Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13-LĐ/TT

Hà Nội, ngày 02 tháng 06 năm 1977

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN BIỆN PHÁP KỸ THUẬT AN TOÀN CÁC MÁY LẠNH NH3 CỐ ĐỊNH CÓ MÁY NÉN

Để bảo đảm an toàn lao động trong việc sử dụng những máy lạnh NH3 cố định có máy nén là loại thiết bị chịu áp lực có chứa môi chất độc;
Trong khi chờ Chính phủ ban hành quy phạm kỹ thuật an toàn riêng và sau khi đã trao đổi ý kiến an toàn riêng và sau khi đã trao đổi ý kiến với một số ngành và cơ sở có thiết kế, chế tạo và sử dụng loại thiết bị này.
Căn cứ điều 21 của Điều lệ tạm thời về bảo hộ lao động ban hành kèm theo nghị định số 181-CP ngày 18-12-1964 của Hội đồng Chính phủ, Bộ Lao động hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật an toàn sau đây.

I. VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG

1.Đơn vị sử dụng máy lạnh NH3 cố định có máy nén phải lập các quy trình vận hành máy (gồm cả bước nạp và xả (NH3), quy trình xử lý sự cố và chế độ tu sửa máy.

2.Việc vận hành máy lạnh NH3 chỉ được giao cho những người từ 18 tuổi trở lên, có đủ sức khỏe, đã được huấn luyện và sát hạch đạt kết quả về kiến thức chuyên môn, về kỹ thuật an toàn và cách cấp cứu do NH3 gây ra.

3.Việc huấn luyện, kiểm tra và sát hạch công nhân vận hành máy lạnh NH3 lần đầu và định kỳ do thủ trưởng đơn vị sử dụng chịu trách nhiệm tổ chức. Trường hợp, đơn vị sử dụng không đủ điều kiện tiến hành thì cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị đó phải chịu trách nhiệm tổ chức việc huấn luyện, kiểm tra và sát hạch công nhân. Những công nhân đã qua sát hạch đạt yêu cầu phải được cấp giấy chứng nhận.

Việc kiểm tra, định kỳ kiến thức công nhân vận hành nói trong điều này phải được tiến hành mỗi năm một lần.

4.Đơn vị sử dụng phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân vận hành, sửa chữa máy lạnh NH3 theo đúng quy định của Bộ Y tế, và trang bị cho họ những dụng cụ phòng hộ cần thiết theo các tiêu chuẩn hiện hành. Nơi nào trong năm 1976 chưa tổ chức khám sức khỏe cho công nhân thì trong 6 tháng đầu năm 1977 phải tổ chức khám ngay.

5.Buồng đặt máy lạnh NH3 phải được bố trí quạt thông gió và trang bị những phương tiện dập lửa, chống nổ phù hợp với tiêu chuẩn phòng cháy, phòng nổ. Cấm dùng những phương tiện phòng cháy, phòng nổ vào việc khác.

II. KHÁM NGHIỆM KỸ THUẬT

A.NGUYÊN TẮC VÀ MỤC ĐÍCH KHÁM NGHIỆM.

6.Tất cả các bộ phận chịu áp lực của máy lạnh NH3 cố định có máy nén có áp suất trên 0,7 at và dung tích lớn hơn 25 lít cũng như các bộ phận có dung tích không lớn hơn 25 lít mà tích số giữa dung tích (tính bằng lít) và áp suất (tính bằng át-mốt-phe) lớn hơn 200 đều phải được cơ quan thanh tra kỹ thuật an toàn nồi hơi tiến hành khám nghiệm kỹ thuật trong các trường hợp.

a) Khám nghiệm sau khi lắp đặt;

b) Khám nghiệm định kỳ trong quá trình sử dụng.

c) Khám nghiệm bất thường.

Thời gian khám nghiệm định kỳ được quy định như sau:

-3 năm, khám xét bên trong và bên ngoài một lần.

-6 năm, khám xét bên trong và bên ngoài có nghiệm thử áp lực một lần.

Nếu nhà chế tạo quy định thời gian khám nghiệm ngắn hơn thì theo quy định của nhà chế tạo.

Các máy lạnh phải được khám nghiệm bất thường trong những trường hợp sau đây:

-Khi sửa chữa có hàn vá, hàn đắp, nắn các chỗ phồng, chỗ lõm; khi có hàn ở những bộ phận chịu áp lực.

-Trước khi sử dụng lại máy lạnh đã nghỉ hoạt động trên một năm hoặc máy lạnh dời đi đặt nơi khác.

-Khi nghi ngờ tình trạng kỹ thuật máy lạnh không bảo đảm an toàn.

7.Khám nghiệm kỹ thuật bao gồm khám xét bên trong, bên ngoài và khám nghiệm thử áp lực bằng chất lỏng (đầu máy lạnh hoặc nước) nhằm mục đích:

-Xác định tình trạng lắp đặt có phù hợp với những yêu cầu của thiết kế hay không, xác định số lượng và chất lượng của van an toàn, áp kế và các dụng cụ kiểm tra đo lường.

-Xác định tình trạng kỹ thuật phía trong và phía ngoài thành thiết bị.

-Xác định độ bền, độ kín các bộ phận chịu áp lực của máy lạnh.

Nếu nghiệm thử bằng nước thì sau khi thử xong phải làm khô bên trong thiết bị.

8.Trường hợp không thể khám xét bên trong được do đặc điểm kết cấu của thiết bị, cho phép thay thế việc khám xét bên trong bằng nghiệm thử áp lực chất lỏng với áp suất thử quy định tại điểm 11 của thông tư này và khám xét những bộ phận có thể khám xét được.

9.Trường hợp không có điều kiện nghiệm thử áp lực bằng chất lỏng do khó xả chất lỏng ra… thì được thay thế bằng thử áp lực khí (không khí hay khí trơ) với áp suất và thời gian như khi thử chất lỏng được quy định tại điểm 11 của thông tư này.

Việc thử khí chỉ được tiến hành sau khi khám xét bên trong, bên ngoài và kiểm tra độ bền của thiết bị bằng tính toán mà có kết quả tốt.

10.Khi thử khí cần phải áp dụng những biện pháp an toàn sau đây:

a)Van và áp kế trên đường ống nạp khí phải để ngoài buồng đặt thiết bị.

b)Trong thời gian thiết bị chịu áp lực thử, người không có trách nhiệm phải tránh ra một chỗ an toàn.

c)Nghiêm cấm gõ trên thành thiết bị khi thiết bị đang chịu áp suất thử khí, kể cả khi đã giảm đến áp suất làm việc.

d) Phải dùng máy nén không khí riêng để thử áp lực, trường hợp không có máy nén riêng, có thể dùng chính máy nén của hệ thống NH3 để thử nhưng không được tăng áp suất liên tục mà phải tăng gián đoạn để khống chế nhiệt độ máy nén không vượt quá 1400C. Cấm thêm NH3 hoặc khí O2 hòa lẫn với không khí để thử.

B. ÁP SUẤT THỬ VÀ XÁC ĐỊNH KẾT QUẢ KHÁM NGHIỆM.

11. Áp suất thử bằng chất lỏng các máy lạnh NH3 cố định có máy nén sau khi lắp đặt, theo định kỳ hoặc bất thường phải theo đúng quy định về áp suất thử của nhà chế tạo nhưng không được thấp hơn 1,25 lần áp suất làm việc cho phép của thiết bị đó.

Trường hợp không có số liệu về áp suất thử do nhà chế tạo quy định, có thể áp dụng trị số áp suất thử dưới đây:

- Về phía nén: P thử = 1,25P1v nén.

P1v nén là làm việc cho phép trong điều kiện làm việc ổn định lâu dài ở phía nén.

- Về phía hút: P thử = 1,25P1v hút.

P1v hút là áp suất cho phép khi thiết bị ngừng làm việc ở phía hút vì khi thiết bị ngừng làm việc thì áp suất ở phía hút sẽ tăng lên tương ứng với nhiệt độ môi trường bên ngoài.

Đối với máy lạnh Liên Xô, Trung Quốc thì:

P1v nén = 15 at; P1v hút = 10at.

Thiết bị phải chịu được áp suất thử trong thời gian 5 phút.

Sau đó giảm dần đến áp suất làm việc và duy trì áp suất này trong suốt thời gian khám xét.

Trường hợp nghiệm thử bằng áp lực khí thì sau khi duy trì áp suất thử trong 5 phút để kiểm tra độ bền của thiết bị, phải tiến hành kiểm tra độ kín ở áp suất làm việc trong thời gian ít nhất 18 giờ; trong đó 6 giờ đầu áp suất có thể giảm xuống không quá 10% trong 12 giờ sau áp suất phải không đổi.

12. Các bộ phận chịu áp lực của máy lạnh được xác nhận là tốt trong khi thử nếu:

a) Trên thành thiết bị không có dấu hiệu nứt nẻ hoặc biến dạng khác.

b) Không dò rỉ chất lỏng hoặc không xì hơi.

III. ÁP KẾ VÀ VAN AN TOÀN

A. ÁP KẾ

13. Áp kế lắp ở các bộ phận chịu áp lực của máy lạnh NH3 như bình ngưng tụ, bình chứa… phải là áp kế dùng cho môi chất NH3.

14. Trên mặt áp kế phải kẻ một vạch đỏ ở số chỉ áp suất làm việc cho phép của bình.

15. Việc kiểm tra định kỳ áp kế phải được tiến hành mỗi năm một lần. Sau mỗi lần kiểm tra phải niêm chì hoặc gắn ký hiệu kiểm tra và phải có chứng từ xác nhận của cơ quan kiểm tra.

16. Không được phép sử dụng áp kế trong các trường hợp sau đây:

a) Không có niêm chì hoặc không có ký hiệu kiểm tra.

b) Quá hạn kiểm tra định kỳ quy định ở điểm 15 của thông tư này.

c) Kim không trở về chốt tựa khi ngắt hơi hoặc khi không có chốt tựa thì kim lệch quá số không của thang do một trị số quá nửa sai số cho phép của áp kế đó.

d) Vỡ mặt kính hoặc những hư hỏng khác có thể làm ảnh hưởng đến sự làm việc chính xác của áp kế.

B. VAN AN TOÀN

17. Cấm đặt van khóa giữa bình chịu áp lực và van an toàn. Để có thể sửa chữa hoặc thay thế van an toàn trong thời gian máy lạnh đang vận hành, cần đặt van chuyển hướng giữa bình chịu áp lực và van an toàn với điều kiện ở vị trí bất kỳ nào van chuyển hướng cũng phải thông với một hoặc cả hai van an toàn. Trong trường hợp này, mỗi van an toàn phải có khả năng thoát khí theo áp suất quy định của cơ quan thiết kế nhưng không được lớn hơn 25% áp suất làm việc cho phép của thiết bị đó.

18. Đối với những máy lạnh cũ còn đặt van khác giữa bình chịu áp lực và van an toàn, phải sớm có kế hoạch thay thế bằng van chuyển hướng. Trong khi chưa thay thế được, phải cặp chì van khóa để cấm đóng van khóa giữa bình chịu áp lực và van an toàn trong lúc máy đang vận hành. Trường hợp van an toàn bị xì hở phải nối ngay đầu ống xả khí NH3 xuống một nguồn nước.

19. Đường kính lỗ thông của van an toàn không được nhỏ hơn trị số trong bảng sau đây:

Khối lượng NH3

chứa trong bình (kg)

Đường kính lỗ thông

của van an toàn (m/m)

Dưới 1000

Dưới 2000

Dưới 3000

Dưới 4000

Trên 4000

12

20

30

40

50

20. Đầu ống xả của van an toàn phải đặt cao hơn mái nhà đặt máy lạnh ít nhất là 1 mét, nếu không thực hiện được như thế thì bắt buộc phải nối đầu ống xả xuống 1 nguồn nước. Đường kính ống xả không được nhỏ hơn đường kính của van an toàn.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật an toàn cần được áp dụng ngay đối với các máy lạnh NH3 cố định có máy nén. Bộ Lao động yêu cầu các Bộ, Tổng cục quản lý sản xuất và các Sở, Ty lao động địa phương kịp thời phổ biến và kiểm tra các cơ sở chế tạo và sử dụng loại máy lạnh đó thực hiện đầy đủ các điểm đã hướng dẫn nhằm đề phòng tai nạn do máy lạnh NH3 gây ra.

Đối với các máy lạnh Frê-ông sẽ có văn bản hướng dẫn riêng; trước mắt có gì vướng mắc về kỹ thuật an toàn đối với loại máy lạnh này, xin liên hệ với ban thanh tra kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động Bộ Lao động.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Song Tùng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 13-LĐ/TT-1977 hướng dẫn biện pháp kỹ thuật an toàn các máy lạnh NH3 cố định có máy nén do Bộ Lao động ban hành

  • Số hiệu: 13-LĐ/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 02/06/1977
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động
  • Người ký: Nguyễn Song Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 13
  • Ngày hiệu lực: 17/06/1977
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản