BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 13-TT/PC | Hà Nội, ngày 29 tháng 07 năm 1965 |
Thời gian qua tại một số đường ngang trên các tuyến đường sắt đã có những trường hợp xe ôtô, máy kéo v.v… khi đi tới đường ngang bị hư hỏng hoặc bị tai nạn nên xe phải nằm trên đường sắt. Lái xe không tích cực kéo, đẩy xe ra khỏi đường sắt mà lại không biết cách đặt tín hiệu phòng vệ nên đã có những trường hợp để xảy ra tai nạn, gây nhiều trở ngại cho việc chạy tầu và làm thiệt hại đến tài sản Nhà nước.
Để tránh những thiệt hại và để thống nhất cách phòng vệ và báo hiệu cho tàu hỏa trong những trường hợp trên đây, Bộ quy định bổ sung thêm một số điểm cụ thể vào điều 9 của Nghị định số 304-NĐ ngày 02-10-1957 quy định về đường ngang như sau:
Điều 9 trong Nghị định 304-NĐ ngày 02-10-1957 quy định: “Tuyệt đối cấm nhân dân và những người sử dụng đường bộ làm cản trở công việc của người gác đường ngang, tụ hợp hoặc dừng lại trong phạm vị đường ngang và không được tự động sử dụng những thiết bị và đèn tín hiệu đường ngang”.
Nay bổ sung thêm vào điều này như sau:
“Khi đang qua đường ngang nếu các xe có động cơ bị hư hỏng hoặc bị tai nạn phải nằm trên đường sắt thì người lái xe phải thực hiện các biện pháp phòng vệ để tránh tại nạn xảy ra như sau:
a) Trên đường ngang loại a (không có người gác).
1. Trường hợp khẩn cấp tầu đã gần đến nơi:
Người lái xe phải vừa chạy ngược chiều với tàu hỏa vừa hô hoán to, vừa cầm áo hoặc mũ, nếu là ban ngày, hoặc đốt một mồi lửa, nếu là ban đêm, quay vòng tròn hướng về phía tàu hỏa để báo hiệu cho tài xế tầu hỏa hãm đỗ lại.
2. Trường hợp chưa có tầu đến hay tầu còn ở xa:
Nếu có ga xe lửa ở gần đó và xét thấy có đủ thời gian chạy đến báo cho ga biết thì lái xe phải chạy đi báo ngay cho nhà ga để làm các thủ tục hãm tầu.
Trường hợp ga xe lửa ở xa, nếu xe có đủ người để làm tín hiệu hai đầu thì mỗi người đứng ở một đầu đường sắt cách chỗ xe nằm ít nhất 500m, khi thấy tàu đến thì vừa hô hoán to vừa cầm áo hoặc mũ v.v… (nếu là ban ngày) hoặc một mồi lửa (nếu là ban đêm) quay vòng tròn hướng về phía tầu để báo hiệu cho tài xế tầu hỏa hãm tầu lại. Nếu xe không đủ người làm tín hiệu ở hai đầu đường thì lái xe phải dùng hai chiếc cọc có buộc áo hoặc mảnh vải (nếu là ban ngày), cắm chắc chắn trên hai đầu đường sắt, cao ít nhất 1m và cách chỗ xe nằm ít nhất 500m để báo hiệu cho tài xế tầu lửa hãm tầu lại.
3. Đồng thời với việc thực hiện các biện pháp phòng vệ trên đây, lái xe phải tích cực và nhanh chóng kéo, đẩy xe ra khỏi đường sắt ít nhất 2m. Khi đã đẩy xe ra rồi thì lập tức phải cất tín hiệu phòng vệ do mình đã đặt trên đường sắt.
b) Trên các đường ngang loại b (có bố trí người gác cả ngày đêm).
Khi qua đường ngang loại B, tất cả những người điều khiển xe phải tuyệt đối tuân theo hiệu lệnh của người gác đường ngang.
Trường hợp xe đang qua đường ngang bị hư hỏng hay gặp tai nạn phải nằm trên đường sắt thì người gác đường ngang có trách nhiệm phải kịp thời làm các thủ tục phòng vệ và báo hiệu cho tầu hỏa. Người lái xe có xe nằm trên đường sắt phải tích cực giúp đỡ người gác đường ngang trong công tác phòng vệ đồng thời phải dùng mọi biện pháp nhanh chóng nhất đưa xe ra khỏi đường sắt ít nhất 2m.
Để các biện pháp phòng vệ và báo hiệu trên đây thực hiện được đầy đủ và thống nhất nhằm tăng cường công tác bảo đảm an tàn giao thông vận tải, ngăn ngừa được tai nạn xảy ra, Tổng cục đường sắt và Cục Vận tải đường bộ có trách nhiệm phổ biến đầy đủ thông tư này tới các đơn vị có các loại xe có động cơ. Nhất là cần phổ biến hướng dẫn cụ thể cho các anh em lái tầu hỏa, các lái, phụ xe ôtô, máy kéo v.v… trong các xí nghiệp vận tải, các cơ quan các ngành nói chung để nắm vững được những biện pháp phòng vệ quy định trong thông tư này.
Cục Vận tải đường bộ phải trích những phần cần thiết của thông tư này và niêm yết rõ tại các đường ngang để thông báo cho mọi người lái xe qua lại biết.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
Thông tư 13-TT/PC-1965 quy định biện pháp phòng vệ trường hợp các xe có động cơ bị hư hỏng hay bị tai nạn phải nằm trên đường ngang do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- Số hiệu: 13-TT/PC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 29/07/1965
- Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
- Người ký: Dương Bạch Liên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 13
- Ngày hiệu lực: 13/08/1965
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định