tính như sau: giá chỉ đạo bán ra của Nhà nước cộng (+) khoản thu về giao nộp nông sản, thực phẩm.

6. Đối với những nông sản, thực phẩm không có trong danh mục ghi ở điều 1 Quyết định số 258-CP, nếu xí nghiệp thương nghiệp thu mua cấp II giao cho các tổ chức kinh tế quốc doanh trung ương hay cho các địa phương khác, thì giữ nguyên giá giao hiện hành, còn:

- Giá vốn định mức thì tính như quy định ở điểm a điều 5 trên đây;

- Và khoản chênh lệch (tăng hay giảm) giữa giá giao và giá vốn thì thuộc diện ngân sách địa phương giải quyết.

7. Những nông sản, thực phẩm của các tổ chức kinh tế quốc doanh của trung ương đóng tại địa phương (nông trường quốc doanh trung ương, lâm nghiệp trung ương, đoàn tàu đánh cá trung ương…) giao nộp cho bất kỳ ai cũng đều không áp dụng khoản thu cho ngân sách địa phương về giao nộp nông sản, thực phẩm; việc mua bán, thanh toán và thu nộp ngân sách; việc mua bán, thanh toán và thu nộp ngân sách (thuế doanh nghiệp và nộp lãi) vẫn theo như các chế độ, thể lệ hiện hành đã quy định. Tuy nhiên, để thuận tiện cho việc hạch toán kế toán và cho việc thanh toán của xí nghiệp, riêng đối với các nông sản thuộc loại chịu thuế hàng hóa (như thuốc lá), thì được bán ra theo giá bán áp dụng đối với hàng cùng loại mà địa phương giao nộp cho trung ương, nghĩa là bằng (=) giá chỉ đạo bán ra của Nhà nước cộng (+) khoản thu về giao nộp nông sản, thực phẩm. Khoản thu này nộp vào ngân sách trung ương, loại III C, khoản 90; hạng thì tùy theo mặt hàng cụ thể mà ghi vào các hạng 1,2,3,4 theo quy định.

8. Về thủ tục thu nộp

a) Các đơn vị nộp khoản thu của ngân sách địa phương về giao nộp nông sản, thực phẩm phải chủ động làm tờ khai (mẫu đính kèm) ([1]) có ghi đầy đủ: số lượng nông sản, thực phẩm, theo từng mặt hàng; giá giao hàng (đối với các tổ chức thu mua ở địa phương khi bán hàng) hoặc giá mua cộng (+) khoản thu về giao nộp nông sản, thực phẩm (đối với các tổ chức kinh tế quốc doanh trực tiếp mua nông sản, thực phẩm không qua các tổ chức thương nghiệp thu mua ở địa phương); số phải nộp vào ngân sách Nhà nước. Tờ khai kiêm giấy ủy nhiệm chi nộp ngân sách phải làm thành 5 liên (1 cho cơ quan thu địa phương, 4 gửi ngân hàng Nhà nước địa phương); ngoài ra, đơn vị nộp cần giữ 1 bản lưu.

Các tổ chức thu mua ở địa phương, khi bán hàng, phải làm tờ khai hàng ngày về số nông sản, thực phẩm bán ra, có ghi từng hóa đơn bán hàng và phải nộp tờ khai đó ngay trong ngày giao hàng nếu được thanh toán tiền hàng theo phương pháp “nhờ thu”; nếu được thanh toán tiền hàng bằng sec (định mức hoặc báo chi) hay tiền mặt, thì phải nộp tờ khai chậm nhất là trong ngày giao hàng.

Ngày phải nộp khoản thu về giao nộp nông sản, thực phẩm là ngày mà, theo quy định của ngân hàng Nhà nước, tiền bán hàng phải vào tài khoản của xí nghiệp bán ở ngân hàng, nếu việc thanh toán tiền hàng tiến hành theo phương pháp “nhờ thu”.

Nếu thanh toán tiền hàng bằng séc (định mức hay báo chi) hay tiền mặt, thì phải nộp khoản thu này, chậm nhất là trong ngày kế tiếp ngày nhận được séc hay tiền mặt.

Các tổ chức kinh tế quốc doanh khác, trực tiếp mua nông sản, thực phẩm, không qua các tổ chức thu mua của địa phương, phải làm tờ khai theo từng chuyến hàng mua, nộp tờ khai và nộp khoản thu về giao nộp nông sản, thực phẩm, chậm nhất là trong ngày kế tiếp ngày thanh toán tiền mua hàng.

b) Ngân hàng Nhà nước, khi nhận được tờ khai nói ở điểm a, phải căn cứ vào thời hạn của Ngân hàng Nhà nước quy định mà theo dõi, đôn đốc việc thanh toán tiền hàng, giúp các xí nghiệp nộp khoản thu đó được đầy đủ, đúng hạn, và phải:

- Trích tài khoản của các tổ chức thu mua, chuyển nộp số phải nộp vào ngân sách địa phương hoặc ngân sách trung ương (như quy định trong thông tư này), ngay sau khi tiền bán hàng về tài khoản;

- Trích tài khoản của các tổ chức kinh tế quốc doanh khác (như quy định trong thông tư này), chuyển nộp số phải nộp vào ngân sách địa phương hoặc ngân sách trung ương, ngay sau khi xí nghiệp thanh toán tiền mua hàng.

c) Cơ quan thu địa phương phải kiểm tra tờ khai và đôn đốc việc thu nộp vào ngân sách khoản thu về giao nộp nông sản, thực phẩm.

9. Các đơn vị phải nộp khoản thu này, nếu đến hạn nộp mà chưa nộp, thì cứ mỗi ngày chậm nộp phải chịu phạt một số tiền bằng một phần vạn (0,01%) số tiền chậm nộp.

Cơ quan Ngân hàng Nhà nước, bưu điện, nếu có thiếu sót (chuyển tiền chậm, luân chuyển chứng từ chậm, v.v…), làm cho xí nghiệp phải phạt, thì phải bồi thường cho xí nghiệp.

10. Các nông sản, thực phẩm thuộc loại phải nộp khoản thu của ngân sách địa phương về giao nộp nông sản, thực phẩm nếu do các tổ chức quốc doanh kinh doanh thì không phải chịu thuế hàng hóa, thuế sát sinh và thuế doanh nghiệp (thi hành điều 8 Quyết định số 258-CP).

- Thuế hàng hóa vẫn áp dụng đối với các trường hợp trao đổi sản phẩm (trên mức tự sản tự tiêu) ở những nơi sản xuất lẻ tẻ, phân tán, mậu dịch quốc doanh chưa thống nhất thu mua.

- Thuế sát sinh còn áp dụng đối với các cơ quan, xí nghiệp và tư nhân mổ thịt để tiêu thụ (ăn hay nhượng lại).

11. Các quy định trong thông tư này được thi hành kể từ ngày 01-01-1970.

Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, các ngành ở trung ương, các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn các cơ sở chấp hành đầy đủ những quy định của Hội đồng Chính phủ (Quyết định số 258-CP ngày 29-12-1969) và những quy định trong thông tư này; trong quá trình thực hiện, đề nghị cho Bộ Tài chính biết những vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu bổ sung.





KT. BỘ TRƯỞNG TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Trịnh Văn Bính

[1]Không đăng mẫu tờ khai

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 135-TC/TQD-1970 hướng dẫn Quyết định 258-CP-1969 về khoản thu của ngân sách địa phương về giao nộp nông sản, thực phẩm do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 135-TC/TQD
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 06/05/1970
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trịnh Văn Bính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản