Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 127-BTC/NN

Hà Nội, ngày 25 tháng 09 năm 1958

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH THÊM VỀ CÁCH THI HÀNH ĐIỀU LỆ THUẾ NÔNG NGHIỆP

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Kính gửi: Ủy ban Hành chính khu, thành phố, tỉnh

Từ năm 1956, điều lệ thuế nông nghiệp áp dụng tại vùng đã cải cách ruộng đất được thi hành có tác dụng khuyến khích sản xuất rõ rệt.

Tuy vậy, tình hình nông thôn và tình hình ruộng đất ở từng địa phương có những đặc điểm khác nhau; trong quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp tiến lên chủ nghĩa xã hội lại có nhiều diễn biến mới. Do đó khi áp dụng điều lệ thuế nông nghiệp vào từng trường hợp cụ thể phải nghiên cứu một cách thận trọng để không trái với nguyên tắc chung, phát huy tác dụng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp của chính sách thuế.

Trong tình hình hiện tại, chưa có đủ điều kiện nghiên cứu bổ sung một cách toàn diện mọi vấn đề trong một lúc, cho nên yêu cầu của thông tư này chỉ nhằm giải thích rõ hơn một số trường hợp về cách tính nhân khẩu nông nghiệp (nghề chính, nghề phụ) và cách tính thuế, để trong dịp tính thuế năm 1958, các địa phương có thể áp dụng sát với từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra, những điểm đã giải thích theo thông tư số 367-TT-TC/NN ngày 25 tháng 10 năm 1957 nói chung không có gì thay đổi; đó vẫn là văn bản hướng dẫn việc thi hành điều lệ thuế nông nghiệp.

I. CÁCH TÍNH NHÂN KHẨU NÔNG NGHIỆP

1) “Để khuyến khích nông dân khôi phục và phát triển nghề phụ, những người làm nghề phụ vẫn được tính nhân khẩu nông nghiệp” (Điều 14 điều lệ thuế nông nghiệp vùng đã cải cách ruộng đất).

Cần thống nhất nhận định: nghề phụ của người nông dân là những nghề mà nông dân làm thêm trong thì giờ nhàn rỗi, công việc đồng áng không có gì, tự mình làm lấy với một số dụng cụ thô sơ. Đó là một số nghề thủ công hoặc một số công việc lặt vặt, hoa lợi thu được chỉ thêm một phần vào đời sống chứ không phải là nguồn thu hoạch chính hằng năm của gia đình. Như vậy, những người làm một nghề nào đó một cách thường xuyên và chuyên nghiệp, cố định kinh doanh một ngành thành công, thương nào đó, đều không coi là nông dân làm thêm nghề phụ.

2) Ở một số vùng có những gia đình nông dân tuy đủ ruộng đất nhưng đồng thời vẫn còn chuyên nghiệp làm một số nghề khác (sản xuất để bán hoặc gia công cho Mậu dịch hoặc đi làm công) như nghề thợ rèn, nghề dệt, ép đường, làm nồi, làm chiếu, thợ may, cắt tóc, làm gạch, làm ngói, làm bún, thợ mộc, thợ nề v .v… Một số người hoặc tất cả gia đình vừa tham gia sản xuất nông nghiệp, vừa làm các nghề thủ công nói trên. Hoa lợi của những nghề này cũng là nguồn sống chính của gia đình cộng với phần thu hoạch của ruộng đất.

Do đó, lúc kê khai tính thuế, những người được xác nhận là nhân công chuyên nghiệp của những nghề trên sẽ không được tính là nhân khẩu nông nghiệp của nông hộ.

Ví dụ: Gia đình ông An, hai vợ chồng, một con lớn, hai con nhỏ, đến mùa tất cả nhà đều làm ruộng, nhưng đồng thời ông An và người con lớn lại chuyên nghề rèn làm nguồn sống chính thì lúc tính thuế sẽ trừ hai người này không được tính nhân khẩu nông nghiệp.

3) Đối với những gia đình trước cải cách ruộng đất là dân nghèo, nguồn sống chính là buôn bán, hoặc làm công v .v… ở các ngoại ô thành phố, các thị trấn, trong cải cách ruộng đất đã được chia ruộng nhưng vì phân công nhiều, ruộng ít, không đủ sống nên vẫn phải làm nghề khác (có đăng ký hoặc có thể không có đăng ký của cơ quan công thương) thì dựa vào hoa lợi nông nghiệp bảo đảm được mấy người thì tính bấy nhiêu nhân khẩu nông nghiệp với tiêu chuẩn là 250 cân thóc cho một người trong một năm.

4) Để hạn chế số người không trực tiếp sản xuất, những người chuyên buôn bán dù to, dù nhỏ, dù trong ngày mùa có phần nào tham gia sản xuất nông nghiệp cũng không được tính nhân khẩu nông nghiệp.

5) Nghề nuôi tằm ở nước ta hiện nay cần được khuyến khích phát triển nêu những gia đình nuôi tằm quanh năm, thu hoạch khá, cũng vẫn tạm thời được tính nhân khẩu nông nghiệp.

Điểm cần chú ý là: Trong việc phân biệt nghề chính hay nghề phụ để tính nhân khẩu nông nghiệp hoặc trừ nhân khẩu nông nghiệp cần nhận xét cụ thể về tính chất có thường xuyên, chuyên nghiệp hay không, thời gian nhiều hay ít, trong một năm, hoa lợi thu hoạch về nghề công, thương có phải là nguồn sống chính của một số người trong nông hộ hay không.

Có như vậy mới tránh được lầm lẫn với nghề phụ của nông dân nghĩa là nghề làm ruộng vẫn là nguồn sống chính, mọi năng lực trong gia đình đều tập trung vào công việc sản xuất nông nghiệp, chỉ những lúc nhàn rỗi mới làm thêm các nghề thủ công lặt vặt, hoa lợi chẳng đáng là bao, để thêm chút ít vào nguồn sống gia đình. Nếu việc tính nhân khẩu không thận trọng, không cân nhắc, qua dễ dãi đối với những nôn dân lơ là công việc đồng ánh để đi buôn hoặc làm nghề khác v .v… sẽ ảnh hưởng đến việc tập trung lực lượng tăng năng suất ruộng đất bảo đảm thu hoạch đúng và vượt mức kế hoạch. Hoặc trái lại không nắm vững chính sách đối với những nông dân có làm thêm nghề phụ, cắt nhân khẩu, một cách không đúng sẽ làm cho bà con nông dân thắc mắc, không phấn khởi phát triển nghề phụ trong gia đình để nâng dần mức sinh hoạt hàng ngày.

II. CÁCH TÍNH THUẾ

Bộ giải thích và bổ sung thêm một số điểm:

1) Những hồ ao chuyên dùng để ươm cá con, mặc dù thu hoạch nhiều vẫn được miền thuế đúng như quy định của chính sách “phát triển nghề cá” của Chính phủ.

Những hồ, ao chuyên dùng để ươm cá con là:

- Những hồ ao chuyên thả cá bột vớt ở sông (tập trung ở các vùng gần sông lớn như Hà đông, Hưng yên, Hà nam, Hà nội …) những nơi này đều là những cơ sở có cơ quan Nông lâm hướng dẫn.

- Những hồ ao chuyên mua cá bột ở những vùng trên về nuôi thành cá con để bán cho đồng bào thả cá thịt.

Còn những trường hợp hồ ao nuôi cá con trong một thời gian ngắn rồi bán, đồng thời để lại một ít cuối năm bán cá thịt hoặc để ăn thì không gọi là hồ ao ươm cá con được miễn thuế, mà phải chịu thuế như các loại hồ, ao khác.

2) Đối với thương binh, quân nhân phục viên:

- Đối với quân nhân chuyển ngành sang các cơ quan công tác, một năm sau chế biến về nông thôn sản xuất, nếu sống chung với gia đình thì gia đình được giảm thuế 50 kilô thóc trong thời hạn một năm; nếu thành lập nông hộ riêng thì riêng phần ruộng đất của bản thân cũng được miễn thuế một năm.

- Trong trường hợp thương binh, quân nhân phục viên về nông thôn sản xuất nay đã đến hạn chịu thuế nhưng vì sản xuất gặp khó khăn, thu hoạch có năm không đủ sống. Ban thuế xã cần xét và đề nghị Ủy ban Hành chính tỉnh cho hoãn, giảm hoặc miễn hẳn thuế theo tinh thần điều 27 của điều lệ để chiếu cố đến hoàn cảnh thực tế của từng người, động viên tinh thần phấn khởi sản xuất.

- Riêng đối với một số thương binh, miền Nam về sản xuất ở nông thôn, sống một mình hoặc lấy vợ lập nông hộ riêng, sau khi hết hạn miễn thuế, thường phải chịu thuế theo thuế suất cao ví ít nhân khẩu nông nghiệp, thì kể từ năm nay; đến hạn chịu thuế, thuế sẽ tính theo biểu thuế chung, nhưng thuế suất tối đa chỉ đến 15%. Đối với những thương binh miền Nam về sống chung với gia đình vợ thì gia đình vợ chỉ được giảm thuế như đã quy định trong hai năm mỗi năm 50 kilô thóc.

Trên đây là một số điểm Bộ giải thích và bổ sung thêm về cách thi hành điều lệ thuế Nông nghiệp hiện nay. Đề nghị các địa phương nghiên cứu kỹ bản giải thích cũ (thông tư số 367-TT/TC/NN ngày 25 tháng 10 năm 1957) và các thông tư bổ sung, kết hợp với những ý kiến trên để áp dụng cho sát với tình hình cụ thể từng nơi.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG





Nguyễn Thanh Sơn

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 127-BTC/NN năm 1958 giải thích thêm về cách thi hành điều lệ thuế nông nghiệp do Bộ Tài Chính ban hành

  • Số hiệu: 127-BTC/NN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 25/09/1958
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Thanh Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 35
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản