Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

********

Số: 13-LB/TT

Hà Nội, ngày 14 tháng 05 năm 1958

THÔNG TƯ

VỀ BỔ SUNG CÁC ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG CỦA NGHỊ ĐỊNH LIÊN BỘ SỐ 111-NĐ/LB NGÀY 11/11/1955 VỀ CHẾ ĐỘ BỒI THƯỜNG TAI NẠN LAO ĐỘNG CHO CÔNG NHÂN VIÊN GIÚP VIỆC CHÍNH PHỦ

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:
Đồng kính gửi

-Các Khu, Ty và Phòng Lao động
-Các Bộ, các cơ quan Trung ương
-Các Ủy ban hành chính liên khu, khu, tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng

Nghị định liên bộ số 111-NĐ/LB ngày 11/11/1955 về chế bồi thường tai nạn lao động quy định tại điều 15 các khoản của văn bản này áp dụng cho “tất cả các hạng công nhân và nhân viên giúp việc, bất luận là lĩnh lương tháng, lương khoán hay lương công nhật”.

Tuy nhiên trong thông tư liên bộ số 12-TT/LB ngày 24/7/1957 hướng dẫn thi hành Nghị định trên chưa giải thích cụ thể về các đối tượng áp dụng chế độ, do đó trong quá trình thực hiện chính sách các nơi rất lúng túng đối với hai loại lĩnh lương khoán và lương ngày.

Vì chưa phân biệt giữa người làm công ăn lương khoán và người lãnh khoán điều kiện làm việc căn bản có khác nhau nên các nơi đã áp dụng tràn lan chế độ bồi thường tai nạn lao động.

Ngoài ra, đối tượng lĩnh lương ngày cũng có hai hạng: công nhật thường xuyên và công nhật tạm tuyển (hay thuê mượn ngắn hạn) cho nên các nơi cũng do dự không biết cả hai hạng công nhật trên đều được hưởng theo Nghị định 111-LĐ/LB hay chỉ có hạng công nhật thường xuyên.

Để các Khu, Ty có thể giải quyết các mắc mứu trên, Bộ giải thích chi tiết về các đối tượng áp dụng của Nghị định số 111-NĐ-LB như sau:

Nguyên tắc cơ bản để xét đối tượng áp dụng luật lệ bồi thường tai nạn lao động là ở chỗ người công nhân phải đặt dưới sự ĐIỀU KHIỂN của đơn vị sử dụng thì khi xẩy ra tai nạn, đơn vị này mới có trách nhiệm bồi thường. (Điều khiển có nghĩa là: bố trí công tác, xếp đặt công việc) kiểm tra, đôn đốc, trông nom trong thời gian người công nhân làm việc.)

Căn cứ vào nguyên tắc trên, tất cả công nhân lao động tuyển dụng hay thuê mướn, là người LÀM CÔNG ĂN LƯƠNG của đơn vị, bất luận là:

- Lương tháng (trong biên chế).

- Lương ngày.

Công nhật thường xuyên.

Tạm tuyển để làm một việc nhất định trong một thời gian hay làm theo vụ, theo mùa.

Thuê mượn ngắn hạn.

- Lương khoán (lương khoán cố định áp dụng cho những người đã sắp xếp theo cấp bậc và lương khoán không định mức theo sản phẩm hay theo khối lượng công việc áp dụng cho những người chưa sắp xếp).

Làm việc theo giờ chính thức đã quy định theo nội quy của đơn vị, có người của đơn vị đôn đốc trông nom, đều là đối tượng áp dụng của Nghị định số 111-NĐ/LB.

Trái lại, những người lãnh khoán (bất luận dưới hình thức nào), làm việc hoàn toàn tự do, không có sự điều khiển của đơn vị giao khoán, theo nguyên tắc trên, không thuộc phạm vi thi hành của Nghị định số 111-NĐ/LB. Ví dụ các trường hợp khoán dưới đây:

- Khoán từng việc do chính người thợ trực tiếp thương lượng giá khoán với đơn vị và nhận khối lượng công tác (thợ điện nhận mắc khoán điện vào một số hội trường).

- Khoán gia công đem việc về nhà làm (thợ giầy nhận da của Mậu dịch đem về nhà đóng thành giầy các kiểu).

- Khoán qua một người đứng trung gian thương lượng giá khoán với đơn vị và nhận khối lượng công tác.

a) Nếu người đứng trung gian là một tư sản có dụng cụ sản xuất hay nhà máy, bản thân không lao động, nhưng thuê mướn người làm công để thực hiện khối lượng công việc đã nhận khoán, quan hệ giữa này và các người làm công là quan hệ thợ chủ. Tai nạn lao động xẩy ra giải quyết theo điều 16 và điều 17 bản điều lệ điều chỉnh quan hệ giữa người làm công và chủ xí nghiệp tư doanh (chủ có trách nhiệm bồi thường).

Ví dụ: Chủ nhà máy của tư doanh nhận cưa khoán gỗ cho Công ty Lâm thổ sản. Nếu công nhân nhà máy bị tai nạn thì chủ nhà máy cưa phải bồi thường theo điều 16 và 17 bản điều lệ nói trên chứ không phải Công ty Lâm thổ sản phải bồi thường theo nghị đinh số 111.

b) Nếu người đứng trung giạn là một công nhân trong một tập đoàn thợ được anh em cử làm đại diện đi giao thiệp với đơn vị để lãnh khoán, công việc phân phối cùng nhau làm, quan hệ giữ người công nhân trung gian với các xí nghiệp khác trong tập đoàn là quan hệ hợp tác. Nếu vì cộng việc xẩy ra tai nạn, người đứng trung gian không có trách nhiệm bồi thường mà toàn thể tập đoàn có trách nhiệm giúp đỡ nhau.

Các tập đoàn thợ nói chung, cần có nội quy và cần thành lập quỹ xã hội để giúp đỡ nhau khi có việc cần (ốm đau, tai nạn, thai sản…).

Đối với anh em lãnh khoán nói trên, tuy không áp dụng chế độ chung bồi thường tai nạn lao động quy định tại Nghị định số 111-NĐ/LB nhưng đơn vị giao khoản vẫn có trách nhiệm:

1) Nếu anh em làm tại chỗ (nghĩa là không đem việc về nhà, nhưng làm ngay tại đơn vị), khi giao việc cần nói rõ anh em biết những chỗ nguy hiểm (ví dụ: nhắc nhở anh em quét vôi khoán thận trọng khi quét đến chỗ tường nhà máy ở trên cao có hệ thống dẫn điện cao thế chuyển vào mé bên trong và phải báo trước cho quản đốc biết để ra lệnh tạm cắt điện) và giúp đỡ anh em về dụng cụ, kỹ thuật an toàn và vệ sinh công nghiệp.

2) Trường hợp có tai nạn xẩy đến với anh em lãnh khoán đang khi tiến hành công việc tại đơn vị, phải tổ chức ngay việc cấp cứu tại chỗ cũng như đối với công nhân trong biên chế và nếu cần, đưa nạn nhân đi bệnh viện (đơn vị đài thọ tiền chuyên chở).

Nói chung tùy khả năng và hoàn cảnh cụ thể từng người, nếu thực sự nghèo túng và đoàn thể của mình cũng chưa có quỹ xã hội để giúp đỡ, sau khi vào bệnh viện, anh em có thể được hưởng cứu tế theo các quy định chung của Bộ Cứu tế xã hội như đối với nhân dân lao động khác, cụ thể là:

“Cách thanh toán viện phí, mai táng phí và các trợ cấp khác, sau khi cơ quan Y tế và Ủy ban Hành chính địa phương hoặc Sở Cứu tế xác nhận thì được sử dụng vào quỹ cứu tế chung của địa phương” (công văn số 151-VPCTXH ngày 20/1/1958 của Bộ Cứu tế xã hội).

Ngoài ra trong trường hợp đơn vị muốn chiếu cố giúp đỡ thêm người bị nạn bằng cách này hay cách khác (hoặc trợ cấp một số tiền cho gia đình người tử nạn) thì việc đó là ngoại lệ, trường hợp đặc biệt không quy định thành chế độ chung.

Các Khu, Ty nghiên cứu nắm vững nội dung thông tư này, vận dụng chính sách vào mỗi trường hợp cá biệt nếu có khó khăn gì thì báo cáo về Bộ góp ý kiến giải quyết.

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG




Nguyễn Văn Tạo

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 13-LB/TT năm 1958 bổ sung các đối tượng áp dụng của Nghị định liên bộ 111-NĐ/LB 1955 về chế độ bồi thường tai nạn lao động cho công nhân viên giúp việc Chính phủ do Bộ Lao động ban hành

  • Số hiệu: 13-LB/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 14/05/1958
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động
  • Người ký: Nguyễn Văn Tạo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 19
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản