BỘ LAO ĐỘNG | VIỆT |
Số: 12-LĐ/TT | Hà Nội, ngày 22 tháng 06 năm 1961 |
VỀ VIỆC THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG ĐỊNH MỨC Ở CÁC XÍ NGHIỆP, CÔNG, NÔNG, LÂM TRƯỜNG
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
Kính gửi: | - Các Bộ, các cơ quan trung ương. |
Trong quá trình thực hiện chế độ lương theo sản phẩm, định mức năng suất là một vấn đề rất quan trọng, có ảnh hưởng đến việc nâng cao năng suất lao động, hạ thấp giá thành, việc tổ chức và phân phối lao động, việc phân phối tiền lương và ảnh hưởng đến thu nhập của công nhân.
Việc xây dựng và lãnh đạo thực hiện mức, muốn làm được tốt chẳng những đòi hỏi cán bộ phải có một trình độ kỹ thuật và nghiệp vụ nhất định mà còn phải coi trọng việc giáo dục tư tưởng nâng cao giác ngộ chính trị cho quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng và đi sát giúp đỡ giải quyết khó khăn trong sản xuất cho quần chúng, đồng thời phải có sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng bộ xí nghiệp, công trường và sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, công đoàn, thanh niên và giữa các bộ môn lao động tiền lương, kỹ thuật, kế hoạch…
Để động viên và phát huy được mọi khả năng của các tổ chức trong xí nghiệp và của quần chúng vào việc xây dựng mức và thực hiện mức, đảm bảo được tính chất chính xác, trong công tác định mức, Chỉ thị số 83-TTg ngày 06-3-1961 của Thủ tướng Chính phủ quy định thành lập ở mỗi xí nghiệp, công trường một Hội đồng định mức.
Dưới đây Bộ Lao động tạm thời quy định thành phần, nhiệm vụ và lề lối làm việc của Hội đồng định mức:
Thành phần Hội đồng định mức của mỗi xí nghiệp, công, nông, lâm trường gồm có:
- Đại diện của Ban Giám đốc xí nghiệp, nông, lâm trường hoặc Ban chỉ huy công trường | Chủ tịch |
- Thư ký công đoàn hoặc đại diện Ban Chấp hành công đoàn | Ủy viên |
- Bí thư Chi đoàn thanh niên lao động (nếu có) hoặc đại diện Ban Chấp hành chi đoàn | - |
- Trưởng hoặc Phó phòng kỹ thuật | - |
- Trưởng hoặc Phó phòng tài vụ | - |
- Trưởng hoặc Phó phòng cung ứng vật tư | - |
- Quản đốc các phân xưởng | - |
- Trưởng ngành sản xuất hoặc đội trưởng sản xuất | - |
- Trưởng hoặc Phó phòng kế hoạch | - |
- Trưởng phòng lao động tiền lương | Ủy viên thường trực |
(Các quản đốc phân xưởng, Trưởng ngành sản xuất, đội trưởng sản xuất chỉ nên dự các buổi họp của Hội đồng khi thảo luận vấn đề định mức ở phân xưởng mình, đội mình và các buổi họp sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện mức).
Chỉ thị số 83-TTg ngày 06-3-1961 của Thủ tướng Chính phủ quy định: "Hội đồng định mức giúp cơ quan lãnh đạo xí nghiệp, công trường trong công tác duyệt các định mức năng suất lao động và giải quyết các vấn đề mắc mứu mà Phòng Lao động tiền lương chưa giải quyết được".
Nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Hội đồng định mức quy định như sau:
1. Thảo luận, góp ý kiến vào kế hoạch tiến hành xây dựng và thay đổi mức.
2. Phân tích, xác minh và giúp cho cơ quan lãnh đạo xí nghiệp, công trường xét duyệt các định mức năng suất đã được xây dựng và được cấp trên phân cấp cho xí nghiệp, công trường quản lý. Đối với những mức do cấp trên quản lý thì cơ quan lãnh đạo xí nghiệp, công trường chỉ được xét duyệt khi xét thấy cần phải nâng lên cao hơn mức quy định.
3. Thảo luận góp ý kiến vào kế hoạch lãnh đạo thực hiện mức và kế hoạch phân công cho các tổ chức có đại diện trong Hội đồng định mức chỉ đạo thực hiện tốt các định mức, theo nhiệm vụ và cương vị của mỗi tổ chức.
4. Thường xuyên theo dõi tình hình thực hiện mức, phát hiện những bất hợp lý, những khó khăn trở ngại trong quá trình thực hiện và thảo luận thống nhất kế hoạch giải quyết khó khăn, đảm bảo cho công nhân đạt và vượt mức quy định.
5. Thu thập ý kiến đề nghị của cán bộ và quần chúng, đúc rút và phổ biến kinh nghiệm trong việc thực hiện mức và chỉ đạo thực hiện mức.
Là một tổ chức giúp cho cơ quan lãnh đạo xí nghiệp, công trường trong công tác định mức cho nên những nghị quyết, kế hoạch của Hội đồng đề ra phải được Ban Giám đốc xí nghiệp hoặc Ban chỉ huy công trường thông qua trước khi thi hành.
III. PHÂN CÔNG VÀ LỀ LỐI LÀM VIỆC
1. Phân công.
Hội đồng định mức là một tổ chức phối hợp gồm đại diện các tổ chức và các bộ môn trong xí nghiệp, công, nông, lâm trường có quan hệ trực tiếp đến việc xây dựng và lãnh đạo thực hiện các định mức năng suất. Việc phân công cho mỗi ủy viên trong hội đồng phải phù hợp với cương vị và nhiệm vụ của tổ chức mà người đó đại diện. Cụ thể là:
- Đại diện Giám đốc xí nghiệp hay chỉ huy công trường (Chủ tịch hội đồng) chịu trách nhiệm chung về công tác của hội đồng, đề ra các vấn đề cho hội đồng thảo luận, triệu tập và chủ trì các cuộc hội nghị của hội đồng, theo dõi đôn đốc chỉ đạo việc thi hành các kế hoạch, biện pháp do hội đồng đề ra đã được cơ quan lãnh đạo xí nghiệp, công trường thông qua, báo cáo tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch và biện pháp đã đề ra cho hội đồng.
- Trưởng phòng Lao động tiền lương (Ủy viên thường trực) có trách nhiệm giúp đại diện Giám đốc xí nghiệp chuẩn bị chương trình và nội dung các buổi sinh hoạt của hội đồng, kế hoạch tiến hành xây dựng và thay đổi mức, nghiên cứu dự kiến các định mức mới, kế hoạch lãnh đạo thực hiện mức, kế hoạch thi hành các chính sách, chế độ bồi dưỡng, bảo vệ, sử dụng sức lao động, báo cáo tình hình kết quả, kinh nghiệm thực hiện mức và những khó khăn mắc mức cần giải quyết để hội đồng thảo luận.
- Thư ký công đoàn và Bí thư Chi đoàn thanh niên lao động (hoặc đại diện của Ban Chấp hành) có trách nhiệm vạch kế hoạch lãnh đạo tư tưởng giáo dục chính sách, động viên quần chúng tham gia vào việc xây dựng mức và thi hành các định mức mới, kế hoạch vận động đoàn viên áp dụng các phương pháp sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất lao động, kế hoạch chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân và báo cáo tình hình tư tưởng của quần chúng và kết quả giáo dục chính sách lãnh đạo tư tưởng cho hội đồng.
- Trưởng phòng kỹ thuật (hoặc Phó phòng) chịu trách nhiệm vạch kế hoạch cải tiến thiết bị, phương pháp sản xuất, giúp đỡ hướng dẫn cho công nhân áp dụng các phương pháp sản xuất mới để đạt và vượt mức mới; phát hiện những bất hợp lý trong phương pháp sản xuất của công nhân để giúp cho phòng lao động tiền lương xác định các định mức được tốt; vạch kế hoạch cải tiến công tác, kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm.
- Trưởng phòng kế hoạch (hoặc Phó phòng) phải thông qua việc kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch và phân tích các hoạt động kinh tế của xí nghiệp, phát hiện kịp thời những vấn đề thuộc về kế hoạch năng suất lao động, tiền lương, giá thành, có quan hệ trực tiếp đến việc thực hiện chế độ lương theo sản phẩm và vạch đề án điều hòa các kế hoạch sản xuất, tạo điều kiện cho công nhân thực hiện lương sản phẩm tiến hành sản xuất được thường xuyên liên tục.
- Trưởng phòng cung ứng vật tư (hoặc Phó phòng) chịu trách nhiệm vạch kế hoạch cải tiến việc cung cấp dụng cụ, nguyên vật liệu, kế hoạch kiểm tra việc sử dụng các dụng cụ, nguyên vật liệu đó và phát hiện kịp thời những sự thay đổi về quy cách nguyên vật liệu có ảnh hưởng đến việc xây dựng và thực hiện các định mức.
- Trưởng phòng tài vụ (hoặc Phó phòng) vạch kế hoạch cải tiến công tác tài vụ để phục vụ kịp thời cho việc thực hiện chế độ lương theo sản phẩm.
- Các quản đốc phân xưởng, trưởng ngành, trưởng đội sản xuất có trách nhiệm cùng với phòng lao động tiền lương xây dựng các mức thi hành trong đơn vị mình và động viên hướng dẫn giúp đỡ tạo điều kiện cho công nhân thực hiện các định mức đó.
2. Lề lối làm việc
Mỗi ủy viên tham gia vào hội đồng với tư cách đại diện cho tổ chức hoặc bộ môn của mình. Cho nên mỗi đề án, kế hoạch trước khi đem ra hội đồng thảo luận, cần có ý kiến tập thể của tổ chức mình đại diện. Ví dụ: kế hoạch lãnh đạo, giáo dục tư tưởng công nhân, trước khi Thư ký công đoàn đưa vào hội đồng thảo luận cần được Ban Thường vụ công đoàn góp ý kiến trước.
Mỗi khi được hội đồng phân công làm một công tác thì mỗi ủy viên cần đưa về thảo luận và sử dụng tổ chức của mình để tiến hành. Ví dụ: trưởng phòng lao động tiền lương là ủy viên của hội đồng được phân công xây dựng các định mức thì về sẽ vạch kế hoạch cho Phòng tiến hành theo thời hạn đã định.
Hàng tháng hội đồng họp một lần vào cuối tháng để kiểm điểm tình hình thực hiện các định mức trong tháng, đề ra biện pháp chỉ đạo thực hiện vượt mức năng suất trong đơn vị. Cuối mỗi quý hội đồng họp để nhận định tình hình, sơ kết, rút kinh nghiệm bồi bổ cho công tác lãnh đạo chỉ đạo xây dựng và thực hiện mức. Trong các cuộc họp ấy, Chủ tịch hội đồng chịu trách nhiệm báo cáo tình hình công tác trước hội đồng.
Ngoài ra, những khi xét cần thiết thì hội đồng sẽ họp bất thường.
Để cho các buổi họp của hội đồng thu được kết quả tốt, không kéo dài, các bộ môn của xí nghiệp, công trường, nhất là bộ phận lao động tiền lương phải chuẩn bị kỹ trước các đề án, kế hoạch đưa ra thảo luận.
Các cuộc họp của hội đồng do đại diện Giám đốc, Chủ tịch hội đồng triệu tập.
Căn cứ vào những điều quy định trên đây, các ngành sẽ dựa vào đặc điểm tổ chức sản xuất ngành mình để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành cho thích hợp. Các xí nghiệp, công trường sẽ vạch kế hoạch làm việc và phân công cụ thể trong hội đồng. Cần thí điểm ở một vài đơn vị, rút kinh nghiệm, sau đó sẽ thành lập dần ở các xí nghiệp trong ngành. Để đảm bảo cho hội đồng có hoạt động thực tế, làm việc có kết quả, điều trước tiên là phải kiện toàn tổ chức lao động tiền lương, tăng cường bộ phận chuyên trách về lương theo sản phẩm.
K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG |
Thông tư 12-LĐ/TT năm 1961 về việc thành lập Hội đồng định mức ở các xí nghiệp, công, nông, lâm trường do Bộ Lao đông ban hành
- Số hiệu: 12-LĐ/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 22/06/1961
- Nơi ban hành: Bộ Lao động
- Người ký: Nguyễn Đăng
- Ngày công báo: 12/07/1961
- Số công báo: Số 27
- Ngày hiệu lực: 07/07/1961
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định