Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 129-HĐ/TT

Hà Nội, ngày 07 tháng 05 năm 1962

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ QUYỀN HẠN CỦA CÁC NGÀNH CÁC CẤP THUỘC BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐỐI VỚI VIỆC CHẤP HÀNH CHẾ ĐỘ HỢP ĐỒNG KINH TẾ CỦA CHÍNH PHỦ

Thi hành Nghị định số 04-TTg ngày 04/01/1960 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chế độ hợp đồng kinh tế, ngành ta đã có những cố gắng, nhưng kiểm điểm lại thì việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế trong ngành vẫn còn nhiều thiếu sót. Do đó, so với yêu cầu của Nhà nước thì công tác hợp đồng trong ngành ta hiện nay chưa đáp ứng kịp.

Bộ tuy đã có Chỉ thị số 2951 ngày 27/07/1960 về phân cấp ký kết hợp đồng vận tải và Thông tư số 017 ngày 17/12/1960 về phân cấp ký kết hợp đồng giao nhận thiết kế và thi công xây dựng cơ bản, nhưng các chỉ thị và Thông tư này chưa đề cập tới một số vấn đề cụ thể thuộc phạm vi trách nhiệm nói chung của các cấp trong toàn ngành. Vì vậy chưa phát huy hết khả năng tích cực của các bộ môn giúp việc Bộ và các cấp để bảo đảm thực hiện đầy đủ chế độ hợp đồng kinh tế của Chính phủ.

Để tăng cường tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa đẩy mạnh công tác hợp đồng kinh tế, nhằm thực hiện tốt kế hoạch Nhà nước trong ngành giao thông vận tải, Bộ quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các ngành, các cấp thuộc Bộ đối với việc ký kết và thực hợp đồng kinh tế như sau:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Bộ ký kết hợp đồng nguyên tắc với các cơ quan ngoài ngành theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao và do các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện chuẩn bị và trình Bộ ký.

Riêng Tổng cục đường sắt, nếu có những cơ quan ngoài ngành trực tiếp yêu cầu ký thì, khi chuẩn bị hợp đồng, phải liên hệ chặt chẽ với Vụ kế hoạch để thống nhất chỉ tiêu kế hoạch và saukhi ký hợp đồng xong, phải có báo cáo trình Bộ.

2. Trong lúc các đơn vị chuẩn bị nội dung các hợp đồng nguyên tắc ký với cơ quan ngoài, phải có sự tham gia ý kiến của Hội đồng trọng tài Bộ. Sau khi Bộ ký kết xong, Tổng cục, các Cục, Vụ, Viện hướng dẫn và đôn đốc cơ sở trực thuộc ký hợp đồng cụ thể để thực hiện hợp đồng nguyên tắc nói trên. Những hợp đồng cụ thể này phải gửi một bản cho cấp lãnh đạo trực tiếp của đơn vị cơ sở ký hợp đồng mà không phải gửi cho Hội đồng trọng tài trung ương và Hội đồng trọng tài Bộ.

3. Trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước mà Bộ đã phân bổ, Tổng cục, các Cục, Vụ, Viện, Công ty, Cảng và các Khu, Sở, Ty giao thông vận tải có trách nhiệm quản lý và thực hiện kế hoạch, nhất thiết phải ký hợp đồng nguyên tắc nội bộ với nhau. Sau khi ký hợp đồng nguyên tắc xong, các đơn vị hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở trực thuộc hoặc tự bản thân mình, tiến hành ký hợp đồng cụ thể. Những hợp đồng nguyên tắc nội bộ phải gửi 1 bản cho Hội đồng trọng tài Bộ để theo dõi mà không phải gửi cho Hội đồng trọng tài trung ương. Đối với hợp đồng cụ thể trong nội bộ ngành phải gửi cho cấp lãnh đạo trực tiếp của cơ sở hai bên để theo dõi mà không phải gửi cho Hội đồng trọng tài Bộ. Tổng cục, các Cục, Vụ, Viện có trách nhiệm tìm biện pháp giúp cơ sở giải quyết khó khăn trở ngại và tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký kết và thực hiện hợp đồng được tốt.

4. Hàng tháng, hàng quý và toàn niên, Tổng cục, các Cục, Vụ, Viện, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Khu, Sở, Ty giao thông trong việc kiểm điểm kết quả thực hiện kế hoạch của đơn vị, phải gắn liền với việc kiểm điểm ký kết và thực hiện hợp đồng. Báo cáo này phải gửi lên Hội đồng trọng tài Bộ để theo dõi.

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Vụ kế hoạch:

- Sau khi Chính phủ đã phê chuẩn chỉ tiêu kế hoạch, phải phổ biến và gửi cho Tổng cục, các Cục, Vụ, đơn vị liên quan và Hội đồng trọng tài trong vòng 5 ngày.

- Đối chiếu xác minh chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước với số liệu của các ngành bạn chuẩn bị ký hợp đồng với Bộ ta.

- Chuẩn bị nội dung hợp đồng nguyên tắc về vận tải (gồm cả đường sắt, đường bộ, đường thủy) để Bộ ký với các Bộ, Tổng cục, các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh.

- Căn cứ hợp đồng nguyên tắc nói trên, phân bổ nhiệm vụ cho các ngành Đường sắt, Thủy, Bộ để các ngành tiến hành ký hợp đồng cụ thể cả năm.

- Theo dõi, tổng hợp và đánh giá kết quả, mức độ thực hiện hợp đồng so với tất cả mọi chỉ tiêu kế hoạch của Bộ về vận tải, kiến thiết cơ bản, sản xuất công nghiệp và cung cấp vật tư v.v…

2. Tổng cục đường sắt:

- Chuẩn bị nội dung hợp đồng nguyên tắc giao hoặc nhận thầu kiến thiết cơ bản đường sắt, sản xuất công nghiệp để Bộ ký với cơ quan ngoài Bộ (trường hợp Bộ ký).

- Đôn đốc việc ký kết các hợp đồng nội bộ trong ngành đường sắt và ký kết các hợp đồng cụ thể cả năm với các cơ quan bạn trong cùng ngành giao thông vận tải.

- Tổ chức kiểm tra đôn đốc theo dõi tổng hợp, hướng dẫn giúp đỡ các Cục, Vụ các công ty, xí nghiệp, đoạn, ga trực thuộc Tổng cục ký kết hợp đồng cụ thể thực hiện các hợp đồng nguyên tắc của Bộ hoặc Tổng cục ký với bên ngoài và hợp đồng nội bộ ngành.

3. Cục Kiến thiết cơ bản:

- Chuẩn bị nội dung hợp đồng nguyên tắc giao nhận thầu về kiến thiết cơ bản thủy, bộ, để Bộ ký với cơ quan ngoài Bộ.

- Ký hợp đồng nguyên tắc nội bộ theo chỉ tiêu kế hoạch xây dựng cơ bản của ngành đã được duyệt với các Cục, Công ty công trình và các Khu, Sở, Ty giao thông.

- Ký hợp đồng nguyên tắc cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị máy móc với Cục vật tư (kể cả phần yêu cầu cung cấp trực tiếp cho hiện trường).

- Ký hợp đồng giao nhận khảo sát thiết kế với Viện thiết kế.

- Ký hợp đồng vận tải với Cục Vận tải đường bộ, đường thủy, đường sắt về vận chuyển nguyên vật liệu thiết bị cho hiện trường (không kể phần do Cục Vật tư trực tiếp cung cấp hiện trường).

- Đôn đốc ký hợp đồng cụ thể để thực hiện các hợp đồng nguyên tắc với ngoài và hợp đồng nội bộ.

- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các hợp đồng cụ thể đã ký.

- Tổng kết việc thực hiện các hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng cụ thể về kiến thiết cơ bản trong toàn ngành.

4. Công trình 120:

- Chuẩn bị các hợp đồng nguyên tắc với bên ngoài để Bộ ký.

- Ký hợp đồng nguyên tắc nội bộ giao thầu với Tổng cục đường sắt.

- Ký hợp đồng về cung cấp nguyên vật liệu thiết bị với Cục vật tư.

- Ký hợp đồng vận tải để vận chuyển vật tư nói trên.

- Ký hợp đồng cụ thể để thực hiện các hợp đồng nguyên tắc nói trên và tổ chức thực hiện các hợp đồng cụ thể đã ký.

Tổng kết công tác ký kết và thực hiện hợp đồng thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình.

5. Viện thiết kế:

- Chuẩn bị nội dung hợp đồng giao nhận thiết kế với cơ quan ngoài để Bộ ký.

- Ký hợp đồng giao nhận thiết kế với các Cục, Vụ, Viện các đơn vị trực thuộc Bộ và với các cơ quan ngoài Bộ.

- Tổ chức thực hiện các hợp đồng đã ký.

- Ký hợp đồng về cung cấp thiết bị, về vận tải với Cục vật tư, các Cục vận tải.

- Tổng kết tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng của Viện đã ký.

