Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/2008/TT-BCT | Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2008 |
Căn cứ Nghị định 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 25/2008/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng Tây Nguyên đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 27/2008/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010;
Sau khi thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như sau:
1. Thông tư này hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương để xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (dưới đây gọi tắt là cụm công nghiệp) do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập tại các tỉnh, huyện vùng Tây Nguyên, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ quy định tại Quyết định số 25/2008/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng Tây Nguyên đến năm 2010 và Quyết định số 27/2008/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010 (sau đây gọi tắt là Quyết định số 25/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 27/2008/QĐ-TTg), bao gồm:
a) Các tỉnh vùng Tây Nguyên: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng;
b) Các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ;
c) Các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa (gồm: Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Bá Thước, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh) và địa bàn các huyện phía Tây tỉnh Nghệ An (gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Tân Kỳ, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Thanh Chương).
2. Các tổ chức, cá nhân sử dụng vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ phải đúng mục đích, đúng chế độ, chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng có thẩm quyền; thực hiện quyết toán vốn đã sử dụng theo quy định hiện hành.
I. ĐIỀU KIỆN, NỘI DUNG VÀ MỨC HỖ TRỢ
1. Các dự án xây dựng hạ tầng cụn công nghiệp thuộc các địa phương quy định tại khoản 1, phần I, Thông tư này được xem xét hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương phải đáp ứng những điều kiện sau:
a) Cụm công nghiệp nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hoặc Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hoặc đã cho phép bổ sung vào Quy hoạch trong từng thời kỳ;
b) Cụm công nghiệp có tác động quan trọng đến việc thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng lợi thế của địa phương nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ quy định tại các Quyết định số 25/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 27/2008/QĐ-TTg; phục vụ mục tiêu di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm hoặc nằm xen kẽ trong khu dân cư vào cụm công nghiệp;
c) Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp do các doanh nghiệp hoặc tổ chức Việt Nam làm chủ đầu tư;
d) Tính đến thời điểm lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ đầu tư, cụm công nghiệp đã có các doanh nghiệp cam kết đăng ký thuê ít nhất đạt 30% (ba mươi phần trăm) diện tích đất công nghiệp của cụm công nghiệp;
đ) Dự án đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật.
2. Nội dung hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp chủ yếu gồm các hạng mục, công trình sau:
a) Đền bù, giải phóng và san lấp mặt bằng;
b) Đường giao thông nội bộ; hệ thống cấp, thoát nước nội bộ
c) Hệ thống các công trình xử lý nước thải, chất thải tập trung.
3. Tổng mức hỗ trợ đầu tư xây dựng các hạng mục, công trình hạ tầng cụm công nghiệp không quá 6 tỷ đồng/cụm và không quá 70 tỷ đồng cho một tỉnh đến năm 2010.
II. LẬP KẾ HOẠCH HỖ TRỢ VỐN ĐẦU TƯ
1. Nguyên tắc lập kế hoạch
Hàng năm căn cứ vào thời gian, nhiệm vụ lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; căn cứ nội dung và tổng mức hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương để xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp tại địa phương đến năm 2010 hướng dẫn tại khoản 2 và 3 mục I phần II Thông tư này và tình hình thực hiện kế hoạch năm trước và nhu cầu trong năm kế hoạch, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập hồ sơ đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ đối với từng cụm công nghiệp gửi Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính thẩm tra tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định và giao chỉ tiêu kế hoạch vốn đầu tư cho các tỉnh.
2. Trình tự lập kế hoạch
a) Căn cứ vào tiến độ và mục tiêu thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, chủ đầu tư lập kế hoạch hỗ trợ vốn đầu tư gửi Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư;
b) Căn cứ vào đối tượng, điều kiện, nội dung, mức hỗ trợ đầu tư xây dựng cụm hạ tầng cụm công nghiệp theo hướng dẫn tại Thông tư này, Sở Công Thương xem xét, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp vào kế hoạch đầu tư phát triển chung của địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo quy định; đồng thời gửi Bộ Công Thương để thẩm tra;
c) Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan thẩm tra các điều kiện, nội dung và mức đề nghị hỗ trợ đầu tư đối với từng cụm công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tổng hợp kế hoạch hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp từ ngân sách Trung ương cho các tỉnh theo quy định hiện hành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định vào giao chỉ tiêu kế hoạch hỗ trợ vốn đầu tư cho các tỉnh.
3. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ vốn đầu tư đối với từng cụm công nghiệp gồm:
a) Tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh;
b) Bản sao hợp lệ Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hoặc quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn;
c) Bản sao hợp lệ Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp kèm theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng;
d) Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư, kèm theo dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp;
Hồ sơ được lập thành 03 bộ gửi: Bộ Công Thương (01 bộ) Bộ Kế hoạch và Đầu tư (01 bộ), Bộ Tài chính (01 bộ)
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, giám sát thực hiện, phân cấp quản lý việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về mục đích, kết quả và hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.
Sở Công Thương là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý các cụm công nghiệp trên địa bàn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tổ chức thẩm tra đề nghị hỗ trợ vốn đầu tư của các chủ đầu tư dự án; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính lập hồ sơ đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư đối với từng cụm công nghiệp theo quy định hiện hành.
2. Hàng năm, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện, hiệu quả của việc hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cục Công nghiệp địa phương là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện nhiệm vụ quản lý các cụm, điểm công nghiệp cấp huyện trong phạm vi cả nước có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để tổ chức hướng dẫn, thẩm tra và theo dõi, đánh giá hiệu quả việc thực hiện hỗ trợ đầu tư đối với cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng dẫn tại Thông tư này.
3. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị liên quan phản ánh về Bộ Công Thương để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1Nghị định 60/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước
- 2Nghị định 189/2007/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương
- 3Quyết định 25/2008/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng Tây Nguyên đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 27/2008/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Thông tư 13/2008/TT-BCT hướng dẫn hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các vùng Tây nguyên, vùng Trung du và miền núi Bắc bộ do Bộ Công thương ban hành
- Số hiệu: 13/2008/TT-BCT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 05/11/2008
- Nơi ban hành: Bộ Công thương
- Người ký: Vũ Huy Hoàng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 605 đến số 606
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra