BỘ LAO ĐỘNG ******* Số: 12-LĐ-TT | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******* Hà Nội, ngày 14 tháng 07 năm 1964 |
THÔNG TƯ
BAN HÀNH QUY PHẠM KỸ THUẬT AN TOÀN KHAI THÁC ĐÁ
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
Kính gửi: | Các Bộ và các ngành quản lý sản xuất, Các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh, Các Sở, Ty, Phòng Lao động. |
Do yêu cầu của các ngành kinh tế quốc dân, việc khai thác đá ngày càng phát triển, đòi hỏi phải có một quy phạm kỹ thuật an toàn về khai thác đã áp dụng chung cho các ngành, các địa phương, nhằm ngăn ngừa tai nạn lao động và tạo điều kiện nâng cao năng suất lao động.
Để đáp ứng yêu cầu đó, căn cứ vào Nghị định số 187-CP ngày 20-12-1963 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Lao động, và sau khi lấy ý kiến của các ngành quản lý sản xuất, Tổng Công đoàn Việt Nam, Ủy ban Khoa học Nhà nước và các ngành có liên quan, Bộ Lao động ban hành, kèm theo thông tư này, bản quy phạm kỹ thuật an toàn về khai thác đá để thay thế bản quy tắc kỹ thuật làm đá ban hành kèm theo Thông tư số 05-LĐ-TT ngày 13-02-1961 của Bộ Lao động.
Dưới đây, Bộ Lao động giới thiệu nội dung và hướng dẫn việc tổ chức thực hiện bản quy phạm.
I. NỘI DUNG BẢN QUY PHẠM
Bản quy phạm gồm có sáu chương sắp xếp theo trình tự các công việc khai thác đá từ đục khoan, bắn mìn, bẩy đá cho đến đập đá vận chuyển, trong đó:
Chương I quy định những nguyên tắc chung như:
- Điều kiện bắt buộc khi mở xí nghiệp khai thác đá là phải làm đơn xin phép khai thác để chính quyền địa phương có thể cân nhắc trước việc nên hay không nên cho phép khai thác và nghiên cứu trước các điều kiện đảm bảo an toàn lao động của xí nghiệp trong trường hợp cho phép khai thác; đơn xin phép khai thác phải gửi cho cơ quan lao động địa phương nghiên cứu trước khi chuyển lên Ủy ban hành chính xét và cấp giấy phép;
- Trách nhiệm của Ban giám đốc hoặc Ban chỉ huy trong công tác bảo hộ lao động;
- Những yêu cầu đối với công nhân làm đá: sức khỏe, trình độ chuyên môn và kỹ thuật an toàn...
Chương II quy định những biện pháp an toàn khi làm việc trên núi, gồm những việc như cắt tầng, làm lối lên xuống, đục đá, khoan đá và cạy gỡ đá trên núi. Quy định tại điều 14 về cắt tầng là một việc cải tiến trong phương pháp khai thác đá, các xí nghiệp phải khắc phục mọi khó khăn để thực hiện quy định này, tránh lối gặp đâu khai thác đấy hoặc để công nhân tự ý moi đá rất nguy hiểm. Việc làm lối lên xuống núi cho công nhân quy định tại điểm 18 cũng là một vấn đề mới trong phương pháp khai thác, nhằm khắc phục lối leo dây rất nguy hiểm hiện nay, dễ gây ra tai nạn đứt dây leo hoặc buột tay ngã trong khi leo.
Chương III quy định về an toàn khi sử dụng thuốc nổ bắn đá. Nói chung khi sử dụng thuốc nổ đều phải triệt để thi hành bản quy phạm an toàn về bảo quản, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ đã ban hành. Trong chương này chỉ nêu lên những vấn đề cần đặc biệt chú ý khi sử dụng thuốc nổ bắn đá mà từ trước đến nay các công trường khai thác đá hay vi phạm, như điều 45 quy định việc bắn mìn có hộ chiếu và kiểm tra thực hiện đúng hộ chiếu, một biện pháp rất tốt để ngăn ngừa tai nạn lao động do sử dụng thuốc nổ tùy tiện gây nên như gặp đâu khoan đấy, không tính toán đến khoảng cách, đường cản, chỉ tiêu thuốc nổ, không dùng kín thật, cắt dây mìn quá ngắn, moi móc mìn câm, v.v...
Chương IV quy định về an toàn khi làm việc ở dưới chân núi, trong đó quy định những biện pháp an toàn khi đập đá hộc, đá dăm và bố trí nơi làm việc ở chân núi cho công nhân.
Chương V quy định về an toàn khi vận chuyển đá, trong đó gồm có biện pháp an toàn khi gánh đá, khi vận chuyển bằng xe cút kít, xe goòng, ô-tô là những phương tiện vận tải thông dụng ở các xí nghiệp khai thác đá.
Chương VI quy định phạm vi và trách nhiệm thi hành bản quy phạm. Bản quy phạm áp dụng cho tất cả các xí nghiệp khai thác đá thuộc tất cả các ngành do trung ương cũng như do địa phương quản lý. Đối với các hợp tác xã nông nghiệp có khai thác đá, Ủy ban hành chính địa phương sẽ căn cứ vào tinh thần bản quy phạm mà quy định những điều cần thiết và hướng dẫn thi hành cho thích hợp.
Để đảm bảo an toàn lao động, cơ quan, xí nghiệp cung cấp mìn cho các hợp tác xã khai thác đá để thu mua phải có trách nhiệm quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc nổ đã cung cấp (cử cán bộ chuyên môn về thuốc nổ đến hợp tác xã trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi việc sử dụng hàng ngày để ngăn ngừa việc mìn có thể lọt ra ngoài để dùng vào những việc khác), và giúp hợp tác xã thành lập tổ bắn mìn chuyên môn, tránh tình trạng sử dụng người không thành thạo vào việc bắn mìn, dễ gây ra tai nạn lao động. Cấm giao khoán trắng thuốc nổ cho hợp tác xã để thu mua đá. Nếu hợp tác xã không tôn trọng những điều chỉ dẫn về kỹ thuật an toàn có thể dẫn đến tai nạn nghiêm trọng, cơ quan, xí nghiệp phải đình chỉ việc cung cấp thuốc nộ để ngăn ngừa tai nạn lao động.
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Để bản quy phạm có tác dụng thiết thực và phục vụ kịp thời cho sản xuất, việc thi hành bản quy phạm cần tiến hành theo ba bước sau đây:
Bước 1: Tổ chức cho cán bộ, công nhân học tập kỹ bản quy phạm:
Trước khi phổ biến cho công nhân học tập, cán bộ phụ trách xí nghiệp và các cán bộ chỉ đạo sản xuất phải nghiên cứu nắm vững những điều quy định trong quy phạm, rồi tổ chức phổ biến cho toàn thể cán bộ, công nhân trong xí nghiệp. Sau đó, dựa vào quy phạm này để xây dựng quy trình hoặc trích từng phần việc riêng như đục đá, cạy gỡ, bắn mìn... để tổ chức cho công nhân bộ phận nào thì học kỹ phần việc đó, rồi tổ chức sát hạch phát giấy chứng nhận theo như điều 4 chương I đã quy định.
Trong khi học tập cần tổ chức cho từng bộ phận thảo luận liên hệ với thực tế nhằm nâng cao ý thức và trình độ hiểu biết về kỹ thuật an toàn cho công nhân, đồng thời qua đó phát hiện những thiếu sót trước đây để bàn biện pháp khắc phục. Việc này cần phải làm ngay.
Bước 2: Lập kế hoạch cụ thể khắc phục các thiếu sót:
Trong khi tổ chức cho cán bộ, công nhân học tập, thảo luận liên hệ thực tế, xí nghiệp cần tổ chức theo dõi, tập hợp những vấn đề thiếu sót ở các đội, tổ phát hiện và đối chiếu những quy định trong quy phạm với thực tế ở xí nghiệp để nghiên cứu lập kế hoạch khắc phục. Mục đích chính của công việc này là nhằm thi hành nghiêm chỉnh những điều quy định trong quy phạm nên kế hoạch cần phải cụ thể, chi tiết từng công việc, chỉ định người hoặc đơn vị có trách nhiệm thực hiện, thời gian hoàn thành, nguồn kinh phí (nếu cần)...
Trọng tâm của kế hoạch cần hướng vào những việc sau đây:
a) Lập tài liệu kỹ thuật khai thác và bảo hộ lao động: Cụ thể là làm đơn xin phép khai thác đá. Trong đơn xin pháp phải ghi rõ:
- Tên cơ quan, đoàn thể xin khai thác đá.
- Các địa điểm khai thác,
- Mục đích khai thác,
- Sản lượng tối đa hàng tháng, hàng năm,
- Thời hạn khai thác,
- Số lượng công nhân, cán bộ kỹ thuật,
- Máy móc dùng để khai thác,
- Phương pháp khai thác, v.v...
Kèm theo đơn phải có một sơ đồ địa hình khu vực khai thác, có ghi khoảng cách từ nơi khai thác và kho mìn tới các công trình, nhà cửa và đường sá ở chung quanh, một bản kế hoạch bảo hộ lao động trong đó phải dựa vào tình hình thực tế mà đề ra những biện pháp đề phòng tai nạn lao động.
Đối với các xí nghiệp hiện đang khai thác, trước đây chưa có các tài liệu như trên, nay cũng phải lập để làm tài liệu kỹ thuật và gửi cho cơ quan lao động địa phương theo dõi.
b) Lập dự án thiết kế về cắt tầng, dựa vào tình hình thiết bị, nhân lực hiện có để chọn phương pháp cắt tầng cho thích hợp nhằm khai thác được lâu dài và đảm bảo an toàn lao động.
c) Đặt kế hoạch làm lối lên xuống núi theo như điều 18 đã quy định.
d) Đặt kế hoạch sắp xếp công nhân làm việc trong các máng, không để người làm trên, người làm dưới cùng một máng, thí dụ: khi khoan bắn, cạy gỡ ở máng A thì chỉ được đập đá, vận chuyển... ở dưới chân máng B, đến khi khoan bắn, cạy gỡ ở máng B thì bộ phận vận chuyển, đập đá lại sang làm việc ở máng A.
đ) Lập hộ chiếu bắn mìn để làm tài liệu kỹ thuật hướng dẫn và bắt buộc công nhân bắn mìn phải theo đồng thời giúp cho cán bộ phụ trách có thể theo dõi kiểm tra việc sử dụng thuốc nổ được chặt chẽ.
e) Khoảng cách giữa nhiều công trường khai thác ở gần nhau hoặc khoảng cách từ nơi khai thác tới các nhà cửa, công trình, phân xưởng, kho tàng... không bảo đảm an toàn thì phải có kế hoạch dời nơi khai thác hoặc nhà cửa, công trình... đi nơi khác.
Bước 3: Kiểm tra, đôn đốc thực hiện:
Sau khi kế hoạch đã được duyệt, xí nghiệp cần tổ chức thực hiện đúng thời gian đã quy định, giúp đỡ các bộ môn, đội, tổ làm tốt nhiệm vụ theo kế hoạch đã phân công.
Phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, uốn nắn các sai sót trong việc thi hành quy phạm.
Bộ Lao động đề nghị các Bộ, các ngành chủ quản, các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, sau khi nhận được thông tư này, chỉ thị cho các xí nghiệp trực thuộc có khai thác đá phải chấp hành nghiêm chỉnh quy phạm, đồng thời tạo mọi điều kiện cho các xí nghiệp thi hành quy phạm được tốt.
Các Sở, Ty, Phòng Lao động phối hợp với Liên hiệp công đoàn tổ chức hội nghị phổ biến quy phạm cho các ngành có liên quan đến việc khai thác đá và các xí nghiệp khai thác đá trong địa phương và cùng bàn kế hoạch thực hiện.
Trong khi thi hành, nếu gặp khó khăn mắc mứu gì, đề nghị các ngành, các cấp phản ánh cho Bộ Lao động để nghiên cứu hướng dẫn thêm.
| K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ BỘ LAO ĐỘNG THỨ TRƯỞNG Bùi Quỳ |
QUY PHẠM KỸ THUẬT AN TOÀN KHAI THÁC ĐÁ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 12-LĐ-TT ngày 14-07-1964)
Chương 1:
NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 1. - Để quản lý tốt việc khai thác đá, đảm bảo an toàn trong sản xuất, không một cơ quan hay đoàn thể nào được mở xí nghiệp khai thác đá nếu chưa được chính quyền địa phương (Ủy ban hành chính tỉnh hay thành phố trực thuộc) nơi có núi đá cho phép.
Ghi chú: Danh từ xí khai thác đá trong quy phạm này dùng để chỉ cơ sở khai thác mà trước đây gọi là mỏ đá quản lý nhiều công trường lẻ hoặc công trường khai thác độc lập có kế hoạch và hạch toán kinh tế riêng.
Điều 2. – Đơn xin phép mở xí nghiệp khai thác đá phải gửi qua cơ quan lao động địa phương để nghiên cứu về mặt bảo hộ lao động trước khi chuyển lên Ủy ban hành chính xét duyệt. Kèm theo đơn xin phép phải có sơ đồ địa hình khu vực khai thác và biện pháp đảm bảo an toàn lao động phù hợp với những điều quy định trong quy phạm này.
Điều 3. – Xí nghiệp khai thác đá có trách nhiệm hướng dẫn về kỹ thuật khai thác; giáo dục và đôn đốc thực hiện các quy phạm an toàn khai thác đá, quy phạm an toàn về vận chuyển, bảo quản và sử dụng thuốc nổ cho công nhân, đồng thời thi hành đúng các chế độ bảo hộ lao động của Nhà nước đã ban hành.
Điều 4. – Xí nghiệp khai thác đá phải dựa vào bản quy phạm này xây dựng quy trình an toàn cho các nghề hoặc trích ra từng chương để tổ chức cho công nhân làm nghề nào học phần ấy trong một thời gian ít nhất bằng một ngày. Riêng cán bộ chỉ đạo sản xuất và công nhân làm việc trên núi, khoan bắn mìn, bẩy đá, vận chuyển, phải học tập trong một thời gian ít nhất bằng hai ngày, sau khi học tập phải được sát hạch về lý thuyết và thực hành có đạt yêu cầu mới được cấp giấy chứng nhận để làm việc. Hàng năm phải tổ chức học tập và sát hạch lại một lần.
Điều 5. – Công nhân mới tuyển, sau khi học quy phạm, quy trình về an toàn phải qua một thời gian tập sự, có công nhân cũ hướng dẫn tới khi được cán bộ phụ trách công trường công nhận có đủ khả năng, mới được độc lập công tác.
Điều 6. – Không được nhận người già trên 55 tuổi, trẻ em dưới 16 tuổi, người tàn tật, mắt kém, tai điếc hoặc bị bệnh phổi, thần kinh... vào làm đá. Người làm việc trên núi, khoan bắn mìn, bẩy đá phải là nam giới trên 18 và dưới 50 tuổi, có giấy chứng nhận sức khỏe của y bác sĩ. Hàng năm phải kiểm tra sức khỏe lại một lần.
Điều 7. – Hàng ngày, trước khi bố trí công nhân vào làm việc, cán bộ trực tiếp chỉ đạo sản xuất (tổ trưởng, đội trưởng...) phải xem xét nơi làm việc có bảo đảm an toàn mới được cho công nhân vào làm; phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các quy trình an toàn lao động trong đơn vị của mình.
Điều 8. – Xí nghiệp phải trang bị bảo hộ lao động cho công nhân làm đá (kể cả lực lượng thường xuyên và lực lượng tạm thời) theo chế độ hiện hành của Nhà nước.
Điều 9. – Sau khi đã học tập các quy phạm và quy trình an toàn công nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành, tuân theo sự hướng dẫn của cán bộ phụ trách. Trong khi làm việc nếu thấy nguy hiểm mà không giải quyết được thì phải báo cáo ngay với cán bộ phụ trách để có biện pháp giải quyết kịp thời.
Khi làm việc công nhân phải sử dụng những trang bị bảo hộ lao động đã được cung cấp.
Điều 10. – Xí nghiệp phải làm lán trú mưa nắng và cung cấp đủ nước uống đun sôi cho công nhân làm việc ngoài công trường.
Điều 11. – Nơi có nguy hiểm xí nghiệp phải đặt biển báo, rào chắn, không cho người vào làm việc hoặc đi lại trong phạm vi nguy hiểm.
Điều 12. - Ở mỗi công trường phải có túi thuốc cấp cứu. Khi xảy ra tai nạn lao động phải tập trung khả năng vào việc cấp cứu; sau đó phải tổ chức kiểm điểm tìm nguyên nhân, đề ra biện pháp khắc phục, ngăn ngừa tai nạn tái phát và phổ biến cho công nhân trong toàn xí nghiệp biết.
Điều 13. – Những xí nghiệp có sử dụng điện phải triệt để chấp hành quy phạm kỹ thuật an toàn về điện và xây dựng quy trình an toàn về sử dụng điện cho công nhân học tập.
Chương 2:
AN TOÀN KHI LÀM VIỆC Ở TRÊN NÚI
a) Yêu cầu chung:
Điều 14. – Khai thác đá ở trên núi phải cắt tầng, khai thác dần từ trên xuống để lấy chỗ cho công nhân đứng làm việc được an toàn.
Khai thác thủ công, mặt tầng phải rộng trên 2 mét, nếu khai thác cơ khí bằng máy khoan hơi ép... phải trên 3 mét. Nếu vận chuyển bằng xe goòng mặt tầng phải rộng trên 4 mét. Độ dốc của sườn tầng đang khai thác không được quá 800.
Điều 15. – Công nhân làm việc trên núi phải đứng hàng một theo chiều dài của mặt tầng, không được để người làm tầng trên người làm tầng dưới trong phạm vi 6m theo chiều nằm ngang, hoặc làm việc ở chỗ nguy hiểm do đá ở chỗ đứng hoặc phía trên có thể sụt lở.
Khi có người làm việc trên núi, ở dưới chân núi không được bố trí người làm việc trong phạm vi nguy hiểm. (Phạm vi nguy hiểm dưới chân núi khi có người làm việc trên núi do Ban chỉ huy công trường quy định).
Điều 16. – Làm việc trên cao từ 2 mét trở lên ở những chỗ cheo leo nguy hiểm hay gần mép tầng dốc trên 450 phải mang dây an toàn. Đầu trên của dây an toàn phải buộc vào cọc hoặc cây vững chắc không ải mục; lỗ cắm cọc phải đục vào đá liền sâu 40 phân. Nếu dây dài trên 20 mét phải làm thêm những cọc phụ chắc chắn cách nhau không quá 15 mét để giữ dây an toàn.
Dây an toàn phải được kiểm tra thường xuyên nếu thấy kém phẩm chất phải thay ngay, cứ ba tháng phải thử dây một lần với trọng tải 350kg trong vòng năm phút.
Điều 17. – Khi buộc dây an toàn, không được để chùng quá 1 mét, đường dây từ cọc xuống tới người phải thẳng. Không được bố trí đường dây chéo, không được buộc chung hai người một dây hoặc một cọc.
Điều 18. – Công trường phải làm lối lên xuống núi cho công nhân, độ dốc không quá 600, mỗi bậc không cao quá 25cm, rộng trên 25cm và dài trên 50cm. Nếu lối lên xuống cheo leo hoặc có độ dốc trên 300 phải có tay vịn chắc chắn. Lên xuống núi phải theo đúng lối quy định.
Tại những công trường nhỏ, chỉ khai thác đá trong một thời gian không quá một năm, nếu làm lối lên xuống gặp khó khăn, có thể lên xuống núi bằng thang dây hoặc dây leo nhưng phải được Bộ chủ quản hoặc Ủy ban hành chính tỉnh cho phép bằng văn bản, có kèm theo những biện pháp ngăn ngừa tai nạn mà xí nghiệp bắc buộc phải thực hiện.
Điều 19. - Dụng cụ mang lên xuống núi phải buộc gọn gàng vừa sức mang. Nếu lên xuống bằng dây leo không được mang dụng cụ lên hay xuống cùng một lúc với người. Không được lao dụng cụ (choòng, búa, xà-beng...) xuống núi.
Điều 20. - Cấm làm việc trên núi khi trời mưa to, có sương mù dày hoặc khi trời tối.
b) An toàn khi đục đá:
Điều 21. – Trước khi đục đá phải chuẩn bị đầy đủ dụng cụ làm việc (choòng, búa, nước...) và để các thứ đó có thứ tự khi cần có thể lấy được dễ dàng.
Điều 22. – Trước khi làm việc công nhân phải kiểm tra lại cán búa, nêm đầu búa. Chỗ đứng làm việc, dây an toàn có chắc chắn mới bắt đầu làm. Búa đục đá không được nặng quá 3kg.
Điều 23. – Người đứng thọc choòng, đánh búa hay ngồi quay choòng phải có thế vững vàng; không được đứng hoặc ngồi quay lưng ra phía mép tầng.
Người cầm choòng không được ngồi đối diện hoặc hai bên búa, phải ngồi chéo góc 1200 với người đánh búa để tránh búa văng vào người. Người cầm búa không được mang găng tay.
Điều 24. – Lúc mới khai lỗ choòng không đánh búa mạnh, đề phòng trật choòng, văng búa mất đà có thể ngã và gây ra tai nạn cho người cầm choòng. Đục choòng ở trên núi cao không quai búa thẳng tay để tránh mất thăng bằng. Không cầm sát đầu cán búa, cán búa có mồ hôi phải lau khô ngay, đặc biệt người có bệnh luôn luôn ra mồ hôi tay không được đánh búa.
Điều 25. – Trong khi làm việc người đánh búa và người cầm choòng phải chú ý đề phòng đánh trật búa gây ra tai nạn. Nếu choòng bị cong hoặc đầu choòng bị toét phải đổi choòng khác để tránh mảnh sắt bắn vào người.
Điều 26. – Những lỗ choòng đục hết buổi chưa xong phải nút lại, buổi sau khi bỏ nút ra phải kiểm tra kỹ trong lỗ, không có vật gì trong đó mới tiếp tục đục.
c) An toàn khi sử dụng máy khoan đá bằng hơi ép:
Điều 27. – Khoan đá trên núi phải đứng trên mặt tầng bằng phẳng, vững chắc. Không được bố trí người đứng khoan trên sườn núi cheo leo.
Điều 28. – Công nhân điều khiển máy khoan phải mặc quần áo gọn gàng, đề phòng choòng đang quay cuốn phải gây ra tai nạn.
Khi đứng khoan ở gần mép tầng cao trên 3 mét phải buộc dây an toàn vào người và máy khoan bằng hai đường dây riêng biệt.
Điều 29. – Sau khi chuẩn bị xong mới mở van hơi ép cho hơi vào máy để làm việc. Bắt đầu mở lỗ và khi rút choòng ra phải cho máy chạy từ từ. Không được dùng tay giữ mũi khoan khi mở lỗ.
Điều 30. – Khi khoan phải có hai người điều khiển một máy. Không được lắp choòng dài cao hơn người, máy phải luôn luôn ở dưới tầm ngực để khi choòng có bị gẫy cũng ít nguy hiểm. Cấm dùng chân hoặc bất cứ một vật nào khác để tỳ lên búa khoan.
Điều 31. - Sử dụng hơi ép phải thận trọng, tránh để hơi phụt vào người có thể gây ra tai nạn. Cấm dùng hơi ép thổi vào người để phủi bụi quần áo hoặc đùa nghịch.
Điều 32. – Khi di chuyển máy và dây dẫn hơi ép phải báo cho mọi người biết, tránh xa đề phòng đá rơi vào người. Cấm bám vào ống cao su dẫn hơi ép để lên xuống núi.
d) An toàn khi cạy gỡ đá trên núi:
Điều 33. – Trước khi bố trí người lên bẩy đá trên núi xuống, cán bộ chỉ đạo trực tiếp (tổ trưởng, đội trưởng) phải đặt biển cấm và phân công người canh gác dưới chân núi, không cho người vào làm việc trong phạm vi nguy hiểm.
Điều 34. – Công nhân cạy gỡ đá trên núi phải được phân công rõ ràng và chỉ khi nào được phép của cán bộ phụ trách mới bắt đầu bẩy đá. Người cạy gỡ mảng nào có trách nhiệm mà sạch mảng đó.
Điều 35. - Bẩy đá trên núi phải có chỗ đứng an toàn, nếu có nhiều người cùng bẩy phải đứng thành hàng ngang, không đứng người trên người dưới, người nọ đứng cách người kia ít nhất 6 mét. Bẩy tầng trên sạch đá mới được tiếp tục xuống bẩy tầng dưới.
Điều 36. – Khi bẩy đá không được một tay cầm dây chồm người ra bẩy những hòn đá cheo leo, không đứng phía dưới đưa xà beng chọc ngược lên, không được đu người lên hoặc ghé vai vào xà-beng hoặc để xà-beng trước ngực mà bẩy.
Điều 37. – Không được dùng tay thay xà-beng cạy hoặc vần đá.
Khi bẩy những hòn đá to có thể văng xa phải quan sát phía dưới và báo cho người canh gác mở rộng phạm vi nguy hiểm, không cho người đi lại hoặc làm việc trong phạm vi đó.
Điều 38. – Những hòn đá bẩy xuống nửa chừng bị mắc kẹt phải tìm cách gỡ xuống hết. Những hòn đá cheo leo nguy hiểm không cạy gỡ được phải báo cho tổ trưởng hoặc đội trưởng biết để có biện pháp giải quyết thích hợp hoặc đánh mìn ốp cho xuống. Nếu chưa giải quyết được phải đặt biển cấm rằo chắn phía dưới, không cho người vào làm việc hoặc đi lại trong phạm vi nguy hiểm.
Điều 39. - Chỉ khi nào đã bẩy sạch đá, không còn đá cheo leo nguy hiểm có thể rơi bất ngờ, người trên núi đá xuống hết và được phép của cán bộ phụ trách người canh gác mới được bỏ biển cấm, rào chắn và cho người vào làm việc dưới chân núi.
Điều 40. – Xí nghiệp cần bố trí thời gian bắn đá cho hợp lý để có đủ thời gian bẩy hết đá trước khi về nghỉ.
Chương 3:
AN TOÀN KHI SỬ DỤNG THUỐC NỔ BẮN ĐÁ
Điều 41. - Việc bảo quản, vận chuyển và sử dụng thuốc nổ để bắn đá phải triệt để tôn trọng quy phạm an toàn về vận chuyển, bảo quản và sử dụng vật liệu nổ.
Xí nghiệp khai thác đá phải chú trọng thực hiện đúng các quy định cụ thể dưới đây.
Điều 42. – Phải dựa vào bản quy phạm an toàn bảo quản, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ và bản quy phạm này để xây dựng quy trình kỹ thuật an toàn, sử dụng, bảo quản mìn trong xí nghiệp, công trường.
Điều 43. – Những người làm công tác bắn mìn phá đá phải là những người:
- Đã qua lớp học chuyên môn về tính chất các loại kíp, thuốc nổ, và các phương pháp bắn mìn;
- Đã học tập quy phạm an toàn bảo quản, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ;
- Sau khi học tập và qua sát hạch, có đạt yêu cầu, được Ban chỉ huy hoặc giám đốc duyệt, cấp giấy chứng nhận về chuyên môn và an toàn lao động mới được làm công tác nổ mìn.
Nếu là người mới chưa làm công tác bắn mìn, thì sau khi học tập phải qua một thời gian tập sự hai tháng dưới sự hướng dẫn của thợ mìn có kinh nghiệm, khi được tập thể công nhân có đủ khả năng mới được cấp giấy chứng nhận độc lập công tác.
Điều 44. – Người phụ trách công tác bắn mìn phá đá phải là cán bộ kỹ thuật hoặc công nhân đã có nhiều kinh nghiệm sử dụng thuốc nổ, được giám đốc hoặc Ban chỉ huy chỉ định.
Điều 45. – Trước khi tiến hành khoan lỗ bắn mìn phải có thiết kế (mìn buồng) hoặc hộ chiếu do người phụ trách công tác nổ mìn lập ra và được giám đốc hoặc Ban chỉ huy duyệt. Hộ chiếu phải nêu rõ:
1. Sơ đồ bố trí các lỗ khoan:
2. Đường kính và chiều sâu các lỗ khoan;
3. Đoạn nhồi thuốc và đoạn nút lỗ, lượng thuốc trong mỗi lỗ, chiều dài dây cháy chậm của mỗi lỗ.
4. Ranh giới vùng nguy hiểm, nơi bố trí canh gác;
5. Tổng số các lỗ mìn bắn trong một đợt. Phân công cụ thể mỗi người đốt mấy lỗ;
6. Hướng chạy và nơi ẩn nấp của công nhân đốt mìn;
7. Những điều cần chú ý về an toàn lao động trong khi tiến hành công tác.
Chú thích: Bán kính vùng nguy hiểm đối với người vì mảnh đá văng tới phải do hộ chiếu quy định dựa vào phương pháp nổ mìn và điều kiện thực tế từng nơi. Nhưng ít nhất cũng phải bằng hoặc lớn hơn bảng chỉ dẫn dưới đây:
Phương pháp nổ mìn | Bán kính vùng nguy hiểm (tính theo mặt phẳng ngang) |
- Phá đá quá cỡ (đá một) - Nổ mìn trong đá liền (đá via) mìn lô nhỏ, mìn ốp hoặc kề: - Nổ mìn buồng: | Ít nhất 400 mét Ít nhất 300 mét Theo thiết kế |
Điều 46. – Ban chỉ huy công trường hoặc giám đốc xí nghiệp phải quy định tín hiệu nổ mìn thống nhất, phổ biến cho công nhân trong toàn xí nghiệp và thông báo cho nhân dân trong khu vực gần đó biết.
Tín hiệu gồm có:
1. Tín hiệu giới nghiêm: tất cả mọi người không có trách nhiệm về bắn mìn phải ra khỏi khu vực nguy hiểm. Bố trí canh tác không cho người tới khu vực nguy hiểm, thợ mìn bắt đầu nạp thuốc.
2. Tín hiệu chuẩn bị nổ mìn: khi tất cả công nhân bắn mìn đã nhồi thuốc xong, người phụ trách bắn mìn mới báo hiệu chuẩn bị, công nhân đốt mìn chuẩn bị dụng cụ để đốt.
3. Tín hiệu nổ mìn: trước khi báo tín hiệu nổ mìn người phụ trách bắn mìn phải đi kiểm tra lại việc nạp mìn, nếu thợ mìn đã chuẩn bị sẵn sàng bảo đảm an toàn mới phát tín hiệu nổ mìn.
4. Tín hiệu thôi lệnh giới nghiêm: sau khi mìn nổ hết, cán bộ phụ trách bắn mìn phải kiểm tra lại, nếu còn thuốc nổ vương vãi phải thu dọn hết mới phát tín hiệu thôi lệnh giới nghiêm. Nếu có mìn câm phải giữ nguyên lệnh giới nghiêm cho tới khi giải quyết mìn câm xong.
Nhiều công trình khai thác gần nhau, phải thống nhất giờ nổ mìn.
Điều 47. – Khi mang kíp, thuốc nổ ra công trường phải có túi hoặc hòm gỗ đựng kíp riêng, thuốc riêng, để vào nơi mát, tránh những chỗ chấn động mạnh hoặc đất đá có thể văng tới (Trường hợp đựng bằng hồm gỗ có thể để chung thuốc và kíp trong một hòm nhưng phải có ngăn riêng).
Điều 48. – Cán bộ phụ trách công tác bắn mìn phải trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra trong suốt thời gian chuẩn bị, nạp thuốc và bắn mìn.
Điều 49. - Cấm nạp thuốc và bắn mìn khi trời tối hoặc ban đêm. Trường hợp đặc biệt bắn mìn buổi tối phải lập biên bản có biện pháp an toàn cụ thể do giám đốc hoặc Ban chỉ huy duyệt và chịu trách nhiệm đồng thời phải báo với cơ quan công an địa phương.
Điều 50. - Cấm cắt dây cháy chậm quá ngắn hoặc tháo thuốc ở dây ra để đốt bông không. Phải tính toán chiều dài của dây sao cho đủ thời gian để công nhân đốt mìn xong đi tới nơi an toàn mìn mới nổ; nhưng tối thiểu cũng không được ngắn hơn 1 mét.
Điều 51. - Cắt dây mìn phải dùng dao sắt cắt nhẹ tay, không được kê lên sắt, lên đá rồi giơ dao chặt mạnh.
Khi cho dây vào kíp không được ấn mạnh hoặc xoay.
Không được cho dây vào kíp rồi mới cắt.
Không được dùng răng cắn kíp cho gắn liền vào dây mà phải có kìm bấm kíp.
Điều 52. – Khi nhồi thuốc vào lỗ không được dùng que sắt mà phải dùng que tre hoặc gỗ ấn cho các thỏi thuốc khít vào nhau, không thọc mạnh.
Điều 53. – Khi nhồi thuốc xong nhất thiết phải nút lỗ; đất để nút lỗ mìn phải là đất sét mềm, không lẫn đá dăm. Khi nút lỗ phải giữ dây mìn cho thẳng đề phòng dây bị dập nát, mìn không nổ.
Điều 54. – Khi đốt mìn phải có sự phân công cụ thể và ấn định các lối đi lại rõ ràng. Lỗ mìn gần nhau, lối đi lại dễ dàng; mỗi người không được đốt quá năm phát; nếu các lỗ mìn ở xa nhau hoặc đi lại khó khăn mỗi người không được đốt quá hai phát.
Điều 55. – Khi đốt trên năm phát mìn bằng dây cháy chậm và có hai người trở lên đốt phải có ngòi mìn báo hiệu. Dây cháy chậm của ngòi mìn báo hiệu phải cùng loại và ngắn hơn dây của các phát mìn phá đá ít nhất là 60cm. Khi đốt mìn phải đốt ngòi báo hiệu trước, mìn báo hiệu nổ thì người phụ trách bắn mìn phải lập tức ra lệnh cho mọi người dù đốt chưa hết cũng phải rút ra nơi an toàn.
Điều 56. – Khi mìn nổ người phụ trách nổ mìn phải đếm xem mìn đã nổ hết chưa. Nếu đã nổ hết, sau năm phút có thể vào kiểm tra rồi báo hiệu thôi lệnh giới nghiêm. Nếu không đếm được hoặc nghi ngờ có mìn câm phải đợi một giờ sau khi đốt, cán bộ phụ trách bắn mìn mới được vào kiểm tra có đánh dấu các lỗ mìn câm nếu có. Lệnh giới nghiêm phải giữ nguyên trong lúc kiểm tra và cho tới khi giải quyết xong các lỗ mìn câm.
Điều 57. - Việc thanh toán các phát mìn câm phải làm dưới sự hướng dẫn của cán bộ phụ trách bắn mìn và do chính người đã nhồi thuốc, đốt phát mìn đó giải quyết.
Điều 58. – Trong mọi trường hợp, cấm dùng bất cứ vật gì để moi móc hoặc rút dây lấy kíp trong lỗ mìn ra. Trường hợp đặc biệt có những lỗ mìn thuốc chỉ cháy phụt lên chứ không nổ cũng cấm khoan thêm hoặc dùng bất cứ một vật gì thọc mạnh vào lỗ mìn, đề phòng thuốc còn sót lại sẽ nổ gây ra tai nạn. Gặp trường hợp này có thể đợi 30 phút sau khi cháy cho lỗ mìn bớt nóng, rồi nạp thuốc kíp vào bắn lại; trước khi nạp thuốc phải cho một thỏi đất sét mềm xuống đáy lỗ.
Điều 59. - Nếu lỗ mìn chưa nổ, dây mìn còn nguyên chưa cháy và đường cán lỗ mìn không thay đổi nhiều, cán bộ phụ trách bắn mìn có thể cho đốt lại. Nếu dây đã cháy dở hoặc đường cản còn nhỏ không được đốt lại vì dây ngắn cháy chóng hết sẽ không đủ thời gian cho người đốt đi tới nơi an toàn, đường cản nhỏ đá sẽ văn ra gây ra tai nạn.
Điều 60. - Trường hợp bắn mìn theo phương pháp áp thuốc bên ngoài (mìn ốp), nếu không nổ có thể lấy tay khẽ bóc lớp đất phủ bên trên rồi lại cho một mìn mồi khác vào lấp đất như cũ để bắn lại.
Điều 61. – Đối với các lỗ mìn nông, đoạn nút không dài (dưới 40cm) cũng có thể áp thuốc bên ngoài miệng lỗ hoặc lợi dụng các khe có sẵn lấp đất để bắn kích thích cho thuốc mìn trong lỗ câm cùng nổ.
Điều 62. - Trường hợp không thể bắn theo phương pháp áp thuốc bên ngoài được, (như lỗ mìn sâu, đoạn nút dài, thuốc kém truyền nổ) phải khoan một lỗ khác song song với lỗ mìn câm, khoảng cách tùy theo chiều sâu và số lượng thuốc trong lỗ mìn câm, nhưng ít nhất cũng phải ngoài 30 phân, chiều sâu gần bằng lỗ cũ để nhồi thuốc bắn kích thích. Việc xác định hướng lỗ khoan này phải rất thận trọng, nếu khoan chệch vào thuốc mìn câm sẽ làm nổ phát mìn câm gây ra tai nạn.
Điều 63. - Xử lý mìn câm theo phương pháp nào phải do cán bộ phụ trách nổ mìn xem xét, tùy theo hoàn cảnh thực tế của mỗi trường hợp mà quyết định, nhưng không được làm trái với những điều quy định trong quy phạm này.
Điều 64. – Sau khi bắn lại hoặc bắn kích thích xong, cán bộ phụ trách bắn mìn phải kiểm tra xem lỗ mìn câm có nổ hoàn toàn không, nếu còn kíp, thuốc nổ vương vãi phải thu nhặt hết, bảo đảm an toàn mới báo hiệu lệnh an toàn.
Điều 65. – Sau khi mìn nổ phải đợi hiệu lệnh của người phụ trách, công nhân bắn mìn mới được ra khỏi hầm hoặc nơi trú ẩn.
Điều 66. - Nếu một buổi bắn nhiều lỗ mìn, diện bắn mìn rộng, dài, phải bố trí bắn làm nhiều đợt. Phải có chỉ huy thống nhất, nơi xa bắn trước, nơi gần bắn sau.
Điều 67. – Khi bắn mìn làm nhiều đợt phải có sự phân công rõ ràng và báo cho tất cả cán bộ, công nhân có trách nhiệm về bắn mìn biết trước.
Điều 68. - Số lượng thuốc, kíp của công trường, xí nghiệp để sử dụng thường xuyên phải có kho bảo quản theo đúng yêu cầu về thiết kế và khoảng cách an toàn đối với kho tiêu thụ thường xuyên như đã quy định trong bản quy phạm an toàn về bảo quản, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ.
Điều 69. - Thủ kho mìn phải được học tập về tính chất các loại thuốc, kíp và cách bảo quản, sắp xếp các loại thuốc, kíp trong kho... Sau khi học tập có sát hạch và cấp giấy chứng nhận.
Điều 70. – Phân phát thuốc nổ phải có sổ sách xuất nhập rõ ràng theo mẫu quy định chung trong bản hướng dẫn của quy phạm an toàn bảo quản, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ.
Điều 71. – Hàng ngày cán bộ tổ trưởng, đội trưởng phải căn cứ vào hộ chiếu cần bao nhiêu thuốc, kíp thì xin lĩnh bấy nhiêu. Nếu sử dụng còn thừa phải mang trả lại kho, không được mang về nhà ngủ, phòng làm việc hoặc để ở bất cứ nơi nào khác.
Điều 72. – Các hợp tác xã hoặc nhân dân làm khoán bán đá cho cơ quan, xí nghiệp nếu có dùng mìn để bắn đá thì cơ quan hay xí nghiệp cung cấp mìn cho họ phải có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi việc sử dụng hàng ngày theo đúng quy phạm kỹ thuật an toàn.
Chương 4:
AN TOÀN KHI LÀM VIỆC Ở CHÂN NÚI
Điều 73. – Trước khi đưa công nhân vào chân núi làm việc, cán bộ chỉ đạo trực tiếp (tổ trưởng, đội trưởng) phải quan sát kỹ trên núi và xung quanh có bảo đảm an toàn mới cho công nhân vào làm việc.
Điều 74. – Trước khi đập đá hộc phải kiểm tra lại cán búa và nêm đầu búa cho chắc chắn, chỗ đứng phải có thế vững chắc, xung quanh gọn gàng, có đường rút lui khi cần thiết.
Búa đập đá hộc không được nặng quá 5kg.
Điều 75. – Khi đập đá hộc phải chú ý:
- Không đứng quay lưng vào núi;
- Trước khi đập phải gạt hết đá vụn ở trên hòn đá sắp đập, để mảnh đá đỡ văng;
- Các búa có mồ hôi, phải lau khô ngay và phải thường xuyên kiểm tra lại cán búa, đề phòng gẫy hoặc tụt búa gây ra tai nạn.
Điều 76. - Nếu có nhiều người cùng đập, phải đứng thành hàng ngang và cách nhau ít nhất 5m.
Điều 77. - Đập đâu phải cho hết đấy và xếp dọn cho gọn gàng. Đá hộc phải xếp cách xa chỗ đập đá dăm và đường vận chuyển 5 mét. Đống đá không xếp cao quá 1 mét.
Điều 78. – Không được vần hoặc quăng đá hộc trong khi có người đập đá hoặc làm việc khác ở phía dưới.
Điều 79. - Chỗ đập đá dăm phải cách xa chân núi ít nhất 20m và cách chỗ đập đá hộc 10m.
Điều 80. - Đập đá dăm, phải ngồi thành hàng và cách nhau ít nhất 1,5 mét. Không ngồi đối diện với nhau. Không ngồi quay mặt về phía gió bụi.
Khi đập đá phải luôn luôn xem lại cán búa và nêm cho chắc chắn, phải chú ý vào công việc, tránh đập vào tay.
Điều 81. – Bãi đập đá phải do công trường quy định, bãi phải bằng phẳng và đủ rộng để bố trí chỗ đập đá hộc, đá dăm và đi lại được an toàn.
Xí nghiệp phải làm lán che mua nắng cho công nhân đập đá dăm ở công trường.
Điều 82. - Chỗ làm việc phải dọn sạch đá mạt ở chân núi. Khai thác đá mạt phải lấy từ trên xuống không được moi đứng thành hoặc hàm ếch.
Chương 5:
AN TOÀN KHI VẬN CHUYỂN ĐÁ
1. Gánh đá:
Điều 83. – Khi bê đá phải chú ý những hòn đá nứt dạn hoặc mỏng có thể vỡ rơi vào chân. Vận chuyển đá ban đêm phải có đủ ánh sáng.
Điều 84. – Không được vào khu vực nguy hiểm để bốc đá (trên sắp bắn bẩy hoặc đang bắn bẩy, nơi đang đập đá hộc, phía trên có người đang làm việc hoặc đi lại...).
Bốc đá ở đống phải lấy từ trên xuống, không được moi chân đống đá.
Điều 85. – Gánh đá phải có giành, sọt chắc chắn, không được dùng quang hoặc dây trão không để xếp đá.
Trước khi gánh phải kiểm tra lại dây quang, đòn gánh, nếu thấy dây quang sờn sắp đứt, đòn gánh mất mấu hoặc nứt gẫy phải thay hoặc sửa lại cho chắc chắn.
Điều 86. – Khi có nhiều người gánh đá phải đi người trước người sau, không đi hàng ngang, nhất là ở những quãng đường hẹp thì tuyệt đối không để đi hàng ngang.
Điều 87. - Đường để gánh đá phải bằng phẳng, nếu độ dốc lớn phải làm bậc vững chắc.
Cầu để gánh đá qua sông ngòi... phải vững, rộng ít nhất 60cm có tay vịn chắc chắn và phải có biện pháp chống trơn trượt khi trời mưa.
Điều 88. – Khi đổ đá lên đống nếu cần bắc cầu gỗ để lên xuống thì cầu phải đủ cứng, rộng và có nẹp bậc để khi lên xuống không bị trơn ngã gây ra tai nạn.
2. Vận chuyển bằng xe cút-kít:
Điều 89. – Khi xếp đá lên xe, phải để xe ở nơi bằng phẳng. Khi xếp không đứng hai bên thành xe, phải xếp chắc chắn và không đầy quá thành xe.
Điều 90. – Khi đẩy xe không được đi nối đuôi nhau, phải cách nhau ít nhất 5 mét, phải luôn luôn chú ý phía trước để tránh vấp phải đá làm đổ xe.
Tới chỗ đường dốc hai xe phải cách nhau ít nhất 10m. Khi đẩy xe đá lên dốc phải chú ý đề phòng đá lăn vào chân.
Điều 91. – Khi đổ đá phải giữ hai càng xe cho chắc chắn, đề phòng tuột tay càng xe đánh vào người.
Điều 92. – Đường để đẩy xe cút-kít phải bằng phẳng, không lún hoặc lầy lội khi trời mưa. Phải có lối đi đủ rộng hoặc một lối đi một lối về riêng để tránh đâm phải nhau khi đi ngược chiều.
Cầu cho xe đi qua phải cứng, lát bằng phẳng đủ rộng cho xe đi lại được an toàn.
3. Vận chuyển bằng xe goòng:
Điều 93. – Khi đặt đường goòng phải theo đúng các yêu cầu sau đây:
a) Độ dốc của đường không được quá 8 – 10 phần nghìn.
b) Chỗ đường vòng phải làm theo hình cánh cung, không gẫy khúc, ray ngoài phải cao hơn ray trong (cao hơn nhiều hay ít là tùy theo độ cong, độ cong càng lớn thì ray ngoài càng phải cao hơn nhiều) để khi xe goòng đi qua không bị lật đổ.
c) Khi đặt ray hay tà-vẹt phải kê chắc chắn, không được để cập kênh, sau đó phải đổ đất đá cho bằng phẳng để công nhân đẩy goòng đi lại được dễ dàng không vấp ngã.
d) Khoảng cách giữa hai đường ray phải đều và song song, không nhấp nhô hoặc lượn ra, lượn vào.
e) Đoạn nối giữa hai ray phải có một khoảng hở từ 5-15 ly để khi ray co dãn không bị cong; chỗ nối phải có hai thanh nối kẹp hai bên ray và bắt bu-lông chắc chắn.
g) Đoạn cuối đường ray phải làm hơi dốc lên và đóng cọc vững chắc đề phòng goòng lao ra ngoài.
h) Hai bên đường goòng phải để mỗi bên một lối đi rộng tối thiểu 60cm, không được để các vật chướng ngại trên lối đi này.
Điều 94. – Phải thường xuyên kiểm tra đường ray, sửa chữa kịp thời trước chỗ hư hỏng, sai quy cách kỹ thuật để bảo đảm an toàn cho công nhân đẩy goòng.
Điều 95. – Khi bốc đá lên goòng phải chèn goòng cho chắc chắn và phải có cây chống thùng goòng cho khỏi lật. Xếp đá phải cho cân bằng, những hòn đá to cho xuống đáy goòng, không xếp đầy quá thành xe.
Điều 96. – Goòng nặng một tấn trở lên phải có hai người đẩy một goòng. Trước khi cho goòng chạy phải nhìn đằng trước nếu không có gì chướng ngại thì một người hãm phanh giữ goòng lại, một người tháo các chèn bánh, xong rồi mới cho chạy từ từ.
Không được đứng đằng trước goòng để kéo.
Điều 97. – Khi đẩy goòng phải để tay lên gần thành goòng, không để tay vào phía dưới tai goòng, đề phòng toa tự động lật xuống bị kẹp tay.
Điều 98. – Khi goòng trật bánh phải báo ngay cho goòng sau biết, đồng thời nhảy ra ngoài để tránh, đợi khi goòng sau dừng lại hẳn mới trở lại bốc cặm. Khi đẩy goòng gần tới chỗ đường cong hoặc đường dốc phải cho goòng chạy chậm lại.
Điều 99. – Người đẩy goòng phải làm chủ được tốc độ của goòng. Tốc độ tối đa là 6km/giờ. Cấm không được cho goòng chạy tự do.
Goòng không có phanh chân tốt, không được đứng lên tăm-pông của goòng khi goòng đang chạy.
Điều 100. – Hai goòng chở nặng phải cách nhau ít nhất 10 mét, goòng không cách nhau 5 mét. Người đẩy goòng sau có trách nhiệm giữ đúng cự ly nói trên.
Điều 101. – Xe goòng nhất thiết phải có phanh hãm tốt để khi cần thiết có thể hãm goòng dừng lại.
Điều 102. – Khi goòng gần tới nơi đỗ phải cho chạy chậm lại. Khi đổ đá trên goòng xuống phải đợi cho goòng dừng hẳn và quan sát phía dưới, nếu không có trở ngại mới được lật toa.
4. Vận chuyển đá bằng ô-tô:
Điều 103. – Ô-tô dùng để chở đá trong phạm vi công trường cũng phải tôn trọng các luật lệ giao thông của Bộ Giao thông và Bộ Công an ban hành, đồng thời phải tuân theo các điều quy định trong quy phạm này.
Điều 104. – Xí nghiệp khai thác đá có dùng ô-tô để vận chuyển phải xây dựng quy trình an toàn về vận chuyển bằng ô-tô cho công nhân học tập.
Điều 105. – Ô-tô vào trong phạm vi công trường phải chạy chậm lại và theo đúng đường quy định, không được vượt nhau, không được vào những nơi nguy hiểm mà chưa được phép. Trong giờ bắn mìn ô-tô phải đỗ ngoài khu vực cấm.
Điều 106. – Cấm chở người trên thùng xe ben, cho người bám ngoài buồng lái, hoặc ngồi trên thành xe khi xe đang chạy. Những xe chở đá gần đầy thùng hoặc chở các chất nổ không được chở thêm người.
Điều 107. – Vất đá lên xe chỉ được đứng ở một bên. Nếu xe cao phải bắc cầu lên xuống có nẹp bậc chắc chắn.
Chương 6:
PHẠM VI VÀ TRÁCH NHIỆM THI HÀNH
Điều 108. – Bản quy phạm này thay thế bản quy tắc an toàn làm đá kèm theo Thông tư số 05-LĐ-TT ngày 13-02-1961 của Bộ Lao động và áp dụng cho tất cả các xí nghiệp khai thác đá thuộc tất cả các ngành ở trung ương cũng như ở địa phương.
Điều 109. – Toàn thể cán bộ và công nhân làm việc tại các xí nghiệp khai thác đá phải chấp hành nghiêm chỉnh bản quy phạm này.
Giám đốc xí nghiệp và cán bộ điều khiển sản xuất có trách nhiệm tổ chức và hướng dẫn thực hiện đúng đắn bản quy phạm.
Những người vì thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc cố tình vi phạm bản quy phạm này sẽ bị thi hành kỷ luật, trường hợp để xảy ra tai nạn có thể bị truy tố trước tòa án.
Điều 110. – Đối với các hợp tác xã nông nghiệp có khai thác đá, Ủy ban hành chính địa phương sẽ căn cứ vào tinh thần bản quy phạm này mà quy định những điều cần thiết và hướng dẫn thi hành cho thích hợp.