6. Cục cơ khí:

- Chuẩn bị hợp đồng nguyên tắc về sản xuất công nghiệp và sửa chữa phương tiện vận tải để Bộ ký với cơ quan ngoài.

- Ký hợp đồng nguyên tắc nội bộ về sản xuất công nghiệp sửa chữa phương tiện vận tải với các Cục vận tải đường bộ, đường thủy.

- Ký hợp đồng về nguyên vật liệu, máy móc thiết bị với Cục vật tư, để cung cấp cho các xí nghiệp.

- Ký hợp đồng thiết kế về sản phẩm cơ khí giao thông vận tải với bên ngoài và nội bộ.

- Đôn đốc ký hợp đồng cụ thể để thực hiện các hợp đồng nguyên tắc nói trên.

- Theo dõi tổng kết tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng trong ngành.

7. Cục vận tải đường bộ:

- Chuẩn bị các hợp đồng nguyên tắc về mua bán cung cấp, đặt sản xuất săm lốp, phụ tùng ôtô để Bộ ký với cơ quan ngoài Bộ (khi nào công ty phụ tùng ôtô chuyển qua Cục vật tư thì phần việc này sẽ do Cục vật tư đảm nhiệm).

- Tổ chức thực hiện hợp đồng nguyên tắc vận tải mà Bộ đã ký với ngoài ngành bằng cách ký hợp đồng cụ thể cả năm và phân bố nhiệm vụ chỉ tiêu kế hoạch vận tải cho các Sở, Khu, Ty giao thông, các Công ty vận tải trực thuộc và tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ giải quyết khó khăn cho các cơ sở vận tải để thực hiện tốt hợp đồng cụ thể.

- Ký hợp đồng nguyên tắc nội bộ về vận tải, sản xuất và sửa chữa phương tiện vận tải, mua bán cung cấp vật tư thiết bị, phương tiện vận tải và phụ tùng với các Cục trong Bộ.

Đôn đốc ký hợp đồng cụ thể để thực hiện các hợp đồng nguyên tắc nội bộ nói trên.

- Theo dõi, kiểm tra đôn đốc, tổng kết tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng của ngành.

8. Cục vận tải đường thủy:

- Chuẩn bị hợp đồng nguyên tắc nhận khảo sát thiết kế, nạo vét, phá đá luồng lạch, xây dựng phao đăng tiêu, cho thuê tầu để Bộ ký với cơ quan ngoài.

- Tổ chức thực hiện hợp đồng nguyên tắc vận tải mà Bộ đã ký với các cơ quan ngoài bằng cách ký các hợp đồng cụ thể cả năm và phân bổ chỉ tiêu kế hoạch vận tải cho các Khu, Sở, Ty giao thông, các Công ty vận tải trực thuộc và tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết khó khăn giúp cho cơ sở thực hiện tốt hợp đồng cụ thể.

- Ký hợp đồng nguyên tắc nội bộ về vận tải, sản xuất và sửa chữa phương tiện vận tải, mua bán cung cấp vật tư, thiết bị, phương tiện vận tải và phụ tùng về kiến thiết cơ bản đường thủy với các Cục, đơn vị trong Bộ.

- Đôn đốc ký hợp đồng cụ thể để thực hiện các hợp đồng nguyên tắc với ngoài và trong nội bộ nói trên.

- Theo dõi kiểm tra đôn đốc tổng kết tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng trong ngành.

9. Cục vật tư:

- Chuẩn bị hợp đồng nguyên tắc để Bộ ký với các cơ quan ngoài Bộ về thiết bị toàn bộ, thiết bị máy móc, vật tư trong và ngoài nước (sau khi Công ty phụ tùng ô tô chuyển sang Cục vật tư thì đảm nhiệm thêm việc chuẩn bị các hợp đồng về mua bán cung cấp săm lốp và phụ tùng ôtô với ngoài).

- Ký hợp đồng nguyên tắc nội bộ về cung cấp, vật tư, về vận tải với các Cục trong Bộ.

- Đôn đốc và ký hợp đồng cụ thể thực hiện các hợp đồng nguyên tắc nói trên.

- Theo dõi kiểm tra đôn đốc và tổng kết tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng trong ngành.

10. Hội đồng trọng tài:

- Thực hiện đúng quyền hạn, nhiệm vụ của Nhà nước giao cho Hội đồng trọng tài (theo quy định Thông tư số 025-TTg). Ngoài ra Bộ quy định cụ thể thêm:

- Căn cứ văn bản chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước mà Vụ kế hoạch đã sao gửi, đôn đốc Tổng cục, Cục, Vụ, Viện, cơ sở trực thuộc chuẩn bị hợp đồng nguyên tắc cho Bộ ký với bên ngoài và ký kết hợp đồng nguyên tắc nội bộ theo thời hạn Nhà nước quy định.

- Tham gia ý kiến vào các dự thảo hợp đồng nguyên tắc do Tổng cục, Cục, Vụ, Viện, chuẩn bị cho Bộ ký với cơ quan ngoài nhằm đảm bảo về mặt pháp lý của chế độ hợp đồng kinh tế của Nhà nước đã quy định.

- Đúc rút kinh nghiệm về nội dung các hợp đồng nguyên tắc Bộ ký với bên ngoài và các hợp đồng nguyên tắc nội bộ.

- Tổ chức kiểm tra điển hình về việc thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế.

- Tổng kết tình hình ký kết thực hiện và xử lý hợp đồng trong toàn ngành.

11. Cảng Hải Phòng:

- Chuẩn bị hợp đồng nguyên tắc về xếp dỡ, thuê kho bãi ở Cảng để Bộ ký với cơ quan ngoài.

- Ký hợp đồng cụ thể thực hiện hợp đồng nguyên tắc nói trên.

- Căn cứ chỉ tiêu kế hoạch của Cảng đã được duyệt mà ký kết các hợp đồng khác.

- Tổng kết tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng trong phạm vi Cảng.

12. Sở, Khu, Ty giao thông vận tải:

- Tổ chức thực hiện hợp đồng nguyên tắc về vận tải của bộ đã ký, cụ thể là kiểm tra đôn đốc hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ các cơ quan sở vận tải ký kết và thực hiện tốt hợp đồng.

- Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch ký hợp đồng với các Cục về thiết kế thi công xây dựng cơ bản, cung cấp vật tư, sản xuất và sửa chữa cơ khí.

- Tổng kết tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng trong ngành.

13. Công ty cơ giới, Công ty công trình thủy trực thuộc Bộ, các ban chỉ huy công trường, các đội cầu.

- Ký hợp đồng về giao nhận thi công xây dựng cơ bản với bên ngoài và trong nội bộ.

- Ký hợp đồng về cung cấp vật tư, thiết bị với Cục cung cấp vật tư.

- Tổ chức thực hiện các hợp đồng nói trên.

- Tổng kết tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng trong phạm vi đơn vị.

14. Các công ty vận tải, các xí nghiệp, xưởng, công ty phụ tùng.

- Căn cứ vào hợp đồng nguyên tắc Bộ đã ký và các hợp đồng cụ thể cả năm với ngoài và hợp đồng nội bộ Cục đã ký, trên cơ sở phân bổ nhiệm vụ của Cục cho các công ty, xí nghiệp, xưởng ký kết và thực hiện các hợp đồng cụ thể.

- Những việc không có chỉ tiêu kế hoạch trước khi ký hợp đồng phải được sự đồng ý của cấp trên trực tiếp lãnh đạo xét duyệt.

- Tổng kết tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng trong phạm vi đơn vị.

15. Công ty đại lý tàu biển:

- Ký hợp đồng với Cảng về dỡ hàng nhập khẩu trong những trường hợp mà theo hợp đồng vận tải tàu phải đảm nhiệm dỡ hàng.

- Tổng kết tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng trong phạm vi đơn vị.

Ngoài những điều quy định trên, các đơn vị nào Bộ chưa quy định rõ nhiệm vụ thi hành chế độ hợp đồng kinh tế vào trong Thông tư này thì căn cứ chỉ tiêu kế hoạch và quy định hợp đồng hàng năm của Bộ, trên cơ sở nghiệp vụ của mình mà ký hợp đồng.

Các cấp, các ngành, các đơn vị nhận được Thông tư này nghiên cứu để thực hiện quy định cụ thể việc ký kết và thực hiện hợp đồng của mỗi ngành. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, các đơn vị có gặp khó khăn trở ngại hoặc có đề nghị bổ sung điều chỉnh, cần phản ánh để Bộ nghiên cứu giải quyết.

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
THỨ TRƯỞNG




Dương Bạch Liên

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 129-HĐ/TT năm 1962 quy định nhiệm vụ quyền hạn của các ngành các cấp thuộc Bộ Giao thông Vận tải đối với việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế của Chính phủ do Bộ Giao thông Vận tải ban hành

  • Số hiệu: 129-HĐ/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 07/05/1962
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Dương Bạch Liên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 19
  • Ngày hiệu lực: 22/05/1962
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản