Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 132/2011/TT-BTC

Hà Nội, ngày 28 tháng 09 năm 2011

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ VƯỜN CÂY CAO SU KHI CỔ PHẦN HÓA

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 19 tháng 07 năm 2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần;

Thực hiện công văn số 442/TTg-ĐMDN ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc cổ phần hóa vườn cây, rừng trồng gắn với cơ sở chế biến;

Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp xác định giá trị vườn cây cao su khi cổ phần hóa, như sau:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích, yêu cầu của việc xác định giá trị vườn cây cao su khi cổ phần hóa:

- Bảo đảm tính đúng, tính đủ chi phí đầu tư vườn cây, giá trị thu hồi củi, gỗ ước tính trong tương lai trên cơ sở giá thị trường và các yếu tố ảnh hưởng bởi thời tiết, khí hậu.

- Bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, đơn vị cổ phần hóa có tài sản là vườn cây cao su, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.

- Đối với những tài sản khác ngoài vườn cây cao su, khi cổ phần hóa công ty được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng:

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu (bao gồm cả các đơn vị hạch toán phụ thuộc) có vườn cây cao su, có quyết định cổ phần hóa công ty của cơ quan có thẩm quyền bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập; Công ty mẹ, công ty con trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quyết định thành lập (sau đây gọi tắt là công ty).

Điều 3. Phạm vi điều chỉnh:

Vườn cây cao su được xác định giá trị khi cổ phần hóa công ty, bao gồm: Vườn cây cao su xây dựng cơ bản và vườn cây cao su kinh doanh.

Việc xác định giá trị vườn cây cao su để thí điểm cổ phần hóa gắn với cơ sở chế biến được thực hiện theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Vườn cây cao su đã có quyết định thanh lý của cơ quan có thẩm quyền nhưng tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp chưa tổ chức thanh lý thì không thực hiện đánh giá lại giá trị vườn cây để tính vào giá trị doanh nghiệp. Sau khi công bố giá trị doanh nghiệp, công ty có trách nhiệm quản lý và tổ chức thanh lý, nhượng bán vườn cây chưa tổ chức thanh lý nêu trên theo quy định hiện hành. Đến thời điểm bàn giao vốn, tài sản từ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu sang công ty cổ phần mà chưa tổ chức thanh lý thì công ty có trách nhiệm bàn giao vườn cây cao su chờ thanh lý cho Công ty mẹ hoặc chủ sở hữu về vốn của doanh nghiệp theo quy định.

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Yêu cầu kiểm kê phân loại vườn cây:

- Phân loại diện tích vườn cây xây dựng cơ bản và vườn cây kinh doanh theo diện tích hecta (ha) và độ tuổi vườn cây.

- Phân loại diện tích vườn cây xây dựng cơ bản và vườn cây kinh doanh theo hình thức đầu tư: Đầu tư trồng mới, đầu tư tái canh (vườn cây cao su trồng mới lại trên đất cao su đã thanh lý).

- Phân loại vườn cây cao su xây dựng cơ bản, vườn cây kinh doanh theo loại A, B, C, D tương ứng lần lượt với hệ số A = 1; B = 0,95; C = 0,9; D = 0,8. Tiêu chí làm căn cứ phân loại vườn cây do cơ quan có thẩm quyền ban hành, cụ thể:

+ Đối với công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thuộc Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập do Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước ban hành.

+ Đối với công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do các Bộ quyết định thành lập do Bộ trưởng các Bộ ban hành.

+ Đối với công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành.

Điều 5. Xác định giá trị vườn cây:

1. Xác định giá trị vườn cây cao su xây dựng cơ bản G(xdcb):

Giá trị vườn cây xây dựng cơ bản dựa trên suất đầu tư nông nghiệp bao gồm: Chi phí khai hoang hoặc phục hóa; Chi phí xây dựng vườn cây; Chi phí trồng mới; Chi phí chăm sóc vườn cây trong thời kỳ xây dựng cơ bản và chi phí xây dựng cơ bản khác do cơ quan có thẩm quyền (quy định tại Điều 4 của Thông tư này) ban hành cho mỗi công ty tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.

- Giá trị thực tế vườn cây cao su xây dựng cơ bản, được xác định cho từng diện tích (ha) của vườn cây và theo tuổi (i) với suất đầu tư nông nghiệp của vườn cây theo tuổi (i) nhân (x) với hệ số phân loại vườn cây xây dựng cơ bản tuổi (i) tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa doanh nghiệp, trong đó hệ số phân loại vườn cây xây dựng cơ bản căn cứ vào các tiêu chí quy định về mật độ cây ghép/ha, về bề vòng bình quân thân cây để đánh giá, phân loại. Hệ số phân loại thực tế vườn cây được xác định trên cơ sở kiểm kê, đánh giá theo các tiêu chí phân loại vườn cây do cơ quan có thẩm quyền quyết định tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa công ty, cụ thể:

Gi(xdcb) = Dt(xdcb) x Siđt x HSi(xdcb)

Trong đó:

+ Gi(xdcb) là giá trị vườn cây cao su xây dựng cơ bản tuổi i;

+ Dt(xdcb): Diện tích vườn cây xây dựng cơ bản;

+ Siđt là suất đầu tư nông nghiệp của vườn cây cao su xây dựng cơ bản tuổi i;

+ HSi(xdcb) là hệ số phân loại vườn cây cao su xây dựng cơ bản tuổi i.

* Giá trị vườn cây xây dựng cơ bản G(xdcb) = ∑Gi(xdcb)

2. Xác định giá trị vườn cây cao su kinh doanh G(kd):

2.1. Giá trị thực tế vườn cây cao su kinh doanh, được xác định cho từng diện tích (ha) của vườn cây theo tuổi (i), cụ thể:

Giá trị thực tế vườn cây (ha) tuổi i Gi (kd) = (Giá trị còn lại đã điều chỉnh của vườn cây cao su tuổi i x Hệ số phân loại thực tế của vườn cây tuổi i) + Giá trị hiện tại của giá trị thanh lý vườn cây cao su đang kinh doanh tuổi i, trong đó:

a. Giá trị còn lại đã điều chỉnh của vườn cây cao su:

Giá trị còn lại đã điều chỉnh của vườn cây cao su tuổi i = Nguyên giá vườn cây đã được đánh giá lại – Giá trị đã khấu hao lũy kế đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, trong đó:

+ Nguyên giá vườn cây cao su đã được đánh giá lại: Được xác định theo suất đầu tư nông nghiệp của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hàng năm cho công ty hoặc theo địa bàn tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.

+ Giá trị đã khấu hao lũy kế: Được tính từ năm vườn cây bắt đầu khai thác đến thời điểm định giá trên cơ sở nguyên giá vườn cây cao su đánh giá lại và tỷ lệ khấu hao hàng năm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền ban hành.

b. Hệ số phân loại vườn cây: Được căn cứ vào các tiêu chí quy định về mật độ cây cạo, tình trạng mặt cạo, chất lượng vỏ cạo để đánh giá, phân loại vườn cây kinh doanh. Hệ số phân loại thực tế vườn cây được xác định trên cơ sở kiểm kê, đánh giá vườn cây theo các tiêu chí phân loại vườn cây do cơ quan có thẩm quyền quyết định tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa công ty.

c. Giá trị hiện tại của giá trị thanh lý vườn cây cao su đang kinh doanh: Giá trị hiện tại của giá trị thanh lý vườn cây cao su đang kinh doanh chưa hết thời gian khai thác phải được quy về giá trị hiện tại và ghi tăng giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, cụ thể:

Giá trị hiện tại của giá trị thanh lý vườn cây cao su

=

B

(1+k)(n+m-i)

Trong đó:

- B = Giá trị thanh lý/cây x Số cây cao su thực tế thanh lý x (1 - tỷ lệ gãy đổ bình quân)(n+m-i), trong đó:

+ Giá trị thanh lý/cây: Được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền của năm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa công ty, theo công thức:

Giá trị thanh lý/cây

=

Tổng doanh thu thanh lý vườn cây năm CPH công ty

Tổng số cây thanh lý trong năm

+ Số cây cao su thực tế thanh lý: Là số cây cao su thực tế thanh lý của vườn cây cao su tính hiện giá tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa công ty.

+ Tỷ lệ cây gãy đổ bình quân (cây gãy đổ/tổng số cây hữu hiệu): Theo thống kê thực tế từng công ty trong thời gian 03 năm liền kề với năm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa (không bao gồm số cây gãy đổ, chết do thiên tai bão, lốc, hỏa hoạn, địch họa) với tỷ lệ tối đa không vượt 1,5%.

- k: Lãi suất của trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 05 năm do Bộ Tài chính công bố tại thời điểm gần nhất với thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa công ty.

- i là độ tuổi thực tế của vườn cây cao su.

- m là số năm xây dựng cơ bản vườn cây (7 năm).

- n là thời gian khai thác vườn cây cao su (20 năm).

d. Hạch toán nguyên giá và khấu hao Giá trị hiện tại của giá trị thanh lý vườn cây cao su đang kinh doanh:

- Giá trị hiện tại của giá trị thanh lý vườn cây cao su đang kinh doanh được ghi nhận là tài sản cố định vô hình.

- Giá trị hiện tại của giá trị thanh lý vườn cây cao su đang kinh doanh không tiến hành trích khấu hao trong thời gian sử dụng vườn cây cao su kinh doanh và sẽ được trích khấu hao một lần tại thời điểm thanh lý vườn cây cao su.

2.2. Giá trị vườn cây kinh doanh G(kd) = ∑Gi (kd)

3. Giá trị vườn cây cao su để cổ phần hóa:

Giá trị vườn cây cao su để cổ phần hóa (G) = Giá trị vườn cây xây dựng cơ bản G(xdcb) + giá trị vườn cây cao su kinh doanh G(kd).

Điều 6. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2011.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, C/quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW & các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- VP ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- Sở T/chính, Cục thuế các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, Cục TCDN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Văn Hiếu

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 132/2011/TT-BTC hướng dẫn phương pháp xác định giá trị vườn cây cao su khi cổ phần hóa do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 132/2011/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 28/09/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trần Văn Hiếu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 525 đến số 526
  • Ngày hiệu lực: 15/11/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 10/06/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản