Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 02 năm 1963

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC ĐIỀU ĐỘNG CÁN BỘ NHÂN VIÊN THAY THẾ NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC ĐƯA VỀ TĂNG CƯỜNG CHO CẤP XÃ VÀ HỢP TÁC XÃ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Đầu năm nay, Trung ương Đảng và Chính phủ có chủ trương điều động một số lớn cán bộ về xã nhằm tăng cường lãnh đạo cấp xã và quản lý hợp tác xã nông nghiệp. Ngoài ý nghĩa quan trọng đó, việc điều động cán bộ lần này còn nhằm mục đích làm tinh giản bộ máy, giảm bớt biên chế ở các cơ quan, nhất là các cơ quan ở cấp trung ương và các thành phố lớn, đồng thời cũng góp phần vào việc hạn chế tốc độ tăng nhân khẩu phi nông nghiệp ở miềm Bắc nước ta.

Hiện nay, trong lúc thi hành chủ trương nói trên của Đảng và Chính phủ, một số ngành và cơ quan nhất là các ngành và cơ quan ở trung ương đang có những khuynh hướng lệch lạc làm sai lệch ý nghĩa mục đích của việc cung cấp cán bộ cho xã và hợp tác xã mà Trung ương Đảng và Chính phủ đề ra: một số ngành đưa cán bộ ở cơ quan hành chính, sự nghiệp về xã nhưng lại điều động người ở khu vực sản xuất sang hoặc lấy người ở các địa phương lên để thay thế số người đã rút đi. Làm như vậy sẽ dẫn đến tình trạng các địa phương và cơ sở sản xuất lại phải tuyển người mới để bù vào số người phải điều động lên cơ quan cấp trên và như thế sẽ làm cho biên chế chung của Nhà nước phình ra trong khi đang cần giảm bớt.

Để ngăn ngừa những lệch lạc nói trên, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành những biện pháp sau đây:

1. Thủ trưởng các ngành, các cơ quan, xí nghiệp một mặt phải tích cực thi hành chủ trương của Trung ương Đảng, Chính phủ về việc đưa cán bộ về tăng cường cho xã và hợp tác xã, cụ thể là phải cung cấp cán bộ theo đúng yêu cầu của Ban Tổ chức trung ương và Bộ Nội vụ đối với các cơ quan trung ương, và yêu cầu của Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh đối với cơ quan địa phương, nhưng mặt khác phải ra sức cải tiến tổ chức, cải tiến lề lối làm việc, sắp xếp lại bộ máy để đảm bảo làm tốt phần việc của những người được điều động về xã và hợp tác xã mà không phải lấy người thay thế. Các ngành cần phải quán triệt tinh thần của nghị quyết của hội nghị Trung ương lần thứ III đã chỉ rõ: “… phải phấn đấu để tăng sản xuất nhiều nhưng tăng người ít, tăng sản xuất mà không tăng người, hơn nữa tăng sản xuất mà giảm bớt người…”.

2. Đối với chỉ tiêu biên chế hành chính và sự nghiệp năm 1963 đã ghi trong kế hoạch Nhà nước, cần phải nhận định rõ đó là những chỉ tiêu xây dựng trong khi chưa tinh giản được tốt bộ máy của các cơ quan Nhà nước ,do đó các ngành và các địa phương phải phấn đấu thực hiện dưới mức chỉ tiêu đã đề ra, không nhất thiết sau khi cung cấp cán bộ cho xã và hợp tác xã, lại lấy người vào cho bằng mức chỉ tiêu đó.

3. Nói chung không đặt ra vấn đề lấy người để thay thế những cán bộ được điều động về nông thôn. Trong trường hợp cần thiết phải tăng cường bộ máy làm việc hoặc phải thay thế những người được điều động về nông thôn, các ngành phải được sự thỏa thuận của Bộ Nội vụ (nếu là thay người thuộc khu vực hành chính, sự nghiệp) hoặc Bộ Lao động (nếu là thay người thuộc khu vực sản xuất).

4. Trong trường hợp cần phải lấy người để thay thế những người được đưa về nông thôn, nói chung không được điều động từ địa phương lên trung ương hoặc từ khu vực sản xuất sang khu vực hành chính , sự nghiệp; trường hợp cần thiết đề bạt hoặc điều động một số cán bộ lãnh đạo từ địa phương và cơ sở sản xuất lên tăng cường cho cơ quan trung ương hoặc bộ máy lãnh đạo ở địa phương thì cũng phải được Bộ Nộ vụ thỏa thuận.

5. Bộ Nội vụ có trách nhiệm quản lý tổng số cán bộ do các cơ quan trung ương và địa phương cung cấp để tăng cường cho xã và hợp tác xã và theo dõi chặt chẽ việc lấy người thay thế ở các ngành, các địa phương thuộc khu vực hành chính, sự nghiệp; Bộ Lao động có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ việc lấy người thay thế ở khu vực sản xuất. Trường hợp có sự điều động thay thế không đúng tinh thần thông tư này thì phải kiên quyết gửi trả lại đơn vị, cơ quan cũ và thủ trưởng cơ quan phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.

Bộ Tài chính có trách nhiệm quản lý chặt chẽ quỹ lương của các ngành, các cơ quan và quỹ lương của số cán bộ điều động tăng cường cho xã và hợp tác xã; trường hợp điều động người không đúng nguyên tắc đã quy định trên đây thì kiên quyết không thanh toán lương.

6. Bộ Nội vụ và Bộ Lao động chịu trách nhiệm hướng dẫn việc thi hành thông tư này.

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 13-TTg năm 1963 về việc điều động cán bộ nhân viên thay thế những người được đưa về tăng cường cho cấp xã và hợp tác xã do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 13-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 21/02/1963
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 5
  • Ngày hiệu lực: 08/03/1963
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản