Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2016/TT-BTTTT

Hà Nội, ngày 05 tháng 5 năm 2016

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ VIỆC CHỈ ĐỊNH PHÒNG THỬ NGHIỆM THAM GIA CÁC THỎA THUẬN THỪA NHẬN LẪN NHAU VỀ KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ SỰ PHÙ HỢP ĐỐI VỚI CÁC SẢN PHẨM, HÀNG HÓA LĨNH VỰC VIỄN THÔNG VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;

Căn cứ Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ,

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư quy định về việc chỉ định phòng thử nghiệm tham gia các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp đối với các sản phẩm, hàng hóa lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định các yêu cầu, thủ tục về việc chỉ định phòng thử nghiệm tham gia các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (viết tắt bằng tiếng Anh là MRA) về kết quả đánh giá sự phù hợp đối với các sản phẩm, hàng hóa lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông theo các quy định hiện hành của Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Phòng thử nghiệm (tổ chức thử nghiệm) là tổ chức thực hiện các thao tác kỹ thuật nhằm xác định một hoặc nhiều đặc tính của sản phẩm, hàng hóa theo một quy trình nhất định.

2. Bên tham gia MRA là đại diện quốc gia (trong Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN) hoặc nền kinh tế (trong Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương - APEC) đã trao đổi thư triển khai thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp đối với các sản phẩm, hàng hóa lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin với Việt Nam.

3. Kết quả thử nghiệm của phòng thử nghiệm được Bên tham gia MRA thừa nhận theo các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau sẽ được chấp nhận để phục vụ hoạt động đánh giá sự phù hợp đối với các sản phẩm, hàng hóa lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin sản xuất ở Việt Nam và nhập khẩu vào các quốc gia, nền kinh tế khác.

Điều 4. Yêu cầu đăng ký chỉ định

Để được chỉ định tham gia các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm, hàng hóa lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, phòng thử nghiệm phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

1. Được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật.

2. Có đủ năng lực chuyên môn kỹ thuật để thực hiện các phép đo theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan.

3. Được công nhận tuân thủ tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 - "Yêu cầu chung về năng lực của các phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn" bởi tổ chức công nhận là thành viên của Tổ chức Công nhận phòng thử nghiệm Châu Á - Thái Bình Dương (APLAC) với phạm vi công nhận phù hợp (một phần hoặc toàn bộ) với phạm vi thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về đánh giá sự phù hợp mà Việt Nam và Bên tham gia MRA liên quan đã thống nhất.

Điều 5. Hồ sơ đăng ký chỉ định

1. Phòng thử nghiệm có nhu cầu gửi 01 (một) bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu chính và 01 (một) bộ bằng file điện tử (trong CD hoặc USB) đến:

Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Thông tin và Truyền thông)

Địa chỉ: 18 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: +84(4)39437328

Email: vanthukhcn@mic.gov.vn

2. Hồ sơ đăng ký chỉ định bao gồm:

a) Đơn đăng ký chỉ định tham gia các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp theo mẫu tại Phụ lục I Thông tư này;

b) Bản sao chứng chỉ công nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 kèm theo phạm vi công nhận phù hợp với phạm vi thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá phù hợp mà Việt Nam và Bên tham gia MRA liên quan đã thống nhất;

c) Kết quả thử nghiệm mẫu phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng của Bên tham gia MRA;

d) Các tài liệu có liên quan theo yêu cầu của Bên tham gia MRA (tùy thuộc từng quốc gia, nền kinh tế).

Điều 6. Đánh giá hồ sơ đăng ký chỉ định

1. Vụ Khoa học và Công nghệ xem xét, đánh giá hồ sơ theo các yêu cầu tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư này. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, Vụ Khoa học và Công nghệ có văn bản đề nghị hoàn chỉnh hồ sơ gửi cơ quan, tổ chức đăng ký chỉ định.

2. Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Bộ Thông tin và Truyền thông ra Quyết định thành lập Hội đồng đánh giá chỉ định phòng thử nghiệm. Hội đồng đánh giá chỉ định phòng thử nghiệm gồm các cán bộ quản lý và chuyên gia kỹ thuật chuyên ngành viễn thông và công nghệ thông tin.

3. Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày ra Quyết định thành lập, Hội đồng đánh giá chỉ định tiến hành đánh giá năng lực của phòng thử nghiệm trên cơ sở xem xét hồ sơ và đánh giá trực tiếp tại phòng thử nghiệm theo các yêu cầu quy định tại Điều 4 Thông tư này. Các thành viên Hội đồng đánh giá chỉ định phòng thử nghiệm hoàn thành Phiếu đánh giá chỉ định theo mẫu tại Phụ lục II Thông tư này. Trong vòng 30 (ba mươi) ngày làm việc, phòng thử nghiệm phải thực hiện theo kết luận của Hội đồng đánh giá chỉ định phòng thử nghiệm theo mẫu Biên bản tại Phụ lục III Thông tư này và gửi lại hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này về Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Khoa học và Công nghệ).

4. Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày phòng thử nghiệm đáp ứng đầy đủ các nội dung theo kết luận của Hội đồng đánh giá chỉ định phòng thử nghiệm, Vụ Khoa học và Công nghệ trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét và cho phép gửi đề nghị Bên tham gia MRA thừa nhận phòng thử nghiệm theo các thủ tục đã thống nhất.

5. Trường hợp phòng thử nghiệm đã được chỉ định để phục vụ quản lý chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông; có chứng chỉ công nhận của thành viên APLAC với phạm vi công nhận phù hợp với phạm vi thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về đánh giá phù hợp mà Việt Nam và Bên tham gia MRA liên quan đã thống nhất; sau khi nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này, Vụ Khoa học và Công nghệ trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét và cho phép gửi đề nghị Bên tham gia MRA thừa nhận phòng thử nghiệm theo các thủ tục đã thống nhất.

6. Phòng thử nghiệm sau khi được Bên tham gia MRA thừa nhận sẽ được công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Điều 7. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan

1. Vụ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, Bên tham gia MRA liên quan tổ chức hướng dẫn thực hiện Thông tư này;

b) Chủ trì, phối hợp với Trung tâm thông tin cập nhật Danh sách các phòng thử nghiệm được Bên tham gia MRA thừa nhận trên cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông;

c) Đánh giá giám sát đột xuất khi có khiếu nại hoặc phát hiện biểu hiện vi phạm hoặc không đảm bảo các yêu cầu quy định tại Điều 4 Thông tư này. Trường hợp phòng thử nghiệm vi phạm các quy định, Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo với Bên tham gia MRA để hủy bỏ hiệu lực thừa nhận.

2. Các phòng thử nghiệm được Bên tham gia MRA thừa nhận có trách nhiệm:

a) Định kỳ hàng năm báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông về tình hình hoạt động thử nghiệm và các kiến nghị, đề xuất (nếu có);

b) Trường hợp có sự thay đổi về thông tin phòng thử nghiệm, phạm vi công nhận hoặc thông tin có ảnh hưởng đến khả năng tiếp tục tiến hành các hoạt động trong phạm vi được thừa nhận, phòng thử nghiệm gửi đề nghị thay đổi thông tin về Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Khoa học và Công nghệ) để yêu cầu Bên tham gia MRA cập nhật;

c) Tuân thủ các quy định tại Thông tư này, các quy định về thừa nhận lẫn nhau liên quan và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 30 tháng 6 năm 2016.

2. Bãi bỏ Quyết định số 51/2006/QĐ-BBCVT ngày 01 tháng 12 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định về chỉ định các phòng đo kiểm thiết bị viễn thông tham gia thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về đánh giá hợp chuẩn thiết bị viễn thông TEL MRA.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Khoa học và Công nghệ) để kịp thời giải quyết.

4. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Đơn vị chuyên trách CNTT các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Bộ TT&TT: Bộ trưởng và các Thứ trưởng, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cổng thông tin điện tử của Bộ;
- Lưu: VT, KHCN (5).

BỘ TRƯỞNG




Trương Minh Tuấn

PHỤ LỤC I

(ban hành kèm theo Thông tư số 12/2016/TT-BTTTT ngày 05/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông)

(tên cơ quan, tổ chức chủ quản)
(tên phòng thử nghiệm)

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

……….., ngày ….. tháng ….. năm ……..

ĐƠN ĐĂNG KÝ CHỈ ĐỊNH THAM GIA CÁC THỎA THUẬN THỪA NHẬN

LẪN NHAU (MRA) VỀ KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ SỰ PHÙ HỢP

Kính gửi: Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Khoa học và Công nghệ)

Tên Phòng thử nghiệm: ………………………………………………………………………

Địa chỉ: …………………………………………………………………………………………

Tên Cơ quan, tổ chức chủ quản: ……………………………………………………………

Tên của Tổ chức công nhận: ………………………………………………………………..

Địa chỉ: …………………………………………………………………………………………

Website: ……………………………………………………………………………………….

Ngày được cấp chứng chỉ công nhận: ……………………………………………………..

Ngày hết hạn công nhận: …………………………………………………………………….

Phạm vi được công nhận: (liệt kê các sản phẩm, hàng hóa và quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn, chỉ tiêu kỹ thuật tương ứng đã được công nhận)

Đề nghị được chỉ định tham gia các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá phù hợp đối với các sản phẩm, hàng hóa lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin.

Phạm vi đăng ký chỉ định: (Liệt kê danh sách các sản phẩm, hàng hóa và quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, chỉ tiêu kỹ thuật tương ứng mong muốn được chỉ định phù hợp với phạm vi thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá phù hợp mà Việt Nam và Bên tham gia MRA liên quan đã thống nhất).

Cam kết:

- Các thông tin trong đơn là chính xác.

- Thực hiện mọi quy định về chỉ định và đề nghị thừa nhận.

- Cung cấp đầy đủ các tài liệu, hồ sơ và thực hiện các thủ tục cần thiết để Hội đồng đánh giá chỉ định làm việc và theo yêu cầu của (Bên tham gia MRA).

Người đứng đầu phòng thử nghiệm
(Ký tên, đóng dấu)

PHỤ LỤC II

(ban hành kèm theo Thông tư số 12/2016/TT-BTTTT ngày 05/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông)

PHIẾU ĐÁNH GIÁ CHỈ ĐỊNH PHÒNG THỬ NGHIỆM

Họ tên người đánh giá: …………………………………………………………………………

Chức vụ, đơn vị công tác: ………………………………………………………………………

Vai trò trong hội đồng: …………………………………………………………………………..

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Tên phòng thử nghiệm (PTN): ………………………………………………………………

2. Cơ quan, tổ chức chủ quản: …………………………………………………………………

II. SỰ PHÙ HỢP CÁC YÊU CẦU QUẢN LÝ

1. Sự đầy đủ, phù hợp của hồ sơ:

………………………………………………………………………………………………………

2. Đánh giá năng lực chuyên môn kỹ thuật để thực hiện các phép đo theo các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan (theo nội dung đăng ký):

………………………………………………………………………………………………………

III. KẾT LUẬN

1. Ý kiến đối với việc chỉ định PTN tham gia các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá phù hợp:

□ Nhất trí hoàn toàn

□ Nhất trí (sau khi hoàn thiện theo các ý kiến của Hội đồng)

□ Không nhất trí

2. Phạm vi chỉ định:

□ Chỉ định tất cả các nội dung trong phạm vi đăng ký chỉ định

□ Không chỉ định đối với các nội dung trong phạm vi đăng ký chỉ định sau:

………………………………………………………………………………………………………

3. PTN hoàn thiện các nội dung sau:

………………………………………………………………………………………………………

…….., ngày ... tháng... năm ……….
Người đánh giá
(ký tên, ghi rõ họ tên)

PHỤ LỤC III

(ban hành kèm theo Thông tư số 12/2016/TT-BTTTT ngày 05/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông)

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

………, ngày ….. tháng ….. năm …..

BIÊN BẢN HỌP ĐÁNH GIÁ CHỈ ĐỊNH PHÒNG THỬ NGHIỆM

1. Tên phòng thử nghiệm được đánh giá chỉ định:

2. Thời gian họp và đánh giá chỉ định:

3. Địa điểm họp và đánh giá chỉ định:

4. Thành phần Hội đồng đánh giá chỉ định:

5. Nội dung đánh giá chỉ định:

6. Kết quả đánh giá chỉ định:

THƯ KÝ
(ký tên, ghi rõ họ tên)

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG
(ký tên, ghi rõ họ tên)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 12/2016/TT-BTTTT Quy định về chỉ định phòng thử nghiệm tham gia thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm, hàng hóa lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 12/2016/TT-BTTTT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 05/05/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Trương Minh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 343 đến số 344
  • Ngày hiệu lực: 30/06/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản