Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13-TD/CN

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 1961

THÔNG TƯ

BỔ SUNG NỘI DUNG LOẠI CHO VAY DỰ TRỮ VẬT TƯ TRÊN MỨC TIÊU CHUẨN TRONG KẾ HOẠCH VÀ NGOÀI KẾ HOẠCH QUY ĐỊNH TRONG THỂ LỆ CHO VAY NGẮN HẠN ĐỐI VỚI CÁC XÍ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP QUỐC DOANH BAN HÀNH 23-8-1957 VÀ TRONG THỂ LỆ CHO VAY ĐỐI VỚI VẬN TẢI QUỐC DOANH BAN HÀNH NGÀY 22-11-1958

Để thi hành Quyết định số 130-TTg ngày 4-4-1957 của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành từng bước chế độ hạch toán kinh tế đối với các xí nghiệp quốc doanh, và thi hành Nghị định số 144-TTg, ngày 9-4-1957 của Thủ tướng Chính phủ về việc thanh toán giữa các cơ quan và xí nghiệp Nhà nước với nhau, Ngân hàng Nhà nước đã có Nghị định số 448-VP/NgĐ ngày 23-8-1957 và Nghị định số 321 ngày 22-11-1958 ban hành thể lệ và biện pháp cho vay ngắn hạn đối với các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh và vận tải quốc doanh.

Trong thể lệ và biện pháp cho vay ngắn hạn nói trên, Ngân hàng Nhà nước có quy định các loại cho vay trong đó loại cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn trong kế hoạch và ngoài kế hoạch là quan trọng nhất, vì nội dung loại cho vay này, chẳng những giải quyết nhu cầu vốn lưu động cho xí nghiệp, mà còn có tác dụng đảm bảo những nguyên tắc cơ bản về quản lý vốn lưu động của Nhà nước nó quyết định một phần quan trọng việc kinh doanh tốt của xí nghiệp và giúp xí nghiệp thực hiện tốt chế độ tiết kiệm vốn cho Nhà nước. Số vốn Ngân hàng Nhà nước cho các xí nghiệp vay để dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn cấu tạo thành nguồn vốn lưu động tối cần thiết cho xí nghiệp trong một thời gian nhất định, để đảm bảo thực hiện kế hoạch sản xuất và lưu thông hàng hóa.

Từ năm 1958 đến nay, đi đôi với việc phát triển của các xí nghiệp quốc doanh, công tác quản lý các xí nghiệp ngày càng cải tiến, công tác cho vay của Ngân hàng cũng ngày càng mở rộng. Loại cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn ngày càng tăng, trở thành trọng điểm trong các loại cho vay đối với các xí nghiệp sản xuất công nghiệp và vận tải quốc doanh.

Để công tác cho vay và thu nợ của Ngân hàng tiến hành được tốt hơn nữa nhằm góp phần vào việc tăng cường chế độ hạch toán kinh tế ở các xí nghiệp công nghiệp, vận tải quốc doanh, đồng thời đảm bảo các nguyên tắc tín dụng ngắn hạn, đáp ứng với yêu cầu thực tế và thích hợp với trình độ hiện nay của các xí nghiệp trong quá trình dự trữ vật tư sản xuất, Ngân hàng trung ương ra thông tư này để bổ sung về nội dung loại cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn trong kế hoạch và ngoài kế hoạch đã quy định trong thể lệ cho vay ngắn hạn đối với các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, ban hành ngày 23-8-1957 và thể lệ cho vay đối với vận tải quốc doanh ban hành ngày 22-11-1958.

Nội dung thông tư này gồm có 3 phần:

1. Cách cho vay.

2. Cách thu nợ.

3. Cách kiểm tra sử dụng vốn vay của Ngân hàng.

I. CÁCH CHO VAY

Hàng năm căn cứ vào kế hoạch kinh tế quốc dân, kết hợp với việc cải tiến các điều kiện sản xuất, kinh doanh, điều kiện cung cấp tiêu thụ, điều kiện thanh toán, Nhà nước chỉ cấp cho các xí nghiệp một số vốn cần thiết tối thiểu đủ để đảm bảo cho xí nghiệp hoạt động bình thường và liên tục trong năm kế hoạch. Nhưng trong quá trình hoạt động, do những điều kiện cung cấp vật tư, tính chất sản xuất và tiêu thụ, có trường hợp xí nghiệp cần phải dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn theo thời vụ hay không theo thời vụ phải vay Ngân hàng để bù đắp cho các khoản vốn đó.

Khi xây dựng kế hoạch vốn lưu động định mức và kế hoạch cung cấp vật tư, có những khoản dự trữ trên mức tiêu chuẩn, do điều kiện cung cấp, sản xuất và tiêu thụ có thời vụ thì xí nghiệp, có thể biết trước để xây dựng kế hoạch dự trữ của xí nghiệp, nhưng cũng có trường hợp do nguyên nhân khách quan buộc xí nghiệp phải tạm thời dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn ngoài kế hoạch, cho nên để giúp đỡ xí nghiệp quản lý và sử dụng vật tư một cách chặt chẽ, nâng cao trình độ kế hoạch hóa các nguồn vốn, biện pháp cho vay của Ngân hàng cần phân biệt 2 loại cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn:

A. Cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn trong kế hoạch.

B. Cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn ngoài kế hoạch (nhu cầu tạm thời).

A. Cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn trong kế hoạch:

a) Đối tượng cho vay:

Đối tượng cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn trong kế hoạch bao gồm:

1. Các loại nguyên vật liệu chính.

2. Vật liệu phụ.

3. Nhiên liệu.

4. Bao bì.

5. Phụ tùng thay thế sửa chữa.

6. Sản phẩm đang chế tạo và bán thành phẩm tự chế.

7. Thành phẩm.

Nói chung, đối tượng cho vay trên mức tiêu chuẩn là từng nhóm vật tư theo các tài khoản trong bảng cân đối như trên. Nhưng tùy theo điều kiện định mức vốn và trình độ hạch toán của xí nghiệp, Ngân hàng có thể tách ra từng mặt hàng trong các nhóm nguyên vật liệu chính, vật liệu phụ v.v… thành đối tượng cho vay độc lập, nhưng với điều kiện là xí nghiệp có định mức tiêu chuẩn riêng biệt cho các loại mặt hàng đó.

Ví dụ: Một xí nghiệp cần dự trữ nguyên liệu trên mức tiêu chuẩn gồm có gang, sắt, chì chiếm một tỷ trọng lớn trong toàn bộ nguyên liệu, có định mức tiêu chuẩn riêng biệt, có theo dõi xuất nhập tồn kho riêng biệt thì khi cho vay Ngân hàng có thể tách ra thành đối tượng độc lập để tính toán cho xí nghiệp vay vốn.

b) Những trường hợp xí nghiệp phải dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn trong kế hoạch được vay Ngân hàng là:

Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh tốt của xí nghiệp, căn cứ vào tình hình cung cấp vật tư trong và ngoài nước, các xí nghiệp cần phải dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn theo kế hoạch trong những trường hợp sau đây được vay vốn của Ngân hàng:

1. Do tính chất cung cấp có thời vụ:

Trong những vật tư xí nghiệp cần phải dự trù để sản xuất có những loại vật tư cung cấp có tính chất thời vụ, nhất là các sản phẩm nông nghiệp như mía, chè, thuốc lá, nứa non, bông, hạt có dầu v.v… Khi định mức vốn về các loại nguyên liệu, nông nghiệp nói trên, Nhà nước chỉ tính mức bình quân cả năm cho những xí nghiệp sản xuất bình thường, hay định mức vốn theo quý thấp nhất cho những xí nghiệp sản xuất có thời vụ. Do đó, cho đến mùa thu hoạch xí nghiệp cần phải dự trữ đủ nguyên liệu để sản xuất đến mùa thu hoạch sau, cho nên nảy ra nhu cầu về vốn dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn theo đúng kế hoạch cung cấp nguyên liệu, vật liệu do xí nghiệp đã xây dựng từ đầu năm kế hoạch, song song với kế hoạch thu chi tài vụ được cấp trên của xí nghiệp duyệt y. Số vốn cần thiết để dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn theo thời vụ này được ghi vào kế hoạch tín dụng và Ngân hàng cho vay toàn bộ.

2. Do điều kiện cung cấp của những cơ quan bán hàng:

Đối với những vật tư mua nước ngoài, các Bộ chủ quản của xí nghiệp và Bộ Tài chính thường định mức cho xí nghiệp một số vốn đủ dự trữ trong phạm vi từ 3 đến 6 tháng. Nhưng do điều kiện sản xuất, vận tải của các nước bán hàng, hoặc khối lượng hàng mua vào cho xí nghiệp, số lần giao hàng cho xí nghiệp không ăn khớp với kỳ luân chuyển bình quân khi xét duyệt vốn. Ví dụ khi định mức vốn cho xí nghiệp để dự trữ một loại vật tư nào đó là 3 hoặc 6 tháng, nhưng khi ký hợp đồng với các cơ quan Ngoại thưong, do những điều kiện khách quan của các nước bạn, cơ quan Ngoại thương chỉ có thể giao hàng cho xí nghiệp 1 hay 2 lần trong một năm. Trong trường hợp như vậy, xí nghiệp có thể thấy trước và xây dựng kế hoạch vay vốn Ngân hàng để dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn. Căn cứ vào kế hoạch nhập hàng của xí nghiệp đã được xét duyệt và các giấy đòi nợ của các cơ quan cung cấp. Ngân hàng cho xí nghiệp vay để dự trữ trên mức tiêu chuẩn số vật tư đó.

3. Do điều kiện sản xuất có thời vụ:

Theo nguyên tắc định mức vốn lưu động cho các xí nghiệp sản xuất có tính chất thời vụ, thì những khoản định mức về vật rẻ tiền mau hỏng, phí tổn đợi phân bổ, đồ dùng và vật liệu đóng gói, tính theo định mức bình quân cả năm để định mức vốn lưu động cho cả năm, còn các khoản vốn lưu động khác như: nguyên liệu và vật liệu chủ yếu, nhiên liệu, v.v… phải căn cứ vào số vốn cần thiết cho quý thấp nhất để định mức vốn cả năm. Đến những quý sản xuất tăng, xí nghiệp sẽ có nhu cầu về vốn trên mức tiêu chuẩn để dự trữ nguyên nhiên vật liệu và cả những sản phẩm dở dang thành phẩm cần phải vay Ngân hàng.

Cho nên đối với các xí nghiệp công nghiệp sản xuất có thời vụ, căn cứ vào vốn lưu động định mức hàng năm, căn cứ vào số lượng vật tư cần thiết cho những quý sản xuất tăng lên, sẽ xây dựng kế hoạch vay vốn Ngân hàng để dự trữ vật tư trên mức vốn Nhà nước cấp.

4. Do điều kiện tiêu thụ sản phẩm có thời vụ:

Trong sản phẩm công nghiệp có những loại tiêu thụ theo thời vụ. Nhưng xí nghiệp vẫn phải sản xuất bình thường quanh năm. Về mặt định mức vốn để dự trữ thành phẩm, Nhà nước chỉ định mức dự trữ bình quân cả năm. Vì điều kiện tiêu thụ có thời vụ, có những tháng, quý, hàng sản xuất ra chưa nhập vào khâu lưu thông được, mà xí nghiệp phải làm cả nhiệm vụ dự trữ (trong trường hợp Chính phủ không quy định cho Thương nghiệp phải làm nhiệm vụ dự trữ hàng công nghệ phẩm sản xuất theo kế hoạch của Nhà nước) do đó, kho thành phẩm của xí nghiệp sẽ tăng lên nảy ra nhu cầu vốn để dự trữ thành phẩm trên mức tiêu chuẩn.

Để giải quyết phần vốn tăng lên, căn cứ vào kế hoạch tiêu thụ sản phẩm hàng năm, xí nghiệp sẽ lập kế hoạch vay vốn Ngân hàng để dự trữ thành phẩm trên mức tiêu chuẩn. Ngân hàng sẽ cho vay trên cơ sở số tồn kho thực tế của những loại hàng hóa đó, so với định mức kế hoạch, và dựa trên hợp đồng kinh tế ký kết giữa xí nghiệp với cơ quan tiêu thụ, để định thời hạn trả nợ.

c) Điều kiện để cho vay về dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn theo kế hoạch:

Muốn vay vốn Ngân hàng Nhà nước để dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn, trong phạm vi kế hoạch đã định mức trước, các xí nghiệp phải có các điều kiện sau đây:

1. Xí nghiệp phải có kế hoạch dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn có quy định thời hạn, số lượng và giá trị vật tư trên mức tiêu chuẩn được Bộ chủ quản xét duyệt. Các kế hoạch đó phải được ghi trong kế hoạch cung cấp nguyên vật liệu của xí nghiệp hoặc kế hoạch tiêu thụ sản phẩm có kèm theo hợp đồng kinh tế ký với các cơ quan Mậu dịch, hay cơ quan đặt hàng.

2. Hàng năm, và sau đó hàng quý xí nghiệp phải có kế hoạch xin vay về dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn gửi cho Ngân hàng.

3. Số tiền xin vay của xí nghiệp phải được Ngân hàng quy định về mục đích đó và ghi trong kế hoạch tín dụng của Ngân hàng.

4. Số tồn kho vật tư xin vay của xí nghiệp phải thực tế trên mức tiêu chuẩn.

Số vật tư tồn kho thực tế xin vay của xí nghiệp đến ngày vay tiền Ngân hàng, gồm có:

- Những vật tư hiện còn ở trong kho của xí nghiệp.

- Những hàng hóa đang trên đường đi, đã trả tiền hoặc chưa trả tiền cho người bán.

- Những vật tư hàng hóa đã chuyên chở đi, nhưng chưa làm thủ tục giấy tờ.

d) Cách tính toán cho vay và thủ tục giấy tờ:

Khi cho xí nghiệp vay để dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn Ngân hàng phải căn cứ vào số vật tư thực tế tồn kho trên mức tiêu chuẩn như đã nói ở trên. Cho nên trước khi cho vay, phải kiểm tra tồn kho, hoặc trên sổ sách giấy tờ kế toán của xí nghiệp, hoặc tại kho dự trữ của xí nghiệp, để bảo đảm số tiền cho vay ăn khớp với giá trị vật tư thực tế dự trữ trên mức tiêu chuẩn.

Trường hợp xí nghiệp phải trả tiền trước theo yêu cầu của người bán hàng, nhưng không có đủ tiền để trả, Ngân hàng xét thấy có điều kiện thì cho vay mở thư tín dụng để xí nghiệp có vốn thanh toán cho người cung cấp. Khi hàng về rồi, sẽ cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn để trả nợ cho vay mở thư tín dụng.

Trường hợp đặc biệt mua lẻ tẻ ở ngoài, không có hợp đồng thì xí nghiệp phải lập kế hoạch mua vật tư theo từng thời gian ngắn để Ngân hàng có căn cứ mà cho vay. Sau mỗi đợt mua sẽ kiểm tra tồn kho thực tế.

1. Giấy tờ phải làm trước khi cho vay

Khi yêu cầu vay tiền, xí nghiệp phải làm đủ các giấy tờ sau đầy và nộp cho Ngân hàng ít nhất trước 5 ngày:

- Bảng kế hoạch vay vốn trên mức tiêu chuẩn (mẫu số 5).

- Bảng kê dự trữ vật tư theo từng đối tượng, tính thành tiền đến ngày xin vay (theo mẫu số 3).

- Đơn xin vay tiền Ngân hàng.

Mỗi lần nhận tiền vay xí nghiệp làm giấy nhận kỳ hạn trả nợ.

Để có cơ sở tính toán cho vay sát với tình hình dự trữ vật tư thực tế của xí nghiệp, đơn vị xin vay phải cung cấp cho Ngân hàng số liệu riêng biệt theo từng đối tượng xin vay, gồm có:

1. Số lượng vật tư thực tế có trong kho, kể cả vật tư đã nhận nhưng chưa trả tiền.

2. Số lượng vật tư còn trên đường đi, kèm theo chứng từ như giấy vận tải, hoặc giấy nhận hàng.

3. Số lượng vật tư đã chuyên chở đi, nhưng chưa làm thủ tục chứng từ. Nhưng phải có vận tải đơn.

4. Số lượng vật tư chuẩn bị mua theo hợp đồng có làm theo hợp đồng, hay số lượng vật tư sẽ mua theo kế hoạch ngắn ngày, kèm theo bản kế hoạch (có ghi rõ: mua vật tư ở đâu, số lượng và giá đơn vị) do Giám đốc xí nghiệp ký.

Các vật tư kê khai trên đây sẽ dùng làm đảm bảo và Ngân hàng sẽ căn cứ vào các số liệu đó để xem xét và quyết định việc cho vay. Nhưng trước khi cho vay. Ngân hàng sẽ kiểm tra lại các vật tư do xí nghiệp đã xuất trình. Ngân hàng sẽ loại ra khỏi đảm bảo các vật tư sau đây:

- Vật tư phẩm chất xấu, không đúng mẫu mực.

- Vật tư không đủ bộ phận.

- Vật tư dự trữ quá mức Bộ chủ quản đã ấn định, vật tư không cần thiết, không tiêu thụ được bị ứ đọng.

- Vật tư xí nghiệp đã nhận tiền bán mà chưa giao cho người mua.

Những vật tư phẩm chất xấu, không đúng mẫu mực, hoặc không đủ bộ phận đều phải được Ban sản xuất kiểm tra và xác nhận.

2. Cách tính toán để cho vay:

Để tính toán mức tiền xin vay trong quý các xí nghiệp phải căn cứ vào số dư vật tư dự trữ đầu quý kế hoạch, cộng số vật tư sẽ nhập vào và trừ số vật tự sẽ xuất theo kế hoạch của quý kế hoạch mà tính ra số dư vật tư cuối quý rồi trừ đi số vật tư của mức tiêu chuẩn, còn lại là số vật tư cần vay vốn của Ngân hàng trên mức tiêu chuẩn (mẫu số 5). Trong mức tiêu chuẩn, phải kể cả phần vốn Nhà nước cấp và phần vay trong định mức của Ngân hàng.

Trên đây là cách tính toán để xây dựng kế hoạch vay vốn của Ngân hàng và ấn định mức dư nợ cuối quý về số tiền vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn.

Nhưng khi quyết định mức phát tiền cho vay, Ngân hàng sẽ căn cứ vào bảng kê dự trữ vật tư thực tế của xí nghiệp (mẫu số 3) loại trừ những vật tư không đủ điều kiện đảm bảo và những vật tư của mức tiêu chuẩn - Số vật tư còn lại là số phải vay Ngân hàng.

Trường hợp xí nghiệp phải nhập vật tư ngay vào đầu quý kế hoạch, mức tiền vay Ngân hàng sẽ là giá trị vật tư còn lại đầu quý cộng với giá trị vật tư phải nhập, trừ đi vốn định mức kế hoạch. Mức tiền cho vay đó là mức cho vay cao nhất trong quý. Nhưng đến cuối quý, số dư nợ phải ngang với mức dư nợ cuối quý đã ghi trong kế hoạch vay vốn trên mức tiêu chuẩn (mẫu số 5).

Trường hợp xí nghiệp nhập vật tư dần dần trong quý, mức tiền cho vay sẽ tính tùy tình hình nhập, xuất vật tư trong quý, nhưng mức dư nợ cuối quý cũng chỉ ngang với số dư nợ kế hoạch vay vốn trên mức tiêu chuẩn (mẫu số 5).

Nếu xí nghiệp chưa vay hết vốn trong định mức về đối tượng xin vay, Ngân hàng phải cho vay hết phần tham gia của Ngân hàng trong định mức đối với đối tượng ấy. Sau khi xí nghiệp đã sử dụng hết vốn riêng của mình và vốn vay Ngân hàng trong định mức để dự trữ vật tư, còn lại là đối tượng xin vay, Ngân hàng sẽ cho xí nghiệp vay để dự trữ vật tư trên định mức.

Cách tính toán giá trị những vật tư để làm đảm bảo cho khoản vay này như sau:

- Nguyên vật liệu chính, phụ, nhiên liệu, phụ tùng sửa chữa v.v… tính theo giá thực tế (giá mua cộng với chi phí phụ thuộc) nếu giá thực tế thấp hơn giá kế hoạch hoặc tính theo giá kế hoạch nếu giá kế hoạch thấp hơn giá thực tế.

Trường hợp giá thực tế cao hơn giá kế hoạch quá nhiều thì xí nghiệp phải đề nghị lên Bộ chủ quản xin điều chỉnh thì Ngân hàng sẽ tính theo giá được điều chỉnh.

- Thành phẩm tính theo giá thành kế hoạch.

- Sản phẩm đang chế tạo và bán thành phẩm tự chế tính theo giá thành thực tế nhưng không được quá giá thành kế hoạch.

3. Thời hạn cho vay:

Thời hạn cho vay về dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn cần phải quy định cho phù hợp với kế hoạch giảm sút của những vật tư đó, cho đến khi ngang với vốn định mức kế hoạch. Cho nên khi ấn định thời gian cho vay, phải xuất phát từ kế hoạch sản xuất, cung cấp, tiêu hao, dự trữ vật tư đã duyệt y cho xí nghiệp, xuất phát từ kế hoạch sử dụng những vật tư được vay vào quá trình sản xuất hàng hóa, theo từng tháng như đã xuất trình với Ngân hàng. Ngân hàng cho xí nghiệp vay dự trữ vật tư dùng nhiều nhất trong 12 tháng, kể cả vật tư trong định mức và trên định mức vốn lưu động.

Mức cho vay dự trữ vật tư trên định mức tùy thuộc định mức luân chuyển vật tư của xí nghiệp đã được Nhà nước quy định. Ví dụ: định mức luân chuyển vật tư là 3 tháng thì mức cho vay tối đa không quá 9 tháng.

Trường hợp vật tư dự trữ của xí nghiệp vượt quá số sử dụng trong 12 tháng, Ngân hàng địa phương cùng với xí nghiệp thống kê và báo cáo lên Bộ chủ quản và Ngân hàng trung ương để phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm đề ra biện pháp thích hợp giải quyết.

Thời hạn thu nợ theo thực tế tiêu hao vật tư hàng tháng, tức là hàng tháng vật tư giảm bớt bao nhiêu thì xí nghiệp trả nợ Ngân hàng bấy nhiêu.

B. Cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn ngoài kế hoạch (nhu cầu tạm thời)

Trong quá trình thực hiện kế hoạch, xí nghiệp có những nhu cầu tạm thời về dự trữ vật tư ngoài kế hoạch, do các nguyên nhân khách quan, không phải do bản thân công tác xấu của xí nghiệp gây ra.

Để giải quyết những nhu cầu vốn tạm thời về dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn ngoài kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước cho xí nghiệp vay theo những đối tượng và trong các trường hợp sau đây:

a) Đối tượng về cho vay nhu cầu tạm thời

Các đối tượng về cho vay nhu cầu tạm thời

1. Nguyên, nhiên, vật liệu sản xuất, bao bì, phụ tùng sửa chữa.

2. Sản phẩm đang chế tạo và bán thành phẩm tự chế.

3. Thành phẩm.

4. Tiền lương để trả cho công nhân viên xí nghiệp.

b) Trường hợp cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn ngoài kế hoạch:

1. Cho vay để dự trữ nguyên, nhiên, vật liệu sản xuất:

Ngân hàng cho các xí nghiệp vay để giải quyết những nhu cầu tạm thời về dự trữ nguyên, nhiên, vật liệu sản xuất bao bì, phụ tùng sửa chữa ngoài kế hoạch trong những trường hợp sau đây:

- Xí nghiệp tạm thời có dự trữ nguyên, nhiên, vật liệu ngoài kế hoạch, do lỗi của người cung cấp giao hàng trước kỳ hạn ghi trong hợp đồng, vì việc chuyên chở không đều đặn, do đó không khớp với thời gian đã ghi trong kế hoạch cung cấp nguyên vật liệu của xí nghiệp.

- Nếu các dự trữ nguyên, nhiên, vật liệu ngoài kế hoạch luôn luôn xảy ra một cách có hệ thống, hoặc vượt quá hợp đồng hay không đủ điều kiện đảm bảo thì Ngân hàng không cho vay.

- Bộ hay Cục chủ quản thay đổi chương trình sản xuất của xí nghiệp làm cho xí nghiệp có nhu cầu tạm thời về dự trữ nguyên, nhiên, vật liệu ngoài kế hoạch.

Trong trường hợp này, cần chú ý xem xét, nếu sự thay đổi chương trình sản xuất có quy mô lớn, nhu cầu về dự trữ nguyên, nhiên, vật liệu ngoài kế hoạch mất tính chất tạm thời vì đòi hỏi một thời gian dài, thì xí nghiệp phải xin Bộ chủ quản điều chỉnh lại kế hoạch, Ngân hàng chỉ cho vay tạm thời trong thời gian chờ đợi việc điều chỉnh kế hoạch.

- Xí nghiệp có nhu cầu tạm thời về dự trữ nguyên, nhiên, vật liệu để mở rộng sản xuất, hay đổi mặt hàng, hay cải tiến chất lượng sản phẩm ngoài phạm vi kế hoạch đã ấn định.

Trường hợp này nếu cần chú ý đến sự tiêu thụ các mặt hàng mới. Nếu thị trường đòi hỏi, xí nghiệp có ký hợp đồng với cơ quan Mậu dịch hoặc được Bộ chủ quản đồng ý, thì Ngân hàng mới cho vay.

- Xí nghiệp có nhu cầu tạm thời về dự trữ nguyên, nhiên, vật liệu sản xuất ngoài kế hoạch do các nguyên nhân khách quan khác.

2. Cho vay để dự trữ sản phẩm đang chế tạo và bán thành phẩm tự chế:

Ngân hàng cho xí nghiệp vay về nhu cầu tạm thời dự trữ sản phẩm đang chế tạo và thành phẩm tự chế ngoài kế hoạch, trong những trường hợp sau đây:

- Xí nghiệp thực hiện vượt mức kế hoạch về sản phẩm đang chế tạo và bán thành phẩm tự chế, nhưng đồng thời ít nhất xí nghiệp phải đạt mức kế hoạch về sản xuất thành phẩm.

Khi xí nghiệp có dự trữ trên mức tiêu chuẩn ngoài kế hoạch về sản phẩm đang chế tạo và bán thành phẩm tự chế, cần phải chú ý xem xét xí nghiệp có hoàn thành kế hoạch về sản xuất thành phẩm hay không. Nếu xí nghiệp không đạt kế hoạch về sản xuất thành phẩm, cần phải nghiên cứu và phát hiện những chỗ bất hợp lý, góp ý kiến và bàn bạc với xí nghiệp để tìm biện pháp giải quyết. Ngân hàng chỉ cho xí nghiệp vay khi đã có biện pháp bảo đảm giải quyết tốt kế hoạch sản xuất thành phẩm.

- Xí nghiệp chuẩn bị thêm các sản phẩm đang chế tạo và bán thành phẩm tự chế trong thời gian sửa chữa các phân xưởng theo kế hoạch.

- Người cung cấp giao các hàng hóa không đủ bộ phận hay cung cấp chậm các vật liệu cần thiết để hoàn bị thành phẩm.

Trường hợp này thường xảy ra đối với các xí nghiệp cơ khí xưởng đóng toa xe, các xưởng đóng tàu v.v… vì có nhiều bộ phận phải mua nước ngoài, về không đúng kế hoạch. Do đó, dự trữ về sản phẩm đang chế tạo thường tăng lên quá mức kế hoạch, nhưng dự trữ thành phẩm không đạt kế hoạch. Khi cho vay, cần nắm chặt kế hoạch nhập những bộ phận cần thiết để hoàn thành sản phẩm. Thời gian nhập hàng phải ăn khớp với thời hạn quy định về cho vay nhu cầu tạm thời, dự trữ sản phẩm đang chế tạo và bán thành phẩm tự chế. Nếu tính toán thấy thời gian nhập hàng quá dài, không đảm bảo hoàn thành sản phẩm thương phẩm để trả nợ đúng kỳ hạn, các Chi nhánh Chi điếm Ngân hàng địa phương phải báo cáo lên Trung ương để phối hợp với các Bộ chủ quản xí nghiệp giải quyết.

3. Cho vay để dự trữ thành phẩm:

Ngân hàng cho vay về nhu cầu tạm thời dự trữ thành phẩm ngoài kế hoạch trong những trường hợp sau đây:

- Khi xí nghiệp dự trữ thành phẩm ngoài kế hoạch xảy ra do xí nghiệp thực hiện vượt mức kế hoạch hay thực hiện giấy đặt hàng trước thời hạn.

Để ngăn ngừa xu hướng lệch lạc trong khi thực hiện kế hoạch, xí nghiệp chỉ chạy theo sản lượng, không chú trọng các chỉ tiêu về năng suất, giá thành và phẩm chất sản phẩm, chỉ chú trọng thực hiện kế hoạch tổng giá trị sản lượng, nhưng không hoàn thành kế hoạch sản phẩm thương phẩm thì khi xí nghiệp có những dự trữ thành phẩm vượt mức ngoài kế hoạch yêu cầu vay vốn Ngân hàng về nhu cầu tạm thời, cán bộ Ngân hàng cần đi sâu nghiên cứu các mặt sau đây, nếu có đảm bảo thì mới cho vay:

Thực hiện cân đối kế hoạch sản xuất giữa các mặt hàng trong xí nghiệp.

Phẩm chất và giá thành sản phẩm tốt.

Kế hoạch tiêu thụ của sản phẩm có thể thực hiện được.

Nếu xí nghiệp vượt mức kế hoạch về thành phẩm một cách thường xuyên do kế hoạch đặt chưa sát, hoặc tiêu thụ không ăn khớp với sản xuất, xí nghiệp phải đề nghị với Bộ chủ quản điều chỉnh kế hoạch định mức vốn về dự trữ thành phẩm. Ngân hàng có thể cho vay nhu cầu tạm thời, trong khi chờ đợi Bộ điều chỉnh kế hoạch.

- Khi xí nghiệp có trong kho một số dự trữ thành phẩm ngoài kế hoạch, do nguyên nhân xí nghiệp tạm đình chỉ gửi hàng cho người mua không sòng phẳng trong việc thanh toán, hoặc chờ đợi chuyển từ hình thức thanh toán chấp nhận sang hình thức thanh toán bằng thư tín dụng.

- Khi xí nghiệp có dự trữ thành phẩm ngoài kế hoạch do Bộ chủ quản hoặc Ủy ban kế hoạch Nhà nước ra lệnh cho xí nghiệp phải dự trữ một số thành phẩm để tập trung phân phối theo kế hoạch cho các ngành kinh tế quốc dân. Các thành phẩm ấy phải được ghi trong kế hoạch tiêu thụ và có hợp đồng giữa các cơ quan đặt hàng với xí nghiệpy.

- Khi xí nghiệp có dự trữ thành phẩm ngoài kế hoạch vì tình hình giao thông và chuyên chở hàng hóa gặp khó khăn do các nguyên nhân sau đây:

Cấm chỉ vận tải theo hiệp định.

Các cơ quan vận tải thiếu phương tiện vận tải như toa xe, ô tô, thuyền bè.

Không chuyên chở được bình thường, hay không bán được sản phẩm do nguyên nhân khách quan khác, không phải do công tác xấu của xí nghiệp gây ra.

4. Cho vay tiền lương để trả cho công nhân viên đối với những xí nghiệp kinh doanh tốt:

Đây là một loại vay đặc biệt, ưu đãi đối với các xí nghiệp có đủ những điều kiện sau đây:

- Thực hiện được kế hoạch sản xuất và giá thành.

- Thực hiện được kế hoạch tiêu thụ.

- Thực hiện được kế hoạch tích lũy không để lỗ vượt kế hoạch.

- Giữ được vốn lưu động tự có.

- Có gửi đều đặn cho các báo cáo cho Ngân hàng.

Ngân hàng cho vay nhu cầu tạm thời một khoản tiền lương để trả cho công nhân viên trong trường hợp sau đây:

Bán hàng ra, nhưng không vay chứng từ thanh toán trên đường đi và chưa thu được tiền về, làm cho xí nghiệp tạm thời không có tiền để trả cho công nhân viên đúng kỳ hạn.

Đây là một khoản cho vay đặc biệt không có ghi trong thể lệ ngày 23-8-1957. Nói chung, khi xí nghiệp bán hàng ra, xí nghiệp phải khẩn trương làm các giấy tờ cần thiết gửi đến Ngân hàng để nhờ thu hộ, hoặc vay thanh toán để kịp thời có vốn hoạt động, trong đó có một phần để trả lương cho công nhân viên. Nhưng có thể có trường hợp xảy ra, vì thủ tục giấy tờ làm chậm trễ công tác thanh toán và cho vay thanh toán, xí nghiệp không có tiền trả lương cho công nhân viên, Ngân hàng địa phương xét kỹ các điều kiện, và đối với các xí nghiệp kinh doanh tốt, với những điều kiện đã nói ở trên thì có thể cho vay nhu cầu tạm thời để trả lương cho công nhân viên.

Số tiền cho vay để trả lương không quá số lương phải trả cho công nhân viên đến kỳ hạn phải trả, đồng thời không được quá số tiền về hàng hóa đã bán ra chưa thu tiền về, không kể lãi, thuế và khấu hao.

c) Thời hạn cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn ngoài kế hoạch:

Xét về tính chất mà nói, dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn, ngoài kế hoạch khác với dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn, trong kế hoạch. Đó là một trường hợp đặc biệt, không nên để xảy ra thường xuyên ở xí nghiệp. Về bản thân xí nghiệp phải tìm mọi biện pháp khắc phục những khó khăn tạm thời để đưa những hoạt động của mình đi vào kế hoạch. Nhằm mục đích giúp cho các xí nghiệp tích cực giải quyết những hiện tượng bất bình thường, trong thể lệ cho vay công nghiệp ngày 23-8-1957, thời hạn cho vay về nhu cầu tạm thời ấn định một cách chặt chẽ.

Nhưng căn cứ tình hình thực tế của các xí nghiệp và căn cứ vào trình độ phân cấp quản lý hiện nay, Ngân hàng Nhà nước trung ương quy định lại thời hạn cho vay về nhu cầu tạm thời dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn, ngoài kế hoạch như sau:

- Thời hạn cho vay dự trữ nguyên, nhiên, vật liệu sản xuất, tối đa là 75 ngày.

- Thời hạn cho vay dự trữ sản phẩm đang chế tạo bán thành phẩm tự chế và thành phẩm, tối đa là 60 ngày.

- Thời hạn cho vay tạm thời để trả lương cho công nhân viên, tối đa là 15 ngày.

Đối với những thời hạn cho nhu cầu tạm thời kể trên, nếu xét thấy có lý do chính đáng, Trưởng chi nhánh trung tâm có thể gia thêm hạn 15 ngày.

Quá thời hạn 75 ngày đối với cho vay dự trữ sản phẩm đang chế tạo, bán thành phẩm tự chế và thành phẩm; quá 30 ngày về cho vay nhu cầu tạm thời để trả lương, và quá 90 ngày về cho vay dự trữ nguyên, nhiên, vật liệu sản xuất, các Chi nhánh, Chi điếm Ngân hàng địa phương phải báo cáo lên Ngân hàng trung ương quyết định.

Đối với vốn vay về dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn ngoài kế hoạch đến thời hạn, nếu xí nghiệp chưa trả hết, có 2 trường hợp giải quyết:

1 - Nếu vật tư dự trữ vượt định mức, ngoài kế hoạch không còn tính chất tạm thời mà đã đi vào kế hoạch hóa, thì xí nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch dự trữ trình Bộ duyệt. Số dư nợ cho vay nhu cầu tạm thời sẽ điều chỉnh qua cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn trong kế hoạch và ấn định thời hạn trả nợ theo kế hoạch vật tư đưa vào sản xuất.

2 - Chuyển qua tài khoản nợ quá hạn và tiếp tục theo dõi thu hồi nợ quá hạn, qua quá trình sử dụng những đối tượng đã vay vốn Ngân hàng.

Về phần cho vay tạm thời để trả tiền lương quá 30 ngày nếu xí nghiệp chưa trả hết nợ, số dư nợ sẽ chuyển qua nợ quá hạn, đợi lúc tài khoản tiền gửi có tiền sẽ trích trả.

C. Sử dụng tiền vay:

Khi đã ấn định số tiền cho vay, Ngân hàng sẽ quyết định việc sử dụng số tiền vay như sau:

- Nếu những vật tư làm đối tượng xin vay chưa được xí nghiệp trả tiền cho người cung cấp thì Ngân hàng phải trích số tiền cho vay để trả các giấy đòi nợ về khoản đó.

- Nếu những vật tư làm đối tượng xin vay đã được xí nghiệp trả tiền cho người cung cấp rồi, thì số tiền vay được dùng để thanh toán khoản vay nợ thiếu vật tư đảm bảo, nợ quá hạn. Trường hợp xí nghiệp cần tiền để trả lương cho công nhân thì các khoản cho vay trước hết được dùng để trả lương cho công nhân viên.

- Sau khi đã trích các khoản tiền để trả nợ cho những người cung cấp và cho Ngân hàng, số tiền còn lại sẽ chuyển sang tài khoản tiền gửi thanh toán của xí nghiệp.

II. CÁCH THU HỒI NỢ

A. Thu nợ về cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn theo kế hoạch:

Cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn là loại cho vay theo số dư, ghi vào tài khoản đơn giản. Khi cho vay phải ấn định thời gian trả nợ, phù hợp với sự giảm số dư vật tư xuất phát từ kế hoạch sản xuất, kế hoạch cung cấp vật tư đã duyệt y và căn cứ vào kế hoạch vận động vật tư được vay theo từng tháng do xí nghiệp báo cáo cho Ngân hàng, nhưng thời hạn cho vay tùy thuộc thời gian dự trữ định mức kế hoạch được Nhà nước quy định, cho nên thời hạn trả nợ không quá thời hạn cho vay. Ví dụ thời gian dự trữ định mức kế hoạch là 8 tháng, thời hạn cho vay tối đa không quá 4 tháng, do đó thời hạn trả nợ tối đa cũng không được quá 4 tháng.

Nguyên tắc chung là: khi vật tư dự trữ trên mức tiêu chuẩn được vay giải phóng đến đâu thì xí nghiệp trả nợ Ngân hàng đến đó, nhưng trong thực tế, không thể mỗi lần vật tư đưa vào sản xuất hay lưu thông thì Ngân hàng thu ngay nợ về mà phải căn cứ vào sự thực hiện sử dụng vật tư hàng tháng mà định số tiền phải thu nợ về, nhưng nếu không thực hiện được kế hoạch thì sẽ chuyển qua nợ quá hạn.

Định thời hạn thu nợ cho từng đối tượng được vay phải phụ thuộc vào các kế hoạch cho từng công tác khác nhau, do đó, nếu những đối tượng cho vay là những vật tư sản xuất như nguyên, nhiên, vật liệu hay sản phẩm đang chế tạo, hoặc bán thành phẩm tự chế thì số tiền phải thu nợ về là giá trị vật tư đã tiêu hao vào sản xuất theo kế hoạch. Nếu đối tượng được vay là thành phẩm thì số tiền thu nợ về hàng tháng là giá thành kế hoạch sản phẩm tiêu thụ trong tháng theo kế hoạch.

Đó là mức kế hoạch để định thời hạn trả nợ và số tiền phải trả thu về hàng tháng. Căn cứ mức kế hoạch ấy, hàng tháng Ngân hàng trích tài khoản tiền gửi thanh toán của xí nghiệp để thu nợ về. Nhưng để cho số tiền thu nợ về khớp đúng với tình hình biến động vật tư trong tháng, Ngân hàng sẽ căn cứ vào bảng tổng kết tài sản báo cáo nghiệp vụ về tình hình biến động vật tư của xí nghiệp để kiểm tra đảm bảo và quyết định số tiền thực tế phải thu. Như thế số tiền thu nợ về có thể cao hơn hoặc thấp hơn với số nợ phải thu về theo kế hoạch.

Nếu xí nghiệp thực hiện vượt mức kế hoạch sản xuất hay tiêu thụ sản phẩm, sẽ trả nợ nhiều hơn số tiền ghi trả hàng tháng trong đơn xin vay hay trong giấy nhận nợ, do đó thời hạn trả nợ có thể rút ngắn hơn. Đó là một biểu hiện xí nghiệp kinh doanh tốt. Ngược lại, nếu xí nghiệp không thực hiện đúng kế hoạch sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên không trả hết nợ đúng kỳ hạn thì số tiền trả nợ hàng tháng sẽ ít hơn số tiền phải trả theo kế hoạch. Trưởng chi nhánh Ngân hàng có thể gia hạn nếu có lý do chính đáng.

Để công tác tín dụng có tác động thúc đẩy các xí nghiệp thực hiện tốt các kế hoạch sản xuất, tiêu thụ và tích lũy, số dư nợ trên mức tiêu chuẩn, phải phản ánh đúng số dư vật tư tồn kho trên mức tiêu chuẩn của xí nghiệp trong 3 giai đoạn: dự trữ, sản xuất và thành phẩm. Muốn làm được việc đó, trong quá trình cho vay, thu nợ, cán bộ tín dụng phải nắm vững tình hình vật tư của xí nghiệp, cuối mỗi tháng căn cứ bảng tổng kết tài sản hoặc báo cáo tồn kho của xí nghiệp mà thu nợ sát đúng với tình hình vật tư làm đối tượng cho vay của xí nghiệp.

B. Thu nợ cho vay về dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn ngoài kế hoạch (nhu cầu tạm thời)

Việc thu nợ về cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn ngoài kế hoạch, cùng áp dụng nguyên tắc thu nợ theo sự biến động của vật tư. Thời hạn trả nợ và số tiền thu nợ phải căn cứ vào kế hoạch giảm bớt vật tư được vay dự trữ ngoài kế hoạch. Hàng tháng Ngân hàng thu nợ về cũng như thu nợ đối với cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn, trong kế hoạch.

Tuy nhiên, cần thấy rõ việc dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn ngoài kế hoạch, là một hiện tượng bất bình thường xảy ra trong quá trình sản xuất. Do đó, việc quy định thời hạn trả nợ phải chặt chẽ hơn, có ấn định một thời hạn tối đa nhất định.

Quá thời hạn ấn định trong thông tư này (kể cả thời hạn gia hạn tùy theo từng đối tượng), nếu xí nghiệp không trả hết nợ, Ngân hàng sẽ trích số tiền còn lại từ tài khoản tiền gửi thanh toán để thu hồi về, nếu tài khoản tiền gửi thanh toán không đủ tiền, sẽ chuyển qua nợ quá hạn.

Nói chung, các khoản cho vay phải thu hồi đúng thời hạn quy định trong điều lệ và thông tư này, theo những ngày nhất định ghi trong khế ước khi cho vay.

Như vậy, khi cho vay nhu cầu tạm thời về dự trữ nguyên, nhiên, vật liệu thì số tiền được vay không thể cao hơn giá trị nguyên, nhiên, vật liệu phải tiêu hao vào sản xuất trong thời hạn tối đa là 75 ngày. Và khi cho vay về thành phẩm thì xí nghiệp phải có biện pháp tiêu thụ thành phẩm, phù hợp với số tiền được vay trong thời hạn vay vốn.

C. Cách thu nợ khi xí nghiệp có nhiều loại nợ Ngân hàng:

Nếu xí nghiệp có nợ Ngân hàng về nhiều loại cho vay khác nhau, cán bộ tín dụng phải nắm vững nguyên tắc biến động vật tư được vay để phân tích thu nợ đúng từng đối tượng cho vay trong từng loại cho vay khác nhau, để cho tình hình dư nợ phản ánh đúng giá trị vật tư đảm bảo.

Ngoài loại vay trong định mức các loại vay khác đều có quy định thời hạn thu nợ theo một nguyên tắc nhất định do đó xí nghiệp có nợ về dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn đến hạn thì xí nghiệp phải trả nợ đến hạn trước khi trả nợ cho vay trong định mức.

Khi xí nghiệp có nợ vay về dự trữ thành phẩm trên định mức mỗi khi bán sản phẩm xí nghiệp phải trả nợ cho Ngân hàng về phần thành phẩm dự trữ trên mức tiêu chuẩn được giảm sút, không phải chờ đến cuối tháng mới trả.

Muốn làm tốt công tác cho vay và thu nợ hàng tháng phải kiểm tra vật tư, đối chiếu với số dư nợ của từng loại cho vay giữ vững nguyên tắc cho vay phải có vật tư đảm bảo.

III. KIỂM TRA SỬ DỤNG VỐN VAY NGÂN HÀNG

Kiểm tra các xí nghiệp sử dụng vốn vay Ngân hàng và các vật tư đảm bảo cho vay là một công tác quan trọng khi cho vay. Ngân hàng bắt buộc phải kiểm tra một cách có hệ thống và thường xuyên việc sử dụng vốn và việc đảm bảo các món vay của Ngân hàng mới thực hiện được các nguyên tắc tín dụng xã hội chủ nghĩa. Công tác tín dụng càng được mở rộng, thì càng phải tăng cường việc kiểm tra, nhất là trong khi Ngân hàng có nhiều biện pháp cho vay và đề ra nhiều loại cho vay khác nhau.

Công tác kiểm tra của Ngân hàng có nhiều mặt đối với các cơ quan kinh tế. Nhưng chủ yếu là kiểm tra những vật tư làm đảm bảo cho các khoản cho vay. Nó có 3 giai đoạn:

- Kiểm tra trước khi cho vay

- Kiểm tra sau khi cho vay

- Kiểm tra trong quá trình cho vay đến khi xí nghiệp trả hết nợ.

1. Kiểm tra trước khi cho vay:

Căn cứ các giấy tờ và báo cáo đã quy định cho xí nghiệp gửi đến Ngân hàng khi xin vay vốn, Ngân hàng tiến hành kiểm tra những vật tư xin vay để dự trữ trên mức tiêu chuẩn, xem vật tư đã nhập kho xí nghiệp hay trên đường đi, hay đang chuẩn bị mua, vật tư cần thiết, đúng phẩm chất v.v… để có thể quyết định cho vay và ấn định số tiền cho vay.

Đối với những thành phẩm, bán thành phẩm tự chế và sản phẩm đang chế tạo hay những nguyên, nhiên, vật liệu mà xí nghiệp đã trả tiền cho người bán, Ngân hàng phải kiểm tra tồn kho trước khi cho vay và phát tiền vay cho xí nghiệp.

2. Kiểm tra sau khi cho vay:

Đối với những vật tư đang trên đường đi, căn cứ vào các chứng từ như giấy đòi nợ, hóa đơn… Ngân hàng ấn định số tiền cho vay và phát tiền vay cho xí nghiệp để thanh toán tiền hàng.

Sau khi xí nghiệp thực hiện xong kế hoạch dự trữ, phải báo cáo cho Ngân hàng biết để kiểm tra số lượng và chất lượng vật tư có đảm bảo số tiền vay Ngân hàng không.

3. Kiểm tra trong quá trình cho vay đến khi xí nghiệp trả hết nợ:

Suốt trong thời gian cho vay đến khi xí nghiệp trả hết nợ, Ngân hàng phải tiến hành kiểm tra việc sử dụng vốn vay của Ngân hàng, chẳng những xem số tiền cho vay có vật tư đảm bảo hay không, mà còn xem những vật tư được vay có sử dụng đúng theo kế hoạch hay không.

Cho nên hàng tháng, căn cứ mức độ thực hiện các kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đối chiếu với việc thực hiện trả nợ, Ngân hàng kiểm tra tồn kho vật tư đảm bảo cho số dư nợ về những đối tượng vay vốn Ngân hàng. Việc kiểm tra đảm bảo thường xuyên hàng tháng được tiến hành cùng một lúc đối với tất cả các loại cho vay đối với xí nghiệp.

Căn cứ các loại tài liệu báo cáo của xí nghiệp gửi Ngân hàng kết hợp với thực tế do cán bộ tín dụng nắm sát tình hình sản xuất, tình hình sử dụng các vật tư dự trữ trên mức tiêu chuẩn đã vay vốn Ngân hàng, tình hình tiêu thụ sản phẩm, đôn đốc xí nghiệp thực hiện đúng kế hoạch trả nợ Ngân hàng. Ngược lại, đối chiếu việc thực hiện trả nợ với kế hoạch, để góp ý kiến với xí nghiệp thực hiện tốt các kế hoạch sản xuất và tiêu thụ hàng hóa để tránh tình trạng vốn vay Ngân hàng không có vật tư đảm bảo, dẫn đến có nợ quá hạn, làm cho xí nghiệp càng thêm khó khăn trong việc quản lý kinh doanh của mình.

Việc kiểm tra sử dụng vốn vay tiến hành trên cơ sở các tài liệu, báo cáo của xí nghiệp, hoặc đi đến tận nơi xí nghiệp để kiểm tra hiện vật.

Khi kiểm tra sử dụng vốn vay của Ngân hàng, nếu Ngân hàng thấy dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn ít hơn số dư nợ về khoản cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn (trong kế hoạch hay nhu cầu tạm thời) thì Ngân hàng phải thu hồi ngay số tiền cho vay không có vật tư đảm bảo, bằng cách trích tài khoản tiền gửi thanh toán của xí nghiệp. Nếu tài khoản tiền gửi thanh toán không có tiền thì Ngân hàng sẽ chuyển số tiền vay không có vật tư đảm bảo qua tài khoản nợ quá hạn và yêu cầu xí nghiệp có kế hoạch trả nợ nhang chóng. Nếu dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn cao hơn số dư nợ về loại cho vay này, Ngân hàng có thể cho vay thêm theo yêu cầu của xí nghiệp.

Cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn trong kế hoạch, hay nhu cầu tạm thời là một loại cho vay quan trọng như trên đã trình bày.

Các Chi nhánh, Chi điếm Ngân hàng phải đi sâu nghiên cứu đôn đốc kiểm tra cán bộ thực hiện được tốt.

Trong quá trình thực hiện các Chi nhánh và Chi điếm sẽ phản ánh lên Trung ương kết quả để nghiên cứu và bổ sung thêm làm cho thể lệ và biện pháp cho vay ngắn hạn đối với các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh và vận tải quốc doanh càng ngày càng được hoàn chỉnh hơn.

KT TỔNG GIÁM ĐỐC
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC





Trần Dương

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 13-TD/CN năm 1961 bổ sung cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn trong kế hoạch và ngoài kế hoạch quy định trong thể lệ cho vay ngắn hạn đối với các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh ban hành 23-8-1957 và trong thể lệ cho vay đối với vận tải quốc doanh ban hành ngày 22-11-1958 do Ngân Hàng Nhà Nước ban hành

  • Số hiệu: 13-TD/CN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 28/12/1961
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Trần Dương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 51
  • Ngày hiệu lực: 12/01/1962
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản