BỘ TÀI CHÍNH | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 123-TC/HCP/P3 | Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 1958 |
BỔ SUNG THÊM VỀ THỂ LỆ ĐỔI TIỀN MIỀN NAM CHO BỘ ĐỘI, CÁN BỘ VÀ ĐỒNG BÀO MIỀN NAM TẬP KẾT RA BẮC
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Kính gửi: | - Các Ủy ban Hành chính các khu, tỉnh và thành phố |
Việc đổi tiền miền Nam, bù thêm chênh lệch cho bộ đội, cán bộ và đồng bào tập kết đến nay căn bản đã xong. Nhưng cũng còn có một số việc tồn tại cần giải quyết nốt để vấn đề này được kết thúc một cách gọn gàng, chu đáo.
Sau khi có sự thỏa thuận của Ban Thống nhất, của Ngân hàng Trung ương và đã được Thủ tướng Phủ thông qua nguyên tắc (công văn số 5257-TN ngày 06-08-1957), Bộ tôi bổ sung thêm mấy điểm sau đây:
1) Nâng mức bù từ 400đĐD lên 1.000đĐD
Theo thông tư số 1849-TC/TDT/P1 ngày 06-09-1955 thì cán bộ, bộ đội trong biên chế Nhà nước lĩnh sinh hoạt phí bằng tiền Đông Dương và tập kết trong 3 chuyến tầu cuối cùng được bù thêm từ 1đĐD đến 400đĐD, mỗi đồng Đông dương là 60đ Ngân hàng.
Nay quy định lại: từ 1đĐD đến 1.000đĐD được bù mỗi đồng Đông Dương là 60đ NH, tức là nâng mức được bù 60đ NH từ 400đ ĐD lên 1.000đ ĐD.
Quy định này không áp dụng cho cán bộ xã, gia đình cán bộ hay các đồng bào khác, mặc dù cũng tập kết trong 3 chuyến tầu cuối cùng (bắt đầu từ 21-04-1955, vì không phải là cán bộ trong biên chế lĩnh sinh hoạt phí bằng tiền Đông Dương).
Ví dụ: Một cán bộ huyện tập kết trong 3 chuyến tàu cuối cùng có mang theo 3.000đĐD.
Sẽ được bù theo quy định mới: | |
(60đNH x 1.000đ ĐD) + 15đ NH (3.000đ ĐD) – 1.000đ ĐD) | = 90.000đ NH |
Đã được bù theo quy định cũ: | |
(60đ NH x 400đ ĐD) + 15đ NH (3.000đ ĐD) – 400đ ĐD) | = 63.000đ NH |
Được truy bù: | 27.000đ NH |
2) Bù thêm cho những số tiền trên 5.000đ ĐD
Không ấn định mức bù tối đa là 5.000đ ĐD như đã quy định trong thông tư 1849-TC/TDT/P1 nói trên, mà bù cho toàn bộ số tiền, từ 1001đ ĐD trở lên mỗi đồng Đông Dương vẫn bù 15đ NH như cũ, không phân biệt trong biên chế hay ngoài biên chế. Những số tiền trên 5.000đ ĐD chưa được bù sẽ được truy bù nếu có chứng nhận không phải là tiền Đông Dương ở vùng tạm chiếm đưa vào.
Ví dụ: Một cán bộ tỉnh tập kết chuyến tầu cuối cùng có mang theo 8.500đ ĐD sẽ được bù theo quy định mới:
(60đ NH x 1.000đ ĐD) + 15đ NH (8.500đ ĐD) – 1.000đ ĐD) | = 172.500đ NH |
đã được bù tới 5.000đ ĐD theo quy định cũ: | |
(60đ NH x 400đ ĐD) + 15đ NH (3.000đ ĐD) – 400đ ĐD) | = 93.000đ NH |
Được truy bù: | 79.500đ NH |
Ví dụ 2: Một cán bộ xã hay gia đình cán bộ tập kết chuyến tàu cuối cùng có mang theo 6.500đ ĐD thì sẽ được truy bù: 15đNH (6.500đĐD – 5.000đĐD) = 22.500đNH.
3) Bù thêm cho những trường hợp được phát sinh hoạt phí bằng tiền Đông dương và tập kết trước 3 chuyến tàu cuối cùng:
Những cán bộ trong biên chế và những cán bộ xã trước đây được điều động làm những công tác đột xuất, có lĩnh sinh hoạt phí bằng tiền Đông Dương và được tập kết trước 3 chuyến tàu cuối cùng, vì điều kiện đặc biệt không đổi "séc" phải mang tiền mặt ĐD ra Bắc, trước đây chưa được bù, thì nay cũng được bù thêm như sau:
a) Cán bộ trong biên chế từ 1đ ĐD đến 1.000đ ĐD, mỗi đồng ĐD bù 60đ Ngân hàng.
Trên 1.000đĐD (không hạn mức tối đa) mỗi đồng ĐD bù 15đ Ngân hàng.
b) Cán bộ xã: bù nhất loạt cho toàn bộ số tiền, mỗi đồng ĐD 15đ Ngân hàng.
1) Nâng mức bù từ 1.000đĐD lên 5.000đĐD:
Theo thông tư số 463-TC/TDT/P1 ngày 21-04-1956 thì những trường hợp gửi tiền ĐD, mà nguồn gốc là tiền Nam bộ, ở 4 tỉnh Miền Tây Nam bộ (Bắc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, Long Châu Hà) có biên nhận của Ngân hàng nhân dân Nam bộ thì được bù từ 1 đồng ĐD đến 1.000đĐD mỗi đồng ĐD là 18đ NH.
Nay quy định lại: từ 1đ ĐD đến 5.000đ ĐD, được bù mỗi đồng ĐD là 18đ NH, tức là nâng mức được bù từ 1.000đ ĐD lên 5.000đ ĐD.
Ví dụ: Một cán bộ ở Bắc Liêu khi tập kết có gửi vào Ngân hàng nhân dân Nam bộ 4.000đĐ (nguồn gốc tiền Nam bộ) lấy biên nhận; sẽ được bù theo quy định mới:
18đ NH x 4.000đ ĐD | = 72.000đ NH |
Đã được bù theo quy định cũ: | |
(18đ NH x 1.000đ ĐD) + 10đ NH (4.000đ ĐD – 1.000đ ĐD) | = 48.000đ NH |
được truy bù: | 24.000đ NH |
2) Bù 10đNH cho những số tiền trên 5.000đ ĐD:
Không ấn định mức bù tối đa là 5.000đ ĐD như đã quy định trong thông tư số 463-TC-TDT-P1 nói trên mà bù cho toàn bộ số tiền từ 5.001 đ ĐD trở lên, mỗi đồng ĐD là 10đ NH, nếu có chứng nhận nguồn gốc không phải là tiền ĐD ở vùng tạm chiến đưa vào
Ví dụ: Một cán bộ ở Sóc Trăng khi tập kết có gửi vào Ngân hàng nhân dân Nam bộ 9.700 đ ĐD (nguồn gốc tiền Nam bộ) và có lấy biên nhận.
Sẽ được bù theo quy định mới:
18đ NH x 5.000đ ĐD + 10đ NH (9.700đ ĐD – 5.000) | = 137.000đ NH |
Đã được bù theo quy định cũ: | |
(18đ NH x 1.000đ ĐD) + 10đ NH (5.000đ ĐD – 1.000đ ĐD) | = 58.000đ NH |
được truy bù: | 79.000đ NH |
3. Bù về đổi tiền mặt ĐD đem ra Bắc:
Những bộ đội, cán bộ, hay gia đình cán bộ ở 4 tỉnh miền Tây và những anh em quân chí nguyện Cao Miên tập kết về Nam bộ, trước khi tập kết ra Bắc, nếu có tiền Nam bộ đổi ra tiền Đông Dương và tiền Đông Dương ấy đã đem ra đổi ở các cửa khẩu miền Bắc cũng được bù như sau, nếu có xác nhận đã đổi tiền ở cửa khẩu:
- Từ 1$ đến 5.000$ mỗi đồng Đông Dương bù 18đNH.
- Từ 5.001$ trở lên cho toàn bộ số tiền, mỗi đồng Đông Dương bù 10đNH.
Những số tiền Đông Dương ở vùng tạm chiếm đưa vào và những số tiền Đông Dương của cán bộ, bộ đội miền Đông chuyển vùng sang miền Tây trước khi tập kết, không được bù vì không phải là nguồn gốc tiền Ngân hàng Nam bộ.
4) Bộ Tài chính đã có thông tư số 243-TC/TDT ngày 25-02-1955 quy định bù thêm cho đủ tỷ lệ 1/30 đối với những số tiền mặt Đông Dương miền Nam đưa ra đổi ở các cửa khẩu miền Bắc. Hầu hết những số tiền mặt Đông Dương miền Nam đổi theo tỷ lệ thấp (dưới 1/30) đều đã được bù. Nếu còn trường hợp nào chưa được bù thì cũng xét bù thêm nếu có lý do xác đáng (ra đến nơi chuyển công tác ngay, đau ốm, sinh đẻ đưa ra bệnh viện v.v...) và phải có sự chứng nhận của cơ quan đến dưỡng bệnh hay công tác đầu tiên, hoặc của cán bộ phụ trách cũ từ cấp tỉnh trở lên và sự xác nhận của Ban Thống nhất Trung ương.
Trước khi cấm lưu hành tiền ĐD (kể cả các loại tiền Liên bang) đã có cuộc vận động tuyên truyền rộng rãi trên các báo chí và đài phát thanh. Hầu hết những anh chị em miền Nam tập kết khi đến các cửa khẩu đã đổi hết số tiền Đông Dương mang theo. Song vẫn còn một số lưu giữ lại, để quá hạn rồi mới đem nộp Ngân hàng. Đứng về nguyên tắc pháp luật thì tiền quá hạn đó không còn giá trị sử dụng nhưng để chiếu cố đến cán bộ tập kết, Ngân hàng quốc gia Việt Nam có chủ trương, nếu tiền đó thuộc loại còn đổi được (nghĩa là tiêu đi được) được bao nhiêu trả anh em bấy nhiêu. Nếu thuộc loại không tiêu được thì sẽ hủy. Trên thực tế Ngân hàng có tiêu được một số với tỷ lệ thấp dưới 1/30 nên đã trả lại được một số cho anh em. Còn thì phải hủy vì không có giá trị nữa.
Trước đây, Bộ Tài chính có xét trợ cấp cho một số trường hợp (một số anh em có tiền Đông Dương quá hạn mà Ngân hàng không tiêu thụ hộ được). Đến nay, thấy việc trợ cấp như vậy là không hợp lý, không đúng nên phải đình chỉ.
IV. - THỦ TỤC GIẤY TỜ VÀ XÁC NHẬN
Muốn được xét bù thêm, anh chị em cần làm tờ khai cụ thể nêu rõ:
- Họ, tên, tuổi, chức vụ cơ quan cũ ở tỉnh nào.
- Chức vụ và cơ quan hiện đang công tác hay nơi hiện cư trú. (nếu không phải là cán bộ thoát ly).
- Ngày tập kết? Đến cửa khẩu nào?
- Đổi bao nhiêu tiền Đông Dương? Nguồn gốc nào (tiền lương, tiền để dành được, tiền bán tài sản, hay tiền Đông Dương trong vùng tạm chiếm chuyển ra)? Ngày nào, ở đâu, đổi riêng hay đổi tập thể? Có giấy chứng nhận không, nếu có thì đính theo. Trường hợp đổi tập thể thì khai rõ họ tên người đứng đại diện đổi, để truy cứu sổ sách.
Đồng thời nêu rõ lý do vì sao đề nghị xét bù thêm, (bù chưa đúng mức, chưa được bù vì thuyên chuyển công tác, ốm đau sinh đẻ, phải đi bệnh viện, không có biên nhận của Ngân hàng nhân dân Nam bộ v.v... lấy chứng nhận chữ ký của cơ quan hiện đang công tác rồi tùy trường hợp lấy thêm:
- Xác nhận của người đứng đại diện đổi, nếu đổi tập thể:
- Chứng thực của cấp phụ trách cũ, nếu là trường hợp được phát sinh hoạt phí bằng tiền Đông Dương trong các chuyến tàu trước 3 chuyến tàu cuối cùng ở Liên khu 5.
- Thị thực của cấp phụ trách cũ hay chính quyền địa phương cũ, xác nhận về nguồn gốc những số tiền lớn trên 5.000 đồng Đông Dương.
- Chứng thực về số tiền Đông Dương đã đổi của Chi nhánh ngân hàng nơi cửa khẩu đổi tiền, nếu là trường hợp đem tiền mặt Đông Dương Nam bộ ra Bắc. Ngếu Ngân hàng không xác nhận được thì cần có một đồng chí trong Ban chỉ huy chuyến tàu làm chứng. Chữ ký của đồng chí chỉ huy chuyến tầu phải được cơ quan đồng chí ấy đang công tác xác nhận.
- Xác nhận của cơ quan Tài chính đã xét bù thêm trước đây nếu là trường hợp truy bù cho những số tiền đã được bù theo mức cũ. Riêng những trường hợp đã được Bộ Tài chính xét bù trước đây thì do Sở Tài chính Hà Nội chứng nhận vì tất cả hồ sơ về việc này, Bộ sẽ chuyển cho Sở Tài chính Hà Nội.
- Đối với tình nguyện quân Việt Nam ở Cao Miên thì do Ban cán sự hoặc Ban chỉ huy quân sự các miền hay tỉnh có tập kết ra Bắc chứng nhận.
Khi đã có chứng thực đầy đủ rồi, thì tờ khai sẽ gửi đến Sở, Khu hay Ty Tài chính nơi đang công tác để xét giải quyết.
Những đơn đã gửi đến Tài chính trước đây, Bộ sẽ chuyển cả sang Sở Tài chính Hà Nội nghiên cứu thanh toán nếu đương sự còn ở Hà Nội; trường hợp đã thuyên chuyển thì hồ sơ sẽ chuyển về địa phương giải quyết. Những đơn nào còn thiếu chi tiết cụ thể đã nêu ở trên cần bổ sung thêm, thì Sở Tài chính Hà Nội sẽ trả lại cho đương sự. Do đó, nếu có thay đổi địa chỉ vì chuyển đi nơi khác thì anh chị em cần báo cho Sở Tài chính Hà Nội biết.
Tóm lại để đảm bảo quyền lợi của anh chị em bộ đội, cán bộ và đồng bào, đồng thời về Tài chính Nhà nước chỉ ra phải chính xác nên cần phải có những căn cứ chắc chắn để thanh toán. Tuy là phiền phức nhưng ta không có cách nào khác. Trước trường hợp có sổ sách chứng từ chắc chắn rõ ràng thì trả ngay, những trường hợp chưa rõ ràng thì phải xét kỹ điều tra thêm. Do đó bộ đội cán bộ và đồng bào cần phải hỏi cho rõ để làm nhanh chóng, đầy đủ, các điều cần thiết để được thanh toán kịp thời.
Vấn đề có phiền phức, cán bộ và đồng bào tự xét nếu thấy số tiền của mình được lĩnh thêm quá ít không đáng làm thủ tục thì tự mình quyết định bỏ không lĩnh. Nếu xét thấy thuận tiện và lĩnh được thì làm thủ tục gấp để lĩnh.
V. - THỜI HẠN VÀ THỂ THỨC THANH TOÁN
Nhận được các tờ khai các Sở, Khu và Ty Tài chính cần nắm vững chủ trương đã ban hành, về nguyên tắc và thủ tục để giải quyết vấn đề cho nhanh và gọn chậm lắm đến 30-06-1959 thì thanh toán xong. Tờ khai và các chứng nhận của cán bộ và đồng bào cần đưa sớm trước thời hạn tức là trước 30-06-1959. Trường hợp nào cụ thể rõ ràng thì thanh toán ngay. Nếu còn nghi vấn thì vẫn phải khẩn trương xét thật chu đáo mới trả, không vì thời hạn trên mà không thận trọng để thiệt cho công quỹ.
Hồ sơ đưa đến trước ngày 30-06-1959 thì cơ quan tài chính có trách nhiệm xét và thanh toán cho bằng hết. Hồ sơ đưa chậm (tức là đưa sau ngày 30-06-1959) thì cơ quan Tài chính không chịu trách nhiệm xét nữa.
Những khoản chi này sẽ trả thẳng vào tổng dự toán địa phương (địa phương sẽ ghi khoản chi vào dự toán 1959)...
Từ trước đến nay nhờ sự cố gắng chung mà việc này được giải quyết về căn bản. Nay chỉ cần giải quyết nốt một số trường hợp để đi đến kết thúc tốt, gọn.
Vấn đề đổi tiền miền Nam và bù thêm chênh lệch là một vấn đề quan hệ đến quyền lợi của cán bộ và đồng bào, Chính phủ và Đảng đã quan tâm ngay từ đầu. Nhưng vì là một vấn đề hết sức phức tạp, do đó trong khi thực hiện nhất định có một số thiếu sót. Giải quyết công bằng tuyệt đối là một việc ta không thể làm được. Cần cảm thông những phức tạp khó khăn để cùng nhau giải quyết cho tốt.
Kính mong Ủy ban nghiên cứu đặt kế hoạch thực hiện sát với địa phương mình. Đặc biệt chú ý đến việc lãnh đạo tư tưởng, giải thích để cán bộ và đồng bào thông cảm. Nếu gặp khó khăn gì trong khi thực hiện, cần phản ảnh kịp thời về Bộ hoặc Ban Thống nhất trung ương, tùy trường hợp cụ thể. Hàng tháng các Sở, Khu, Ty Tài chính báo cáo cho Bộ rõ tình hình chi cho Liên khu 5 và Nam bộ, đồng thời chi tiết hóa thành các mục theo như mẫu đính kèm.
K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
XIN CẤP KINH PHÍ ĐIỀU CHỈNH VỀ ĐỔI TIỀN VÀ BÙ THÊM CHÊNH LỆCH ĐỔI TIỀN MIỀN NAM
LIÊN KHU V
Tạm ứng trả về:
1) Nâng mức bù từ 400 lên 1000đ ĐD | ................... |
2) Bù thêm cho những số tiền trên 5.000đ ĐD | ................... |
3) Bù thêm cho những trường hợp được phát sinh hoạt phí bằng tiền Đông Dương và tập kết trước 3 chuyến tầu cuối cùng. | ................... |
4) Bù cho đủ tỷ lệ 1/30 | ................... |
Cộng: | ................... |
NAM BỘ
Tạm ứng trả về:
1) Nâng mức bù từ 1000 lên 5000đ ĐD | ................... |
2) Bù thêm 10đ NH cho những số tiền trên 5000đĐD | ................... |
3) Bù vì đổi tiền mặt Đông Dương đưa ra Bắc | ................... |
4) Bù cho đủ tỷ lệ 1/30 | ................... |
Cộng: | ................... |
Tổng số tiền đã tạm ứng và đề nghị cấp kinh phí | ................... |
Ngày ...... tháng ...... năm 195...... |
- 1Thông tư 122-TC/HCP/P3 năm 1958 về việc trả tiền Công thải Nam Bộ và Công phiếu kháng chiến Nam bộ của bộ đội, cán bộ và đồng bào đã đem ra Bắc do Bộ Tài Chính ban hành
- 2Thông tư 097-TTg năm 1959 về việc chuyển sổ sách kế toán, chứng từ, hóa đơn, khế ước, hợp đồng, biểu giá, biểu thuế, v.v… từ đơn vị tiền cũ sang đơn vị tiền mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Thông tư 122-TC/HCP/P3 năm 1958 về việc trả tiền Công thải Nam Bộ và Công phiếu kháng chiến Nam bộ của bộ đội, cán bộ và đồng bào đã đem ra Bắc do Bộ Tài Chính ban hành
- 2Thông tư 097-TTg năm 1959 về việc chuyển sổ sách kế toán, chứng từ, hóa đơn, khế ước, hợp đồng, biểu giá, biểu thuế, v.v… từ đơn vị tiền cũ sang đơn vị tiền mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Thông tư 123-TC/HCP/P3 năm 1958 bổ sung thêm về thể lệ đổi tiền miền Nam cho bộ đội, cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc do Bộ Tài Chính ban hành
- Số hiệu: 123-TC/HCP/P3
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 24/12/1958
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Nguyễn Thanh Sơn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 3
- Ngày hiệu lực: 08/01/1959
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định