Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 13/2009/TT-BNN

Hà Nội, ngày 12 tháng 03 năm 2009

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ VẤN ĐỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN THU TỪ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI HÀNH VI BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ RỪNG, BẢO VỆ RỪNG VÀ QUẢN LÝ LÂM SẢN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Thông tư số 59/2008/TT-BTC ngày 04/7/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả;
Sau khi thống nhất với Bộ Tài chính và Ban chỉ đạo chống buôn lậu Trung ương,
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số vấn đề về quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản của lực lượng Kiểm lâm như sau:

Điều 1. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này áp dụng trong hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản của lực lượng Kiểm lâm.

2. Thông tư này hướng dẫn việc xác định hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; tỷ lệ trích nộp và việc quản lý, sử dụng khoản chi hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan cấp trên theo quy định tại Thông tư 59/2008/TT-BTC.

Điều 2. Các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng.

1. Hành vi vi phạm hành chính quy định về quản lý bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB, IIB quy định tại Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và hành vi vi phạm hành chính đối với động vật nhập khẩu trái phép vào Việt Nam theo quy định tại Nghị định 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 20 của Nghị định 159/2007/NĐ-CP ngày 30/10/2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

2. Hành vi vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính quy định tại các Điều 21, Điều 22, Điều 23 của Nghị định 159/2007/NĐ-CP ngày 30/10/2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Điều 3. Tỷ lệ trích nộp chi hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan cấp trên.

1. Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hạt Kiểm lâm các Vườn Quốc gia trực thuộc Cục Kiểm lâm trích 5% trong tổng số chi của đơn vị mình cho các nội dung quy định tại Điểm a, Khoản 2, Mục II của Thông tư 59/2008/TT-BTC ngày 4/7/2008 của Bộ Tài chính để hỗ trợ Cục Kiểm lâm trong công tác chỉ đạo, điều hành chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

2. Hạt Kiểm lâm huyện, Hạt Kiểm lâm các khu rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm các khu rừng phòng hộ thuộc địa phương quản lý trích 5% trong tổng số chi của đơn vị mình cho các nội dung quy định tại Điểm a, Khoản 2, Mục II của Thông tư 59/2008/TT-BTC ngày 4/7/2008 của Bộ Tài chính để hỗ trợ Chi cục Kiểm lâm trong công tác chỉ đạo, điều hành chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Điều 4. Các nội dung chi hỗ trợ chỉ đạo, điều hành của cơ quan cấp trên.

1. Chi bổ sung công tác phí cho các đoàn kiểm tra, thanh tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

2. Chi hỗ trợ để mua sắm tài sản, trang thiết bị, phương tiện, công cụ hoạt động phục vụ công tác đặc thù chống buôn lậu và gian lận thương mại.

3. Chi cho công tác tuyên truyền chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

4. Chi thăm hỏi động viên các đơn vị Kiểm lâm vùng sâu, vùng xa. Chi hỗ trợ gia đình Kiểm lâm bị hy sinh, Kiểm lâm bị thương trong khi thi hành nhiệm vụ.

5. Chi hỗ trợ kinh phí cho các hội nghị, hội thảo chuyên đề, sơ kết, tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.

6. Chi bổ sung bồi dưỡng làm đêm thêm giờ, chi hỗ trợ công tác phí chống buôn lậu, gian lận thương mại theo quy định hiện hành.

7. Khoản chi hỗ trợ chỉ đạo điều hành trên được chuyển vào tài khoản của Cục Kiểm lâm hoặc của Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mở tại kho bạc nhà nước. Số dư cuối năm tại tài khoản này được chuyển sang năm sau sử dụng. Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quản lý, sử dụng khoản hỗ trợ này theo đúng các nội dung chi tại điều này và pháp luật về Ngân sách nhà nước.

Điều 5. Hiệu lực thi hành.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Nơi nhận:
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Bộ Tài chính;
- BCĐ 127/TW;
- Kho bạc Nhà nước Trung ương;
- Sở Tài chính; Sở NNPTNT; Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tài chính;
- Vụ Tài chính, Pháp chế Bộ NN&PTNT;
- Văn phòng Chính phủ;
- Website Chính phủ;
- Công báo;
- Website Bộ NN&PTNT;
- Lưu: VT, Cục KL.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hứa Đức Nhị

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 13/2009/TT-BNN hướng dẫn quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 13/2009/TT-BNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 12/03/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Hứa Đức Nhị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 167 đến số 168
  • Ngày hiệu lực: 26/04/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản